Số 1402-1405: Bí tích Thánh Thể, bảo chứng cho vinh quang tương lai

Số 2828-2837: Thánh Thể là lương thực hằng ngày của chúng ta

Số 1336: Cớ vấp phạm

Bài Ðọc I: Cn 9, 1-6

Bài Ðọc II: Ep 5, 15-20

Phúc Âm: Ga 6, 51-59


Số 1402-1405: Bí tích Thánh Thể, bảo chứng cho vinh quang tương lai

Số 1402. Trong một kinh nguyện cổ xưa, Hội Thánh tung hô mầu nhiệm Thánh Thể như sau: “Ôi Tiệc Thánh, trong đó Đức Kitô được rước lấy làm lương thực, việc tưởng niệm cuộc khổ nạn của Người được nhắc lại, tâm trí được tràn đầy ân sủng, và bảo chứng cho vinh quang mai sau được ban cho chúng ta”[1]. Nếu bí tích Thánh Thể là việc tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Chúa, nếu nhờ việc rước lễ tại bàn thờ mà chúng ta được “tràn đầy ân phúc bởi trời”[2], thì bí tích Thánh Thể cũng là sự tham dự trước vào vinh quang thiên quốc.

Số 1403. Trong bữa Tiệc ly, chính Chúa hướng các môn đệ Người đến sự hoàn tất lễ Vượt Qua trong Nước Thiên Chúa: “Thầy bảo cho anh em biết: từ nay, Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày Thầy cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy” (Mt 26,29)[3]. Mỗi lần cử hành bí tích Thánh Thể, Hội Thánh nhớ lại lời hứa này và hướng trông “Đấng đang đến” (Kh 1,4). Trong kinh nguyện, Hội Thánh kêu cầu Người ngự đến: “Marana tha” (1 Cr 16,22), “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến” (Kh 22,20), “Ước gì ân sủng của Ngài đến và trần gian này qua đi”[4].

Số 1404. Hội Thánh biết rằng giờ đây Chúa đã đến trong bí tích Thánh Thể của Người, và Người ở đó giữa chúng ta. Tuy nhiên, sự hiện diện này còn bị che phủ. Chính vì vậy, chúng ta cử hành bí tích Thánh Thể “đang khi chúng con mong đợi niềm hy vọng hồng phúc và ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con”[5], trong khi chúng ta khẩn nguyện được “cùng nhau tận hưởng vinh quang Cha muôn đời, khi Cha lau sạch nước mắt chúng con, vì khi được thấy tường tận Cha là Thiên Chúa chúng con, thì muôn đời chúng con sẽ trở nên giống Cha và sẽ ca ngợi Cha khôn cùng”[6].

Số 1405. Về niềm hy vọng lớn lao này, niềm hy vọng về trời mới đất mới, nơi công lý lưu ngụ cách chắc chắn[7], chúng ta không có bảo chứng nào vững chắc hơn và dấu chỉ nào được biểu lộ rõ ràng hơn, là bí tích Thánh Thể. Thật vậy, mỗi khi mầu nhiệm này được cử hành, thì “công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện”[8] và “chúng ta bẻ cùng một tấm bánh, là phương dược trường sinh bất tử, và của ăn để chúng ta không chết, nhưng đem lại sự sống muôn đời trong Chúa Giêsu Kitô”[9].


Số 2828-2837: Thánh Thể là lương thực hằng ngày của chúng ta

Số 2828. “Xin Cha cho chúng con”: đẹp thay lòng tin tưởng của con cái trông chờ Cha ban cho mọi sự: “Ngài cho mặt trời của Ngài mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,45), Ngài cho tất cả mọi sinh vật “đến bữa cho ăn” (Tv 104,27). Chúa Giêsu dạy chúng ta lời cầu xin này: đây là lời tôn vinh Cha chúng ta, bởi vì lời cầu xin này nhận biết Cha là Đấng quá tốt lành, vượt xa mọi lòng tốt.

Số 2829. “Xin Cha cho chúng con” cũng là lời cầu xin trong tinh thần Giao Ước: chúng ta thuộc về Ngài và Ngài thuộc về chúng ta, lo cho chúng ta. Nhưng từ “chúng con” nhận biết Ngài là Cha của mọi người nên chúng ta cầu xin Cha cho mọi người, trong tình liên đới với các nhu cầu và đau khổ của họ.

