Số 1506-1509: Các môn đệ tham dự vào sứ vụ chữa lành của Đức Kitô

Số 737-741: Hội Thánh được kêu gọi để loan báo và làm chứng

Số 849-856: Nguồn gốc và phạm vi sứ vụ của Hội Thánh

Số 1122, 1533: Lưu ý về sứ vụ

Số 693, 698, 706, 1107, 1296: Chúa Thánh Thần như là bảo chứng và dấu ấn của Thiên Chúa

Số 492: Đức Maria như là mẫu gương độc đáo của việc được chọn trước cả khi tạo thành vũ trụ

Bài Ðọc I: Am 7, 12-15

Bài Ðọc II: Ep 1, 3-14

Phúc Âm: Mc 6, 7-13


Số 1506-1509: Các môn đệ tham dự vào sứ vụ chữa lành của Đức Kitô

Số 1506. Đức Kitô mời gọi các môn đệ vác thánh giá của mình[1] mà theo Người. Khi theo Người, các môn đệ có được một tầm nhìn mới về các bệnh tật và các bệnh nhân. Chúa Giêsu đã cho họ dự phần vào đời sống nghèo khó và phục vụ của Người. Người cho họ tham dự vào thừa tác vụ cảm thương và chữa lành của Người: “Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh” (Mc 6,12-13).

Số 1507. Chúa phục sinh đã lặp lại sứ vụ này (“Nhân danh Thầy... họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe” Mc 16,17-18) và xác nhận sứ vụ đó qua các dấu chỉ Hội Thánh thực hiện trong khi kêu cầu Danh Người[2]. Các dấu chỉ này biểu lộ cách đặc biệt Chúa Giêsu thật sự là “Thiên Chúa cứu độ”[3].

Số 1508. Chúa Thánh Thần ban cách đặc biệt cho một số người đoàn sủng chữa lành[4] để biểu lộ sức mạnh của ân sủng của Đấng phục sinh. Tuy nhiên những lời cầu nguyện sốt sắng nhất cũng không luôn luôn chữa lành tất cả mọi bệnh tật. Thánh Phaolô phải học nơi Chúa điều này: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12,9); và những đau khổ phải chịu có thể có ý nghĩa này: “Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho Thân Thể Người là Hội Thánh” (Cl 1,24).

Số 1509. “Hãy chữa lành người đau yếu!” (Mt 10,8). Hội Thánh đã nhận nơi Chúa mệnh lệnh này và cố gắng thi hành mệnh lệnh đó qua việc chăm sóc các bệnh nhân và việc nguyện cầu để đồng hành với họ. Hội Thánh tin vào sự hiện diện sống động của Đức Kitô, vị thầy thuốc của cả phần hồn phần xác. Sự hiện diện này đặc biệt tác động trong các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, là bánh ban sự sống đời đời[5] và liên hệ của bánh này với sự chữa lành phần xác đã được thánh Phaolô nói đến[6].


Số 737-741: Hội Thánh được kêu gọi để loan báo và làm chứng

Số 737. Sứ vụ của Đức Kitô và của Chúa Thánh Thần được thực hiện trong Hội Thánh, là Thân Thể Đức Kitô và Đền Thờ Chúa Thánh Thần. Sứ vụ phối hợp này từ nay đưa các tín hữu của Đức Kitô vào sự hiệp thông của Người với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần: Thần Khí chuẩn bị người ta, Ngài đến với họ trước bằng ân sủng của Ngài để lôi kéo họ đến với Đức Kitô. Chính Ngài làm tỏ hiện Chúa phục sinh cho họ, nhắc cho họ nhớ Lời của Người và mở trí cho họ hiểu được sự Chết và sự Sống Lại của Người. Ngài làm cho mầu nhiệm của Đức Kitô hiện diện cho họ, nhất là trong bí tích Thánh Thể, để hòa giải họ, và cho họ được hiệp thông với Thiên Chúa, để làm cho họ “mang lại nhiều hoa trái”[7].

