Khi chiêm ngắm Chúa Hài Đồng sinh ra trong hang lừa ở Bêlem, thánh nữ Cassia (805-867) đã thốt lên:

“Ôi thật bao la lòng thương xót của Chúa!

Vinh Danh Chúa xiết bao, Chúa ơi!”

Còn các danh hoạ thì biểu lộ cảm xúc của họ qua cây cọ sống động diễn tả tình yêu cứu độ tuyệt vời của Thiên Chúa dành cho nhân loại, khi họ chiêm ngắm vinh danh của Chúa tỏ lộ nơi hang Bêlem.

Ở đây, chúng ta có thể nhắc đến danh họa Geritt van Honthorst (1592 – 1656).[1] Ông là một họa sĩ sống trong thời hoàng kim của Hà Lan về khoa học, mậu dịch, quân sự, nghệ thuật. Geritt van Honthorst học hội hoạ với hoạ sĩ Abraham Bloemart ở Hà Lan và sau đó ông qua Roma để tiếp tục trau dồi về hội hoạ. Tại Roma ông đã tiếp cận với các tác phẩm hội hoạ của hoạ sĩ nổi tiếng người Ý Caravaggio, đặc biệt ông chịu ảnh hưởng bởi cách phối màu tương phản sáng và tối của hoạ sĩ người Ý này. Về lại Hà Lan Geritt van Honthorst đã đưa cách phối mầu này vào trong tranh của ông.

Geritt van Honthorst vẽ nhiều tranh về Ki-tô giáo. Trong đó chủ đề Giáng Sinh cũng được ông diễn tả. Cụ thể ông vẽ ba bức tranh về câu truyện Các mục đồng thờ lạy Chúa. Một bức đã được trưng bày trong viện bảo tàng nghệ thuật Uffizien, ở Florenz, Ý, nhưng tiếc rằng vì một tai nạn nên bức này đã bị tàn phá. Bức thứ hai được trưng bày trong viện bảo tàng “Greifswald im Pommerschen Landesmuseum”, miền bắc Đức. Bức thứ ba cũng cùng một chủ đề và hiện nay được trưng bày trong “Wallraf Richartz Museum”, ở Koeln (Cologne), Đức Quốc, mà người viết được đến thăm và được phép chụp lại tấm hình bức tranh này.

Khi chiêm ngắm bức tranh Các mục đồng thờ lạy Chúa trong viện bảo tàng nghệ thuật Wallraf Richartz Museum, người viết ngẩn người về nét đẹp và sống động của bức tranh mà hoạ sĩ Geritt van Honthorst đã diễn tả.

Bức tranh được bao phủ bởi một khung màu tối đen. Phải chăng hoạ sĩ Geritt van Honthorst muốn diễn tả rằng, ông cũng đã trải nghiệm những trang sử đen tối trong xã hội thời đó. Với khung màu đen tối bao phủ bức tranh, hoạ sĩ như muốn diễn tả tình trạng đau thương của cuộc chiến 30 năm ở Châu Âu vào thời đó (từ năm 1618-1648). Mặc dù trên danh nghĩa đó là cuộc xung đột tôn giáo giữa những người Tin Lành và những người Công Giáo, nhưng thật ra, động cơ chính của cuộc chiến bắt nguồn từ cuộc tranh giành quyền lực giữa nhà Habsburg và các cường quốc khác ở Châu Âu. Chiến tranh 30 năm đã tàn phá Châu Âu thật nặng nề, gây ra nạn đói và dịch bệnh (do các xác người chết không chôn kịp), làm giảm dân số của các thành bang ở khu vực nước Đức ngày nay và những vùng khác ở Ý, đồng thời khiến nhiều cường quốc Châu Âu suy sụp. Trong một số nơi tại Đức có đến hai phần ba dân số thiệt mạng trong cuộc chiến tranh này. Đêm đen đang bao phủ chúng ta và đêm đen đang ngự trị trong chúng ta!

Đêm đen này cũng được Ngôi Hai Thiên Chúa đón nhận khi sinh hạ vào đời trong một hang lừa, chứ không phải một nhà hộ sinh cũng chẳng phải là một mái ấm nào. Thật vậy, không có ai và cũng chẳng có nhà nào đoái hoài mở cửa đón tiếp hai bóng người lủi thủi trong đêm, một người đàn ông đang dìu người vợ mang thai đi tìm chỗ trọ.