Số 2830. “Lương thực”: Chúa Cha, Đấng ban sự sống cho chúng ta, không lẽ lại không ban những gì cần thiết cho sự sống, tất cả những điều thiện hảo “thích hợp”, vật chất cũng như tinh thần. Trong Bài giảng trên núi, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến lòng tín thác con thảo, cùng cộng tác với sự quan phòng của Cha chúng ta[10]. Ngài không muốn chúng ta làm biếng[11], nhưng muốn giải phóng chúng ta khỏi mọi lo âu và bận tâm. Đó là sự phó thác hiếu thảo của con cái Thiên Chúa:

“Đối với những ai tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, Ngài hứa ban cho họ mọi điều khác. Bởi vì mọi sự đều thuộc về Thiên Chúa, nên ai có Thiên Chúa thì sẽ không thiếu thốn sự gì, nếu họ không thiếu vắng Thiên Chúa”[12].

Số 2831. Nhưng sự tồn tại của những người đang đói cơm bánh cho thấy một chiều sâu khác của lời cầu xin này. Thảm kịch đói khát trên thế giới mời gọi các Kitô hữu đang cầu nguyện trong chân lý, phải có trách nhiệm hữu hiệu đối với các anh em, trong cách hành động cá nhân của họ cũng như trong sự liên đới của họ với gia đình nhân loại. Lời cầu xin này trong kinh Lạy Cha không được tách biệt với các dụ ngôn Anh Lazarô nghèo khó[13] và Cuộc Phán Xét Chung[14].

Số 2832. Như men trong bột, sự mới mẻ của Nước Chúa phải làm “dậy men” trái đất bằng Thần Khí của Đức Kitô[15]. Điều này phải được tỏ hiện bằng việc thiết lập công bằng trong các tương quan cá nhân và xã hội, kinh tế và quốc tế, mà đừng bao giờ quên rằng không thể có cơ cấu xã hội công bằng nếu không có những con người muốn sống công bằng.

Số 2833. Đối tượng cầu xin là lương thực của “chúng con”: “một” điều cho “tất cả”. Tinh thần khó nghèo theo các mối phúc là nhân đức chia sẻ: nó thúc đẩy thông chia và phân phát những của cải vật chất cũng như tinh thần, không vì cưỡng bách nhưng do tình yêu, ngõ hầu sự dư thừa của người này bù đắp sự túng thiếu của những người khác[16].

Số 2834. “Cầu nguyện và làm việc”[17]. “Anh em hãy cầu nguyện như thể tất cả tuỳ thuộc vào Thiên Chúa, và hãy làm việc như thể tất cả tuỳ thuộc vào anh em”[18]. Cả khi chúng ta đã hoàn tất công việc của mình, lương thực vẫn là một hồng ân của Cha chúng ta; đẹp thay việc cầu xin Ngài và tạ ơn Ngài về lương thực đó. Đó là ý nghĩa của kinh chúc lành bữa ăn trong gia đình Kitô giáo.

Số 2835. Lời cầu xin này và trách nhiệm kèm theo, cũng có giá trị đối với một nạn đói khác khiến cho con người phải diệt vong: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4)[19], nghĩa là nhờ Lời và Thần Khí của Thiên Chúa. Các Kitô hữu phải vận dụng mọi nỗ lực của mình để “những người nghèo khó được loan báo Tin Mừng”. Trên trái đất còn những người đói khát, “không phải đói bánh ăn, cũng không phải khát nước uống, mà là đói khát được nghe Lời Chúa” (Am 8,11). Vì thế, ý nghĩa đặc thù Kitô giáo của lời cầu xin thứ tư này liên quan đến Bánh trường sinh: đó là Lời Chúa được đón nhận trong đức tin, là Mình Thánh Chúa Kitô được lãnh nhận trong bí tích Thánh Thể[20].

Số 2836. “Hôm nay” cũng là kiểu nói biểu lộ sự phó thác. Chúa dạy chúng ta điều này[21]; chứ chúng ta không thể sáng chế ra. Đặc biệt khi nói đến Lời Chúa và Mình Thánh của Con Ngài, từ “hôm nay” không chỉ nói đến hiện tại của thời gian chóng qua, mà còn là ngày “Hôm nay” của Thiên Chúa:

“Nếu mỗi ngày bạn lãnh nhận lương thực, thì mỗi ngày đều là ngày hôm nay cho bạn. Nếu Đức Kitô hôm nay là của bạn, thì mỗi ngày Người sống lại cho bạn. Làm sao lại như thế được? ‘Con là con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra con’ (Tv 2,7). Vì vậy, Ngày Hôm Nay là khi Đức Kitô sống lại”[22].

