Đức tin, niềm vui, và sức sống trong đại dịch

28/03/2020

 

 MỤC SUY   

ĐỨC TIN, NIỀM VUI, VÀ SỨC SỐNG TRONG ĐẠI DỊCH

Gioan Lê Quang Vinh

Thứ 6 ngày 27/3 lúc 18 giờ (giờ Rôma) tức 24 giờ (giờ Việt Nam), Đức Thánh Cha đã gửi đến cho người Công giáo toàn cầu một món quà cao quý: Phép lành toàn xá Urbi et Orbi, và gửi cho toàn thế giới niềm tin yêu và hy vọng dạt dào.


Nhìn hình ảnh một cụ già ngoài 80 lặng lẽ dưới cơn mưa giữa quảng trường Vatican rộng lớn, rồi khập khiễng bước vào Đền Thờ Thánh Phêrô, nhiều giọt nước mắt đã nhỏ xuống và biết bao nhiêu người đã viết lên những lời thương cảm dành cho ngài.

Và những ý nghĩ tự nhiên bật ra: ngài có thể ngồi yên trong căn phòng tiện nghi, cách ly với thế giới khổ đau, và ngài không cần phải nặng nề lê bước giữa mưa lạnh cuối ngày. Ý nghĩ ấy đầy cảm thông và thương yêu.

Thế nhưng, dường như Đức Thánh Cha đọc được lòng cảm thương của con cái ngài và của bao người khác chứng kiến, và ngài nhẹ nhàng đáp lại: “Dù đau đớn và thổn thức vì thấy con người đang đau khổ, Niềm Vui Của Tin Mừng đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu”. Ngài cũng nói: “Chúa Giêsu nói với những ai đau khổ vì Người: hãy vui mừng hân hoan”. Thưa Cha, tại sao phải vui mừng hân hoan? Đức Thánh Cha trả lời: “Bởi vì Chúa Kitô đang sống! Người là niềm hy vọng của chúng ta, và là tuổi trẻ đẹp nhất của thế giới này”.

Những câu mà chúng ta tưởng tượng Đức Thánh Cha sẽ trả lời ấy bạn có thấy quen quen không? Đó là ba câu của chính ngài bạn ạ. Ba câu ấy lần lượt là câu mở đầu của ba Tông huấn chính ngài ban hành: “Niềm Vui của Tin Mừng - Evangelii Gaudium” (EG), “Hãy Vui Mừng Hân Hoan - Gaudete et Exsultate” (GE) và “Chúa Kitô đang sống - Christus Vivit” (CV).

Thế thì, có lẽ điều Đức Thánh Cha cần nơi con cái ngài hôm nay, nhất là người trẻ, là lắng nghe lời Hội Thánh để có lòng tin mạnh mẽ hơn vào Đức Giêsu Kitô, Đấng dường như đang ngủ trên con thuyền tròng trành vì sóng gió.

Ai cũng chứng kiến hình ảnh vị Giáo hoàng cô đơn giữa cảnh chiều tà ảm đạm, trong cơn mưa lạnh trên Thánh Đô vốn nhộn nhịp rộn ràng bao đời nay, bây giờ hoang vắng. Hình ảnh ấy nói với chúng ta điều gì? Mỗi người sẽ đọc ra cho riêng mình một sứ điệp đánh động lòng mình. Và nếu chúng ta chiếu hình ảnh ấy lên tấm phông bao la của Huấn quyền Hội Thánh, có lẽ chúng ta sẽ thấy những nét lung linh ngời sáng.

1. Hãy vững tin.

Hãy vững tin ư? Một cụ già lê bước nặng nhọc cô đơn trong bóng chiều mà lại giúp chúng ta vững tin sao? Cũng như hai ngàn năm trước, một thân hình dập nát dưới lằn roi xối xả vác thập giá lên đồi cao, có làm cho ai vững tin không? Có những người như tên trộm lành đã đọc ra được từ hình dạng của “con chiên bị dẫn đến chỗ xén lông” một dung mạo khác. Và họ được cứu.