Thánh sử Luca diễn tả thật ngắn gọn tấm bi kịch này: “Vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ”. “Suy gẫm các lời này trong niềm tin, sẽ gặp được một xác quyết song song, với lời này thật sâu lắng trong tiền đề của thánh Gioan: ‘Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận’ (Ga 1,11). Không có chỗ cho Đấng Cứu Độ trần gian, cho Đấng Tạo Thành vạn vật (x.Cl 1,16). ‘Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu’ (Mt 8,20). Đấng bị đóng đinh bên ngoài thành (x.Dt 13,12) cũng được sinh ra trên trần thế bên ngoài thành…Từ lúc được sinh ra, Người không thuộc về môi trường quan trọng và quyền lực theo cách đánh giá của trần gian. Thế nhưng, chính con người không quan trọng và không quyền lực này, tự minh chứng mình mới là kẻ có quyền lực đích thực, tất cả đều lệ thuộc về Người”.[2] Đó là tâm tình của một thần học gia lỗi lạc Josef Ratzinger.

Cùng một góc nhìn, thần học gia lỗi lạc khác là Karl Rahner chú ý đến sự bình dị và nghèo nàn của biến cố Giáng Sinh: “Ngôi Lời Thiên Chúa liều bước vào thực tế tẻ nhạt để trở nên ‘một người gây rối’ bị loại trừ, người nhà của một gia đình bị bóc lột, và công dân của miền đất bị nô lệ. Người đã được sinh ra trong nghèo nàn, trong chuồng chiên bò, vì Maria và Giuse không được tiếp nhận trong quán trọ. Do đó thánh Phaolô đã có thể nói về Chúa: ‘Vì anh em, Người đã nên nghèo khó, dù Người giàu có’ (2Cr 8,9). Vì cảnh nghèo khó này không phải hiếm nên không ai để ý tới. Điều mà Maria và Giuse trải qua tại Bêlem có lẽ không gây sốc mạnh cho các Ngài. Đúng hơn, các Ngài đón nhận như cách đối xử bình thường dành cho dân nghèo.

Tuy nhiên, việc sinh ra trong hoàn cảnh tầm thường và thấp hèn như thế, ít nhất, theo cách suy nghĩ của chúng ta, xem ra khó mà thích hợp cho một khởi đầu của một cuộc đời rạng rỡ. Tất cả những hoàn cảnh của việc Chúa Giêsu chào đời cho thấy việc sinh ra trong nghèo nàn, rất bình thường, và quá tầm thường. Vì việc sinh ra quá nghèo khó, cũng vì hoàn cảnh như thế mà người ta không thể nói trước về một cuộc đời quý phái. Việc Người được sinh ra không hề được ai biết đến: nó xẩy ra ở một góc ngoài bìa làng, và dân chúng đương thời còn bận tâm về những chuyện khác. Chỉ một vài mục đồng rách rưới khám phá đó là biến cố của trời cao, lịch sử trên đời tuyệt nhiên không màng tới”.[3]

Các mục đồng xuất hiện trong bức tranh. Chúng ta cùng chiêm ngắm tiếp. Có tất cả sáu nhân vật trong tranh: 03 mục đồng, thánh Giuse, Mẹ Maria và Hài Nhi Giêsu nằm ở giữa. Ngoài ra, chúng ta cũng thấy một chú bò ở phía bên phải bức tranh. Toàn bộ bức tranh đều tập trung về Hài Nhi Giêsu. Ba mục đồng với các cử chỉ khác nhau nhưng đều hướng về Hài Nhi. Vị mục đồng ở tiền cảnh với tấm áo màu xanh lá cây nhạt (như màu xám) và với đôi tay chắp lại, đang chăm chú nhìn Hài Nhi, và ông như đang diễn tả thái độ thờ lạy của mình cách trịnh trọng. Vị mục đồng khác có lẽ trẻ hơn vì không có râu, ông ở đàng sau Mẹ Maria. Ông đội chiếc nón rộng vành và đang cầm chiếc gậy trên tay trái, còn tay phải ông chỉ về hướng Hài Nhi, trong khi đó ông lại hướng về người mục đồng đang mặc áo choàng đỏ đứng phía sau, và mở miệng nói điều gì đó với người này. Phải chăng ông nói với bạn rằng: “Hài Nhi nằm kia kìa chính là Hài Nhi mà Thiên Thần đã nói cho chúng ta biết đó, được quấn tã và nằm trong máng cỏ” (x.Lc 2,12). Vị mục đồng thứ ba đang đứng phía sau với chiếc áo choàng đỏ. Đôi mắt ông cũng hướng về Hài Nhi. Tay phải ông đang cầm chiếc nón vừa được gỡ ra, theo kiểu chào của người Châu Âu, với sự trân quý vị khách là “Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta” (Lc 1,78).