Số 2837. “Hằng ngày”. Tân Ước không sử dụng từ “hằng ngày” (épiousios) ở chỗ nào khác. Theo nghĩa thời gian, từ này là sự lặp lại từ “hôm nay” theo kiểu sư phạm[23], để dạy chúng ta phó thác cách triệt để. Theo nghĩa phẩm chất, từ này có nghĩa là điều cần thiết cho sự sống và, hiểu rộng hơn, mọi điều thiện hảo đủ để tồn tại[24]. Theo nghĩa văn tự (épi-ousios: “super-substantiale”, vượt trên điều cốt thiết), từ này trực tiếp nói đến Bánh trường sinh, là Mình Thánh Chúa Kitô, “phương dược trường sinh”[25], mà nếu không có lương thực này, chúng ta sẽ không có sự sống nơi mình[26]. Sau cùng, kết hợp với điều đã nói trên, ý nghĩa thiên quốc là rõ ràng: “ngày” là ngày của Chúa, ngày của Bàn tiệc Nước Trời, mà bí tích Thánh Thể là một sự tham dự trước, như nếm trước Nước Trời đang đến. Chính vì vậy, phụng vụ Thánh Thể phải được cử hành “hằng ngày”.

“Vậy Thánh Thể là lương thực hằng ngày của chúng ta…. Đặc tính của lương thực thần thiêng này là sự hợp nhất, để một khi được kết hợp trong Mình Thánh Người, trở nên các chi thể của Người, chúng ta trở thành điều chúng ta lãnh nhận…. Và lương thực hằng ngày là khi anh em nghe các bài đọc mỗi ngày ở nhà thờ; lương thực hằng ngày là khi anh em nghe và hát các thánh thi. Bởi vì những điều đó là cần thiết cho cuộc lữ hành của chúng ta”[27].

“Cha trên trời thúc dục chúng ta là, với tư cách là con cái bởi trời, chúng ta hãy cầu xin Bánh bởi trời[28]. Đức Kitô ‘chính Người là tấm bánh được gieo trồng trong lòng Đức Trinh Nữ, dậy men trong xác phàm, làm thành bánh trong cuộc khổ nạn, nấu nương trong lò huyệt mộ, lưu giữ trong các nhà thờ, được dâng lên trên các bàn thờ, hằng ngày cung cấp lương thực bởi trời cho các tín hữu’”[29].


Số 1336: Cớ vấp phạm

Số 1336. Lời loan báo đầu tiên về bí tích Thánh Thể đã gây chia rẽ các môn đệ, giống như lời loan báo về cuộc khổ nạn đã làm cho họ vấp phạm: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” (Ga 6,60). Thánh Thể và Thánh Giá là những hòn đá gây vấp ngã. Vẫn là cùng một mầu nhiệm, và mầu nhiệm đó không ngừng là cớ gây chia rẽ. “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” (Ga 6,67): Câu hỏi này của Chúa vang vọng qua các thời đại, với tính cách một lời mời gọi của tình yêu của Người để khám phá ra rằng, chỉ một mình Người mới có “những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68), và việc đón nhận hồng ân Thánh Thể của Người trong đức tin là đón nhận chính Người.


Bài Ðọc I: Cn 9, 1-6

“Các ngươi hãy ăn bánh của ta, và hãy uống rượu ta đã pha cho các ngươi”.

Trích sách Châm Ngôn.

Sự khôn ngoan đã xây nhà mình và dựng bảy cột trụ, đã giết các sinh vật, pha rượu, dọn bàn tiệc, và sai những nữ tỳ lên các nơi cao trong thành mà công bố rằng: “Ai ngây thơ, hãy đến cùng ta”. Và bảo những kẻ mê muội rằng: “Các ngươi hãy đến ăn bánh của ta, và uống rượu ta đã pha cho các ngươi. Các ngươi hãy bỏ sự ngây dại đi, thì sẽ được sống, và hãy bước theo đường lối khôn ngoan”.

Ðó là lời Chúa.


Ðáp Ca: Tv 33, 2-3. 10-11. 12-13. 14-15

Ðáp: Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao.

Xướng: 1) Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui.

Ðáp: Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao.

2) Các thánh nhân của Chúa hãy tôn sợ Chúa, vì người tôn sợ Chúa chẳng thiếu thốn chi; bọn sang giàu đã sa cơ nghèo đói, nhưng người tìm Chúa chẳng thiếu chi thiện hảo.

Ðáp: Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao.

