Biến cố vua Hêrôđê giết hại các trẻ thơ vô tội được thánh sử Mátthêu kể lại (Mt 2,16-18), chỉ ra sự lạm quyền và gây ra biết bao đau thương của những kẻ cầm quyền. Điều này đã tiếp diễn từ ngày xưa và đến hôm nay sử sách nhân loại vẫn phải viết tiếp những trang đau thương này. Thế giới chúng ta bị tổn thương sâu, vì những con người độc tài tàn ác nhưng lại nắm quyền lực trong tay.[1]
Biến cố tàn ác của vị vua hung bạo này đã làm cho nhiều hoạ sĩ chú ý và hoạ lại câu chuyện đau thương này. Chúng ta chiêm ngắm bức tranh của một hoạ sĩ người Ý về câu chuyện các hài nhi bị giết ở Bêlem.
Guido Reni vẽ vào năm 1611. Hiện được trưng bày trong Pinacoteca Nazionale di Bologna. Ý.
Hoạ sĩ Guido Reni là một trong các danh hoạ được đánh giá cao trong lãnh vực mỹ thuật của Ý. Ông sinh vào ngày 4.11.1575 ở Bologna, Ý và cũng qua đời ở nơi ông sinh trưởng vào ngày 18.8.1642. Guido thuộc trường phái hội hoạ Barốc, ông làm việc ở tại quê hương và ở Roma, ông rất thành đạt và được coi là một trong những hoạ sĩ có nhiều ảnh hưởng trong thế kỷ thứ 17. Không như những hoạ sĩ khác, Guido đã dùng cây cọ cách thành công để tô vẽ vẻ đẹp tuyệt mỹ của Thiên Chúa, của Mẹ Maria, của các thánh, của các thiên thần, và cả vẻ đẹp của các thần thánh thời cổ đại nữa. Vì thế, người ta gọi ông là il divino Guido (Guido thần thánh).[2]
Với phong cách Barốc, Guido đưa vào tranh sức sống căng tràn của các nhân vật với những chuyển động khác nhau, đồng thời ông sử dụng ánh sáng tạo cảm xúc mạnh mẽ, cùng khung cảnh tráng lệ và rực rỡ. Như thế, Guido không chỉ đưa cái đẹp vào trong tranh, mà ông còn làm cho bức tranh trở nên lộng lẫy, có sức thu hút, có sức đưa người xem vượt qua trí tưởng tượng tầm thường, để có được một ấn tượng siêu phàm, để “chạm được vẻ đẹp của thiên quốc”. Guido nổi tiếng với những bức tranh về Đức Maria đồng trinh. Như bức Đức Mẹ Lên Trời được Guido vẽ vào năm 1575 và hiện được trưng bày tại viện bảo tàng Alte Pinakothek, Munich, Đức Quốc. Kế bên các tranh vẽ về Đức Maria, Guido cũng thực hiện nhiều bức tranh về dung mạo Chúa Giêsu chịu đánh đón, chịu đội mão gai, chịu treo trên Thánh Giá. Bức chân dung Chúa Giêsu chịu đội mão gai tuyệt đẹp hiện được trưng bày ở viện bảo tàng tranh nghệ thuật Gemäldegalerie Alte Meister của thành phố Dresden, Đức Quốc. Bức tranh nổi tiếng khác của ông về Tổng Lãnh Thiên Thần Micae đánh bại Satan. Bức tranh được vẽ vào năm 1635. Ngoài ra, cũng nên nhắc đến bức tranh ăn năn hối cải của thánh Maria Magdalena tuyệt đẹp được Guido vẽ vào năm 1635. Hiện được trưng bày ở Walters Art Museum, Baltimore, Maryland, Hoa Kỳ.