Như thế, chúng ta thấy “các mục đồng là những người đầu tiên được đón nhận sứ điệp về việc Chúa Giêsu sinh ra, và họ được chiêm ngắm máng cỏ này. Họ là những người đầu tiên, vì họ là những người ‘ngồi ở chỗ cuối cùng’, vì họ là những người bị xã hội loại trừ. Họ là những người đầu tiên, vì họ canh thức vào ban đêm để canh giữ đàn chiên của họ”.[4]

Thiên Chúa cao cả đã chọn những người bình dị và nghèo hèn để làm chứng cho biến cố Giáng Sinh của Người Con Duy Nhất là Chúa Giêsu. Đó là các thức của Thiên Chúa. Thật vậy, Người quan tâm tới những phận người ý thức mình là “nữ tỳ hèn mọn” (x.Lc 1,38.48), là những người nghèo hèn và bất hạnh đang ngồi trong tối tăm (x.Lc 1,79). Tất cả những người hèn mọn này được Chúa đoái thương, được Chúa chúc phúc. Thật đẹp sứ điệp Giáng Sinh của Thiên Chúa giàu lòng thương xót, Đấng Vô Biên nhưng cũng là Đấng đang ở thật gần bên mỗi “máng cỏ” của phận người. Sứ điệp cao quý này tương hợp với lời của Chúa Giêsu nói sau này: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Lc 10,21).

Dĩ nhiên Chúa Giê-su ca tụng và tri ân Cha, không phải vì Thiên Chúa đã không chọn người khôn ngoan, mà vì Thiên Chúa đã chú ý đến người bé mọn mà mặc khải cho họ. Nhưng mặc khải điều gì? Thiên Chúa đã mặc khải chính Chúa Giê-su cho người bé mọn, cho các mục đồng trong biến cố Giáng Sinh. Ngoài ra, cách nói này Chúa Giê-su dùng để nhằm chú tâm đến những người bé mọn. Còn ở nơi những người khôn ngoan hay tự cho mình là khôn ngoan đủ rồi, thì Thiên Chúa không có gì để nói với họ cả. Như thế, sứ điệp của Chúa Giê-su một cách nào đó đã tố cáo sự kiêu ngạo của những người tự cho mình là khôn ngoan. Vì sự kiêu ngạo đó, nên họ không thể mở lòng để đón nhận những mặc khải của Thiên Chúa. Ngoài ra, chúng ta nhớ tới lời Chúa Giê-su nói trong các Mối Phúc: Phúc cho ai có tâm hồn khó nghèo. Người nghèo là những người ý thức về phận hèn mỏng dòn của mình và họ luôn cậy nhờ vào Thiên Chúa. Phúc thay ai hiền lành. Họ là những người không cao ngạo và luôn có trái tim mở rộng đối với Thiên Chúa và đối với Tin Mừng. Chúng ta cũng nhớ đến lời mời gọi của Chúa Giê-su: hãy học với Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng.

Trở về với bức tranh, chúng ta thấy cả ba vị mục đồng đều chăm chú hướng về Hài Nhi Giêsu. Họ biểu lộ sự kính trọng và thờ lạy; đan quyện vào đó là niềm vui và sự hân hoan được diễn tả qua khuôn mặt và cử chỉ của họ. Chú bò ở phía bên phải và ở phần giữa bức tranh cũng hoà điệu với các mục đồng, hướng về Hài Nhi.