Số 738. Như vậy, sứ vụ của Hội Thánh không phải là được thêm vào sứ vụ của Đức Kitô và của Chúa Thánh Thần, nhưng là bí tích của sứ vụ đó: Hội Thánh, tự bản chất và trong tất cả các chi thể của mình, được sai đi để loan báo và làm chứng, hiện tại hóa và truyền bá mầu nhiệm hiệp thông của Ba Ngôi Chí Thánh:

“Tất cả chúng ta đã lãnh nhận cùng một Thần Khí duy nhất là Thánh Thần, nên một cách nào đó chúng ta được kết hợp với nhau và với Thiên Chúa. Mặc dầu chúng ta nhiều người, và mặc dầu Đức Kitô đã làm cho Thần Khí của Chúa Cha và của Người cư ngụ trong mỗi người chúng ta, Thần Khí vẫn là một và không thể phân chia, Ngài quy tụ những thần trí riêng rẽ… trong sự hợp nhất nhờ chính Ngài và làm cho tất cả như nên một trong Ngài. Cũng như sức mạnh của Mình Thánh Chúa Kitô làm cho những ai ăn Mình Thánh Người được thuộc về một thân thể duy nhất như thế nào, thì cũng một cách đó, theo tôi nghĩ, Thần Khí duy nhất và không thể phân chia của Thiên Chúa đang ngự trong mọi người, cũng đưa mọi người đến sự hợp nhất tinh thần như vậy”[8].

Số 739. Bởi vì Chúa Thánh Thần là sự Xức Dầu của Đức Kitô, nên Đức Kitô, là Đầu của thân thể, tuôn đổ Thánh Thần cho các chi thể của Người để nuôi dưỡng và chữa lành họ, cắt đặt họ vào trong các phận vụ đối với nhau, lam cho họ được sống, sai họ đi làm chứng, liên kết họ vào việc Người dâng mình lên Chúa Cha và vào việc Người chuyển cầu cho khắp cả trần gian. Qua các bí tích của Hội Thánh, Đức Kitô truyền thông cho các chi thể của Ngươi Thần Khí của Người, là Đấng Thánh và là Đấng Thánh Hóa (đây sẽ là nội dung của Phần Thứ Hai của Sách Giáo Lý này).

Số 740. “Những kỳ công của Thiên Chúa” đang nói ở đây, được ban cho các tín hữu trong các bí tích của Hội Thánh, sẽ mang lại hoa trái trong đời sống mới trong Đức Kitô theo Thần Khí (đây sẽ là nội dung của Phần Thứ Ba của Sách Giáo Ly này).

Số 741. “Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả” (Rm 8,26). Chúa Thánh Thần, Đấng thực hiện các công trình của Thiên Chúa, là Thầy dạy cầu nguyện (đây sẽ là nội dung của Phần Thứ Tư của Sách Giáo Lý này).


Số 849-856: Nguồn gốc và phạm vi sứ vụ của Hội Thánh

Số 849. Lệnh truyền giáo. “Được Thiên Chúa sai đến với muôn dân để nên ‘bí tích cứu độ phổ quát’, do những đòi hỏi sâu sắc của tính công giáo, vâng theo lệnh truyền của Đấng Sáng Lập của mình, Hội Thánh cố gắng loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người”[9]. “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,l9-20).

Số 850. Nguồn gốc và mục đích của việc truyền giáo. Lệnh truyền giáo của Chúa bắt nguồn từ tình yêu vĩnh cửu của Ba Ngôi Chí Thánh: “Tự bản chất, Hội Thánh lữ hành phải truyền giáo, vì chính Hội Thánh bắt nguồn từ sứ vụ của Chúa Con và sứ vụ của Chúa Thánh Thần, theo ý định của Thiên Chúa Cha”[10]. Mục đích tối hậu của việc truyền giáo là làm cho loài người được tham dự vào sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Thần Khí tình yêu của chính các Ngài[11].

Số 851. Động lực của việc truyền giáo. Hội Thánh luôn nhận lấy bổn phận và sức mạnh thúc đẩy việc truyền giáo của mình từ chính tình yêu của Thiên Chúa đối với tất cả mọi người: Quả vậy, “tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi…” (2 Cr 5,l4)[12]. Thật vậy, “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4). Thiên Chúa muốn tất cả mọi người được cứu độ nhờ nhận biết chân lý. Ơn cứu độ được gặp thấy trong chân lý. Những ai vâng theo sự thúc đẩy của Thánh Thần chân lý, thì đã ở trên đường cứu độ; nhưng chân lý này đã được uỷ thác cho Hội Thánh, nên Hội Thánh phải đáp ứng khát vọng của những người đó là mang chân lý đến cho họ. Bởi vì Hội Thánh tin vào kế hoạch phổ quát của ơn cứu độ, nên Hội Thánh phải truyền giáo.

