CHƯƠNG TRÌNH DƯỚI ÁNH SÁNG LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT LỄ LÁ NĂM A
Bài 07: HÌNH PHẠT THẬP GIÁ
Lm. I-nha-xi-ô Hồ Văn Xuân, Tổng
Đại Diện Gp. Sài Gòn
và NPD. CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ
WGPSG
(29.3.2023) - Năm 2004, bộ phim Cuộc khổ nạn của Chúa đã
gây tiếng vang lớn không chỉ vì doanh thu phòng vé cao bất ngờ, mà điều quan trọng
hơn đó là cảnh tượng Đức Giê-su chịu đóng đinh đã đánh động tâm hồn nhiều người,
đưa họ trở về với Thiên Chúa. Diễn viên Jim Caviezel, người thủ vai
Đức Giê-su, đã chia sẻ:
“Từ xưa tới nay, chưa ai được chứng kiến nỗi cực hình của
Chúa chân thật đến như vậy. Lần này là cuộc khổ nạn thực tế nhất đang diễn ra.”
“Khi ở trên thập giá, tôi mới biết rằng trong sự đau khổ
của Chúa, có ơn cứu độ cho chúng ta. Mỗi chúng ta phải vác thập giá của chính
mình. Có một cái giá cho đức tin và cho sự tự do của chúng ta. Tôi đã thực sự bị
đánh đập, bị đòn roi, bị đóng đinh.”
Trong Tuần Thánh này, để giúp nhau chiêm ngắm Đức Ki-tô chịu
đóng đinh, chúng ta sẽ tìm hiểu về HÌNH PHẠT THẬP GIÁ qua ba
điểm sau đây :
- Nguồn gốc của hình phạt thập giá.
- Đức Giê-su chịu đóng đinh và chết trên thập giá.
- Ý nghĩa của thập giá Đức Giê-su.
I. Nguồn gốc của hình phạt thập giá
Khó có thể biết chính xác hình phạt thập giá có nguồn gốc từ
đâu và từ lúc nào. Qua sử gia Hy-lạp là Hê-rô-đốt (Herodotos), chúng ta biết rằng
hình phạt thập giá phát xuất từ Ba-tư vào khoảng thế kỷ VI tCN. Tuy nhiên, theo
các nhà khảo cổ thì trước cả Ba-tư, hình phạt thập giá đã có nguồn gốc xa xưa từ
dân Át-sua (Assyria), sau đó được áp dụng tại Ba-by-lon, Mê-đi, Ba-tư, Xy-ri và
Ai-cập.
Người Hy-lạp dưới thời A-lê-xan-đê Đại Đế đã áp dụng án
tử hình thập giá tại các vùng phía đông Địa Trung Hải từ thế kỷ IV tCN. Chính
A-lê-xan-đê đã cho đóng đinh 2.000 người khi đánh chiếm thành Phê-nix (Phoenix)
vào năm 332 tCN. Hình thức ban đầu có lẽ chỉ là một cây cột gỗ, gọi là giá treo
cổ, như sách Ét-te đã kể : “Sẵn có cái giá Ha-man dựng lên để treo cổ
ông Moóc-đô-khai” (Et 7,9) và “Ha-man đã bị treo cổ lên cái
giá (ấy)” (Et 7,10).
Đến năm 146 tCN, sau khi đánh bại người Hy-lạp và thống trị
toàn vùng Địa Trung Hải, chính quyền Rô-ma đã sử dụng hình phạt thập giá để xử
tử những kẻ can tội giết người, trộm cướp hay phản loạn. Tuy nhiên, hình phạt
này chỉ áp dụng cho dân chúng thuộc những miền bị Rô-ma đô hộ, chứ không áp dụng
cho công dân của họ.