Về hình ảnh của thú vật trong hang đá, ĐHY. Schoenborn giúp chúng ta tìm hiểu qua sách Nguỵ Thư Mát-thêu giả (Ps-Mt), trong đó có viết: “Ngày thứ ba sau khi sinh Đức Giê-su Kitô… Đức Maria đặt Hài nhi vào trong máng cỏ. Và có con bò và con lừa thờ phượng Ngài (Ps-Mt 14,1). Qua đó lời của ngôn sứ Isaia được thành tựu: ‘Con bò còn biết chủ, con lừa còn biết cái máng cỏ nhà chủ nó. Nhưng Ítraen thì không biết, dân Ta chẳng hiểu gì’ (Is 1,3). Như thế cả thú vật như bò và lừa đều thờ lạy Hài Nhi. Điều này cũng làm cho lời của ngôn sứ Habacúc được thành tựu: ‘Ngài sẽ tỏ mình ra giữa hai con vật’ (Kbc 3,2 bản Hy Lạp). Lời của sách Nguỵ Thư và hai lời của các ngôn sứ trong truyền thống đã miêu tả về Chúa Kitô. Nhưng điều quan trọng hơn ở đây là, hình ảnh đã diễn tả được điều mà Đức Tin đã tuyên xưng: Hài Nhi này là Chúa Tể trời đất. Thiên Thần, con người và ngay cả thú vật, tất cả các tạo vật đều phủ phục và thờ lạy Đấng Tạo Dựng, Đấng đã tự mình trở nên Một Thụ Tạo.

Ngoài ra, cũng không nhất thiết phải luôn luôn là chú lừa. Trong trường phái mỹ thuật Icôn của Nga có cả chú ngựa xuất hiện trong cảnh Giáng Sinh. Tại sao lại là chú Ngựa? Có thể vì người Nga đặc biệt yêu thương con vật này, và với họ ngựa tượng trưng cho sự sống”.[5]

Sau này thánh Phanxicô thành Asisi (1182-1226) với tình yêu đặc biệt dành cho Chúa Giêsu, Ngôi Lời mặc lấy xác phàm, Đấng có tên là “Emmanuen, Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, ngài đã cố gắng làm sống động khung cảnh Giáng Sinh của Chúa Giêsu thật ấm cúng, nghèo hèn nhưng rất gần gũi với đời thường. Thánh nhân đã cùng mọi người tạo nên khung cảnh máng cỏ tại Greciô vào năm 1223 có cả chú bò và chú lừa tương hợp với lời của triên tri Isaia đã nhắc đến. Sáng kiến rất tuyệt vời của thánh nhân đã đi vào lòng người và sau này các hoạ sĩ Ki-tô giáo khi vẽ các bức tranh về biến cố Giáng Sinh của Chúa Giêsu, hầu như đều đưa chú bò và chú lừa vào trong tranh.

Giờ đây chúng ta chiêm ngắm thánh Giuse và Mẹ Maria trong bức tranh. Thánh Giuse mặc chiếc áo choàng màu nâu nhạt diễn tả sự khiêm cung và hiền lành của ngài. Bên trong người mặc chiếc áo màu xanh da trời. Với bộ râu dài, nhưng khuôn mặt thì không có nhiều nếp nhăn. Ngài đang đứng, tay ngài đặt trên đầu chú bò như tựa vào đó. Thân mình ngài hướng nhẹ về phía dưới và phần đầu cùng đôi mắt người “dán vào” Hài Nhi Giêsu. Một sự chiêm ngắm thật đẹp! Đôi mắt người tỏ rõ nét tươi vui hợp với đôi môi hơi mở ra của người. Cha nuôi Giuse chắc là vui lắm, khi chiêm ngắm Hài Nhi mới sinh, Hài Nhi mà Thiên Thần đã báo mộng và trao sứ mạng cho người chăm nom cùng đặt tên (x.Mt 1,18-25). Thánh Giuse sẽ đặt tên cho Hài Nhi là Giêsu, nghĩa là Thiên Chúa cứu độ. Còn “người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuen, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23). Ngắm nhìn thánh Giu-se một lần nữa, chúng ta nhận ra niềm hạnh phúc được toả ra nơi ngài.

