CHƯƠNG TRÌNH DƯỚI ÁNH SÁNG LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT 2 CHÚA PHỤC SINH NĂM A
Bài 09: BÌNH AN

Lm. I-nha-xi-ô Hồ Văn Xuân, Tổng Đại Diện Gp. Sài Gòn
và NPD. CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ

WGPSG (12.04.2023) - Lời đầu tiên Đức Giê-su Phục Sinh nói với các môn đệ đang tụ họp ở phòng Tiệc Ly là : “Bình an cho anh em” và sau đó Người còn lặp lại thêm hai lần nữa (Ga 20,19.21.26). Khi đang còn sợ hãi mà được nghe những lời ấy, các môn đệ như bừng tỉnh, lấy lại được bình tĩnh để nhận ra Chúa Phục Sinh đang ở giữa các ông. Vậy, bình an trong lời chào chúc của Đức Giê-su mang ý nghĩa gì ? Để hiểu rõ ngọn nguồn từ ngữ và ý nghĩa của bình an, chúng ta cùng đi vào bản văn Sách Thánh.

1. Từ vựng

Trong Cựu Ước, hạn từ Híp-ri sa-lôm (שׇׁלוׄם) thường được dịch là bình an / hoà bình. Sách Thánh thường dùng danh từ sa-lôm cũng như các từ liên quan để diễn tả một cuộc sống hoà hợp với người khác (Gs 9,15 ; Tl 4,17 ; 2 Sm 3,20) ; ngoài ra cũng cho thấy sự toàn vẹn của cá nhân hay cộng đồng, mạnh khoẻ, sung túc về vật chất và tinh thần.

Trong sinh hoạt đời thường, người Ít-ra-en dùng từ sa-lôm để chào nhau (Tl 6,23 ; Gr 8,11), hoặc từ giã nhau (Xh 4,18 ; 1 Sm 1,17). Khi chào sa-lôm, người ta ước mong cho nhau được hạnh phúc theo nghĩa rộng nhất. Khi từ giã, sa-lôm là lời cầu chúc thượng lộ bình an với lòng thanh thản (St 26,29.31).

Cũng như người Việt chúng ta, người Ít-ra-en ước mong người thân của họ ra đi “trong bình an”, nghĩa là đã hoàn tất một cuộc đời viên mãn và toại nguyện (St 15,15), đã hoàn thành mục đích Thiên Chúa dành cho cuộc đời mình. Theo đó, chết trong bình an tương ứng với được cứu độ. Vì thế, từ sa-lôm thường được khắc trên bia mộ của người Do-thái.


Còn trong Tân Ước, danh từ ei-rê-nê (εἰρήνη) trong tiếng Hy-lạp tương ứng với từ sa-lôm của tiếng Híp-ri. Từ ei-rê-nê và các hình thức liên quan diễn tả các ý tưởng về bình an, mạnh khoẻ, hạnh phúc, nghỉ yên, hoà giải với Thiên Chúa và ơn cứu độ theo nghĩa sung mãn nhất.

Ei-rê-nê được sử dụng theo nghĩa cổ điển trong các lãnh vực chính trị và quân sự, mang ý nghĩa đối nghịch với chiến tranh (Mt 10,34). Theo nghĩa này, khi thương khóc thành Giê-ru-sa-lem (Lc 19,42) Đức Giê-su đã tiếc cho thành sắp đánh mất nền hoà bình mà tác giả thánh vịnh từng cầu chúc :

Hãy nguyện chúc Giê-ru-sa-lem được thái bình,
rằng : “Chúc thân hữu của thành luôn thịnh đạt,
tường trong luỹ ngoài hằng yên ổn,
lâu đài dinh thự mãi an ninh.” (Tv 122,6-7)

Trong Tin Mừng, Đức Giê-su sử dụng từ ei-rê-nê mang ý nghĩa đặc biệt : bình an là quà tặng của Đức Giê-su, khác với bình an của thế gian (Ga 14,27), đó là quà tặng của Đấng Phục Sinh (Ga 20,19), loan báo ơn cứu độ (Ga 20,21) và đầy Thánh Thần để được ơn tha tội (Ga 20,26).