Trong bài huấn từ, Đức Thánh Cha trích câu Tin  Mừng “Khi chiều xuống” (Mc 4,35). Và ngài nói: “Đó là câu mở đầu đoạn Tin Mừng chúng ta đã nghe. Từ nhiều tuần nay, dường như chiều đã xuống. Những bóng đen dày đặc phủ trên các quảng trường, các đường phố và thành thị của chúng ta”. Và ngài nhắc nhở chúng ta rằng trong cái tối tăm đáng sợ ấy, chúng ta phải nhớ Lời Chúa: “Tại sao các con sợ hãi? Các con chưa có niềm tin sao?”.

Trong tông huấn “Niềm Vui của Tin Mừng”, Đức Thánh Cha nhắc đến “đức tin” khoảng 130 lần, cho thấy đức tin quan trọng là dường nào trong một xã hội mà người ta muốn đảo ngược các giá trị. Điều đáng buồn là giữa những thử thách chung quanh, người ta lại xao nhãng đời sống đức tin của mình.

Trong cơn mưa chiều của Thánh Đô, hình ảnh người Cha già lặng lẽ lại nhắc chúng ta đến sức mạnh vô song: “Với con mắt đức tin, chúng ta có thể thấy ánh sáng mà Chúa Thánh Thần luôn luôn chiếu dọi giữa bóng tối” (EG 84).

Bóng tối phủ trên quảng trường Vatican, trên Đức Thánh Cha làm chúng ta nghĩ đến sa mạc, nơi Đức Kitô lặng lẽ một mình. Chính Đức Thánh Cha đã viết: “Xuất phát từ chính kinh nghiệm về sa mạc này, về sự trống rỗng này, chúng ta có thể khám phá lại niềm vui đức tin, tầm quan trọng sinh tử của đức tin đối với chúng ta, nam cũng như nữ. Trong sa mạc, chúng ta khám phá lại giá trị của những gì thiết yếu cho cuộc sống; chẳng hạn, trong thế giới hôm nay, có vô số những dấu chỉ, thường được biểu lộ một cách mặc nhiên hay âm thầm, về sự khao khát Thiên Chúa, về ý nghĩa tối hậu của cuộc đời”. (EG 85)

Trong Tông huấn Christus Vivit, Đức Thánh Cha mời gọi người trẻ bắt chước đời sống Đức Tin của Mẹ Maria: “Maria là một thiếu nữ có tâm hồn thanh cao tràn ngập niềm vui (x. Lc 1,47), đôi mắt ngời sáng ánh sáng của Chúa Thánh Thần chiêm ngắm cuộc đời bằng đức tin và lưu giữ mọi sự trong lòng (x. Lc 2,19.51)”. (CV, số 46).

Vậy chúng ta hãy nhắm mắt lại, tưởng tượng lại hình ảnh người Cha chung bước đi trong bóng tối phủ dần, và chúng ta hãy tự nhắc nhở mình trong hoàn cảnh này với chính lời của Đức Thánh Cha: “tốt nhất là cùng nhau sống đức tin và diễn tả tình yêu của chúng ta trong đời sống cộng đoàn, qua việc chia sẻ yêu thương với các bạn trẻ khác, chia sẻ thời giờ, đức tin và các lo âu của mình. Hội Thánh cung cấp nhiều không gian khác nhau để sống đức tin trong cộng đoàn, vì khi cùng làm với nhau mọi sự sẽ dễ dàng hơn”. (CV, số 164)

Chưa gặp nhau được vì hoàn cảnh, các bạn trẻ vẫn có thể “cùng nhau sống đức tin và diễn tả tình yêu” qua mạng xã hội, qua các phương tiện giao tiếp hiện đại mà Chúa ban cho chúng ta.

2. Hãy sống vui.

Khi nói đến đức tin, Đức Thánh Cha thường gắn với một thuộc tính của đức tin, đó là niềm vui. Ngay trong tựa đề - câu đầu tiên của Tông huấn, ngài đã viết “Niềm Vui của Tin Mừng”. Trong câu Tông huấn Christus Vivit, Đức Thánh Cha viết: “Maria là một thiếu nữ có tâm hồn thanh cao tràn ngập niềm vui (x. Lc 1,47)” (số 46). Mẹ có tâm hồn tràn ngập niềm vui vì Mẹ “đã tin rằng lời Thiên Chúa phán cùng Mẹ sẽ được thực hiện” (Lc 1,45).