Giờ đây chúng ta hướng về Mẹ Maria. Mẹ đang ngồi bên Hài Nhi. Chúng ta nên dừng bước trong thinh lặng và chiêm ngắm Mẹ. Mẹ là người ngồi gần Hài Nhi nhất. Mẹ mặc chiếc áo choàng bên ngoài màu xanh lá cây tràn đầy hy vọng. Chiếc áo trong màu hồng nhạt thật trang nhã với Mẹ, một Trinh Nữ tuyệt mỹ được Thiên Chúa tuyển chọn. Trên đầu Mẹ quàng một tấm khăn trắng mỏng và dài thả xuống bờ vai Mẹ. Giờ đây chúng ta chiêm ngắm thái độ của Mẹ. Mẹ đang ngồi, đôi tay của Mẹ giang rộng và nâng niu tấm khăn trắng dành cho Hài Nhi Giêsu. Ôi thật đẹp thái độ của cô Trinh Nữ, Đấng đầy ân sủng, Đấng đẹp lòng Thiên Chúa! Mẹ như muốn giới thiệu cho muôn dân Người Con của Mẹ và cũng là Con Đấng Tối Cao (x.Lc 1,32). Đầu Mẹ cúi nhẹ qua bên phải và đôi mắt của Mẹ hoàn toàn chú tâm về Hài Nhi Giêsu. Sự chú tâm của Mẹ vừa diễn tả tình yêu mẫu tử dành cho Con Trai yêu dấu, vừa diễn tả tinh thần xin vâng của Mẹ với Thiên Chúa, với thánh ý của Thiên Chúa (x.Lc 1,38).

Khuôn mặt của Mẹ được hoạ sĩ diễn tả rất trẻ. Đúng là Cô Trinh Nữ tuyệt mỹ của Thiên Chúa! Mẹ còn trẻ lắm, Mẹ thật là Thiếu Nữ Trinh Trong. Đôi mắt mẹ tỏ lộ sự trong trắng đó và Mẹ đang chăm chú nhìn Hài Nhi của Mẹ. Kết hiệp với sự trinh trong của Mẹ là nụ cười dịu dàng tràn đầy niềm vui và sức sống của Mẹ. Ngắm nhìn Mẹ ở đây mà nhớ lại lời của bà Êlisabét đã nói với Mẹ: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (Lc 1,42).

Mẹ thật là người có phúc! Mẹ thật xứng để được Thiên Chúa tuyển chọn!

Nhưng trong cung cách của Mẹ, và qua cả những chiếc áo Mẹ được hoạ sĩ “mặc cho”, Mẹ diễn tả nét khiêm cung của người nữ tỳ hèn mọn mà Mẹ đã tự “khoác” vào cuộc đời Mẹ.

Ngắm nhìn Mẹ thật đẹp, thật khiêm nhu và tràn đầy niềm vui, chỉ còn biết hợp lời với Mẹ cất lên tiếng ca Ngợi Khen Thiên Chúa:

“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.
Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn!”
 (Lc 1,46-49).

Mẹ Maria đã được Chúa đoái thương chọn để cưu mang chính Đấng Cứu Độ.

Ngắm nhìn Mẹ Maria một lần nữa, chúng ta nhận ra niềm hạnh phúc được toả ra nơi Mẹ.

Giờ đây chúng ta chiêm ngắm nhân vật chính đang nằm ở trung tâm của bức tranh: Hài Nhi Giêsu. Hài Nhi được Mẹ Maria quấn tã. Hình ảnh này tương hợp với lời của thiên sứ nói với các mục đồng: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12). Cỏ khô là rơm rạ được họa sĩ Honthorst mô tả thật sống động trong tranh.

Như mọi người mẹ ở Paléstina và đặt con nằm trong máng cỏ. Đức Maria quấn tã cho Hài Nhi mới sinh. Chúng ta có thể thấy được với tình yêu nào Đức Maria đối mặt với giờ phút này, khi chuẩn bị cho việc sinh hạ. Truyền thống tranh ảnh thánh (Ikon) dựa theo thần học của các giáo phụ, đã chú giải máng cỏ và các tấm tã. Hài nhi bị quấn chặt trong các tấm tã như hướng ý đến giờ chết của mình: ngay giây phút ban đầu, Em là vật hiến tế; như chúng ta suy nghĩ sâu xa lời nói về Hài Nhi. Như thế, máng cỏ được trình bày như một bàn thờ. Sau khi quẫn tã cho Hài Nhi, Đức Maria đặt con nằm trong máng cỏ, chứ không phải là cái nôi ấm êm nào cả. Máng cỏ được nhắc đến có thể là một cái chòi sau quán trọ vì ở đấy có chỗ cho lừa qua đêm và có máng đựng cỏ cho lừa ăn đêm. Ngoài ra, thánh Augustino đã chú thích ý nghĩa của máng cỏ bằng một tư tưởng, vào thời gian đầu không được chấp nhận mấy, nhưng nếu đọc cẩn thận sẽ tìm thấy vị trí nơi súc vật tìm lương thực cho mình. Bây giờ nằm trong hang, chính là Bánh đích thực từ trời xuống – như là lương thực chân thật mà con người cần cho hiện sinh của mình. Đó là lương thực ban cho con người đời sống thật, đời sống vĩnh cửu. Máng cỏ hướng ý đến bàn tiệc của Thiên Chúa, con người được mời vào để lãnh nhận Bánh của Thiên Chúa. Trong sự nghèo hèn của cuộc sinh hạ Đức Giê-su, cho thấy sự vĩ đại, trong đó ơn cứu độ nhân loại được thực hiện cách mầu nhiệm.[6]

