GIÁO HỘI
CÔNG GIÁO PHÁP MỞ ÁN PHONG CHÂN PHƯỚC CHO ĐỨC HỒNG Y HENRI DE LUBAC
Hội Đồng Giám Mục Pháp
Trong Hội nghị khoáng đại, các Giám mục Pháp đã
biểu quyết, vào ngày 31/3/2023, việc mở án phong chân phước cho ĐHY Henri de
Lubac, S.J.,. Đây là vị Hồng y người Pháp mà Đức Phanxicô thường trích dẫn khi
đề cập đến tính trần tục thiêng liêng là mối nguy hại nhất của Giáo hội.
Thông báo được đưa ra trong cuộc họp báo bế mạc
Hội nghị khoáng đại của Hội đồng Giám mục Pháp, diễn ra ở Lộ Đức, ngày
31/3/2023. Việc mở án phong chân phước cho ĐHY de Lubac sẽ được thỉnh cầu tại
Rôma.
Cuộc đời của ĐHY Henri de Lubac
Trong số các nhà tư tưởng đã đổi mới sự hiểu biết
đức tin Kitô giáo vào thời điểm mà đức tin này phải đối mặt với những
thách thức của thuyết Tân Thời (Modernité) và sự tục hóa, linh mục dòng Tên
Henri Sonier de Lubac (1896-1991) được công nhận là nhà tiên phong và là một bậc
thầy. Vào dòng Tên từ năm 1913, bị thương ở đầu vào năm 1917. Thụ phong linh mục
năm 1927, cha Henri de Lubac trở thành giáo sư thần học cơ bản tại Học viện
Công giáo Lyon. Ngài sống cả đời trong tình trạng sức khỏe mong manh, khiến
ngài nhiều lần phải gián đoạn việc giảng dạy ở Lyon. Tuy nhiên, điều đó đã đưa
ngài đến chỗ đa dạng hóa việc nghiên cứu của mình, vì các môn học của ngài đã
được các đồng nghiệp tiếp quản và ngài được giao phó những phạm vi nghiên cứu mới.
Kinh nghiệm ở mặt trận và tình bạn trong chiến hào cũng đã giúp ngài đo lường
được sự tiến bộ và sự quyến rũ của sự vô tín trong văn hóa đại chúng. Vì thế,
ngài luôn muốn đáp ứng nhu cầu, và công trình của ngài đã là những gì mà chính
ngài gọi là một loạt “các nền thần học cơ hội”.
Sau khi có Jean Daniélou và Hans Urs von
Balthasar trong số các học trò của mình, những người rất gắn bó với ngài, trong
Thế Chiến II ngài đã ra sức trang bị về mặt trí thức và tinh thần cho cuộc
kháng chiến chống chủ nghĩa quốc xã và chủ nghĩa bài Do Thái.
Năm 1941, trong Chiến tranh thế giới thứ hai,
ngài là thành viên của nhóm nghiên cứu nguồn gốc của Tập san về Chứng
tá Kitô giáo và, vào năm 1942, ngài cùng với ĐHY Jean Daniélou thành lập
bộ sưu tập Giáo Phụ học “Sources chrétiennes” (“Các Nguồn mạch Kitô giáo”).
Năm 1938, cuốn sách đầu tiên của ngài, “Catholicisme”,
được xuất bản, ngay sau đó là các tác phẩm khác bao gồm “Supernaturel”
(1946). Chính sau tác phẩm này và sau khi xuất bản thông điệp “Humani generis”
(1950) của Đức Piô XII, lên án “thần học mới”, vào năm 1950, tu sĩ Dòng Tên đã
bị cấm giảng dạy. Ngài bị nghi ngờ theo chủ thuyết tân thời và bị đình chỉ chức
giáo sư trong khi tất cả các sách đã xuất bản của ngài đều bị kiểm duyệt. Ngài
bị cáo buộc là bảo thủ vì đã phê bình những lối giải thích lạm dụng về “sự cởi
mở” của Công đồng. Đặc biệt, ngài phản đối việc thay thế từ “công giáo”
bằng từ “phổ quát”, điều này sẽ đánh dấu sự mở rộng không gian hiện tại
của Giáo hội, nhưng lại tai hại xóa bỏ chiều kích của Giáo hội trong thời gian
và thế giới bên kia, vốn siêu vượt thời gian hiện tại.
Khi các cáo buộc giảm đi, ngài được bổ nhiệm làm
chuyên viên tại Vatican II và đóng một vai trò quan trọng ở đó, điều này khiến
ngài có được tình bạn đáng ngưỡng mộ của một Giám mục trẻ người Ba Lan tên là
Karol Wojtyla. Quả thế, năm 1960, ngài được Rôma ưu ái trở lại, được Đức Gioan
XXIII mời làm thành viên của ủy ban thần học chuẩn bị cho Công đồng Vatican II.
Trong Công đồng, ngài được bổ nhiệm làm chuyên gia cho Ủy ban Giáo lý và tham
gia soạn thảo các văn bản chính của Vatican II: hiến chế về Mặc khải (Dei
Verbum), về Giáo hội (Lumen gentium) và về Giáo hội trong thế giới
ngày nay (Gaudium et spes).
Với điều kiện không được tấn phong làm Giám mục
vì lý do tuổi tác, ngài đã chấp nhận được Đức Gioan-Phaolô II nâng lên hàng Hồng
y và nhận mũ Hồng y vào năm 1983, cùng lúc với môn sinh của mình là Jean-Marie
Lustiger, vừa được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Paris lúc đó.