3) Các đệ tử ơi, hãy lại đây, hãy nghe ta, ta sẽ dạy cho các con biết tôn sợ Chúa. Ai là người yêu quý cuộc đời, mong sống lâu để hưởng nhiều phúc lộc.

Ðáp: Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao.

4) Hãy giữ lưỡi đừng nói ra điều ác, và ngậm môi cho khỏi thốt ra lời gian ngoa. Hãy lo tránh ác và hành thiện, hãy tìm kiếm và theo đuổi bình an.

Ðáp: Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao.


Bài Ðọc II: Ep 5, 15-20

“Anh em hãy ăn ở khôn ngoan theo thánh ý Chúa”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, anh em hãy xét coi phải ăn ở thế nào cho thận trọng, đừng như những kẻ dại dột, song như những người khôn ngoan: biết lợi dụng thời giờ, vì thời buổi này đen tối. Vì thế anh em chớ ăn ở bất cẩn, nhưng hãy hiểu biết thế nào là thánh ý Thiên Chúa. Anh em chớ say sưa rượu chè, vì rượu sinh ra dâm dục, nhưng hãy tiếp nhận dồi dào Chúa Thánh Thần, cùng nhau hát lên những thánh vịnh, những ca vãn và những bài ca đạo đức và hết lòng ca tụng Chúa. Hãy luôn luôn cảm tạ Thiên Chúa là Cha trong mọi nơi mọi sự, nhân danh Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Ðó là lời Chúa.


Alleluia: Ga 14,23

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: “Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy”. - Alleluia.


Phúc Âm: Ga 6, 51-59

“Thịt Ta thật là của ăn, và Máu Ta thật là của uống”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do Thái rằng: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”.

Vậy người Do Thái tranh luận với nhau rằng: “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?”

Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha, là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Ðây là bánh bởi trời xuống. Không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết, ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời”.

Ðó là lời Chúa.


______

[1] Lễ Trọng kính Mình và Máu thánh Chúa Kitô, Điệp ca kinh “Magnificat” Kinh Chiều II: Các Giờ Kinh Phụng Vụ, editio typica, v. 3 (Typis Polyglottis Vaticanis 1973) 502.

[2] Kinh nguyện Thánh Thể I hay Lễ Quy Rôma, 96: Sách Lễ Rôma, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 453.

[3] X. Lc 22,18; Mc 14,25.

[4] Didaché, 10, 6: SC 248, 180 (Funk, Patres apostolici, 1, 24).

[5] Nghi thức Hiệp lễ, 126 [Lời nguyện sau kinh Lạy Cha]: Sách Lễ Rôma, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 472; x. Tt 2,13.

[6] Kinh nguyện Thánh Thể III, 116: Sách Lễ Rôma, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 465.

[7] X. 2 Pr 3,13.

[8] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 3: AAS 57 (1965) 6.

[9] Thánh Ignatiô Antiôchia, Epistula ad Ephesios, 20, 2: SC 10bis, 76 (Funk 1, 230).

[10] X. Mt 6,25-34.

[11] X. 2 Tx 3,6-13.

[12] Thánh Cyprianô, De dominica Oratione, 21: CCL 3A, 103 (PL 4, 551).

[13] X. Lc 16,19-31.

[14] X. Mt 25,31-46.

[15] X. CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Apostolicam actuositatem, 5: AAS 58 (1966) 842.

[16] X. 2 Cr 8,1-15.

[17] E traditione benedictina. X. Thánh Bênêđictô, Regula, 20: CSEL 75, 75-76 (PL 66, 479-480); Ibid., 48: CSEL 75, 114-119 (PL 66, 703-704).

[18] Câu nói được coi là của thánh Inhaxiô Loyola; x. Petrus de Ribadeneyra, Tractus de modo gubernandi sancti Ignatii, c. 6, 14: MHSI 85, 631.

[19] X. Đnl 8,3.

[20] X. Ga 6,26-58.

[21] X. Mt 6,34; Xh 16,19.

[22] Thánh Ambrôsiô, De sacramentis, 5, 26: CSEL 73, 70 (PL 16, 453).

[23] X. Xh 16,19-21.

[24] X. 1 Tm 6,8.

[25] Thánh Ignatiô Antiôchia, Epistula ad Ephesios, 20, 2: SC 10bis, 76 (Funk 1, 230).

[26] X. Ga 6,53-56.

[27] Thánh Augustinô, Sermo 57, 7, 7: PL 38, 389-390.

[28] X. Ga 6,51.

[29] Thánh Phêrô Kim Ngôn, Sermo 67, 7: CCL 24A, 404-405 (PL 52, 402).