Để hiểu sâu hơn suy tư của thánh Augustino, chúng ta cũng nên nhớ từ ngữ Bêlem (Bethlehem) có ý nghĩa là nhà bánh – house of bread. Về điều này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ trong bài giảng lễ đêm Giáng Sinh năm 2018 như sau: “Bê-lem, tên gọi này có nghĩa là nhà bánh. Trong ‘nhà’ này, hôm nay Thiên Chúa muốn gặp gỡ toàn thể nhân loại. Ngài biết rằng chúng ta cần lương thực để sống. Nhưng Ngài cũng biết rằng những thứ lương thực của thế gian này sẽ không làm thoả mãn tâm hồn…

Bê-lem là một bước ngoặt làm thay đổi lịch sử. Ở đó Thiên Chúa, trong nhà bánh, được sinh ra trong máng cỏ. Qua việc ấy Ngài như muốn nói: ‘Ta ở đây, là lương thực cho các con’. Ngài không lấy đi, nhưng trao ban cho chúng ta để ăn; Ngài không chỉ cho chúng ta một thứ thuần vật chất, mà là chính bản thân Ngài. Tại Bê-lem, chúng ta khám phá ra rằng Thiên Chúa không lấy đi sự sống, mà trao ban sự sống. Đối với chúng ta, những người từ khi sinh ra đã quen với việc lấy đi và ăn, Chúa Giêsu bắt đầu nói: ‘Hãy nhận lấy mà ăn. Này là mình Thầy’ (Mt 26,26). Thân mình nhỏ bé của Hài Nhi Bê-lem nói với chúng ta về một lối sống mới để sống cuộc sống của chúng ta: không phải bằng việc thu lấy và phá huỷ, mà bằng việc chia sẻ và cho đi. Thiên Chúa đã tự biến Ngài trở nên nhỏ bé để Ngài có thể là lương thực cho chúng ta. Qua việc được Chúa nuôi dưỡng bằng bánh hằng sống, chúng ta có thể được tái sinh trong tình yêu, và phá vỡ vòng xoáy của việc vơ vét và tham lam. Từ ‘nhà bánh’, Chúa Giê-su đưa chúng ta trở về nhà, để chúng ta có thể trở thành gia đình của Thiên Chúa, những anh chị em của người thân cận của chúng ta. Đứng trước máng cỏ, chúng ta hiểu rằng lương thực của cuộc sống không phải là những thứ của cải vật chất mà là tình yêu, không phải là sự khoa trương mà là sự đơn giản.

Chúa biết rằng chúng ta cần được nuôi dưỡng hằng ngày. Đó là lý do vì sao mà Ngài đã trao ban chính Ngài cho chúng ta mỗi ngày là sự sống của Ngài: từ máng cỏ tại Bê-lem đến Phòng Tiệc Ly ở Giê-ru-sa-lem. Ngày nay cũng thế, trên bàn thờ, Ngài trở thành bánh bẻ ra cho chúng ta; Ngài gõ cửa nhà chúng ta, để đi vào và ăn với chúng ta (x.Kh 3,20). Trong Lễ Giáng Sinh, chúng ta trên trái đất nhận lãnh Chúa Giêsu, bánh từ trời. Đó là bánh sẽ không bao giờ hư hao, nhưng giúp chúng ta ngay bây giờ thậm chí nếm trải trước sự sống đời đời”.