Ngài qua đời tại Paris, ngày 4/9/1991. Cha
Michel Fédou đã viết trên trang web của Dòng Tên: “Qua tác phảm của thần học
gia Henri de Luba (1896-1991), nổi lên một lộ trình của người tín hữu: một đức
tin lưu tâm đến những vấn đề của thời đại, bén rễ trong kinh nghiệm về Thiên
Chúa, được nuôi dưỡng bởi Thánh Kinh, gắn bó với đời sống của Giáo hội”. Và
Jean Duchesne đánh giá ngài là “một trong những thần học gia lớn của thế kỷ
XX”.
Sự nghiệp
Các tác phẩm đầu tiên được xuất bản của cha de
Lubac bàn về Giáo hội, khía cạnh xã hội của Giáo hội (Catholicisme), các
nghịch lý của Giáo hội (Méditation sur l’Eglise) và nhất là mối liên hệ
của Giáo hội với bí tích Thánh Thể (Corpus mysticum). Chúng ta mắc nợ
ngài một công thức vốn tóm tắt một trực giác của các thế kỷ đầu tiên: “Chính
Thánh Thể làm nên Giáo hội và chính Giáo hội làm nên Thánh Thể”. Ở đây,
chúng ta tìm thấy một quan niệm sâu sắc về tính trung tâm của thánh lễ trong đời
sống Kitô hữu. Tác phẩm này đã làm nổi bật các Giáo Phụ và góp phần vào việc
tái khám phá sự phong phú của các ngài trong việc hiểu biết đức tin. Bộ “Sources
chrétiennes” cung cấp các bản văn cổ cùng với bản dịch của chúng, các bình
giải và ghi chú.
Vì việc quy chiếu đến Thánh Kinh cho phép các
nhà tư tưởng đầu tiên của Kitô giáo này vừa đón nhận vừa vượt qua các nền triết
học cổ đại, nên ngài cũng đã quan tâm đến phần tiếp theo trong lịch sử, dành
nhiều tập cho cuốn Chú giải thời Trung Cổ. Ở đây, có một đóng góp quan trọng
vào việc tái khám phá Cựu Ước trong các lãnh vực thần học, phụng vụ và linh đạo,
nơi những gì có thể được coi là một trong những sự kiện quan trọng của lịch sử
Giáo hội vào thế kỷ XX.
Cha de Lubac cũng đã nghiên cứu cách thức mà
Kitô giáo đã kích thích tư tưởng phương Tây đến mức đôi khi bị bóp méo thành chủ
nghĩa thiên sai thế tục (Le Drame de l’humanisme athée, La Postérité
spirituelle de Joachim de Flore ). Ngài cũng giúp mọi người suy nghĩ về
Mầu nhiệm của siêu nhiên, tự nhiên mà siêu nhiên này giả định trước và những con
đường mà ân sủng ngang qua tự nhiên. Chính về điểm đặc biệt quan trọng và nhạy
cảm này mà, trước Công đồng Vatican II, ngài đã bị cáo buộc là quá táo bạo.
Ngài cũng nghiên cứu thêm về Phật giáo (La Rencontre du bouddhisme et de
l’Occident) và dành nhiều sách bàn về những phẩm chất tinh thần của các tác
phẩm của cha Teilhard de Chardin, người mà ngài đã biết và đánh giá cao trong
thời gian ở nhà tập dòng Tên.
Để đọc
Toàn bộ tác phẩm của Đức Hồng y de Lubac đang được
tái bản tại nhà xuất bản Cerf, thành 50 tập mà đôi khi tập hợp nhiều sách và
bao gồm thư từ với các nhà thần học khác và cả các nhà triết học như Maurice
Blondel, Étienne Gilson và Jacques Maritain, cũng như hồi ký và các bài bình luận
soi sáng ba văn kiện ý nghĩa nhất của Vatican II: Hiến chế Verbum Dei trong
“La Révélation divine”; Hiến chế Lumen gentium trong “Paradoxe
et mystère de l’Église”; Hiến chế Gaudium et spes trong “Athéisme
et sens de l’homme”.
Đối với người tiếp cận lần đầu, người ta có thể
khuyên đọc “Petite catéchèse sur nature et grâce” (1980), dễ tiếp cận
nhất và vẫn còn được tìm thấy với giá rất hợp lý trên Internet và trong cuốn
XIV của Œuvres complètes (Trọn bộ tác phẩm).
Nhưng ta có thể coi như sách gối đầu để thưởng
thức hằng ngày với liều lượng nhỏ là loạt “Paradoxes, Nouveaux paradoxes et
Autres paradoxes”, được tập hợp trong cuốn XXXI của Œuvres
complètes, nhưng có thể tìm được. Đó là những suy tư ngắn và sâu sắc từ một đến
bốn dòng, mà đây là hai suy tư mẫu: “Những người nhận được một thứ gì đó mà
không vất vả thì giữ nó mà không có tình yêu”, và “Khi một cuộc xung đột de dọa,
cần phải chọn lựa phẩm giá trước hạnh phúc. Đó là cách để cứu cả hai; vì, giả sử
người ta đạt được một hạnh phúc nào đó, thì hạnh phúc mà không có phẩm giá là
không phải hạnh phúc của con người”.
Tý Linh
(theo: Aleteia và La Croix)
Nguồn: xuanbichvietnam.net (29.03.2023)