Số 2571: Lòng hiếu khách của Abraham
Số 2571. Vì tin vào Thiên Chúa[1], đi trước nhan Ngài và trong giao ước với Ngài,[2] tổ phụ Abraham đã sẵn sàng đón tiếp Vị khách huyền bí vào lều trại của mình. Lòng hiếu khách đặc biệt của tổ phụ tại Mambrê mở đường cho Thiên Chúa loan báo về Người Con đích thực của lời hứa[3]. Từ lúc đó, khi được Thiên Chúa bộc lộ cho biết ý định của Ngài, trái tim của tổ phụ Abraham đã hòa theo lòng trắc ẩn của Chúa mình đối với loài người và dám chuyển cầu cho họ với một niềm tin tưởng bạo dạn[4].
Số 2241: Tiếp đón người lạ
Số 2241. Những quốc gia giàu hơn buộc phải đón nhận, bao nhiêu có thể, những người nước ngoài đến tìm kiếm an ninh và sinh kế mà họ không có được nơi chính quê hương họ. Công quyền phải quan tâm tôn trọng quyền tự nhiên là luật đặt người khách dưới sự che chở của những ai đón nhận họ.
Vì công ích, chính quyền có thể quy định một số điều kiện pháp lý cho quyền nhập cư, nhất là đòi hỏi các người di cư phải tôn trọng các bổn phận đối với quốc gia đón nhận họ. Người nhập cư buộc phải tôn trọng, với lòng biết ơn, di sản vật chất và tinh thần của đất nước đón nhận họ, tuân thủ luật pháp và chia sẻ các nhiệm vụ trong nước đó.
Số 2709-2719: Cầu nguyện chiêm niệm
Số 2709. Cầu nguyện chiêm niệm là gì? Thánh nữ Têrêsa trả lời: “Theo tôi, tâm nguyện không gì khác hơn là cuộc trao đổi thân tình giữa bạn hữu, trong đó chúng ta năng dành thời gian để một mình ở bên Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta biết là Ngài yêu thương chúng ta”[5].
Việc cầu nguyện chiêm niệm tìm kiếm “Đấng lòng ta yêu mến” (Dc 1,7)[6]. Chúng ta tìm kiếm Chúa Giêsu, và Chúa Cha hiện diện trong Người, bởi vì khao khát Người luôn là khởi đầu cho sự yêu mến Người. Và chúng ta tìm kiếm Người trong đức tin tinh tuyền, một đức tin khiến chúng ta được sinh ra bởi Người và được sống trong Người. Chúng ta cũng có thể suy niệm khi cầu nguyện chiêm niệm, nhưng cái nhìn luôn hướng về Chúa.
Số 2710. Việc chọn lúc nào và bao lâu để cầu nguyện chiêm niệm tuỳ thuộc một ý chí mạnh mẽ, bộc lộ những điều kín nhiệm trong lòng. Không phải chỉ chiêm niệm khi nào có thời giờ, nhưng chúng ta phải dành thời giờ để ở với Chúa, với quyết tâm không rút lại thời gian, dù việc gặp gỡ có cực khổ và khô khan. Không thể suy niệm bất cứ lúc nào, nhưng luôn luôn có thể cầu nguyện chiêm niệm bởi vì nó không lệ thuộc vào điều kiện sức khoẻ, công tác hay cảm xúc. Trái tim là nơi tìm kiếm và gặp gỡ, trong khó nghèo và tin tưởng.
Số 2711. Khởi sự cầu nguyện chiêm niệm cũng tương tự như khởi đầu Thánh lễ: dưới tác động của Chúa Thánh Thần, chúng ta phải hồi tâm và cả hữu thể của chúng ta, sống trong nhà của Chúa, là chính chúng ta, dục lòng tin để tiến vào sự hiện diện của Đấng đang chờ đón chúng ta, chúng ta phải bỏ rơi mặt nạ và hướng tâm hồn về Chúa là Đấng yêu thương chúng ta, để phó dâng bản thân chúng ta cho Ngài như lễ phẩm cần được thanh luyện và biến đổi.
Số 2712. Việc cầu nguyện chiêm niệm là kinh nguyện của con cái Thiên Chúa, của tội nhân đã được tha thứ, sẵn sàng đón nhận tình yêu đã yêu thương họ, và muốn đáp lại tình yêu đó bằng yêu mến nhiều hơn[7]. Nhưng người đó biết rõ tình yêu báo đáp của họ là tình yêu Chúa Thánh Thần đã tuôn đổ vào lòng họ, bởi vì tất cả mọi ân sủng đều đến từ Thiên Chúa. Cầu nguyện chiêm niệm là phó thác cách khiêm tốn và khó nghèo cho thánh ý yêu thương của Chúa Cha trong sự hợp nhất ngày càng sâu xa hơn với Con yêu dấu của Ngài.