“Đức Kitô, Đấng Cứu Độ được sinh và đang ở đây, đang được bọc tã và nằm trong máng cỏ” còn nói cho chúng ta biết rằng, Thiên Chúa không quên nhân loại chúng ta. Ngài đến và được sinh ra, được chính những người trong chúng ta chăm sóc, đó là Mẹ Maria và thánh Giuse. Máng cỏ và khăn tã là những đồ vật rất đơn sơ, bình dị và nghèo hèn mà hai đấng tìm thấy và có được trong lúc đó, để dùng chăm sóc cho con mình. Đấng Cứu Độ sinh ra và đã mở lòng đón nhận những gì tầm thường và đơn sơ của nhân loại. Thật đẹp hành trình đi xuống của Đấng Cứu Độ! Người chẳng chê bai và cũng chẳng chọn lựa những nơi đẹp đẽ và đầy đủ tiện nghi để sinh ra, nhưng Người hoàn toàn “phó thác” chính mình vào trong đôi tay của Mẹ Maria và thánh Giuse.

Được bọc tã và nằm trong máng cỏ, ôi Đấng Cứu Độ của chúng con! Làm sao chúng con có thể nhận ra được Người là Đấng Cứu Độ? Làm sao có thể hiểu được dung mạo và sự năng động của Đấng Cứu Độ sinh ra cho nhân loại chúng con, mà Tin Mừng đề cập đến?

Nhà thần học lỗi lạc Karl Rahner đã nói một câu ngắn gọn như là bảng chỉ đường cho chúng ta: “Thiên Chúa thực sự ở gần bạn, Người ở tại nơi mà bạn đang sống”.[7]

Tiếp đến chúng ta tự hỏi: từ đâu mà ánh sáng trong bức tranh được chiếu toả ra? Bình thường trong các bức tranh Giáng Sinh thường hay có một các ngôi sao trên trời hay ngôi sao chổi toả ánh sáng xuống, hay ánh sáng toả ra từ một cây đèn dầu được treo ở trong phòng. Nhưng trong bức tranh này, danh họa Honthorst đã không để cho những nguồn sáng đó xuất hiện. Lạ thay!

Nhìn kỹ chúng ta sẽ thấy ánh sáng được toả ra từ chính Hài Nhi Giêsu. Hoạ sĩ đã muốn đưa cho chúng ta một sứ điệp quan trọng trong bức tranh này: Hài Nhi Giêsu chính là nguồn sáng duy nhất và toả ra cho Mẹ Maria, cho thánh Giuse, cho ba mục đồng và cho cả chú bò. Tất cả các khuôn mặt được toả sáng của các nhân vật trong tranh, được “kín múc” ánh sáng từ chính Nguồn Sáng Chính và Nguồn Sáng duy nhất: Chúa Giêsu Kitô, Đấng được gọi là Emmanuen, Đấng được coi là Vầng Đông từ trời cao đến thăm nhân trần.

Vì thế, mà người ta đã đặt một tiêu đề khác cho bức tranh này: “Das leuchtende Christuskind – Hài Nhi Kitô toả sáng”.

Thật vậy, Hài Nhi Ki-tô chính là “Vầng Đông từ trời cao đến viếng thăm ta”.

Người chính là mặt trời Công Chính chiếu toả xuống trên những ai đang lần bước trong tối tăm, và đang ngồi trong bóng tối!

Người chính là Ánh Sáng soi đường cho dân ngoại!

“Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,9).

Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8,12).

Lời của Chúa Giê-su đem lại cho chúng ta niềm hy vọng mạnh mẽ. Từ Hài Nhi Giêsu toả ra một nguồn sáng không bao giờ tắt. Dù thế giới của chúng ta có bị bóng tối của chiến tranh đe doạ và bao phủ, dù xã hội chúng ta luôn phải đối diện với những đêm đen của sự dữ gây ra biết bao sợ hãi và khổ đau, nhưng chúng ta vẫn không đánh mất đi niềm hy vọng vào Hài Nhi đang nằm kia và đang toả sáng. Thật vậy, Ánh Sáng đến từ chính Người, chứ không đến từ cứ nguồn nào do con người làm ra.

Hơn nữa, ngày xưa cũng như hôm nay, chúng ta luôn vững bước đi như là con cái của Sự Sáng, vì chính Đấng là nguồn sáng trao chúng ta một sứ điệp thật mạnh mẽ và củng cố niềm hy vọng cùng niềm tin của chúng ta: “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga 1,5).

Cuối cùng, chúng ta mường tượng mình đang có mặt trong bức tranh, có thể là một mục đồng đang chiêm ngắm Hài Nhi. Chúng ta hãy để cho Hài Nhi cuốn hút, hãy để cho ánh sáng tỏa ra từ Hài Nhi tràn đến và phủ trên chúng ta, trên đầu, trên khuôn mặt và trên thân xác chúng ta.