Hình ảnh Đức Thánh Cha lặng lẽ trong mưa ban chiều có gợi lên niềm vui không? Hãy nghe lại bài huấn từ của ngài: “Chúa đưa sự thanh thản vào trong những bão tố của chúng ta, vì với Thiên Chúa, sự sống sẽ không bao giờ chết”, “Lạy Chúa, Chúa không bỏ mặc chúng con trong bão tố. Xin Chúa lập lại lần nữa: ”Các con đừng sợ” (Mt 28,5). Và cùng với thánh Phêrô, ”chúng con phó thác cho Chúa mọi lo âu, vì Chúa chăm sóc chúng con” (x. 1 Pr).

Niềm vui ấy không ồn ào, không rộn ràng bên ngoài, nhưng là niềm vui sâu xa bên trong tâm hồn mỗi người. Niềm vui và bình an mà Đức Kitô trao ban cho chúng ta một cách đặc biệt, thế gian không ban được (Ga 14,27). Đức Thánh Cha nhắc lại lời Đức Thánh Giáo hoàng Phaolô VI “không một ai bị loại trừ khỏi niềm vui mà Chúa Giêsu đem đến”. (EG, số 3).

Ngài cũng biết trước “Đương nhiên tôi hiểu rằng niềm vui ấy không phải lúc nào trong cuộc đời cũng được biểu lộ giống nhau, nhất là trong những lúc hết sức khó khăn”. (EG, số 6). Và người Cha chung dạy chúng ta: “Chúng ta đừng để mình bị cướp mất niềm vui loan báo Tin Mừng!” (EG, số 83).

Vậy thì chắc chắn Đức Thánh Cha không u buồn thất vọng dù ngài gánh vác những buồn đau của con cái, của nhân loại. Ngài nhắc chúng ta vui vì tin vào Đức Kitô và vui để loan báo Tin Mừng bình an cho anh chị em mình đang đau khổ.

Đức Thánh Cha chỉ dạy cho chúng ta cách sống vui, đó là sống bác ái. Trong lúc khó khăn này, bác ái cụ thể nhất là chăm sóc, chia sẻ và nâng đỡ nhau. Ngài viết: “Tình bác ái nhất thiết sẽ đem lại niềm vui; hễ đã yêu thì bao giờ cũng vui mừng khi được kết hợp với người mình yêu mến... hoa quả của lòng bác ái là niềm vui” (GE, số 122).

Bạn sẽ hỏi đang lo âu làm sao vui, đang sợ hãi làm sao vui và lặng lẽ giữa bóng đêm làm sao vui. Cha chung của chúng ta đã lường trước câu hỏi này, và ngài viết: “Vẫn có những lúc khó khăn, những thời khắc của thập giá, nhưng không gì có thể huỷ diệt niềm vui siêu nhiên là niềm vui “tự thích ứng và thay đổi, nhưng nó luôn tồn tại, dù chỉ như một ngọn đèn leo lét phát sinh từ niềm xác tín của ta, tin chắc rằng, bất luận thế nào, chúng ta vẫn được Thiên Chúa thương yêu vô cùng” (GE, số 125)

3. Hãy sống như người trẻ.

Đến đây, hẳn bạn sẽ tự hỏi: “Sống tin yêu, sống vui thì có ích lợi thực tiễn, nhưng phải chăng vui giữa lúc phải đương đầu với sóng gió là không phù hợp?”. Thật ra khi gặp sóng gió thì người ta dễ mất tự tin và mất bình tĩnh, và do đó họ dễ buồn bã lo âu. Thế nhưng trong cảnh nghèo hèn khó khăn như khi Chúa Giêsu giáng sinh trong hang lừa nhỏ bé, niềm vui đã ngập tràn đến nỗi các mục đồng được đánh thức để cảm nếm niềm vui ấy.