Giờ đây chúng ta để Guido “kể cho chúng ta nghe” về câu chuyện các hài nhi bị giết ở Bêlem qua bức tranh của ông. Khi chiêm ngắm bức tranh lần đầu, ta cảm nhận rằng, trong tranh của mình, Guido muốn diễn tả sống động câu truyện gần với thực tế bao nhiêu có thể. Bức tranh Cuộc tàn sát các trẻ thơ vô tội được Guido vẽ vào năm 1611 cho nhà thờ Thánh Đaminh, San Domenico ở Bologna, miền bắc nước Ý. Hiện tranh này được trưng bày trong Pinacoteca Nazionale di Bologna. [3]
Một trong những nét đặc biệt trong bức tranh Cuộc tàn sát các trẻ thơ vô tội của Guido, là tình yêu mẫu tử thật sống động khi phải đối diện với bạo lực và sát nhân. Trong tranh của mình, Guido đã không tô vẽ những gì thừa thãi, mà ông cẩn thận diễn tả câu truyện đau thương này trong từng đường nét, hành vi và nét mặt của các nhân vật. Guido cũng đã lột tả được câu truyện đau thương này qua các cảnh đổ máu và hỗn loạn, tiếng khóc than và sự đau đớn tột cùng, bước chân trốn chạy cùng nỗi bất lực và cái chết, cũng như cả vinh quang tử đạo của các thánh Anh Hài.
Bắt đầu từ phía dưới bức tranh. Ở trên nền đất bên trái chúng ta nhận ra hai trẻ thơ vô tội bị giết và nằm tựa nhau trên nền đất. Kế bên hai trẻ thơ là hình ảnh của người mẹ đang ngồi bất động với đôi tay chắp lại thật chặt và đôi mắt bà hướng về trời cao như là một lời khẩn cầu sự giúp đỡ trong vô vọng. Khuôn mặt bà toả một nét rất đẹp trong ánh sáng toả xuống trên bà. Nhưng giờ đây mọi sự đã trễ rồi, bà không còn có thể nói lên lời nào nữa. Con của bà đã bị giết bởi các bàn tay ác độc.
Ở bên trái và ở ngay phía trên người phụ nữ này, Guido đã diễn tả hình ảnh của hai bà mẹ khác đang cố gắng ngăn cản kẻ bạo tàn đang đưa cây dao nhọn hướng xuống hai người con của họ. Cả hai bà mẹ đều há hốc miệng vừa như kêu gào sự nhân từ và vừa như lên tiếng tố cáo sự độc ác đang đổ xuống những đứa con vô tội của họ. Hơn nữa, một trong hai bà không màng hiểm nguy đang cố gắng đưa tay của mình trước mặt kẻ bạo tàn, để mong sao ngăn cản được hành động bạo lực đau thương này. Nhưng làm sao có thể chống lại được sự ác và sự dữ được gói trong những hành động bạo lực kia?
Hợp với hai người mẹ, Guido diễn tả sống động hình ảnh các trẻ em cũng cố gắng kêu gào. Một em bé nằm trên vai người mẹ đang như nắm lấy một tay của kẻ bạo tàn để cản ngăn một hành động bạo lực và ác ôn. Em bé kia thì đang hướng nhìn lên người mẹ đang kêu gào và em cũng hiệp với mẹ há hốc mồm để cùng kêu xin. Trước hành động và lời kêu xin của các bà mẹ và các em bé, kẻ bạo tàn phản ứng như thế nào? Hoạ sĩ đã diễn tả vẻ lạnh lùng của kẻ bạo tàn và hành động bạo lực không thể cản ngăn của chúng. Máu của các trẻ vô tội luôn là lời tố cáo những hành động ác nhân trong mọi thời đại của nhân loại chúng ta.
Nhìn đến phía bên phải của bức tranh, chúng ta thấy một bà mẹ đang cuốn đứa con vào trong tà áo dài của mình. Bà đang đứng và đang ở trong tư thế chạy trốn cùng con. Tình mẫu tử không quản ngại ngồi đó để che chở con, mà tình mẫu tử còn rảo chân chạy trốn để tránh tai hoạ giáng xuống con mình. Bà đang cố gắng chạy, nhưng đầu bà vẫn quay lại nhìn cảnh đau thương đang xảy ra và miệng bà mở ra kêu than trong đau xót. Đàng sau người phụ nữ này là dung mạo của một người phụ nữ cao niên. Hoạ sĩ chỉ cho chúng ta thấy phần đầu và khuôn mặt của bà, nhưng bao nhiêu đó cũng đủ diễn tả được sự đau đớn kêu than của bà. Miệng bà há thật to để kêu gào. Đôi mắt bà cùng gò má căng ra để hoà với tiếng kêu than tố cáo tội ác bất nhân của những kẻ bạo tàn, và kêu xin sự can thiệp đỡ nâng của trời cao.
