2021.04.01 Messa Crismale

BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA
Lễ Dầu (01.04.2021)

GIỜ CỦA VIỆC LOAN BÁO VÀ GIỜ CỦA VIỆC BÁCH HẠI ĐI LIỀN VỚI NHAU

Hồng Thủy

Vatican News  (01.4.2021) - Trong bài giảng lễ Truyền Dầu, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: loan báo Tin Mừng và bách hại và Thánh giá đi liền với nhau. Đức Thánh Cha mời gọi đừng ngạc nhiên và khủng hoảng khi nhận thấy Thánh giá trong cuộc sống. Thánh giá có sức mạnh tiêu diệt sự ác. Và ơn Chúa cũng được ban cho chúng ta qua những thánh giá trong cuộc sống, vì yêu thương.

Lúc 10 giờ sáng ngày 1 tháng 4, thứ Năm Tuần Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Thánh lễ Truyền Dầu tại bàn thờ Ngai tòa trong đền thờ thánh Phêrô.

Mọi năm, khi không có đại dịch, khoảng một ngàn linh mục ở Roma đồng tế với Đức Thánh Cha trong Thánh lễ Truyền Dầu. Các linh mục quy tụ quanh Đức Thánh Cha để lặp lại lời tuyên hứa mà các ngài đã tuyên thệ trước giám mục trong ngày lãnh nhận chức linh mục.

Năm ngoái, Tuần Thánh đang ở trong giai đoạn cao điểm của đại dịch, nên Đức Thánh Cha đã không cử hành lễ Truyền Dầu. Năm nay, đồng tế với Đức Thánh Cha trong Thánh lễ, có Đức Hồng y Angelo De Donatis, giám quản Roma; Đức Hồng y Mauro Gambetti, giám quản đền thờ thánh Phêrô và khoảng 100 Hồng y, giám mục và linh mục, trước sự hiện diện tham dự của một số tu sĩ và giáo dân.

Trong bài giảng, suy tư về việc dân chúng chống đối khi nghe những lời của Chúa Giêsu, Đức Thánh Cha nêu bật tương quan giữa việc rao giảng Tin Mừng với việc bách hại và Thánh giá. Đức Thánh Cha mời gọi đừng ngạc nhiên và khủng hoảng khi nhận thấy Thánh giá trong cuộc sống. Thánh giá Chúa Giêsu có sức mạnh tiêu diệt sự ác. Và ơn Chúa cũng được ban cho chúng ta qua những thánh giá trong cuộc sống, vì yêu thương.

Sau đây là bài giảng của Đức Thánh Cha:

Tin Mừng cho chúng ta thấy một sự thay đổi trong tâm hồn giữa những người đang lắng nghe Chúa. Sự thay đổi thật kịch tính và nó cho thấy mức độ mà cuộc bách hại và thập giá có liên hệ với việc loan báo Tin Mừng. Sự ngưỡng mộ được khơi dậy bởi những lời đầy ân sủng của Chúa Giêsu đã không tồn tại lâu trong tâm trí của người dân Nazareth. Nghe những lời của Chúa Giêsu, dân chúng ngạc nhiên bảo nhau “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?” (Lc 4,22).

Đó là một trong những cách diễn đạt mơ hồ được buột miệng thốt ra khi đi ngang qua. Một người có thể sử dụng nó một cách tán thành để nói: “Thật kinh ngạc khi một người có xuất thân nghèo hèn như thế lại nói với quyền năng như thế!”, Nhưng người khác có thể dùng nó để nói với vẻ khinh bỉ: “Tên này từ đâu đến? Ai tin được hắn?”. Nếu suy nghĩ về điều này, chúng ta có thể nghe những lời tương tự được nói vào ngày Lễ Ngũ Tuần, khi các tông đồ được tràn đầy Chúa Thánh Thần bắt đầu rao giảng Tin Mừng. Có người nói: “Tất cả những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê sao?” (Cv 2:7). Trong khi một số người tiếp nhận lời, thì những người khác chỉ nghĩ rằng các tông đồ say rượu.