Số 852. Những nẻo đường truyền giáo. “Chúa Thánh Thần là Đấng chủ xướng toàn bộ việc truyền giáo của Hội Thánh”[13]. Chính Ngài dẫn dắt Hội Thánh trên các nẻo đường truyền giáo. “Hội Thánh tiếp tục và triển khai qua dòng lịch sử sứ vụ của chính Đức Kitô, Đấng đã được sai đi rao giảng Tin Mừng cho những người nghèo; được Thần Khí Đức Kitô thúc đẩy, Hội Thánh phải tiến bước trên chính con đường Đức Kitô đã đi, là con đường khó nghèo, vâng phục, phục vụ và tự hiến cho đến chết, từ đó Người đã chiến thắng nhờ sự sống lại của Người”[14]. Theo cách đó, “máu là hạt giống trổ sinh các Kitô hữu”[15].

Số 853. Nhưng trên đường lữ hành, Hội Thánh cũng cảm nghiệm “khoảng cách giữa sứ điệp mà Hội Thánh phải rao giảng và sự yếu hèn nhân loại của những người được ủy thác Tin Mừng”[16]. Chỉ bằng con đường “sám hối và canh tân”[17] và “qua cửa hẹp của Thập Giá”[18], Dân Thiên Chúa mới có thể mở rộng Nước Đức Kitô[19]. “Cũng như Đức Kitô đã hoàn thành công trình cứu chuộc trong nghèo khó và bị bách hại, Hội Thánh cũng được kêu gọi tiến bước trên chính con đường đó, để truyền thông cho người ta những hoa trái của ơn cứu độ”[20].

Số 854. Do chính sứ vụ của mình, “Hội Thánh đồng hành với toàn thể nhân loại và cảm nghiệm cùng một số phận trần thế với trần gian, và Hội Thánh hiện hữu như men, như linh hồn của xã hội nhân loại phải được canh tân trong Đức Kitô và phải được biến đổi thành gia đình của Thiên Chúa”[21]. Vì thế nỗ lực truyền giáo đòi hỏi sự kiên nhẫn. Công việc truyền giáo bắt đầu bằng việc rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc và các nhóm người chưa tin vào Đức Kitô[22]; tiếp đến là thiết lập những cộng đoàn Kitô hữu, là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa trên trần gian[23], và thành lập những Giáo Hội địa phương[24]; tiến trình hội nhập văn hóa được thúc đẩy, để Tin Mừng nhập thể vào các nền văn hóa của các dân tộc[25]; tiến trình đó sẽ không thiếu lúc gặp sự chống đối. “Đối với người ta, các tập thể và các dân tộc, Hội Thánh chỉ tiếp xúc và thâm nhập dần dần, và như vậy đón nhận họ vào sự sung mãn của tính công giáo”[26].

Số 855. Công việc truyền giáo của Hội Thánh đòi hỏi nỗ lực để hợp nhất các Kitô hữu[27]. “Sự chia rẽ giữa các Kitô hữu ngăn trở Hội Thánh thực hiện đầy đủ tính công giáo đặc thù của mình nơi những con cái đó, những người đã liên kết với Hội Thánh bằng Phép Rửa, nhưng còn bị tách biệt chưa hiệp thông trọn vẹn với Hội Thánh. Hơn nữa, chính Hội Thánh cũng khó diễn tả sự sung mãn của tính công giáo về mọi phương diện trong đời sống thực tế”[28].

Số 856. Nhiệm vụ truyền giáo bao hàm sự đối thoại đầy tôn trọng đối với những ai chưa đón nhận Tin Mừng[29]. Các tín hữu có thể nhận được điều bổ ích cho chính mình từ cuộc đối thoại này, nhờ học biết thêm rằng “bất cứ điều gì thuộc về chân lý và ân sủng đã có nơi các dân tộc, đều được nhận ra như một sự hiện diện bí ẩn của Thiên Chúa”[30]. Chính các tín hữu loan báo Tin Mừng cho những người không biết, để củng cố, bổ túc, và nâng cao chân lý và sự thiện mà Thiên Chúa đã tuôn đổ cho người ta, cho các dân tộc, và để thanh luyện họ khỏi sự sai lầm và sự dữ “để Thiên Chúa được vinh danh, ma quỷ phải hổ thẹn, và con người được hạnh phúc”[31].