Thánh Phao-lô và các tác giả thư Tân Ước thường sử dụng từ ei-rê-nê trong lời chào mở đầu và kết thúc lá thư của các ngài : “Chúc anh em được ân sủng và bình an.” (1 Tx 1,1 ; 1 Cr 1,3 ; 1 Pr 1,2)

2. Ý nghĩa thần học

a. Theo Cựu Ước, bình an trước hết là một ân huệ Thiên Chúa ban (Is 26,12 ; Tv 35,27). Bình an cũng là kết quả của việc tuân giữ Giao Ước với Thiên Chúa (Ds 25,12 ; Lv 26,3-7 ; Is 54,10). Bình an tóm tắt các phúc lành Thiên Chúa ban cho dân, như lời chúc phúc của tư tế đã gợi lên và như dân Chúa hằng trông cậy :

“Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em.”
(Ds 6,26)
“Xin Chúa ban quyền lực cho dân Chúa,
tuôn đổ phúc lành cho dân hưởng bình an.”
(Tv 29,11)

“Tôi lắng nghe điều Thiên Chúa phán,
điều Chúa phán là lời chúc bình an
cho dân Người, cho kẻ trung hiếu
và những ai hướng lòng trí về Người.”
(Tv 85,9)

Các sách Lịch Sử đề cập đến bình an theo nghĩa chính trị (Tl 21,13 ; 1 Sm 7,14 ; 1 V 5,4) mà các quy tắc về hoà bình dựa theo giáo huấn của Đệ Nhị Luật (Đnl 20,10-14) ; và chính Thiên Chúa mới là Đấng ban bình an, như Sách Thánh đã quả quyết :

“Sở dĩ trong các năm đó, vua không phải đương đầu với một cuộc chiến tranh nào cả, là vì Đức Chúa đã ban cho đất nước được an bình.” (2 Sb 14,5)

Văn chương khôn ngoan coi bình an là sự thiện tuyệt đối (Hc 26,2 ; Tv 131,2). Nếu người công chính không có bình an ở đời này (G 16,12), thì người ấy sẽ được bù đắp ở đời sau :

Lúc họ xa rời chúng ta,
thiên hạ tưởng là họ bị tiêu diệt,
nhưng thật ra, họ đang hưởng an bình.
(Kn 3,3)

Các ngôn sứ tuyên bố rằng Thiên Chúa là nguồn bình an đích thực (Is 26,12 ; Ed 34,25 ; Dcr 8,12 ; Ml 2,5), và các ông đặt bình an ở trọng tâm sứ điệp của mình (Gr 14,3 ; Ed 13,16). Hơn nữa các ngôn sứ còn cho thấy bình an là đề tài quan trọng của niềm mong đợi Đấng Mê-si-a (Is 57,19 ; 66,12 ; Gr 33,6 ; Ed 37,26). Người là “Thủ lãnh hoà bình” (Is 9,5) sẽ dẹp bỏ chiến tranh ở khắp nơi (Dcr 9,9-10), khôi phục công trình sáng tạo cho toàn vẹn (Hs 2,6 ; Is 11,6-9 ; 65,25), mang lại hoà bình vĩnh cửu như I-sai-a loan báo :

“Danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình. Người sẽ mở rộng quyền bính, và thiết lập nền hoà bình vô tận.” (Is 9,5-6)

Trong phụng vụ Do-thái, có một loại lễ tế gọi là hy lễ kỳ an nhằm đền bù lỗi lầm mà tìm lại bình an hầu duy trì mối tương quan tốt đẹp với Thiên Chúa (Tl 20,26 ; 1 Sm 13,9). Nghi thức chính yếu của hy lễ kỳ an là sát tế con vật rồi lấy máu nó rảy chung quanh bàn thờ (Lv 3).

Hoà bình hay bình an là vắng bóng chiến tranh (Tl 11,12 ; 2 Sm 20,19), và là mong ước của các dân nước (Tl 4,17 ; 1 V 4,24 ; Is 33,7), các chi tộc hay thị tộc (Gs 9,15 ; Tl 21,13).