Nói một cách chính xác, những lời nói ở Nazareth có thể đi theo một hướng nào đó, nhưng nếu chúng ta nhìn vào những gì diễn ra sau đó, rõ ràng chúng chứa đựng mầm mống bạo lực sẽ được tung ra chống lại Chúa Giêsu.

Đây là “những lời biện minh” [1], chẳng hạn như khi ai đó nói: “Điều đó thật quá đáng!” rồi lại tấn công người khác hoặc bỏ đi.

Lần này, Chúa Giêsu, đôi khi không nói gì hoặc chỉ bỏ đi, đã không để những lời bình luận trôi qua. Thay vào đó, Ngài vạch trần sự ác độc ẩn giấu dưới chiêu bài buôn chuyện đơn giản trong làng. Ngài nói: “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ : Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình ! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Caphácnaum, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào !”. “Hãy chữa chính mình…”

“Hãy tự cứu mình…”. Những lời này chứa đầy chất độc! và những lời tương tự cũng xảy ra trên thập giá: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi !” (Lc 23:35). Một trong những tên trộm sẽ nói thêm “Xin cứu chúng tôi” (x. Lc 23,39)

Như thường lệ, Chúa từ chối đối thoại với ma quỷ; Chúa chỉ trả lời bằng những lời của Kinh thánh. Về phần mình, các ngôn sứ Elijah và Elisa được chấp nhận không phải bởi những người đồng hương của họ mà bởi một góa phụ người Phê-ni-xi và một người Syria mắc bệnh phong: hai người dân ngoại, hai người thuộc tôn giáo khác. Điều này thật đáng chú ý và nó cho thấy lời tiên tri được linh hứng của cụ Simeon rằng Chúa Giêsu sẽ là một “duyên cớ cho sự chống bán (semeion antilegomenon)” (Lc 2:34) [2] đã đúng như thế nào.

Lời của Chúa Giêsu có sức mạnh làm sáng tỏ bất cứ điều gì mỗi người chúng ta giữ kín trong sâu thẳm tâm hồn, thường lẫn lộn với nhau như lúa mì và cỏ lùng. Và điều này dẫn đến xung đột tinh thần. Khi nhìn thấy những dấu chỉ lòng thương xót dồi dào của Chúa và nghe thấy những “mối phúc” cũng như những “mối họa” được tìm thấy trong Tin Mừng, chúng ta thấy mình buộc phải phân định và quyết định. Trong trường hợp này, lời nói của Chúa Giêsu không được chấp nhận và điều này khiến đám đông phẫn nộ tìm cách giết Người. Nhưng đó chưa phải là “giờ” của ngài, và Chúa, như Tin Mừng nói với chúng ta, “đi ngang qua giữa họ rồi đi”.

Đó không phải là giờ của Người, nhưng sự giận dữ nhanh chóng của đám đông bùng lên và cơn thịnh nộ dữ dội chuẩn bị giết Chúa ngay tại chỗ cho chúng ta thấy rằng đó luôn là giờ của Người. Đó là điều tôi muốn chia sẻ với anh chị em hôm nay, hỡi các linh mục thân mến: giờ vui mừng rao giảng, giờ bách hại và giờ thập giá phải đi đôi với nhau.

Việc loan báo Tin Mừng luôn được liên kết với việc đón nhận một Thánh giá cụ thể. Ánh sáng dịu nhẹ của Lời Chúa tạo nên sự trong sáng cho những tấm lòng sẵn sàng, nhưng khơi dậy sự bối rối và khước từ trong những con tim không sẵn sàng. Chúng ta thấy điều này rất nhiều trong các Tin Mừng.”

Hạt giống tốt được gieo trên cánh đồng đơm hoa kết trái – mỗi hạt trổ sinh một trăm, sáu mươi, ba mươi - nhưng nó cũng đánh thức lòng đố kỵ của kẻ thù, điên cuồng gieo cỏ lùng vào lúc đêm khuya (Mt 13, 24-30.36-43).

Sự dịu dàng của người cha nhân hậu lôi cuốn người con hoang đàng, không thể cưỡng lại, trở về với cha, nhưng nó cũng khơi dậy lòng căm phẫn và uất hận của người con cả (Lc 15,11-32).