Số 2713. Như thế, việc cầu nguyện chiêm niệm là hình thức đơn sơ nhất của mầu nhiệm cầu nguyện. Việc cầu nguyện chiêm niệm là một hồng ân, một ân sủng, chỉ có thể đón nhận trong sự khiêm tốn và khó nghèo. Cầu nguyện chiêm niệm là một tương quan của Giao ước được Thiên Chúa thiết lập nơi đáy lòng chúng ta[8]. Cầu nguyện chiêm niệm là hiệp thông: Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, trong sự hiệp thông này, làm cho con người, là hình ảnh Thiên Chúa, trở nên “giống như Thiên Chúa”.
Số 2714. Cầu nguyện chiêm niệm cũng là nhịp mạnh cách đặc biệt của việc cầu nguyện. Trong cầu nguyện chiêm niệm, Chúa Cha củng cố chúng ta nên mạnh mẽ nhờ Thần Khí của Ngài trong con người nội tâm, để Đức Kitô cư ngụ trong lòng chúng ta nhờ đức tin và để chúng ta được bén rễ sâu và được xây dựng vững chắc trong đức mến[9].
Số 2715. Cầu nguyện chiêm niệm là cái nhìn đầy lòng tin, chiêm ngắm Chúa Giêsu. Người dân quê làng Ars xưa đã cầu nguyện trước Nhà Tạm rồi nói với cha sở thánh của ông : “Tôi nhìn Chúa và Chúa nhìn tôi”[10]. Sự chăm chú nhìn Chúa như vậy là sự từ bỏ “cái tôi”. Cái nhìn của Chúa thanh luyện tâm hồn chúng ta. Ánh sáng trong cái nhìn của Chúa Giêsu chiếu sáng con mắt tâm hồn chúng ta; ánh sáng ấy dạy chúng ta biết nhìn mọi sự dưới ánh sáng chân lý và lòng thương xót của Người đối với tất cả mọi người. Việc cầu nguyện chiêm niệm cũng hướng cái nhìn vào các mầu nhiệm của cuộc đời Đức Kitô. Như thế, việc cầu nguyện này dạy “sự hiểu biết nội tâm về Chúa” để yêu mến và bước theo Người nhiều hơn nữa[11].
Số 2716. Cầu nguyện chiêm niệm là lắng nghe Lời Chúa. Đây không phải là một thái độ thụ động, mà là sự tuân phục của đức tin, là sự chấp nhận tuyệt đối của người tôi tớ và là sự gắn bó yêu thương của người con. Sự lắng nghe này tham dự vào tiếng “Amen” của Người Con đã hạ mình làm Tôi tớ và tiếng “Fiat” của người nữ tì khiêm tốn của Chúa.
Số 2717. Cầu nguyện chiêm niệm là thinh lặng, “biểu tượng của thế giới đang tới”[12], hay “lời thầm lặng của tình yêu”[13]. Các lời nói trong việc cầu nguyện chiêm niệm không phải là những diễn từ, nhưng là những cọng rơm nuôi ngọn lửa tình yêu. Trong sự thinh lặng này, là điều con người “bên ngoài” không thể chịu đựng nổi, Chúa Cha nói cho chúng ta biết Ngôi Lời của Ngài nhập thể, chịu đau khổ, chịu chết và sống lại; Thần Khí nghĩa tử giúp cho chúng ta tham dự vào lời cầu nguyện của Chúa Giêsu.
Số 2718. Cầu nguyện chiêm niệm là sự kết hợp với lời cầu nguyện của Đức Kitô vì cho chúng ta tham dự vào mầu nhiệm của Người. Mầu nhiệm Đức Kitô được Hội Thánh cử hành trong Thánh Lễ và được Chúa Thánh Thần làm cho sống động trong chiêm niệm, để mầu nhiệm đó được bày tỏ qua các hành vi yêu mến.
Số 2719. Cầu nguyện chiêm niệm là sự hiệp thông tình yêu mang lại sự sống cho nhiều người, nếu chúng ta chấp nhận bước đi trong đêm tối đức tin. Đêm Vượt Qua của cuộc Phục sinh phải xuyên qua đêm hấp hối và đêm huyệt mộ. Đó là ba thời trong Giờ của Chúa Giêsu mà Thần Khí của Người (chứ không phải “xác thịt yếu đuối”) đã để cho Người phải trải qua; trong chiêm niệm, chúng ta đưa ba thời trong Giờ của Người vào đời sống. Chúng ta phải chấp nhận “canh thức một giờ với Người”[14].
