Bài Ðọc I: Dt 5, 7-9

"Người đã học vâng phục và đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời".

Bài trích thư gửi tín hữu Do Thái.

Anh em thân mến, khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng và rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Ðấng có thể cứu mình khỏi chết, và vì lòng thành tín, Người đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người.

Ðó là lời Chúa.


Ðáp Ca: Tv 30, 2-3a. 3bc-4. 5-6. 15-18. 19

Ðáp: Lạy Chúa, xin cứu sống con theo lượng từ bi của Chúa.

Xướng: 1) Lạy Chúa, con tìm đến nương nhờ Ngài, xin đừng để con muôn đời tủi hổ; vì đức công minh Ngài, xin cứu chữa con! Xin Chúa hãy lắng tai về bên tôi tớ Chúa.

Ðáp: Lạy Chúa, xin cứu sống con theo lượng từ bi của Chúa.

2) Xin Chúa mau lẹ để giải thoát con. Xin Chúa trở thành núi đá cho con trú ẩn. Bởi Chúa là Ðá tảng, là chiến luỹ của con; vì uy danh Ngài, Ngài sẽ dìu dắt và hướng dẫn con.

Ðáp: Lạy Chúa, xin cứu sống con theo lượng từ bi của Chúa.

3) Ngài dẫn con xa lưới dò chúng ngầm trương ra để hại con, vì Ngài là chỗ con nương náu. Con phó thác tâm hồn trong tay Chúa; lạy Chúa, lạy Thiên Chúa trung thành, xin cứu chữa con.

Ðáp: Lạy Chúa, xin cứu sống con theo lượng từ bi của Chúa.

4) Phần con, lạy Chúa, con tin cậy ở Ngài; con kêu lên: Ngài là Thiên Chúa của con! Vận mạng con ở trong tay Ngài, xin cứu gỡ con khỏi tay quân thù và những người bách hại.

Ðáp: Lạy Chúa, xin cứu sống con theo lượng từ bi của Chúa.

5) Lạy Chúa, vĩ đại thay lòng nhân hậu Chúa, lòng nhân hậu Ngài dành để cho những kẻ kính sợ Ngài, lòng nhân hậu Ngài ban cho những ai tìm nương tựa Ngài, ngay trước mặt con cái người ta.

Ðáp: Lạy Chúa, xin cứu sống con theo lượng từ bi của Chúa.


Ca Tiếp Liên: Stabat Mater

(Ca Tiếp Liên này có thể đọc cả hay bỏ, hay chỉ đọc từ câu 11 trở đi)

1) Mẹ sầu bi tầm tã giọt châu, đang đứng bên cây Thập giá, nơi Con Người đã bị treo lên.

2) Một lưỡi gươm nhọn / đã đâm qua tâm hồn Bà đang rên siết, đang sầu khổ và đau đớn.

3) Ôi đau buồn sầu khổ biết bao / cho bà Mẹ đáng suy tôn / của một Người Con duy nhất!

4) Bà Mẹ hiền nhìn xem nỗi khổ hình của Người Con chí thánh, mà đau lòng thổn thức tâm can.

5) Ai là người không tuôn châu lệ / khi nhìn thấy Mẹ Chúa Kitô / trong cảnh cực hình như thế?

6) Ai có thể không buồn bã / nhìn xem Mẹ Chúa Kitô / đang đau khổ cùng với Con Người?

7) Mẹ nhìn thấy Chúa Giêsu / vì tội dân mình mà khổ cực, và bị vùi giập dưới làn roi.

8) Mẹ nhìn Con mình dịu hiền như thế / bị thống khổ lúc lâm chung, khi Người trút hơi thở cuối cùng.

9) Ôi lạy Mẹ là niềm yêu mến, xin cho con cảm thấy mãnh lực của đau thương, để cho con được khóc than cùng Mẹ.

10) Xin cho lòng con cháy lửa mến yêu, mến yêu Ðức Kitô là Thiên Chúa, để cho con có thể làm đẹp ý Người.

11) Ôi Thánh Mẫu, xin Mẹ làm ơn đóng vào lòng con cho thực mạnh / những vết thương của Ðấng bị treo thập giá.

12) Xin Mẹ cho con được chia phần thống khổ / của Con Mẹ đã thương vong, đã khứng chịu cực hình vì con như thế.

13) Xin cho con được cùng Mẹ thảo hiếu khóc than, cùng Ðấng bị đóng đinh tỏ niềm thông cảm, bao lâu con còn sinh sống ở đời.

14) Con ước ao được cùng với Mẹ / đứng bên cây Thập giá, và hợp nhất cùng Mẹ trong tiếng khóc than.

15) Ôi Ðức Trinh Nữ thời danh trong hàng trinh nữ, xin đừng tỏ ra cay đắng với con, xin cho con được cùng Mẹ chan hoà dòng lệ.

16) Xin cho con được mang sự chết của Ðức Kitô, được cùng Người thông phần đau khổ, và tôn thờ những thương tích của Người.

17) Xin cho con được mang thương tích của Người, cho con được say sưa cây thập giá / và máu đào Con Mẹ đã đổ ra.

18) Ôi, Ðức Trinh Nữ, xin đừng để cho con bị lửa hồng thiêu đốt, nhưng được Mẹ chở che trong ngày thẩm phán!

19) Lạy Chúa Kitô, khi phải lìa bỏ cõi đời này, nhờ Ðức Mẹ, xin Chúa cho con được tới lãnh ngành dương liễu khải hoàn.

20) Khi mà xác thịt con sẽ chết, xin cho linh hồn con / được Chúa tặng ban vinh quang của cõi thiên đường.


