Số 543-546: Loan báo Nước Thiên Chúa

Số 2653-2654, 2660, 2716: Nước Thiên Chúa phát triển nhờ việc nghe Lời Chúa

Bài Ðọc I: Ed 17, 22-24

Bài Ðọc II: 2Cr 5,6-10

Phúc Âm: Mc 4, 26-34


Số 543-546: Loan báo Nước Thiên Chúa

Số 543. Mọi người đều được mời gọi gia nhập Nước Thiên Chúa. Nước này của Đấng Messia trước tiên được loan báo cho con cái Israel[1], nhưng hướng đến việc đón nhận mọi người thuộc mọi dân tộc[2]. Để vào Nước Thiên Chúa, cần phải đón nhận lời của Chúa Giêsu:

“Lời Chúa được ví như hạt giống gieo trong ruộng: ai nghe Lời Chúa với đức tin và gia nhập đàn chiên nhỏ của Đức Kitô, thì đã đón nhận chính Nước Người; rồi do sức của nó, hạt giống nẩy mầm và lớn lên cho tới mùa gặt”[3].

Số 544. Nước Thiên Chúa thuộc về những người nghèo hèn và bé mọn, nghĩa là, những người đón nhận Nước ấy với tâm hồn khiêm tốn. Đức Kitô được sai đến để “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4,l8)[4]. Người tuyên bố rằng họ có phúc, “vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3); Chúa Cha đã thương mạc khải cho những kẻ “bé mọn” này điều Người giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết[5]. Chúa Giêsu, từ máng cỏ cho tới thập giá, đã chia sẻ kiếp sống của những kẻ nghèo hèn; Người đã từng chịu đói[6], chịu khát[7], chịu thiếu thốn[8]. Hơn thế nữa, Người tự đồng hóa mình với mọi hạng người nghèo hèn và coi lòng yêu thương tích cực đối với họ là điều kiện để được vào Nước của Người[9].

Số 545. Chúa Giêsu mời những kẻ tội lỗi vào bàn tiệc Nước Thiên Chúa: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2,17)[10]. Người mời gọi họ hối cải, vì không hối cải thì không thể vào Nước Người, nhưng Người cũng dùng lời nói và hành động cho họ thấy lòng thương xót vô biên của Cha Người đối với họ[11], và “trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (Lc l5,7). Bằng chứng cao cả nhất của tình yêu này, là việc Người dâng hiến mạng sống mình “cho muôn người được tha tội” (Mt 26,28).

Số 546. Chúa Giêsu kêu gọi người ta vào Nước Trời, bằng cách dùng các dụ ngôn, là nét đặc trưng trong cách giảng dạy của Người[12]. Qua các dụ ngôn, Người mời vào dự tiệc Nước Trời[13], nhưng Người cũng đòi phải có một lựa chọn triệt để: để đạt được Nước Trời, cần phải cho đi mọi sự[14]; lời nói suông không đủ, cần phải có việc làm[15]. Các dụ ngôn như những tấm gương đối với con người: họ đón nhận Lời Chúa chỉ như mảnh đất khô khan hay mảnh đất mau mỡ?[16] Họ làm gì với những nén bạc đã nhận?[17] Chúa Giêsu và sự hiện diện của Nước Trời trong trần gian, một cách kín đáo, nằm ở trung tâm của các dụ ngôn. Cần phải tiến vào Nước Trời, nghĩa là, phải trở nên môn đệ Đức Kitô, mới “hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời” (Mt 13,11). Còn đối với những kẻ “ở ngoài” (Mc 4,11), mọi sự đều bí ẩn[18].


Số 2653-2654, 2660, 2716: Nước Thiên Chúa phát triển nhờ việc nghe Lời Chúa

Số 2653. Hội Thánh “nhiệt liệt và đặc biệt khuyến khích mọi Kitô hữu … học được ‘sự hiểu biết tuyệt vời về Chúa Giêsu Kitô’ (Pl 3,8) nhờ năng đọc Sách Thánh…. Nhưng họ nên nhớ rằng kinh nguyện phải có kèm theo việc đọc Thánh Kinh, để trở thành cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, vì ‘chúng ta ngỏ lời với Ngài khi cầu nguyện, và chúng ta nghe Ngài nói lúc chúng ta đọc các sấm ngôn thần linh’”[19].

Số 2654. Các linh phụ đã dùng câu Tin Mừng Mt 7,7 để tóm lược tiến trình tâm hồn được Lời Chúa nuôi dưỡng khi cầu nguyện, như sau: “Anh em cứ tìm nhờ đọc, thì sẽ thấy nhờ suy niệm; cứ gõ cửa nhờ cầu nguyện, thì sẽ mở ra cho anh em nhờ chiêm niệm[20].

Số 2660. Cầu nguyện trong các biến cố mỗi ngày và mỗi lúc, là một trong những điều bí ẩn của Nước Trời, được mạc khải cho “những người bé mọn”, những tôi tớ Đức Kitô, những người nghèo theo các mối phúc. Thật là chính đáng và tốt lành khi cầu nguyện để công lý và hoà bình của “Nước Chúa trị đến” có ảnh hưởng trên tiến trình lịch sử; nhưng cũng quan trọng là phải dùng cầu nguyện mà nhào nặn khối bột là những hoàn cảnh tầm thường hằng ngày. Mọi hình thức cầu nguyện đều có thể là thứ men mà Chúa đã sánh ví với Nước Chúa[21].