Số 618, 1508: Chia sẻ những đau khổ của Chúa Kitô vì Thân Thể Người
Số 618. Thánh giá là hy tế duy nhất của Đức Kitô, Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người[15]. Nhưng bởi vì, trong Ngôi Vị Thiên Chúa nhập thể của Người, “một cách nào đó Người đã tự kết hợp với toàn thể mọi người”[16], nên Người đã “ban cho mọi người một khả năng để, theo cách Thiên Chúa biết, họ được kết hợp vào mầu nhiệm Vượt Qua”[17]. Người kêu gọi các môn đệ vác thập giá mình mà theo Người[18], bởi vì Người đã chịu khổ nạn vì chúng ta, đã để lại một gương mẫu cho chúng ta dõi bước theo Người[19]. Quả thật, Người cũng muốn những người đầu tiên hưởng nhờ hy tế cứu chuộc của Người được kết hợp vào hy tế ấy [20]. Điều đó được thực hiện, một cách cao cả nhất, nơi Mẹ Người, Mẹ được kết hợp vào mầu nhiệm cuộc khổ nạn cứu chuộc của Người một cách mật thiết hơn bất cứ ai khác[21].
“Đây là chiếc thang thật và duy nhất của thiên đàng, và ngoài thập giá, không có chiếc thang nào khác để lên trời”[22].
Số 1508. Chúa Thánh Thần ban cách đặc biệt cho một số người đoàn sủng chữa lành[23] để biểu lộ sức mạnh của ân sủng của Đấng phục sinh. Tuy nhiên những lời cầu nguyện sốt sắng nhất cũng không luôn luôn chữa lành tất cả mọi bệnh tật. Thánh Phaolô phải học nơi Chúa điều này: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12,9); và những đau khổ phải chịu có thể có ý nghĩa này: “Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho Thân Thể Người là Hội Thánh” (Cl 1,24).
Số 568, 772: “Niềm hy vọng đạt tới vinh quang” trong Hội Thánh và trong các bí tích của Hội Thánh
Số 568. Cuộc Hiển Dung của Chúa Kitô nhằm mục đích củng cố đức tin của các Tông Đồ để chuẩn bị cho cuộc khổ nạn: việc leo lên “núi cao” chuẩn bị cho việc leo lên đồi Calvariô. Đức Kitô, Đầu của Hội Thánh, biểu lộ điều Thân Thể Người ao ước và là điều được phản ánh trong các bí tích: đó là “niềm hy vọng đạt tới vinh quang” (Cl 1,27)[24].
Số 772. Trong Hội Thánh, Đức Kitô hoàn thành và mạc khải mầu nhiệm riêng của Người như mục đích của kế hoạch của Thiên Chúa: “quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô” (Ep l,l0). Thánh Phaolô gọi cuộc kết hợp phu phụ của Đức Kitô với Hội Thánh là “một mầu nhiệm cao cả” (Ep 5,32). Bởi vì được kết hợp với Đức Kitô như với Phu Quân của mình[25], nên chính Hội Thánh cũng trở thành một mầu nhiệm[26]. Khi chiêm ngắm mầu nhiệm nơi Hội Thánh, thánh Phaolô đã thốt lên: “Đức Kitô đang ở giữa anh em, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang” (Cl 1,27).
Bài Ðọc I: St 18, 1-10a
“Ðối với Thiên Chúa có gì khó đâu. Ta trở lại thăm ông và Sara được một đứa con trai”.
Trích sách Sáng Thế.
Trong những ngày ấy, Chúa hiện ra cùng Abraham dưới chòm cây ở Mambrê, đang lúc ông ngồi ở cửa lều giữa trưa nóng bức. Ông ngước mắt lên thấy ba người nam xuất hiện, đứng gần ông: Vừa trông thấy, từ cửa lều, ông chạy ra đón các vị ấy, rồi sấp mình lạy và thưa rằng: “Lạy Chúa, nếu con được đẹp lòng Chúa, xin đừng bỏ đi qua, con xin lấy ít nước để các Ðấng rửa chân, và nghỉ mát. Con xin đem ít bánh mời các Ðấng dùng để lấy sức lại rồi sẽ đi: chính vì thế mà các Ðấng đã ghé vào nhà con”. Các Ðấng ấy nói: “Như ông đã ngỏ, xin cứ làm”.
Abraham liền vào lều, và bảo Sara rằng: “Hãy mau mau trộn ba đấu bột làm bánh nướng”. Còn ông, ông chạy đến đoàn bò bắt một con bê non hảo hạng, trao cho đầy tớ đem đi nấu. Ông lấy bơ sữa và thịt bê đã chín, dọn ra trước mặt các Ðấng. Chính ông đứng hầu các Ðấng dưới bóng cây.
