CHƯƠNG TRÌNH DƯỚI ÁNH SÁNG LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY A
Bài 06: CHẾT VÀ TANG TÓC
Lm. I-nha-xi-ô Hồ Văn Xuân, Tổng
Đại Diện Gp. Sài Gòn
và NPD. CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ
WGPSG
(22.3.2023) - Tin Mừng Chúa nhật V Mùa Chay năm A có chủ đề là ĐỨC GIÊ-SU
LÀ SỰ SỐNG. Người đã phục sinh anh La-da-rô như dấu chỉ Người sẽ đánh bại tử thần
bằng chính cái chết và sự phục sinh của Người. Và đó cũng là niềm hy vọng hồng
phúc của chúng ta, như thánh Phao-lô đã quả quyết :
“Khi cái thân phải hư nát này mặc lấy sự bất diệt, khi cái
thân phải chết này mặc lấy sự bất tử, thì bấy giờ sẽ ứng nghiệm lời Kinh Thánh
sau đây : ‘Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng ! Hỡi tử thần, đâu là
chiến thắng của ngươi ? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi ?’... Tạ ơn Thiên
Chúa, vì Người đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta”
(1 Cr 15,54-55.57).
Trong phần học hỏi hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu
xem Kinh Thánh nói gì về sự chết và cảnh tang tóc.
Trong cái vô thường của kiếp nhân sinh, con người biết mình
đang sống cũng là đang tiến dần về cõi chết :
Những lời này được trích trong sách những lời tán tụng, tiếng
Híp-ri gọi là Tơ-hin-lim (תְהִלּׅים/tǝhillîm), tiếng Việt là
sách Thánh vịnh. Tập sách này là những lời cầu nguyện hay những lời
dân Chúa thưa chuyện với Người trong mọi tình cảnh của họ, trong đó có nhiều lời
than thở với Chúa về kiếp người mong manh với thân phận khổ đau và phải chết :
Nhưng cái chết và cảnh tang tóc có căn nguyên nguồn gốc từ
đâu ? Và người Ki-tô hữu đối diện với cái chết như thế nào ?
1. DƯỚI ÁNH SÁNG LỜI CHÚA, cái chết không là lẽ hiển
nhiên của phận người, cũng không phải là điều tất yếu thuộc về công trình tay
Chúa sáng tạo.
Kinh Thánh cho ta một khẳng định mạnh mẽ : Chính Thiên Chúa
muốn con người sống, và sống dồi dào (x. Ed 18,31-32 ; x. Ga 10,10).
Thư Rô-ma đã quy kết nguồn gốc của cái chết là “vì một người duy nhất
đã không vâng lời Thiên Chúa” (Rm 5,19). Con người đầu tiên đã không đón nhận
quyền tối thượng của lời Chúa, đã không nghe theo lời răn đe của Người, nhưng
chọn nghe theo lời dụ dỗ của con rắn (x. St 3,4-6). Con người nếm mùi cái
chết như là hệ quả tất yếu do chính mình chọn lựa.
Như vậy, cái chết khởi đi từ một sự đối kháng căn bản
giữa ý muốn của con người với lời của Chúa. Tội không vâng phục lời Chúa đã thống
trị bằng cách làm cho người ta phải chết (x. Rm 5,12). Việc chọn gắn bó và
thi hành lời Chúa vẫn luôn là một thách thức, một cuộc chiến nội tâm cam go
trong suốt hành trình lịch sử của dân Chúa. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a nhắc nhở cho
dân thấy sự cứng đầu cứng cổ (Gr 7,26) của họ trước lời Chúa : “Từ độ thanh
xuân cho đến ngày hôm nay, cha ông chúng ta và cả chúng ta đây đã xúc phạm
đến Thiên Chúa là Chúa chúng ta và đã không nghe lời Người” (Gr 3,25b).
Kinh Thánh Cựu Ước liên tục nhắc lại rằng hãy chọn sống,
nghĩa là hãy chọn nghe lời Đức Chúa. Trong sách Xuất hành, một điều kiện được
nói rõ để được làm dân riêng thuộc quyền sở hữu của Đức Chúa, đó là : phải lắng
nghe và tuân phục lời của Người (x. Xh 19,4-6) ; là phải giữ mọi mệnh lệnh
của Người để được sống, không những được sống mà Người còn cho họ vượt mọi dân
tộc, xét về vinh dự, danh tiếng và vinh quang (x. Đnl 26,19).
Theo Cựu Ước, chết là trở về với bụi đất vì từ đất mà
con người được lấy ra ; chết là đi vào chốn thinh lặng ngàn thu và không hẹn
ngày trở lại ; là bước vào một nơi tăm tối mịt mù, hỗn độn, nơi ánh sáng
và bóng tối cũng như nhau (x. St 3,19 ; x. G 7,21 ; 10,22 ;
x. Is x. 5,14).
Cái chết của các tổ phụ được gọi là về “sum họp với gia
tiên” (x. St 25,17 ; 35,29 ; 49,29). Truyền thống Do-thái chôn cất người
quá cố trong những hang động hoặc những ngôi mộ được khoét vào đá. Một năm, sau
khi mai táng, thi hài đã phân huỷ, hài cốt được thu lại và cho “sum họp” với
các thành viên khác của gia đình. Nhiều hang hài cốt thuộc thế kỷ thứ nhất đã
được khám phá gần Giê-ru-sa-lem. Năm 1990, người ta đào được một bình chứa di
hài của sáu người và được ghi chú là “Giu-se, con của Cai-pha”, - được cho là của
người con ông Cai-pha làm thượng tế khi Đức Giê-su bị bắt (x. Mt 26,3.57).