Số 2716. Cầu nguyện chiêm niệm là lắng nghe Lời Chúa. Đây không phải là một thái độ thụ động, mà là sự tuân phục của đức tin, là sự chấp nhận tuyệt đối của người tôi tớ và là sự gắn bó yêu thương của người con. Sự lắng nghe này tham dự vào tiếng “Amen” của Người Con đã hạ mình làm Tôi tớ và tiếng “Fiat” của người nữ tì khiêm tốn của Chúa.


Bài Ðọc I: Ed 17, 22-24

“Ta cho cây thấp mọc lên”.

Bài trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Đây Chúa là Thiên Chúa phán: “Chính Ta sẽ chặt ngọn cao nhất cây hương nam; Ta sẽ bẻ một chồi non từ ngọn mọc ra và sẽ đem trồng nó trên núi cao chót vót. Ta sẽ trồng nó trên đỉnh núi Israel, nó sẽ đâm chồi kết quả và trở thành cây hương nam vĩ đại; các thứ chim trời đều đến ẩn náu dưới thân cây và làm tổ dưới tàn nó. Tất cả những cây rừng đều biết Ta là Thiên Chúa, Ta đã hạ cây cao xuống và cho cây thấp mọc lên. Ta đã làm cho cây tươi ra khô héo, và làm cho cây khô héo nên xanh tươi. Ta là Chúa, Ta đã phán và đã hành động”.

Đó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 91, 2-3. 13-14. 15-16

Ðáp: Lạy Chúa, thiện hảo thay việc khen ngợi Chúa.

Xướng: 1) Thiện hảo thay việc khen ngợi Chúa, và đàn ca danh Ngài, ôi Đấng Tối Cao, hầu loan truyền tình thương Ngài vào buổi sớm, và lòng trung tín Ngài vào lúc ban đêm.

Ðáp: Lạy Chúa, thiện hảo thay việc khen ngợi Chúa.

2) Người hiền đức như cây chà là nở hoa tươi tốt, vươn mình lên như cây hương bá đất Liban. Họ được vun trồng trong nhà Chúa, trong hành lang nhà Thiên Chúa chúng tôi họ nở bông.

Ðáp: Lạy Chúa, thiện hảo thay việc khen ngợi Chúa.

3) Ngay trong tuổi già họ còn sinh trái, họ đầy nhựa sống và họ sống xanh tươi, để họ loan truyền Chúa nhường bao công chính, Chúa là Đá-Tảng của tôi, nơi Chúa chẳng có gian tà.

Ðáp: Lạy Chúa, thiện hảo thay việc khen ngợi Chúa.

 

Bài Ðọc II: 2Cr 5,6-10

“Dù ra đi hay ở lại trong thân xác, chúng ta hãy sống đẹp lòng Chúa”.

Bài trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, chúng ta hằng bạo dạn, vì biết rằng bao lâu sống trong thân xác này, là chúng ta lưu lạc xa Chúa, - vì chưng nhờ đức tin, chớ không phải vì đã thây mà chúng ta tiến bước – Chúng ta cũng bạo dạn và ao ước thà lìa xa thân xác để ở cùng Chúa. Và vì thế, dù ở trong xác hay ra khỏi xác, chúng ta hãy cố gắng sống đẹp lòng Chúa. Bởi tất cả mọi người chúng ta đều phải phơi bày trước toà án của Đức Kitô, để mỗi người lãnh lấy thành quả đời sống mình, tuỳ mình đã làm lành hay đã làm dữ.

Đó là lời Chúa.

 

Alleluia: Ga 3,12

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 4, 26-34

“Người kia đã gieo hạt xuống đất, rồi đi ngủ, hạt giống mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Maccô.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Nước Thiên Chúa giống như người kia đã gieo hạt xuống đất: người đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết nữa. Ðất tự nó làm cây lúa mọc lên: trước hết thành cây, rồi đâm bông, rồi kết hạt. Và khi lúa chín, người ấy liền gặt vì đã đến mùa”.

Người còn phán: “Chúng ta sẽ lấy gì mà hình dung nước Thiên Chúa? hay dùng dụ ngôn nào mà so sánh nước đó được? Nước đó giống như hạt cải, khi gieo xuống đất thì nhỏ bé nhất trong tất cả các hạt trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, nó mọc lên thành cây rau lớn nhất, và đâm những cành to, đến nỗi chim trời có thể tới núp bóng được”. Người dùng nhiều dụ ngôn như thế mà rao giảng lời Chúa cho họ, tuỳ sức họ có thể hiểu được, và Người chỉ nói với họ bằng dụ ngôn, nhưng khi ở riêng với các môn đệ, Người giải thích tất cả cho các ông.

Ðó là lời Chúa.


[1] X. Mt 10,5-7.

[2] X. Mt 8,11; 28,19.

[3] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 5: AAS 57 (1965) 7.

[4] X. Lc 7,22.

[5] X. Mt 11,25.

[6] X. Mc 2,23-26; Mt 21,18.

[7] X. Ga 4,6-7; 19,28.

[8] X. Lc 9,58.

[9] X. Mt 25,31-46.

[10] X. 1 Tm 1,15.

[11] X. Lc 15,11-32.

[12] X. Mc 4,33-34.

[13] X. Mt 22,1-14.

[14] X. Mt 13,44-45.

[15] X. Mt 21,28-32.

[16] X. Mt 13,3-9.

[17] X. Mt 25,14-30.

[18] X. Mt 13,10-15.

[19] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 25: AAS 58 (1966) 829; x. Thánh Ambrôsiô, De officiis ministrorum, 1, 88: ed. N. Testard (Paris 1984) 138 (PL 16, 50).

[20] Guigô II Cartusiensis, Scala claustralium, 2, 2: PL 184, 476.

[21] X. Lc 13,20-21.