CHÚA GIÊSU KHIẾN CHÚNG TA KINH NGẠC
Sáng Chúa nhật 28.03.2021 tại Đền thờ Thánh
Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Lễ Lá, tưởng niệm biến cố Chúa Giêsu
vào thành Giêrusalem. Sau đây là bài giảng của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến,
Mỗi năm phụng vụ ngày hôm nay đều khiến chúng ta
kinh ngạc: chúng ta chuyển từ niềm vui đón mừng Chúa Giêsu khi Ngài vào thành
Giêrusalem sang nỗi đau buồn khi chứng kiến Ngài bị kết án tử hình và sau đó bị
đóng đinh. Cảm giác kinh ngạc trong lòng đó sẽ vẫn còn đọng lại với chúng ta
trong suốt Tuần Thánh. Chúng ta hãy suy niệm sâu hơn về nó.
Ngay từ đầu, Chúa Giêsu khiến chúng ta kinh ngạc.
Dân chúng chào đón Ngài một cách long trọng, nhưng Ngài lại tiến vào Giêrusalem
trên một con ngựa con thấp hèn. Dân của Ngài mong đợi một người giải phóng dũng
mãnh tại Lễ Vượt Qua, nhưng Ngài lại đến để làm cho Lễ Vượt Qua được kiện toàn
bằng cách tự hiến thân. Dân của Ngài đang hy vọng chiến thắng người La Mã bằng
gươm đao, nhưng Chúa Giêsu đến để mừng chiến thắng của Thiên Chúa qua thập giá.
Điều gì đã xảy ra với những người trong khoảng thời gian một vài ngày đã đi từ
tiếng hô vang trời “Hosanna” (hoan hô) đến việc hét lên “Hãy đóng đinh nó”?
Chuyện gì đã xảy ra? Họ đi theo một ý tưởng về Đấng Mêsia hơn là chính Đấng
Mêsia. Họ ngưỡng mộ Chúa Giêsu, nhưng họ không để cho bản thân được kinh ngạc bởi
Ngài. Kinh ngạc không giống như ngưỡng mộ. Sự ngưỡng mộ có thể mang tính thế
gian, vì nó đi theo những thị hiếu và mong đợi của riêng mình. Mặt khác, ngạc
nhiên là mở rộng lòng với người khác và sự mới mẻ họ mang lại. Ngày nay cũng vậy,
có rất nhiều người ngưỡng mộ Chúa Giêsu: Ngài nói những điều đẹp đẽ; Ngài đầy
lòng yêu thương và tha thứ; tấm gương của Ngài đã thay đổi lịch sử,… vân vân. Họ
ngưỡng mộ Ngài, nhưng đời sống của họ không thay đổi. Ngưỡng mộ Chúa Giêsu thôi
là chưa đủ. Chúng ta phải đi theo bước chân của Ngài, cho phép bản thân được thử
thách bởi Ngài; để chuyển từ ngưỡng mộ sang kinh ngạc.
Điều gì gây kinh ngạc nhất về Chúa và sự Vượt
Qua của Ngài? Đó là sự thật rằng Ngài đã đạt đến vinh quang qua sự nhục nhã.
Ngài chiến thắng bằng cách chấp nhận đau khổ và cái chết, những điều mà chúng
ta sẽ cố gắng tránh khi tìm kiếm sự ngưỡng mộ và thành công. Như Thánh Phaolô
nói với chúng ta, Chúa Giêsu đã “hoàn toàn trút bỏ vinh quang… Người còn
hạ mình xuống” (Pl 2: 7,8). Đây là điều thật kinh ngạc: nhìn thấy Đấng Toàn
năng đã hoàn toàn hạ mình. Để nhìn thấy Ngôi Lời là Đấng thấu suốt mọi sự dạy
chúng ta trong thinh lặng từ trên cao của thập giá. Để nhìn thấy vua của các
vua lên ngôi trên giá treo thập hình. Nhìn thấy Chúa của vũ trụ trút bỏ mọi thứ
và đội lên đầu bằng mão gai thay vì vinh quang. Để nhìn thấy Đấng nhân lành hóa
thân, bị sỉ nhục và bị đánh đập. Tại sao lại có tất cả những sự nhục nhã này? Lạy
Chúa, tại sao Người muốn chịu đựng tất cả những điều này?