Hình phạt thập giá là một khổ hình tàn nhẫn, làm cho tử tội
phải tột cùng đau đớn và nhục nhã, vì trước khi bị đóng đinh, tội nhân phải chịu
đánh đòn, bằng một thứ roi tua được gắn những cái móc nhỏ và sắc, có thể móc
vào thịt nạn nhân mà lôi ra. Sau đó, tội nhân phải vác thanh gỗ ngang của thập
giá ra pháp trường. Khi đến nơi, quân lính sẽ lột sạch quần áo, cột chặt hoặc
đóng đinh hai cổ tay tội nhân vào thanh gỗ, trước khi kéo lên, ráp thẳng góc với
một cây gỗ đứng đã được dựng sẵn, làm thành hình chữ T, tựa như chữ thập, với bản
án được viết trên thanh gỗ ngang.
Bị treo như thế, nạn nhân sẽ chết dần vì ngạt thở và kiệt sức. Nếu
muốn kết liễu nhanh kẻ tử tội, quân lính sẽ đánh giập ống chân để tội nhân mất
điểm tựa, không thể rướn người lên được để thở và sẽ chết nhanh chóng (x. Ga
19,31). Cực hình có thể kéo dài trong nhiều giờ. Máu rỉ ra và nhỏ xuống từ
các vết thương, cơ bắp bị xé toạc, lớp da co lại, các đốt xương gãy bị kéo rời
ra … càng làm cho cơn hấp hối thêm đau đớn.
Chính quyền Rô-ma đã dùng hình khổ thập giá suốt 300 năm để
khủng bố, đàn áp những người theo Đức Giê-su Ki-tô. Đến năm 313, khi Hoàng đế
Constantinô I cải đạo sang Ki-tô giáo thì hình phạt dã man ấy mới bị bãi bỏ.
II. Đức Giê-su chịu đóng đinh và chết trên thập giá
Đức Giê-su chịu khổ hình thập giá là biến cố được cả bốn Tin
Mừng thuật lại (x. Mt 27 ; Mc 15 ; Lc 23 ; Ga 19). Giới lãnh đạo Do-thái đã
xuyên tạc những lời của Đức Giê-su, khiến Người bị chính quyền Rô-ma kết tội phản
loạn và phải chịu hình phạt đóng đinh thập giá, với lý do được ghi trên tấm bảng
ở đỉnh cây thập giá : “Giê-su Na-da-rét, vua dân Do-thái” (Ga
19,19 ; x. Mt 27,37 ; Mc 15,26 ; Lc 23,38). Sau lệnh đóng đinh của tổng trấn
Phi-la-tô (x. Mt 27,26), Đức Giê-su bị đưa đi đánh đòn, rồi vác thanh gỗ đến
nơi gọi là Gôn-gô-tha, nghĩa là Đồi Sọ (x. Mt 27,33 ; Mc 15,22 ; Lc 23,33 ; Ga
19,17) để chịu đóng đinh, đúng theo tiến trình của cuộc khổ hình thập giá theo
luật Rô-ma.
Biến cố này cũng được các sử gia ngoài Ki-tô giáo ghi lại.
Vào năm 95, sử gia Do-thái Giô-xếp Fla-vi-ô (Josephus Flavius) đã viết : “Vào
thời đó, có một người thông thái, đạo đức tốt lành, tên là Giê-su … Ông bị
Phi-la-tô kết án và đóng đinh vào thập giá và đã chết …” (Antiquitates
Judaicae XVIII, 64). Sau đó, năm 115, sử gia Co-nê-li-ô Ta-xi-tô (Cornelius
Tacitus) người Rô-ma cũng đã viết : “Đức Ki-tô, người sáng lập Ki-tô
giáo, đã bị Phong-xi-ô Phi-la-tô tử hình dưới triều Ti-bê-ri-ô” (Annales
XV, 44-45).
III. Ý nghĩa của thập giá Đức Giê-su Ki-tô
Từ khi Đức Giê-su chịu đóng đinh và chết trên thập giá, thập
giá đã trở thành biểu tượng của Ki-tô giáo (x. Mt 10,38 ; 16,24 ; Mc 8,34 ; Lc
9,23 ; Rm 6,6 …) và mang ý nghĩa quan trọng trong đời sống Ki-tô hữu.