Số 1122, 1533: Lưu ý về sứ vụ

Số 1122. Đức Kitô đã sai các Tông Đồ của Người đi để “nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân… kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội” (Lc 24,47). “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm Phép Rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần” (Mt 28,19). Sứ vụ làm Phép Rửa, tức là sứ vụ bí tích, được bao hàm trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng, bởi vì bí tích được chuẩn bị bằng Lời Chúa và bằng đức tin, là sự ưng thuận vâng theo Lời đó:

“Dân Thiên Chúa được quy tụ trước tiên bằng Lời của Thiên Chúa hằng sống…. Chính thừa tác vụ bí tích đòi phải có việc rao giảng Lời Chúa, bởi vì các bí tích là bí tích của đức tin, một đức tin được sinh ra và được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa”[32].

Số 1533. Các bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể là những bí tích khai tâm Kitô giáo. Ba bí tích này đặt nền tảng cho ơn gọi chung của tất cả các môn đệ Đức Kitô, ơn gọi đến sự thánh thiện và đến sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho trần gian. Ba bí tích này mang lại những ân sủng cần thiết cho đời sống theo Chúa Thánh Thần trong cuộc lữ hành đời này tiến về quê hương vĩnh cửu.

 

Số 693, 698, 706, 1107, 1296: Chúa Thánh Thần như là bảo chứng và dấu ấn của Thiên Chúa

Số 693. Ngoài danh xưng riêng của Ngài, rất thường được dùng trong sách Công Vụ Tông Đồ và các Thánh Thư, ta còn thấy những danh hiệu nơi thánh Phaolô như sau: Thần Khí của lời hứa (Ep 1,13; Gl 3,14), Thần Khí nghĩa tử (Rm 8,15; Gl 4,6), Thần Khí của Đức Kitô (Rm 8,9) Thần Khí của Chúa (2 Cr 3,17), Thần Khí của Thiên Chúa (Rm 8,9.14; 15,19; 1 Cr 6,11; 7,40); và nơi thánh Phêrô: Thần Khí của vinh quang (1 Pr 4,14).

Số 698. Dấu ấn là một biểu tượng rất gần với biểu tượng xức dầu. Thật vậy, Đức Kitô là Đấng “Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận” (Ga 6,27), và trong Người, Chúa Cha cũng ghi dấu xác nhận chúng ta[33]. Hình ảnh “dấu ấn”, bởi vì nói lên hiệu quả không thể xoá nhoà của việc xức dầu bằng Chúa Thánh Thần trong các bí tích Rửa Tội, Thêm Sức, Truyền Chức Thánh, nên đã được dùng trong một số truyền thống thần học để diễn tả “ấn tín” không thể xoá được, được ghi dấu bởi ba bí tích không thể được tái ban đó.

Số 706. Trái với mọi hy vọng phàm nhân, Thiên Chúa hứa cho tổ phụ Abraham một dòng dõi như hoa trái của đức tin và của quyền năng Chúa Thánh Thần[34]. Nơi dòng dõi của ông, mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc[35]. Dòng dõi đó sẽ là Đức Kitô[36], trong Người sự tuôn đổ Thánh Thần sẽ thực hiện việc quy tụ nên một các con cái Thiên Chúa đang tản mát[37]. Tự ràng buộc mình bằng một lời thề[38], Thiên Chúa cam kết sẽ ban Con chí ái của Ngài[39], cũng như sẽ ban Than Khí của Lời hứa, Đấng chuẩn bị công cuộc cứu chuộc dân mà Thiên Chúa đã thủ đắc cho mình[40].

Số 1107. Quyền năng biến đổi của Chúa Thánh Thần trong phụng vụ làm cho Nước Chúa mau đến và mầu nhiệm cứu độ chóng hoàn tất. Trong việc chờ đợi và trong niềm hy vọng, Ngài thật sự làm cho chúng ta được tham dự trước vào sự hiệp thông sung mãn của Thiên Chúa Ba Ngôi. Được Chúa Cha, Đấng nhận lời khẩn cầu của Hội Thánh, sai đến, Chúa Thánh Thần ban sự sống cho những ai đón nhận Ngài và ngay từ bây giờ, đối với những kẻ ấy, Ngài là “bảo chứng” phần gia nghiệp của họ[41].

Số 1296. Chính Đức Kitô tuyên bố Người được ghi dấu bằng ấn tín của Cha Người[42]. Kitô hữu cũng được ghi dấu bằng một ấn tín: “Đấng củng cố chúng tôi cùng với anh em trong Đức Kitô, và đã xức dầu cho chúng ta, Đấng ấy là Thiên Chúa. Chính Ngài cũng đã đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thần Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng” (2 Cr 1,21-22)[43]. Ấn tín này của Chúa Thánh Thần xác nhận một người hoàn toàn thuộc về Đức Kitô, để vĩnh viễn phục vụ Người, nhưng ấn tín đó cũng là một lời hứa là được Thiên Chúa che chở trong cuộc thử thách lớn lao thời cánh chung[44].