Tông huấn Christus Vivit được mở đầu bằng lời mời gọi: “Chúa Kitô đang sống! Người là niềm hy vọng của chúng ta, và là tuổi trẻ đẹp nhất của thế giới này. Tất cả những gì Người chạm đến đều trở nên tươi trẻ, mới mẻ, tràn đầy sức sống. Thế nên, lời đầu tiên cha muốn nói với mỗi Kitô hữu trẻ là: Chúa Kitô đang sống và Người muốn con cũng được sống!”.

Nếu muốn vui tươi thì hãy sống tươi trẻ và để Chúa Kitô chạm đến. Trong cơn đại dịch người ta sợ đụng chạm nhau vì chung quanh là bóng tối và bệnh nạn. Nhưng Đức Kitô thì khác. Người “là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6), ai chạm đến Người thì được chữa lành và được tràn ngập ánh sáng và niềm vui.

Tuổi trẻ là tuổi hăng hái, liều lĩnh và dám dấn thân. Đức Maria sống tuổi trẻ của mình trọn vẹn vì Mẹ dám liều vì Tin Mừng, dám dấn thân cho công trình của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha diễn tả như sau: “Chắc chắn Mẹ sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng những khó khăn ấy không phải là thứ khó khăn bởi sự hèn nhát làm người ta tê liệt vì mọi sự không rõ ràng hoặc không được bảo đảm trước. Đức Maria đã không mua bảo hiểm nhân thọ!”.

Trong buổi chiều mưa trên Quảng trường Thánh Phêrô Vatican, vị Giáo hoàng cao niên bước đi khập khiễng vẫn làm cho thế giới vươn mình đứng lên, bởi vì nơi ngài có nét trẻ trung của người dám vượt qua mọi khó khăn vì niềm tin vào Đấng luôn hoàn tất lời Ngài đã hứa.

Tông huấn Hãy Vui Mừng Hân Hoan có lời Đức Thánh Cha nhắn nhủ rất đáng chú ý: “Ta hãy xin Chúa ban cho ơn biết không ngần ngại khi Chúa Thánh Thần đòi hỏi ta tiến lên một bước. Ta hãy xin ơn can đảm tông đồ để chia sẻ Tin mừng cho người khác và từ bỏ việc cố gắng biến đời sống Kitô hữu của mình thành một viện bảo tàng kỷ niệm”.

Tuổi trẻ không ngần ngại, không thích làm viện bảo tàng. Tuổi trẻ luôn bước tới với lòng can đảm. Tuổi trẻ Kitô giáo không giới hạn bằng tuổi đời năm tháng, mà được mở rộng cho đến khi con người còn can đảm dấn bước theo Đức Kitô.

Chúng ta có thể nghĩ rằng Đức Thánh Cha của chúng ta trẻ trung bởi vì ngài luôn tiến bước, dù bước chân có khập khiễng, nhưng không ai ngăn cản bước ngài đi trong mưa lạnh hay trên đường Rôma vắng vẻ. Ngài đang mang trong mình niềm tin và lòng yêu mến vô hạn.

Xin được dùng ba câu ghép lại từ những đoạn cuối của ba Tông huấn nói trên để kết luận bài viết này, diễn tả hình ảnh Cha chung của chúng ta trong lúc ngài ban phép lành toàn xá Urbi et Orbi và nguyện ước chúng ta đều được như vậy: “Ta sẽ cùng chia sẻ với nhau một nguồn hạnh phúc mà thế gian sẽ không thể cướp được. (GE, số 177) Lạy Mẹ của Tin Mừng sống động, suối hạnh phúc cho những người hèn mọn của Thiên Chúa, xin cầu cho chúng con. (EG, số 288) Xin Mẹ làm mới tuổi trẻ của con nhờ sức mạnh của lời cầu nguyện và xin Mẹ luôn đồng hành với con qua sự hiện diện của Mẹ. Amen. Alleluia!” (CV, số 288).

Nguồn: Truyền thông HĐGMVN

LỊCH PHỤNG VỤ