Alleluia:

Alleluia, alleluia! - Ðức Trinh Nữ Maria là người có phúc, Bà xứng đáng lãnh nhận ngành lá tử đạo dưới chân Thập giá Chúa mà không phải chết. - Alleluia.


Phúc Âm: Ga 19, 25-27

"Bà mẹ hiền nhìn xem nỗi khổ hình của người con chí thánh mà đau lòng thổn thức tâm can"

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, đứng gần thập giá Chúa Giêsu có Mẹ Người, cùng với chị Mẹ Người là Maria vợ ông Clopas, và Maria Mađalêna. Khi thấy Mẹ và bên cạnh có môn đệ Người yêu, Chúa Giêsu thưa cùng Mẹ rằng: "Thưa Bà, này là Con Bà". Rồi Người lại nói với môn đệ: "Này là Mẹ con". Và từ giờ ấy, môn đệ đã lãnh nhận Bà về nhà mình.

Ðó là lời Chúa.


Hoặc đọc bài này: Lc 2, 33-35

"Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi ấy, cha và mẹ Chúa Giêsu đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà, và nói với Maria Mẹ Người rằng: "Ðây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà, để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ".

Ðó là lời Chúa. 


Suy niệm: 

Chúng ta thường suy ngắm bảy nỗi đau của Đức Mẹ,

khi Mẹ nghe lời tiên tri của cụ Simêôn về Con, đưa Con trốn qua Ai Cập,

mất Con nơi Đền thờ, cùng Con lên đỉnh Canvê,

khi đứng bên Con chịu đóng đinh, hạ xác Con xuống khỏi thập giá,

và chôn táng Con trong mộ.

Những nỗi đau này đi dọc theo đời của người đã thưa tiếng Xin Vâng.

Những nỗi đau trong lòng người Mẹ, đau vì Con và với Con.

Ngoài bảy nỗi đau này, còn có bao nỗi đau khác không được kể tới.

Chỉ ai yêu mới biết đau.


Khi vẽ hay điêu khắc hình Đức Mẹ,

các nghệ sĩ thường trình bày một Đức Mẹ với khuôn mặt rất vui tươi.

Lễ Đức Mẹ sầu bi nhắc cho ta thấy đời Mẹ cũng có khi buồn.

Vui buồn ở đời là chuyện mấy ai tránh khỏi.

Cần ngắm nhìn khuôn mặt lo lắng của Mẹ khi mất Con hay đem con đi trốn.

Cần chứng kiến khuôn mặt đớn đau của Mẹ khi đứng bên Con trên núi Sọ.

Chính khuôn mặt buồn khổ của Mẹ lại làm chúng ta thấy gần Mẹ hơn.

Khi chia sẻ mọi đau khổ của kiếp người long đong,

Mẹ cảm thông với cái nặng nề của phận người mà ta gánh chịu.


Chúng ta vẫn thường nghĩ đau khổ là hậu quả của tội lỗi.

Điều đó đúng, nhưng không luôn luôn đúng.

Mẹ được Thiên Chúa gìn giữ khỏi vết nhơ của tội nguyên tổ,

và Mẹ đã đáp lại ơn Chúa bằng việc luôn trung tín, vẹn tuyền.

Nhưng điều đó không làm Mẹ tránh được mọi đau khổ.

Thánh giá đã phủ bóng trên đời Mẹ ngay từ tiếng Xin Vâng đầu tiên.

Khi chấp nhận làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Mẹ đã bắt đầu phải trả giá.

Mẹ yêu mến Người Con mà Thiên Chúa ban cho mình,

nhưng đôi tay Mẹ không đủ sức giữ kho tàng quý giá ấy.

Mẹ hy sinh để Con Mẹ bước đi trên con đường khúc khuỷu gập ghềnh.

Nhưng trong đau khổ của hy sinh, Mẹ bình an vì biết mình sống theo ý Chúa.


Hãy đến với Núi Sọ chiều hôm ấy để thấy Mẹ đứng gần thập giá treo Con.

Mẹ đã có mặt trong tiệc cưới Cana khi Con khởi đầu sứ vụ (Ga 2, 1-12).

Bây giờ Mẹ lại có mặt khi Con hoàn tất sứ vụ ấy (Ga 19, 30).

Dù không theo Đức Giêsu trên mọi nẻo đường loan báo Tin Mừng,

nhưng Mẹ là môn đệ của Ngài còn hơn những môn đệ khác.

Mẹ không chạy trốn, nhưng muốn nếm trọn nỗi đau của Con để sẻ chia.

Chính vào giây phút này, Đức Giêsu hấp hối làm điều không ai ngờ.

Ngài nối kết Mẹ Ngài và người môn đệ Ngài dấu yêu,

đặt Mẹ làm mẹ người môn đệ ấy: Thưa Bà, đây là con của Bà (c. 26).

và muốn người môn đệ ấy làm con của Mẹ: Đây là mẹ của anh (c. 27).

Chính dưới chân thập giá, Đức Giêsu đã lập một gia đình mới.

Mẹ là Mẹ của Đức Giêsu ở Cana, bây giờ thành Mẹ của người môn đệ.

Nơi người môn đệ này, các Kitô hữu thấy hình ảnh của chính mình.

Chúng ta cũng muốn đón Mẹ về nhà và nhận Mẹ làm Mẹ.

Mẹ sẽ là người lo cho chúng ta trong ngôi nhà của gia đình mới.


Cầu nguyện:


Lạy Mẹ Maria,

khi đọc Phúc Âm,

lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.

Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu.

Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.

Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.

Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.

Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.


Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi

âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,

từ con người hay từ Thiên Chúa.

Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu

trong mọi bước đường của cuộc sống.

Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.

Có những con đường đầy máu và nước mắt.


Xin Mẹ dạy chúng con

đừng sợ lên đường mỗi ngày,

đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa

dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.


Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu

để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ

đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J