Ăn xong, các Ðấng hỏi Abraham rằng: “Sara bạn ông đâu?” Ông trả lời: “Kìa, bạn con ở trong lều”. Một Ðấng nói tiếp: “Ðộ này sang năm, khi Ta trở lại thăm ông, thì cả hai vẫn còn mạnh khoẻ, và Sara bạn ông sẽ được một con trai”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 14, 2-3ab. 3cd-4ab. 5
Ðáp: Lạy Chúa, ai được cư ngụ trên núi thánh của Chúa?
Xướng: 1) Người sống thanh liêm và thực thi công chính, và trong lòng suy nghĩ điều ngay, và lưỡi không bịa lời vu khống.
Ðáp: Lạy Chúa, ai được cư ngụ trên núi thánh của Chúa?
2) Người không làm ác hại bạn đồng liêu, cũng không làm nhục cho ai lân cận. Người coi rẻ đứa bất nhân, nhưng kính yêu những ai tôn sợ Chúa.
Ðáp: Lạy Chúa, ai được cư ngụ trên núi thánh của Chúa?
3) Người không xuất tiền đặt nợ thu lời, cũng không ăn hối lộ hại người hiền lương. Người thực thi những điều kể đó, thì muôn đời chẳng có lung lay.
Ðáp: Lạy Chúa, ai được cư ngụ trên núi thánh của Chúa?
Bài Ðọc II: Cl 1, 24-28
“Mầu nhiệm ẩn giấu từ muôn thuở, nhưng nay đã được tỏ bày cho các thánh”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.
Anh em thân mến, hiện nay tôi vui sướng trong những đau khổ tôi phải chịu vì anh em. Tôi bổ khuyết nơi thân xác tôi những gì còn thiếu sót trong cuộc thương khó của Ðức Kitô, để Hội thánh là thân xác của Người được nhờ. Tôi đã được trở thành người phục vụ Hội thánh theo sự an bài của Thiên Chúa, Ðấng đã trao phó cho tôi rao giảng đầy đủ lời Chúa, đó là mầu nhiệm ẩn giấu từ muôn thuở qua muôn thế hệ, nhưng nay đã được tỏ bày cho các thánh của Người. Thiên Chúa muốn tỏ bày cho họ biết thế nào là sự phong phú vinh quang của mầu nhiệm nơi dân ngoại, tức là Ðức Kitô trong anh em, Người là niềm hy vọng vinh quang. Tôi loan báo Người, cảnh tỉnh mọi người, đem tất cả khôn ngoan mà dạy dỗ mọi người, để làm cho mọi người nên hoàn hảo trong Ðức Giêsu Kitô.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Mt 4,4b
Alleluia, alleluia! - Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 10, 38-42
“Martha rước Người vào nhà mình. Maria đã chọn phần tốt nhất”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu vào một làng kia và có một phụ nữ tên là Martha rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. Martha bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: “Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với”. Nhưng Chúa đáp: “Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất”.
Ðó là lời Chúa.
____________
[1] X. St 15,6.
[2] X. St 17,1-2.
[3] X. St 18,1-15; Lc 1,26-38.
[4] X. St 18,16-33.
[5] X. Thánh Têrêsa Giêsu, Libro de la vida, 8: Biblioteca Mística Carmelitana, v. 1 (Burgos 1915) 57.
[6] X. Dc 3,1-4.
[7] X. Lc 7,36-50; 19,1-10.
[8] X. Gr 31,33.
[9] X. Ep 3,16-17.
[10] X. F. Trochu, Le Curé d’Ars Saint Jean-Marie Vianney (Lyon-Paris 1927) 223-224.
[11] X. Thánh Ignatiô Loyola, Exercitia spiritualia, 104: MHSI 100, 224.
[12] Thánh Isaac Ninivê, Tractatus mystici, 66: ed. A.J. Wensinck (Amsterdam 1923) 315; ed. P. Bedjan (Parisiis-Lipsiae 1909) 470.
[13] Thánh Gioan Thánh Giá, Carta, 6: Biblioteca Mística Carmelitana, v. 13 (Burgos 1931) 262.
[14] X. Mt 26,40-41.
[15] X. 1 Tm 2,5.
[16] CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 22: AAS 58 (1966) 1042.
[17] CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 22: AAS 58 (1966) 1043.
[18] X. Mt 16,24.
[19] X. 1 Pr 2,21.
[20] X. Mc 10,39; Ga 21,18-19; Cl 1,24.
[21] X. Lc 2,35.
[22] Thánh Rôsa Lima: P.Hansen, Vita mirabilis […] venerabilis sororis Rosae de sancta Maria Limensis (Romae 1664) 137.
[23] X. 1 Cr 12,9.28.30.
[24] X. Thánh Lêô Cả, Sermo 51, 3: CCL 138A, 298-299 (PL 54, 310).
[25] X. Ep 5,25-27.
[26] X. Ep 3,9-l1.