Như thế là chúng ta đang đón tiếp Hài Nhi, đang để cho chính Ánh Sáng của Người bước vào, thâm nhập vào con người chúng ta, vào trong trái tim chúng ta, để Ngài hướng dẫn cuộc sống của chúng ta. Thần học gia Karl Rahner đã có lời thật đẹp và ta có thể chọn lời này như là lời kết của bài này.

“Chính Thiên Chúa ‘bước vào’ trong trái tim của chúng ta, như Người bước vào thế giới này, cụ thể ở tại làng Bê-lem. Điều đó là sự thật. Vì thế, chúng ta mở rộng cánh cửa tâm hồn mình, mở lớn cánh cửa lòng mình, để nhờ đó trái tim của chúng ta có thể ‘bước vào’ trong Ngôi Nhà của Thiên Chúa, như chính Chúa trong Đêm Thánh đầu tiên đã bước vào ngôi nhà của thế giới này. Sau đó chính Chúa nói với chúng ta điều mà Chúa đã nói với toàn thế giới qua hồng ân Giáng Sinh của Người:

Cha đang ở đây, đang ở đây với con. Cha là thời gian của con. Cha là bóng tối của mỗi ngày sống của con, tại sao con không chịu đón nhận bóng tối đó?

Cha cùng khóc với những giọt nước mắt của con, vì thế con hãy khóc với những giọt nước mắt của Cha, hỡi con của Cha!

Cha là niềm vui của con, đừng sợ gì và luôn luôn vui tươi, vì từ khi Cha đã khóc, thì niềm vui đã trở thành một thái độ rất sống động của cuộc sống, sống động hơn mọi nỗi sợ hãi, sống động hơn mọi sự đau buồn của tất cả những ai nghĩ rằng, họ đã hoàn toàn thất vọng.

Cha là ngõ cụt của con đường con đi, vì nơi đâu con không còn có thể tìm được lối ra, thì con đã tìm đến được với Cha, hỡi người con dại khờ của Cha.

Cha ở trong chính sự sợ hãi của con, vì Cha muốn cùng chia sẻ nỗi khổ đau với con. Hơn nữa, Cha cũng không phải là anh hùng nào theo kiểu cách của thế gian này.

Cha ở trong chính ‘nhà tù của đời sống đầy giới hạn’ của con, vì tình yêu của Cha đã làm cho Cha trở thành tù nhân của chính con…

Cha ở trong chính khổ đau của con, vì Cha đã từng đau khổ như vậy. Sự khổ đau đó đã được thánh hoá, nhưng sự khổ đau đó vẫn chưa được lấy hết ra khỏi trái tim con người của Cha.

Cha ở trong hố sâu nhất mà con đã rơi vào, vì hôm nay Cha đã bắt đầu bước vào trong hố sâu thăm thẳm nhất.

Cha ở trong chính cái chết của con, vì hôm nay Cha cùng chết với con, khi Cha sinh ra”.[8]

Nguồn: dongten.net


[1] Tham khảo The Concise Oxfort Dictionary of Art & Artists. Ian Chiulvers. Oxford University Press 2003. Từ ngữ “Honthorst, Gerrit Van”.

[2] Ratzinger J., Đức Giê-su thành Nazareth, phần III Thời thơ ấu của Đức Giê-su. T.96-97.

[3] Rahner, K., Sự kiện Chúa Giáng Sinh. Chuyển ngữ: Linh Mục Gioan. Đại Chủng Viện Thánh Giu-se Xuân Lộc. Nguồn: https://dcvxuanloc.net

[4] Papst Franziskus, Gott ist mit uns. Gedanken zum Weihnachtsfest. S.33.

[5] Schoenborn C. Weihnacht Mythos wird Wirklichkeit. Meditation zur Menschwerdung. Johannes Verlag. 2. Auflage. Einsiedeln 1992. S.77-78.

[6] Ratzinger J., Đức Giê-su thành Nazareth, phần III Thời thơ ấu của Đức Giê-su. T.98-99.

[7] Rahner K., Was Weihnachten bedeutet. Herder Verlag. Freiburg 2014. S.36.

[8] Rahner K., Was Weihnachten bedeutet. S.25-27.