Sự rộng lượng của chủ vườn nho là lý do để tri ân những người làm công đến vào giờ cuối cùng, nhưng cũng là lý do để những người đến trước đưa ra những lời nhận xét gay gắt vì cảm thấy bị xúc phạm vì lòng tốt của người chủ (Mt 20, 1- 16).

Sự gần gũi của Chúa Giêsu khi ngồi cùng ăn với các tội nhân đã chinh phục được lòng của những người như ông Giakêu, thánh Mátthêu, của người phụ nữ Samari…, nhưng nó cũng khiến những người tự cho mình là công chính cảm thấy khinh thường Người...

Sự cao thượng của vị vua sai con trai mình đi, vì nghĩ rằng con mình sẽ được những tá điền tôn trọng, đã bộc lộ trong họ một sự hung dữ vượt quá mọi giới hạn. Ở đây chúng ta thấy mình đứng trước mầu nhiệm của sự gian ác, dẫn đến việc giết chết Đấng Công Chính (x. Mt 21:33-46).

Thưa anh em linh mục, tất cả những điều này cho chúng ta thấy rằng việc loan báo Tin mừng có liên hệ cách mầu nhiệm với sự bách hại và với Thánh giá.

Thánh Ignatius Loyola – thứ lỗi cho tôi vì “quảng cáo cho dòng mình” – bày tỏ sự thật Phúc Âm này trong việc ngài chiêm ngưỡng Lễ Giáng Sinh của Chúa. Ở đó, ngài mời gọi chúng ta “hãy xem xét và suy ngẫm những gì Thánh Giuse và Đức Mẹ đã làm khi bắt đầu cuộc hành trình của các ngài để Chúa có thể sinh ra trong cảnh nghèo khó cùng cực và sau bao vất vả – chịu đói, khát, nóng và lạnh, bị thương và bị sỉ nhục – chết trên Thập Giá và tất cả những điều này là vì tôi”. Sau đó, Ngài mời gọi chúng ta “khi suy ngẫm về điều này, hãy rút ra một số lợi ích thiêng liêng” (Linh thao, 116). Niềm vui mừng Chúa giáng sinh; nỗi đau của Thập Giá; bách hại.

Chúng ta có thể suy tư gì để “thu được một số lợi ích” cho đời sống linh mục của mình bằng cách chiêm ngưỡng sự xuất hiện sớm này của thập giá – của sự hiểu lầm, chối bỏ và bách hại – ngay từ đầu và ngay tại trung tâm của việc rao giảng Tin Mừng?

Hai suy nghĩ xảy ra với tôi.

Trước hết, đừng ngạc nhiên khi nhận ra rằng Thánh giá đã có trong cuộc đời Chúa Giêsu ngay từ đầu sứ vụ của Người và ngay cả trước khi Người sinh ra: trong sự bối rối của Mẹ Maria khi nghe thiên thần truyền tin; khi thánh Giuse khó ngủ vì buộc phải bỏ rơi vị hôn thê của mình; trong cuộc bách hại của vua Hêrôđê và những vất vả của Thánh gia, giống nhiều gia đình phải rời bỏ quê hương.

Tất cả điều này giúp chúng ta nhận ra rằng mầu nhiệm Thánh giá đã có ngay từ đầu. Nó giúp chúng ta hiểu rằng Thánh giá không phải là một sự việc đến sau, hay thỉnh thoảng, đến từ một biến cố trong cuộc đời của Chúa. Đúng là tất cả những người đóng đinh người khác trong suốt lịch sử đều cho thấy Thánh giá là một tai hại phụ thuộc, nhưng không phải vậy: Thánh giá không phụ thuộc vào hoàn cảnh. Những Thánh giá to nhỏ của nhân loại, của chúng ta không phải là điều tình cờ.