Chúa Giêsu đã làm điều đó cho chúng ta, để tìm
kiếm trong sâu thẳm kinh nghiệm con người của chúng ta, toàn bộ cuộc sống của
chúng ta, tất cả những sự dữ của chúng ta. Đến gần chúng ta và không bỏ rơi
chúng ta trong đau khổ và cái chết của mình. Để cứu chuộc chúng ta, để giải
thoát chúng ta. Chúa Giêsu đã được nâng lên cao trên thập giá để bước xuống vực
thẳm đau khổ của chúng ta. Ngài đã trải qua những nỗi buồn đau đớn nhất của
chúng ta: thất bại, mất tất cả, bị người bạn phản bội, thậm chí bị Thiên Chúa bỏ
rơi. Bằng cách trải nghiệm trong xác thịt những cuộc chiến đấu và xung đột sâu
sắc nhất của chúng ta, Ngài đã đền bù và biến đổi chúng. Tình yêu của Ngài đến
gần với sự yếu đuối của chúng ta; nó chạm đến chính những điều mà chúng ta thấy
xấu hổ nhất.
Tuy nhiên, bây giờ chúng ta biết rằng chúng ta
không đơn độc: Thiên Chúa ở bên cạnh chúng ta trong mọi cơn hoạn nạn, trong mọi
nỗi sợ hãi; không có sự dữ nào, không có tội lỗi nào có lời nói cuối cùng.
Thiên Chúa chiến thắng, nhưng cành thiên tuế chiến thắng đi qua gỗ của thập
giá. Vì cành thiên tuế và cây thập giá không thể tách rời.
Chúng ta hãy cầu xin được ơn biết kinh ngạc. Đời
sống người Kitô hữu không biết kinh ngạc sẽ trở nên buồn tẻ và ảm đạm. Làm thế
nào chúng ta có thể nói về niềm vui khi gặp Chúa Giêsu, nếu hàng ngày chúng ta
không kinh ngạc và sửng sốt trước tình yêu của Ngài, điều mang lại cho chúng ta
sự tha thứ và cơ hội có một khởi đầu mới? Khi đức tin không còn cảm nghiệm sự
kinh ngạc nữa, thì nó trở nên u ám: nó trở nên mù trước những điều kỳ diệu của
ân sủng; nó không còn khả năng nếm được Bánh sự sống và nghe được Lời; nó không
còn khả năng cảm nhận được vẻ đẹp của anh chị em chúng ta và món quà của tạo
hóa. Nó chẳng còn cách nào khác hơn là nương tựa vào chủ nghĩa trọng luật, chủ
nghĩa giáo quyền và vào tất cả những điều mà Chúa Giêsu đã lên án trong chương
23 của Phúc âm theo Thánh Mátthêu.
Trong Tuần Thánh này, chúng ta hãy ngước mắt
nhìn lên thập giá, để nhận được ơn biết kinh ngạc. Khi Thánh Phanxicô Assisi
chiêm ngưỡng Chúa bị đóng đinh, ngài thấy ngạc nhiên vì các anh em của ngài
không khóc. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có còn rung động trước tình yêu của
Thiên Chúa không? Có phải chúng ta đã đánh mất khả năng kinh ngạc trước Ngài
không? Tại sao? Có thể đức tin của chúng ta đã trở nên u mê do thói quen. Có thể
chúng ta vẫn bị mắc kẹt trong những sự hối tiếc của mình và để cho bản thân bị
tê liệt bởi những thất vọng của chúng ta. Có thể chúng ta đã mất hết niềm tin
hoặc thậm chí cảm thấy mình vô dụng. Nhưng có lẽ, đằng sau tất cả những điều
“có thể” này, là sự thật rằng chúng ta không mở lòng đón nhận ân tứ của Thần
Khí là Đấng ban cho chúng ta ơn biết kinh ngạc.