Theo một truyền thống, việc cải táng là nhằm cho hài cốt có thể sẵn sàng phục
sinh khi Đấng Mê-si-a khôi phục dân Ít-ra-en.
Kinh Thánh Cựu Ước gọi nơi ở của người chết là Sơ-ôn (שְׁאוׄל/šǝʾôl),
được dịch là âm ty hay âm phủ. Nó được nhân cách
hoá như cái hố sâu mở toang cổ họng nuốt chửng các vong linh, như chiếc hàm
há hốc không bao giờ thoả thuê (x. St 37,35 ; x. Kb 2,5 ; x. Ds
16,30 ; x. Cn 1,12). Trong bản LXX, từ Sơ-ôn (šǝʾôl)
được dịch sang tiếng Hy-lạp là Ha-đét (ᾅδης/hades). Đó là nơi
tạm dung của kẻ dữ sau khi chết (x. Lc 16,23). Đến ngày tận thế, tử thần
và âm phủ-hades sẽ trả lại những người chết chúng đang giữ, rồi
chúng sẽ bị quăng vào hồ lửa Ghe-en-na (γέεννα/geenna, x. Mt
5,22 ; 18,9). Trong sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a, Ghe-en-na chính
là thung lũng Ben Hin-nôm, còn được gọi là thung lũng tàn
sát (x. Gr 19,5-6), nơi thiêu sống trẻ em để làm lễ toàn thiêu
dâng kính thần Ba-an. Ghe-en-na được sử dụng để gọi tên chốn
trầm luân của kẻ ác sau khi các dân sống lại và chịu phán xét. Kinh Thánh Tân Ước
cho thấy kẻ chết sẽ sống lại vào ngày sau hết, và số phận con người sẽ được định
đoạt một cách phân minh (x. Mt 25,31-46) để chết đời đời hay để sống vĩnh
cửu.
2. Đối diện với cái chết và tang tóc, người Ki-tô hữu
được mời gọi tìm ý nghĩa từ đau khổ và cái chết của Đức Ki-tô, Đấng đã hoàn
toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa, đã dùng “ngón tay Thiên Chúa” chạm
vào thực tại khốn cùng của nhân loại, và đã kiên trung trong việc thi hành sứ vụ
của Người để “Người mù xem thấy, kẻ què đi được, người phong được sạch, kẻ
điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Is
35,4-10 ; Mt 11,5). Khi thi hành sứ vụ này, Đức Ki-tô là người đầu tiên đã vâng
lời Thiên Chúa cho đến cùng, đã trung thành trong sứ vụ và dám trả giá bằng cái
chết (x. Mc 15,3.15). Chính vì vậy, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và đặt
Người làm Chúa kẻ sống và kẻ chết. Tất cả những ai tin vào Người thì không bao
giờ phải chết, và dù có chết cũng sẽ được sống (x. Cl 1,18 ; Kh 1,5 ; Ga
11,25-26).
Người Ki-tô hữu được mời gọi tỉnh thức và nuôi dưỡng niềm hy
vọng nơi Đức Ki-tô để đón chờ ngày trọng đại, ngày mà những bộ xương khô sẽ được
lời của Đức Chúa hồi sinh (x. Ed 37,11), ngày mà người ta sẽ trỗi dậy và
ra khỏi mồ như anh La-da-rô khi nghe tiếng Đức Ki-tô gọi (x. Ga
11,43). Trong khi đón chờ ngày ấy, Kinh Thánh mời gọi con người tỉnh thức,
dấn thân và vâng phục lời Chúa trong đời sống hiện tại, như Đức Ki-tô đã kiên
trung vâng lời Thiên Chúa cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trong thân phận phàm
nhân của mình.
Đối với người tin theo Đức Ki-tô, cái chết không còn thống
trị họ. Thánh Phao-lô vững tin rằng : Sống là Đức Ki-tô và chết là một mối lợi,
sống là sống cho Chúa và chết là về với Chúa và được ở bên Người (x. Pl
1,21-23), vì Đức Ki-tô là ánh sáng đang chờ đợi những kẻ tin đằng sau cánh cửa
tử thần tăm tối. Thánh Phan-xi-cô trong bài ca Anh Mặt Trời còn gọi cái chết với
lòng trìu mến là Chị Chết, và là mối phúc dành cho những ai vào giờ Chị
Chết đến mà thánh ý Chúa vẫn một mực tuân theo. Thật vậy, đối với những
ai có đức tin thì không thử thách nào vượt quá sức loài người, vì Thiên Chúa
luôn có tiếng nói cuối cùng, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, và cay đắng sẽ hoá
nên an bình (x. 1 Cr 10,13 ; x. Is 38,17).
Cầu nguyện
Khi thân xác chúng con trở về cát bụi, xin Chúa mau trở lại
đón chúng con. Và khi tội lỗi chúng con phơi bày trước nhan Chúa, xin lấy ánh
huy hoàng của Đức Ki-tô phục sinh mà bao phủ chúng con. A-men.
Nguồn: tgpsaigon.net