Tại sao Chúa đón nhận Thánh giá cách trọn vẹn và cho đến cùng? Tại sao Chúa Giêsu lại đón nhận trọn cuộc Thương khó của Người? Người đã đón nhận sự phản bội và bỏ rơi của các bạn hữu sau Bữa Tiệc Ly, Người chịu bị bắt bất hợp pháp, phiên tòa sơ sài và bản án không tương xứng, bạo lực vô cớ và bất công khi bị đánh đập và phỉ nhổ ...? Nếu hoàn cảnh có thể quyết định sức mạnh cứu rỗi của Thánh giá, thì Chúa đã không đón nhận mọi sự. Nhưng khi giờ của Chúa đến, Người đã đón nhận trọn vẹn Thánh giá. Vì trên Thánh  giá không thể có sự mơ hồ! Thánh giá không thể bị điều đình thương lượng.

Suy tư thứ hai: Thánh giá đúng là điều không thể thiếu trong cuộc đời con người, những giới hạn và yếu đuối của chúng ta. Nhưng, điều xảy ra trên Thánh giá không liên quan đến sự yếu đuối của con người chúng ta, nhưng là vết cắn của con rắn, khi nhìn thấy Chúa bị đóng đinh, không thể tự vệ được, đã cắn Người hầu muốn đầu độc và phá bỏ mọi công việc của Người. Nó cố gắng gây tai tiếng, làm cho mọi sự phục vụ và hy sinh với tình yêu dành cho người khác trở nên vô ích và vô nghĩa... Nhưng chính Máu Thịt Chúa là thuốc độc đối với ma quỷ, nhưng lại là thuốc giải cho chúng ta chống lại quyền lực sự dữ. Nó là nọc độc của tên ác quỷ cứ khăng khăng cám dỗ: hãy tự cứu mình!

Chính trong “vết cắn” khắc nghiệt và đau đớn tìm cách mang lại cái chết này mà chiến thắng cuối cùng của Thiên Chúa đã được nhìn thấy. Thánh Maximus cho chúng ta biết rằng nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh, một sự đảo ngược đã diễn ra. Khi cắn vào thịt Chúa, ma quỷ không đầu độc Người, vì nơi Người chỉ gặp được sự hiền lành vô hạn và vâng phục ý muốn của Chúa Cha. Thay vào đó, nó bị mắc vào móc thập giá, nó đã cắn thịt Chúa, thịt này tỏ ra độc hại đối với nó, trong khi đối với chúng ta, đó là liều thuốc giải độc giúp vô hiệu hóa quyền lực của tên ác quỷ.[3]

Đây là những suy ngẫm của tôi. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ân sủng để được lợi ích từ giáo huấn này. Đúng là thập giá hiện diện trong việc rao giảng Tin Mừng của chúng ta, nhưng đó là thập giá cứu độ của chúng ta. Nhờ bửu huyết hòa giải của Chúa Giêsu, nó là Thánh giá chứa đựng sức mạnh chiến thắng của Chúa Kitô, đánh bại sự dữ, giải thoát chúng ta khỏi ma quỷ. Đón nhận Thánh giá cùng với Chúa Giêsu và rao giảng về Thánh giá giống như Người đã làm, giúp chúng ta phân định và từ bỏ nọc độc của khủng hoảng mà ma quỷ muốn đầu độc chúng ta bất cứ khi nào chúng ta gặp thấy Thánh giá trong cuộc đời mình.

Tác giả Thư gửi tín hữu Do Thái nói: “Chúng ta không phải là những người bỏ cuộc” (Dt 10,39), “Chúng tôi không nằm trong số những người lùi bước”. Đây chính là lời khuyên mà tác giả dành cho chúng ta. Chúng ta không bị khủng hoảng, vì Chúa Giêsu không bị khủng hoảng khi thấy rằng tin mừng cứu độ của Người dành cho người nghèo không được mọi người hết lòng đón nhận, nhưng vẫn ở giữa những tiếng la hét và đe dọa của những người từ chối nghe lời Người hoặc muốn biến nó thành chủ nghĩa tuân thủ luật pháp như chủ nghĩa đạo đức hay chủ nghĩa giáo quyền.

Chúng ta không bị khủng hoảng bởi vì Chúa Giêsu không bị khủng hoảng khi phải chữa lành bệnh tật và giải thoát các tù nhân giữa những cuộc tranh cãi về đạo đức, pháp lý và giáo sĩ nảy sinh mỗi khi Người làm một điều gì đó tốt.