 

Số 492: Đức Maria như là mẫu gương độc đáo của việc được chọn trước cả khi tạo thành vũ trụ

Số 492. Những ánh rạng ngời này của “một sự thánh thiện hoàn toàn độc nhất vô nhị”, đã được ban cho Mẹ “ngay từ lúc đầu tiên tượng thai”[45], tất cả đều từ Đức Kitô mà đến với Mẹ: Mẹ đã “được cứu chuộc cách hết sức kỳ diệu nhờ xét đến công nghiệp Con Mẹ”[46]. Chúa Cha đã “thi ân giáng phúc” cho Mẹ, hơn bất cứ thụ tạo nào khác, cho Mẹ “hưởng muôn vàn ân phúc của Thánh Thần, từ cõi trời, trong Đức Kitô” (Ep 1,3). Ngài “đã chọn” Mẹ “trong Đức Kitô, trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Ngài”, Mẹ “trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Ngài” (x. Ep l,4).


Bài Ðọc I: Am 7, 12-15

“Hãy đi nói tiên tri cho dân Ta”.

Trích sách Tiên tri Amos.

Trong những ngày ấy, Amasia (vị tư tế ở Bêthel) nói cùng Amos rằng: “Hỡi tiên tri, người hãy trốn sang đất Giuđa, sinh sống và nói tiên tri ở đó. Chớ tiếp tục nói tiên tri ở Bêthel, vì đó là thánh điện của vua và là đền thờ của vương quốc”. Amos trả lời cùng Amasia rằng: “Tôi không phải là tiên tri, cũng không phải là con của tiên tri, nhưng là đứa chăn bò (và chuyên) đi hái trái sung. Khi tôi đang đi theo đàn chiên, thì Chúa dẫn tôi đi và nói cùng tôi rằng: “Ngươi hãy đi nói tiên tri cho dân Israel của Ta”.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 84, 9ab -10. 11-12. 13-14

Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con.

Xướng: 1) Tôi sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán bảo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo về sự bình an. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự trị trong đất nước chúng tôi.

Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con.

2) Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Tự mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống.

Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con.

3) Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và đất nước chúng tôi sẽ sinh bông trái, đức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Người. 

Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con.

 

Bài Ðọc II: Ep 1, 3-14

“Ngài đã chọn chúng ta trong Người trước khi tạo dựng thế gian”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Ðấng đã chúc lành cho chúng ta bằng mọi phúc lành thiêng liêng trên trời, trong Ðức Kitô. Như Ngài đã chọn chúng ta trong Người trước khi tạo dựng thế gian, để chúng ta được nên thánh thiện và tinh tuyền trước mặt Ngài trong tình yêu thương.

Chiếu theo thánh ý Ngài, Ngài đã tiền định cho ta được phúc làm con nhờ Ðức Giêsu Kitô, để chúng ta ca tụng vinh quang ân sủng của Ngài mà Ngài đã ban cho chúng ta được ơn cứu chuộc nhờ máu Người, được ơn tha tội theo sự phong phú của ân sủng Ngài. Ân sủng này, Ngài đã đổ tràn đầy trên chúng ta với tất cả sự khôn ngoan thượng trí, khiến chúng ta được biết mầu nhiệm ý định của Ngài, theo ý Ngài đã định về Người, để kiện toàn trong thời gian viên mãn, là thâu hồi vạn vật trên trời dưới đất trong Ðức Kitô.

Cũng trong Người mà chúng tôi được kêu gọi làm thừa tự, được tiền định theo ý định của Ngài là Ðấng tác thành mọi sự theo thánh ý Ngài, để chúng tôi trở thành lời ca vinh quang của Ngài, chúng tôi là những kẻ trông cậy vào Ðức Kitô. Trong Người, cả anh em nữa, sau khi anh em đã nghe lời chân thật là Tin Mừng cứu rỗi anh em, anh em đã tin và được ghi dấu Thánh Thần, như đã hứa. Người là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta, để chúng ta được ơn cứu chuộc, và được ca ngợi vinh quang Ngài.

Ðó là lời Chúa.

 

Hoặc đọc bài này: Ep 1, 3-10

“Ngài đã chọn chúng ta trong Người trước khi tạo dựng thế gian”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Ðấng đã chúc lành cho chúng ta bằng mọi phúc lành thiêng liêng trên trời, trong Ðức Kitô. Như Ngài đã chọn chúng ta trong Người trước khi tạo dựng thế gian, để chúng ta được nên thánh thiện và tinh tuyền trước mặt Ngài trong tình yêu thương.