Chúng ta bắt đầu lại từ sự kinh ngạc. Chúng ta
hãy nhìn lên Chúa Giêsu trên thập giá và thưa với Ngài: “Lạy Chúa, Chúa yêu con
biết bao! Con thật quý giá biết dường nào với Người!” Chúng ta hãy cho phép
Chúa Giêsu làm chúng ta kinh ngạc để chúng ta có thể bắt đầu sự sống lại, vì sự
vĩ đại của cuộc sống không nằm ở của cải và sự thăng tiến, nhưng ở chỗ nhận ra
rằng chúng ta được yêu thương. Đây là sự vĩ đại của cuộc sống: khám phá ra rằng
chúng ta được yêu thương. Và sự vĩ đại của cuộc sống nằm chính trong vẻ đẹp của
tình yêu. Trong Chúa Giêsu bị đóng đinh, chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa bị hạ nhục,
Đấng toàn năng bị xua đuổi và loại bỏ. Và với ơn kinh ngạc, chúng ta nhận ra rằng
khi chào đón những người bị xua đuổi và bị loại bỏ, khi đến gần những người bị
cuộc sống đối xử tệ bạc, là chúng ta đang yêu mến Chúa Giêsu. Vì đó là nơi Ngài
ở: trong những anh chị em bé mọn nhất của chúng ta, trong những người bị từ chối
và bị loại bỏ, trong những người mà cái văn hóa tự cho mình đúng của chúng ta
lên án.
Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy, ngay sau cái
chết của Chúa Giêsu, một biểu tượng tuyệt vời của sự kinh ngạc. Đó là cảnh viên
sĩ quan, khi thấy Chúa Giêsu đã chết, liền nói rằng: “Quả thật, người này là
Con Thiên Chúa!” (Mc 15:39). Anh ta bị kinh ngạc bởi tình yêu. Anh ta đã nhìn
thấy Chúa Giêsu chết cách nào? Anh ta đã thấy Ngài chết vì yêu, và điều này làm
anh ta kinh ngạc. Chúa Giêsu đau đớn tột cùng, nhưng Ngài không ngừng yêu
thương. Đây là điều thật kinh ngạc trước Thiên Chúa, Đấng có thể lấp đầy cái chết
bằng tình yêu. Trong tình yêu nhưng không và chưa từng có ấy, viên sĩ quan ngoại
giáo đã tìm thấy Chúa. Lời nói của ông ta – Quả thật, người này là Con Thiên
Chúa – “chứng thực” cho câu truyện của Cuộc Khổ nạn. Các sách Tin Mừng cho
chúng ta biết rằng trước anh ta đã có nhiều người khác ngưỡng mộ Chúa Giêsu vì
những phép lạ và công việc phi thường của Ngài, và đã công nhận rằng Ngài là
Con Thiên Chúa. Tuy nhiên, Chúa Giêsu Kitô đã bắt họ im lặng, vì họ có nguy cơ
chỉ dừng lại ở mức độ ngưỡng mộ thuần túy của thế gian với ý tưởng về một Thiên
Chúa được tôn thờ và kính sợ về quyền năng và sức mạnh của Ngài. Bây giờ không
còn như vậy nữa, vì dưới chân thập giá không thể có sai lầm: Thiên Chúa đã mạc
khải mình và trị vì bằng sức mạnh của tình yêu.
Thưa anh chị em, hôm nay Thiên Chúa tiếp tục đổ trí óc và tâm hồn chúng ta bằng sự kinh ngạc. Chúng ta hãy để cho mình ngập tràn sự kinh ngạc đó khi chúng ta chiêm ngắm Chúa bị đóng đinh. Ước mong chúng ta cũng có thể nói rằng: “Người thật là Con Thiên Chúa. Người là Chúa của con.
Chuyển ngữ: Tri
Khoan
Nguồn: daminhtamhiep.net