1. Thập giá Đức Giê-su : nỗi ô nhục hay cớ vấp ngã
Khi chịu đóng đinh trên thập giá, Đức Giê-su không chỉ đau đớn
nơi thân xác mà còn đau khổ trong tinh thần nữa. Các Sách Tin Mừng đã kể lại những
lời sỉ nhục phỉ báng cay độc của dân Do-thái (x. Mt 27,39-44 ; Mc
15,29-32). Đối với người Do-thái, kẻ bị treo trên thập giá là kẻ bị nguyền rủa
(x. Đnl 21,22-23) ; phải chết trên thập giá là nỗi ô nhục (x.
Gl 3,13 ; Hr 12,2 ; 13,13). Vì thế, họ khước từ lời rao giảng của các Tông Đồ về
Đấng Ki-tô chịu đóng đinh, “điều mà người Do-thái coi là ô nhục không
thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1 Cr 1,23).
2. Mầu nhiệm thập giá Đức Giê-su đem lại ơn cứu độ
Cái chết của Đức Giê-su trên thập giá là hành động cứu độ của
Thiên Chúa, đồng thời là sự hy sinh tự nguyện của Đức Giê-su vì yêu thương (x.
Ga 15,13). Trong những lần báo trước cuộc Thương Khó, Đức Giê-su đều nhấn mạnh
đến tính cần thiết của thập giá (x. Mt 16,21 ; Mc 8,31 ; Lc 9,22). Và sau khi sống
lại, Đức Giê-su nhắc cho hai môn đệ trên đường Em-mau rằng : “Nào Đấng
Ki-tô chẳng phải chịu đau khổ rồi mới vào trong vinh quang của Người
sao ?” (Lc 24,26). Nhờ cái chết của Đức Giê-su trên thập giá mà nhân
loại được cứu độ, vì thế thánh Phê-rô khẳng định rằng : “Ngoài Người ra,
không ai đem lại ơn cứu độ ; vì dưới gầm trời này, không có một danh
nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó
mà được cứu độ” (Cv 4,12).
3. Thập giá Đức Giê-su : biểu lộ vinh quang Thiên Chúa
Đối với tác giả Tin Mừng thứ tư, thập giá còn là sự biểu lộ
vinh quang Thiên Chúa. Chính nơi thập giá mà Đức Giê-su được tôn vinh. Theo
thánh Gio-an, khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tức là chịu treo trên thập
giá, cũng chính là lúc Đức Giê-su được tôn vinh : “Khi các ông giương
cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết Tôi Hằng Hữu” (Ga 8,28)
; “Phần tôi, một khi được giương cao khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người
lên với tôi” (Ga 12,32).
Thánh Gio-an đã diễn tả cuộc khổ hình của Đức Giê-su như một
nghi lễ phụng vụ khi Người uy nghi tiến tới thập giá với tấm áo choàng đỏ khoác
trên mình và với vòng gai làm vương miện (Ga 19,2), cùng với bản tuyên ngôn rằng
“Giê-su Na-da-rét, vua dân Do-thái” (Ga 19,19). Chính trên thập giá, Đức
Giê-su đã khai sinh Giáo Hội khi Người trao Thần Khí (Ga 19,30) và từ cạnh sườn
của Người, “máu cùng nước” chảy ra (Ga 19,34) làm phát sinh các bí tích của Hội
Thánh.
Thánh Phao-lô cũng đề cao thập giá là sự biểu lộ vinh quang
của Đức Giê-su. Bởi vì qua cái chết trên thập giá, Đức Giê-su được Thiên Chúa
tôn vinh vượt trên mọi loài thụ tạo và vượt trên tất cả vũ hoàn (x. Ep 1,10),
khi Người phục sinh và lên ngự bên hữu Thiên Chúa :
“Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu
chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng
ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2,8-9).
Để khép lại bài hôm nay, chúng ta cùng tôn vinh thập giá Đức
Ki-tô bằng lời Thánh Thi Kinh Sáng, Thứ Sáu Tuần Thánh, như sau :
Nguồn: tgpsaigon.net