Chiếu theo thánh ý Ngài, Ngài đã tiền định cho ta được phúc làm con nhờ Ðức Giêsu Kitô, để chúng ta ca tụng vinh quang ân sủng của Ngài mà Ngài đã ban cho chúng ta được ơn cứu chuộc nhờ máu Người, được ơn tha tội theo sự phong phú của ân sủng Ngài. Ân sủng này, Ngài đã đổ tràn đầy trên chúng ta với tất cả sự khôn ngoan thượng trí, khiến chúng ta được biết mầu nhiệm ý định của Ngài, theo ý Ngài đã định về Người, để kiện toàn trong thời gian viên mãn, là thâu hồi vạn vật trên trời dưới đất trong Ðức Kitô.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Ga 1, 14 và 12b

Alleluia, alleluia! - Ngôi Lời đã làm người và đã ở giữa chúng ta. Những ai tiếp rước Người, thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa. - Alleluia.


Phúc Âm: Mc 6, 7-13

“Người bắt đầu sai các ông đi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Maccô.

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi, Người ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế. Và Người truyền các ông đi đường, đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo. Người lại bảo: “Ðến đâu, các con vào nhà nào, thì ở lại đó cho đến khi ra đi. Ai không đón tiếp các con, cũng không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi đó, phủi bụi chân để làm chứng tố cáo họ”. Các ông ra đi rao giảng sự thống hối. Các ông trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân.

Ðó là lời Chúa.


[1] X. Mt 10,38.

[2] X. Cv 9,34; 14,3.

[3] X. Mt 1,21; Cv 4,12.

[4] X. 1 Cr 12,9.28.30.

[5] X. Ga 6,54.58.

[6] X. 1 Cr 11,30.

[7] X. Ga 15,5.8.16.

[8] Thánh Cyrillô Alexandria, Commentarius in Iohannem 11, 11: PG 74, 561.

[9] CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, 1: AAS 58 (1966) 947.

[10] CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, 2: AAS 58 (1966) 948.

[11] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio, 23: AAS 83 (1991) 269-270.

[12] CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Apostolicam actuositatem, 6: AAS 58 (1966) 842-843; ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio, 11: AAS 83 (1991) 259-260.

[13] ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio, 21: AAS 83 (1991) 268.

[14] CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, 5: AAS 58 (1966) 952.

[15] Tertullianô, Apologeticum, 50, 13: CCL 1, 171 (PL 1, 603).

[16] CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 43: AAS 58 (1966) 1064.

[17] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 8: AAS 57 (1965) 12; x. Ibid., 15: AAS 57 (1965) 20.

[18] CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, 1: AAS 58 (1966) 947.

[19] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio, 12-20: AAS 83 (1991) 260-268.

[20] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 8: AAS 57 (1965) 12.

[21] CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 40: AAS 58 (1966) 1058.

[22] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio, 42-47: AAS 83 (1991) 289-295.

[23] X. CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, 15: AAS 58 (1966) 964.

[24] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio, 48-49: AAS 83 (1991) 295-297.

[25] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio, 52-54: AAS 83 (1991) 299-302.

[26] CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, 6: AAS 58 (1966) 953.

[27] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio, 50: AAS 83 (1991) 297-298.

[28] CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 4: AAS 57 (1965) 96.

[29] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio, 55: AAS 83 (1991) 302-304.

[30] CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, 9: AAS 58 (1966) 958.

[31] CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, 9: AAS 58 (1966) 958.

[32] CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Presbyterorum ordinis, 4: AAS 58 (1966) 995-996.

[33] X. 2 Cr 1,22; Ep 1,13; 4,30.

[34] X. St 18,1-15; Lc 1,26-38.54-55; Ga 1,12-13; Rm 4,16-21.

[35] X. St 12,3.

[36] X. Gl 3,16.

[37] X. Ga 11,52.

[38] X. Lc 1,73.

[39] X. St 22,17-18; Rm 8,32; Ga 3,16.

[40] X. Ep 1,13-14; Gl 3,14.

[41] X. Ep 1,14; 2 Cr 1,22.

[42] X. Ga 6,27.

[43] X. Ep 1,13; 4,30.

[44] X. Kh 7,2-3; 9,4; Ed 9,4-6.

[45] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 56: AAS 57 (1965) 60.

[46] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 53: AAS 57 (1965) 58.