Kế bên hai người phụ nữ này, chúng ta nhận ra một kẻ bạo tàn thứ hai với một hành động tràn đầy bạo lực. Tay phải anh ta đang cầm cây dao nhọn và hướng dao về phía người phụ nữ mà anh ta đang nắm lấy mái tóc bằng tay trái của mình. Không thương xót gì mà kẻ bạo tàn còn có vẻ hả hê, vì đã bắt được người mẹ kia đang ôm con và đang toan tính chạy trốn. Mái tóc bà bị kẻ bạo tàn nắm và kéo căng, đầu bà bị giật ngược lại phía sau. Dù thế, bà vẫn ôm chặt đứa con thơ bé trong vòng tay mình. Ôi tình mẫu tử cao cả biết bao! Tình mẫu tử chắc chắn luôn mạnh mẽ hơn kẻ bạo tàn với cơ bắp đang được khoe trên cơ thể. Đầu bị giật ngược lại và đôi mắt mở to cùng miệng há ra để kêu than và cầu xin sự tha thứ, nhưng tất cả cố gắng của bà hình như đều vô vọng.
Tiếng la và than khóc của những người mẹ có con của mình bị giết cách vô tội vẫn vang lên. Thánh Mátthêu đã diễn tả như sau: “Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giêrêmia: Ở Rama, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Rakhen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa”. Như thế, thánh Mátthêu đã không nhắc đến sự an ủi của Thiên Chúa dành cho bà Rakhen, mà chỉ nhắc đến lời than thở của bà Rakhen. Về điều này Ratzinger đã suy tư như sau:
“Bà mẹ vẫn chưa được an ủi. Như thế, nơi thánh Mát-thêu than thở không có lời an ủi, lời của ngôn sứ như là một tiếng khóc than van hướng đến Thiên Chúa và chỉ có Thiên Chúa mới có thể trả lời, chỉ vì lời an ủi đích thật chính là sự phục sinh. Nên lời an ủi này của Thiên Chúa hơn hẳn các lời khác. Chính trong sự phục sinh mà sự bất công được gợi lên trong lời cay đắng: ‘chúng không còn nữa’. Vào thời của chúng ta, tiếng than khóc của các bà mẹ hướng về Thiên Chúa vẫn còn hiện thực, đồng thời cuộc phục sinh của Đức Giêsu bảo đảm cho chúng ta trong hy vọng về một sự an ủi đích thực”.[4]
Tấm thảm kịch đã làm rung động trái tim của biết bao bà mẹ và của bao nhiêu con người, và tấm thảm kịch này cũng chỉ ra tầm quan trọng và sự khẩn thiết của sứ mạng cứu chuộc của Đấng Cứu Thế, Đấng Mêsia. Trong tuổi thơ của mình Chúa Giêsu đã phải trải qua bắt bớ và trốn chạy. Như thế, Thánh Giá và mầu nhiệm tử nạn đã được “gói vào” trong chính mầu nhiệm Giáng Sinh của Người. Hài Nhi Giêsu đã được cứu thoát khỏi cái chết. Đó là dấu hiệu chỉ về sự phục sinh của Người, nhưng trước khi Người phục sinh, Người phải đi con đường khổ nạn và chịu chết trên Thánh Giá.[5]
Chúng ta cũng xác tín rằng, biến cố các trẻ em vô tội ở Bêlem bị giết hại không bao giờ tương hợp với thánh ý của Thiên Chúa, mà hoàn toàn đối chọi với thánh ý của Người. Nhưng thảm kịch đau thương này xảy ra dưới ánh mắt của Thiên Chúa. Người không can thiệp với quyền năng của Người, mà Người chia sẻ tất cả các nỗi đau của con người với chính tình yêu của Người, bằng cách Người trở nên người như con người, mặc lấy chính xác phàm yếu đuối của con người, để cùng con người chịu khổ đau, chịu bách hại, chịu kết án trong bất nhân và cuối cùng đi ngang qua con đường đầy bạo lực và đổ máu trên Thánh Giá. Nhưng cuối cùng, cái chết và bạo tàn không phải là chữ cuối cùng của cuốn sách lịch sử nhân loại, mà chữ cuối cùng là tình yêu và phục sinh của Đức Kitô. Đó là con đường của ơn cứu độ, con đường của Thiên Chúa đến cứu nhân loại chúng ta.