Hoà bình cũng có thể là kết quả của chiến thắng quân sự như sách Các Thủ Lãnh kể lại (Tl 3,10-11 ; 8,28) :

“Ma-đi-an bị hạ nhục trước mặt con cái Ít-ra-en ; chúng không còn ngẩng đầu lên được nữa. Dưới thời ông Ghít-ôn, lãnh thổ được bình an bốn mươi năm.” (Tl 8,28)

Nhưng hoà bình cũng có thể là thành quả của ngoại giao như trường hợp hoàng hậu Ét-te đã thuyết phục vua A-suê-rô cho dân Do-thái được bình an (Et 9,30 ; 10,3).

Như vậy hoà bình có mối tương quan chặt chẽ với hạnh phúc toàn diện của cá nhân cũng như sự thịnh vượng của cộng đồng (2 Sm 5,7).

Đã có những hiệp ước nhằm kiến tạo hoà bình (St 26,28-31 ; Gs 9,15). Các thoả thuận không gây hấn hoặc bất bạo động cũng thường được ký kết trong thời cổ đại (Đnl 2,26-29 ; Gs 10,1-4). Và cụm từ “giao ước bình an” đã được nói đến nhiều lần (Ds 25,12 ; Is 54,10).

b. Tân Ước vẫn gắn bó với quan niệm bình an của Cựu Ước.

- Các sách Tân Ước chứng minh rằng Đức Giê-su đến hoàn tất niềm mong đợi Đấng Mê-si-a của dân Ít-ra-en (Lc 1,79 ; 2,14.29 ; Is 9,5). Người mang lại bình an cho thế giới (Ga 14,27), và thể hiện bình an nơi chính bản thân Người (Ep 2,14). Bình an Người thông ban không phải dễ dàng đón nhận, nhưng phải qua gian nan khốn khó (Ga 16,33).

Đến lượt mình, các môn đệ được mời gọi trở thành những kẻ “xây dựng hoà bình” (Mt 5,9), là khí cụ bình an (Mt 10,12-13 ; Lc 10,5), là trung gian hoà giải giữa người với người (2 Cr 13,11 ; 1 Tx 5,13).

- Thánh Phao-lô trình bày Thiên Chúa là “nguồn bình an” (Rm 15,33 ; 16,20 ; Pl 4,9 ; 1 Tx 5,23), và bình an là một ân huệ của Chúa Thánh Thần (Rm 8,6 ; Gl 5,22).

Các Ki-tô hữu được mời gọi sống an hoà với hết mọi người :

“Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em, và sống hoà thuận với nhau.” (Mc 9,50)

Cách riêng, thánh Phao-lô khuyên các gia đình :

“Anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia … Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái : đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. Ước gì ơn bình an của Đức Ki-tô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó.” (Cl 3,12-15)

- Tin Mừng cứu độ của Chúa Ki-tô cũng là “Tin Mừng bình an” (Ep 6,15) vì Tin Mừng làm cho những người tin được hoà giải với Thiên Chúa và hoà giải với nhau (Ep 2,12-18), làm cho họ có thể đương đầu trước sự tấn công của ác thần. “Tin Mừng bình an” còn là yếu tố quan trọng trong sứ vụ loan báo Tin Mừng của Hội Thánh : “Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy.” (Mt 10,12)

Cầu nguyện

Lạy Chúa là Đấng ban hoà bình cho nhân loại, xin dập tắt ngọn lửa chiến tranh và cứu vớt những người khốn khổ. Chúa là Đấng tạo thành trời đất, xin trỗi dậy đập tan khí thế của những ai muốn thống trị hoàn cầu.

Ước chi lời ca tụng Hội Thánh dâng lên trở thành của lễ đẹp lòng Chúa. Và ước chi Hội Thánh luôn kiên trung rao giảng Tin Mừng bình an của Chúa cho mọi loài thọ tạo. A-men.

Nguồn: tgpsaigon.net