Chúng ta không bị khủng hoảng vì Chúa Giêsu, không bị khủng hoảng khi phải mang lại ánh sáng cho người mù giữa những người nhắm mắt để không nhìn, hoặc nhìn theo hướng khác...

Chúng ta không bị khủng hoảng vì Chúa Giêsu đã không bị khủng hoảng khi việc Người công bố một năm ân sủng của Chúa – một năm bao trùm toàn bộ lịch sử – đã gây ra một vụ bê bối công khai trong những vấn đề mà ngày nay hầu như không thể xuất hiện trên trang thứ ba của một tờ báo địa phương.

Chúng ta không bị khủng hoảng vì việc rao giảng Tin Mừng có hiệu quả, không phải dựa những lời nói hùng hồn của chúng ta mà dựa vào sức mạnh của Thánh giá (1Cor 1, 17).

Cách chúng ta đón nhận Thánh giá trong việc rao giảng Tin Mừng –  bằng những việc làm và khi cần thiết, bằng lời nói – cho thấy rõ hai điều: những đau khổ đến từ Tin Mừng không phải là của chúng ta, mà là “những đau khổ của Chúa Kitô trong chúng ta” (2Cr 1, 5); và “chúng ta không rao giảng chính mình, mà chỉ rao giảng Đức Kitô Giêsu là Chúa; còn chúng ta, chúng ta chỉ là tôi tớ của anh em, vì Đức Giêsu.” (2Cr 4, 5).

Tôi muốn kết thúc bằng cách chia sẻ một trong những kỷ niệm của tôi. “Một lần, vào thời điểm đen tối của cuộc đời, tôi đã cầu xin Chúa ban ơn giải thoát tôi khỏi một hoàn cảnh khó khăn và phức tạp. Một khoảnh khắc đen tối. Tôi phải giảng Linh thao cho một số nữ tu, và vào ngày cuối cùng, theo thông lệ thời đó, tất cả họ đều đi xưng tội. Một chị lớn tuổi đến; cô ấy có một ánh mắt trong sáng, đôi mắt tràn đầy ánh sáng. Một người phụ nữ của Chúa. Khi xưng tội xong, tôi cảm thấy muốn xin chị một ân huệ, nên tôi nói với chị: ‘Này chị, khi đền tội, hãy cầu nguyện cho tôi, vì tôi cần một ân sủng đặc biệt. Hãy cầu xin Chúa điều đó. Nếu chị xin Chúa chắc chắn Người sẽ ban cho tôi’. Cô ấy im lặng một lúc và dường như đang cầu nguyện, rồi cô ấy nhìn tôi và nói: 'Chúa chắc chắn sẽ ban cho cha ân sủng đó, nhưng đừng nhầm lẫn: Ngài sẽ ban nó cho cha theo cách thiêng liêng của Ngài' . Điều này mang lại cho tôi rất nhiều lợi ích khi biết rằng Chúa luôn ban cho chúng ta những gì chúng ta cầu xin, nhưng Ngài làm như vậy theo cách thiêng liêng của Ngài. Con đường đó liên quan đến thập giá. Đau khổ vì yêu, hãy yêu đến cùng”.[4]

____________

[1] Là bậc thầy về đời sống thiêng liêng, Cha Claude Judde nói về những cách diễn đạt đi kèm với các quyết định của chúng ta và chứa đựng “lời cuối cùng”, từ đưa ra quyết định và thúc đẩy một người hoặc một nhóm hành động. Cf. C. JUDDE, Oeuvres Spirituelles, II, 1883 (Instruction sur la connaissance de soi-même), trang 313-319), trong M. Á. FIORITO, Buscar y hallar la voluntad de Dios, Buenos Aires, Paulinas, 2000, 248 s.

[2] “Antilegomenon” có nghĩa là họ sẽ nói theo những cách khác nhau về Chúa: một số sẽ nói tốt về Chúa và những người khác sẽ nói xấu về Chúa.

[3] Xem. Cent. Tôi, 8-13.

[4] Bài giảng trong Thánh lễ ở Santa Marta, ngày 29 tháng 5 năm 2013.

 Nguồn: vaticannews.va/vi/