Cuối cùng, phía trên bức tranh có hai trẻ thơ với các đôi cánh xuất hiện trên các tầng mây. Đàng sau các tầng mây là một chút hình ảnh màu xanh của trời cao. Niềm hy vọng vào Thiên Chúa luôn tồn tại. Trong tuyệt vọng nhưng vẫn một lòng cậy trông. Tay cầm cành thiên tuế, khuôn mặt của hai thiên thần nhỏ toả ra sức mạnh của hy vọng và vinh quang. Đó không chỉ là các thiên thần. Đó là chính hai em bé vô tội đã bị giết chết nằm trên nền đất ở phía dưới. Chúng ta thấy hoạ sĩ đã rất khéo léo để vị trí xuất hiện của hai thiên thần nhỏ này hướng thẳng về phía dưới chỗ nằm của hai em bé vô tội bị giết. Các em bé vô tội bị giết trong bạo tàn đã trở thành hai thiên thần, và truyền thống Giáo Hội coi các em bé bị giết hại là các thánh Anh Hài. Các ngài được hưởng vinh quang trên nước Trời. Hai thánh Anh Hài trong tranh hướng nhìn về trái đất như muốn nói rằng:
“Đừng sợ, cuối cùng Thiên Chúa quyền năng với tình yêu cùng lòng thương xót của Người sẽ chiến thắng”.
Ngoài ra, lịch sử phụng vụ không cho chúng ta biết rõ lễ các thánh Anh Hài đã được mừng từ thời nào. Nhưng ta có thể biết một điều là lễ này đã có từ lâu. Hiện nay lễ các thánh Anh Hài được mừng trong tuần bát nhật Giáng Sinh, thường thì vào ngày 28.12. Trong giờ kinh Sách ngày lễ các thánh Anh Hài 28.12, thánh Quất-vun-đê-ô đã có những lời thật đẹp:
“Ôi ! Hồng ân cao cả! Các em bé đã có công trạng nào để chiến thắng như thế? Các em chưa biết nói mà đã tuyên xưng Chúa Kitô. Chân tay yếu ớt, các em chưa đủ sức xông ra chiến trường, thế mà các em lại được lãnh nhận ngành thiên tuế dành cho người chiến thắng vinh quang”.[6]
(Trích từ tập sách của Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ. ĐẤNG TUYỆT MỸ TRONG NƠI NGHÈO HÈN. NXB. Đồng Nai. 2023).
Nguồn: dongten.net
______
[1] X.Soeding T. & Vorholt R., Das Fluechtlingskind in Gottes Hand. Patmos Verlag. Ostfildern 2016. S.79.
[2] Tham khảo Der Göttliche Guido Reni. Herausgerber von Bastian Eclercy. Städel Museum. Hatje Cantz Verlag 2023.
[3] Tham khảo Gérald Denizeau. Die Bibel in Bildern. Die Flucht nach Ägypten. Der Lambert Schneider Verlag 2016. S.128-131.
[4] Ratzinger J., Đức Giê-su thành Nazareth, phần III Thời thơ ấu của Đức Giê-su. S.158.
[5] X.Soeding T. & Vorholt R., Das Fluechtlingskind in Gottes Hand. S.80-81.
[6] Trích bài giảng của thánh Quất-vun-đê-ô, giám mục. Giờ Kinh Sách ngày 28.12.