(Hình ảnh minh họa: Sierning, Áo. Nhà thờ giáo xứ Thánh Têphanô - Cửa sổ kính màu (1906): dòng chữ Latinh "MAGNIFICAT ANIMA MEA DOMINUM" (Linh hồn tôi ngợi khen Chúa); Nguồn: Wikimedia Commons, ảnh của Wolfgang Sauber, CC BY-SA 4.0.)

Magnificat

Chúng ta không biết gì về hoàn cảnh tài chính của Mẹ Maria và hoàn cảnh đó cũng không đóng vai trò gì trong bài ca mừng vui của Mẹ. Và đó chính là bản chất thực sự của bài ca Magnificat: khi thấy Thiên Chúa “đã quan tâm đến phận hèn của nữ tì của Ngài” Mẹ không ngạc nhiên nhưng Mẹ chỉ hớn hở vui mừng trước sự việc này, vì qua cử chỉ này Mẹ nhận ra Thiên Chúa của Israel là Đấng luôn hành động như vậy.

Bài ca mà Luca đặt vào môi miệng Mẹ chủ yếu được mô phỏng theo bài ca của bà Anna (1 Sm 2: 1-10), thực tế không nói gì khác hơn là sự đảo ngược hoàn cảnh trần thế trong đó người ta nhận ra hành động biểu lộ đặc điểm của Thiên Chúa. Mẹ Maria hát: “Ngài hạ bệ những kẻ quyền thế và nâng cao những kẻ hèn mọn; Ngài đã cho kẻ đói no của tốt, kẻ giàu thì đuổi về tay không” (Lc 1:52–53), Anna hát: “Người no phải làm mướn kiếm ăn, còn kẻ đói được an nhàn thư thái. Người hiếm hoi thì sinh năm đẻ bảy, mẹ nhiều con lại ủ rũ héo tàn… Kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi, ai nghèo túng, Người cất nhắc từ đống phân tro, đặt ngồi chung với hàng quyền quý, tặng ngai vinh hiển làm sản nghiệp riêng” (1 Sm 2:5, 8). Trong những khẳng định của mình, được vang vọng trong nhiều đoạn Cựu Ước khác, Anna còn đi xa hơn khi nói: “Đức Chúa là Đấng cầm quyền sinh tử, đẩy xuống âm phủ rồi lại kéo lên. Đức Chúa bắt phải nghèo và cho giàu có, Ngài hạ xuống thấp, Ngài cũng nhắc lên cao” (6-7). Điều này cũng có thể có ý nghĩa trong bối cảnh của Tân Ước nếu người ta cho rằng Thiên Chúa yêu thương người nghèo khổ và thấp hèn, trong khi “đứa ngạo mạn ngông nghênh, từ xa Ngài đã biết” (Tv 138:6), và rằng Ngài đã để Con của Ngài đi xuống cõi chết để từ đó tôn vinh Người Con ấy trên muôn loài.

Rõ ràng đó không phải là công lý nhưng là lòng thương xót của Thiên Chúa mà Mẹ Maria ca ngợi trong tất cả những đảo lộn và nghịch thường mà Thiên Chúa đã thực hiện: “Lòng thương xót của Ngài dành cho những ai kính sợ Ngài từ thế hệ này sang thế hệ khác,” và trong suốt lịch sử của nó, Ngài đã nhận “Israel làm tôi tớ của Ngài, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Ngài nhớ lại lòng thương xót” (Lc 1:50, 54). Nếu do bị tách biệt ra mà tôi tớ của Chúa lại tự cao vì trở thành một trong những kẻ quyền năng, thì lòng thương xót của Thiên Chúa đã không thể hiện được trong trạng huống đó. Chỉ vì “người nữ tỳ hèn mọn” mà “Đấng Toàn Năng đã làm biết bao điều cao cả”... ”và danh Ngài là thánh” (48–49). Người nghèo nằm trong bụi tro không có phẩm chất đặc biệt nào có thể khiến Thiên Chúa nâng người đó lên: lòng thương xót tỏ ra với người đó chỉ đặt nền móng nơi chính Thiên Chúa, và ân sủng nhưng không của Ngài được đón nhận trong sự rỗng không của cảnh nghèo hèn, trong khi ân sủng đó dường như không cần thiết trong không gian quá đông đúc của những người giàu có, cao sang và quyền lực.

Trong trường hợp của Anna - và trong toàn bộ Cựu Ước - điểm khởi đầu cho tác động nâng cao và giải phóng của ân sủng Thiên Chúa trước hết là sự nghèo đói về vật chất, xã hội (và ở đây, người giàu có và người quyền lực cũng bị coi là những kẻ áp bức và “kẻ thù” của Thiên Chúa, điều này không xảy ra trong bài ca của Mẹ Maria) để nhấn mạnh hơn nữa sự tùy thuộc tuyệt đối vào Thiên Chúa, một sự tùy thuộc vốn phát sinh từ sự bất lực của những kẻ nghèo hèn: trong trường hợp của Mẹ Maria, điều này chiếm vị trí trung tâm.

“Phận nữ tỳ hèn mọn” mà Thiên Chúa “đoái thương nhìn tới” là nơi được chọn để Thiên Chúa thực hiện tất cả những đảo ngược trên thế giới, đó là cốt lõi của cuộc cách mạng đầy tình yêu của Thiên Chúa và việc giải phóng hàng ngày của cuộc cách mạng đó. Mẹ Maria là hiện thân của thần học giải phóng thực sự khi Mẹ hớn hở vui mừng dẫn đưa cách nhìn sáng suốt của Giao Ước Cũ đến chỗ trọn hảo, một cách nhìn đã trở nên sâu sắc hơn nơi Mẹ.

“Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”

Mẹ Maria đóng một vai trò huyền nhiệm tại tiệc cưới Cana. Cặp vợ chồng tổ chức đám cưới rõ ràng là bạn bè của gia đình Nadarét: người mẹ được mời (chồng bà có lẽ đã không còn sống) cũng như con trai bà cùng với bạn bè của người con trai ấy, những người có lẽ được coi là những người đầu tiên đi theo người con ấy. Mẹ Maria là một trong số rất nhiều khách mời. Nhưng Mẹ là người đầu tiên nhận thấy tình cảnh bối rối mà những người có lẽ không khá giả này đang gặp phải, và nếu Mẹ muốn con trai mình chú ý vào tình cảnh đó thì chắc chắn không phải vì Mẹ mong đợi con mình sẽ làm phép lạ (cho đến bấy giờ người con chưa làm phép lạ nào cả, “Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê - Ga 2:11) nhưng với hy vọng con mình tìm ra được một cách giải quyết. Điều cần lưu ý ở đây là ý thức của Mẹ Maria về nhu cầu của người nghèo và cảm nhận tự nhiên của Mẹ rằng con Mẹ phải được thông báo về tình cảnh đó và người con sẽ có thể giúp đỡ bằng cách nào đó.

Và rồi dường như toàn bộ khung cảnh đã chuyển lên một tầm cao hơn. Chúa Giêsu đã bắt đầu sứ vụ của mình: Ngài không còn là con của con người này nữa. Và trong sứ vụ của mình, Ngài không còn coi Mẹ Maria là mẹ của riêng mình nữa mà là “người phụ nữ”, người kia, “người trợ tá”, tuy nhiên, Ngài sẽ chỉ đảm nhận vai trò riêng của mình khi cuối cùng trở thành “Adam mới” trên Thập giá. Mẹ đã đau khổ trước đó rồi: “một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2:35). Mặt khác, Chúa Giêsu hiện chỉ đang tiến về “giờ” của mình, vì “Giờ của tôi chưa đến” (Ga 2:4). Sau đó, trong hoàn cảnh nghèo khó và bị lấy mất mọi thứ, bị lấy mất ngay cả Thiên Chúa, Ngài sẽ biến rượu thành máu của mình: đó là sự đáp ứng dạt dào trước mọi lời nài xin mạnh dạn nhất. Tuy nhiên, “người phụ nữ” mà Ngài cố từ chối - “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi?” (Ga 2:4)  - đã có mặt ngay từ khi Giáo hội khởi đầu, và như vậy, Mẹ có quyền nài xin thực hiện “yêu cầu” của mình (thực ra, Mẹ chỉ nói ra nhu cầu của mọi người). Nhưng Mẹ làm việc đó một cách tuyệt vời nhất, thể hiện mọi thứ cùng một lúc: Mẹ hoàn toàn buông bỏ tất cả và phó thác cho ý muốn của Chúa Giêsu, nhưng cũng là niềm hy vọng tin tưởng của Mẹ; và chính bằng cách không thúc ép, bằng cách bỏ đi ý riêng, mà Mẹ đã thuyết phục được Chúa Giêsu và giờ của Thập Giá được dự báo trước: rượu chưa biến thành máu, nhưng nước đã biến thành rượu: “Ngài bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2:5). Có lẽ không nơi nào mà toàn bộ tâm tình của Đức Maria được thể hiện rõ ràng hơn qua câu nói này.

“Mẹ và anh em Chúa Giêsu đến”

Ở Cana chúng ta thấy Đức Maria ở với những người nghèo khó về vật chất. Ở đây (Mc 3:31) chúng ta thấy Mẹ ở với những người nghèo khó về mặt tinh thần: “Mẹ và anh em Đức Giêsu đến, đứng ở ngoài, cho gọi Ngài ra. Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Ngài” (Mc 3:31). Những “người anh em thân tộc” này – anh em họ hàng và những người thân khác, thậm chí ngày nay người Ả Rập còn gọi là “những người anh em” - khó chịu trước hành vi quá đáng của Chúa Giêsu và “họ nói rằng Ngài đã mất trí” (Mc 3:21). Khi Ngài xuất hiện ở Nadarét, họ cảm thấy khó chịu khi Ngài làm cho mình có vẻ quan trọng hơn những người thân của mình: “Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” (Mc 6:3). Chúng ta đã thấy rằng những người không tin vào Ngài đã thúc giục Ngài đi Giêrusalem để thực hiện hành động của mình: “Vì không ai muốn nổi danh mà lại hoạt động âm thầm cả. Nếu ông làm những việc ấy, thì hãy tỏ mình ra cho thiên hạ biết” (Ga 7,4).

Chúng ta cần phải hình dung ra Mẹ Maria đang ở giữa những người này. Mẹ không nghĩ đến việc cãi lại họ hoặc tách mình ra khỏi họ như một người hiểu mọi thứ rõ ràng hơn họ. Mẹ nghe những câu chuyện kiểu này hàng ngày, có thể Mẹ cũng nghe những lời trách móc rằng lẽ ra Mẹ nên nuôi dạy người con ấy tốt hơn và lẽ ra không nên gieo vào người con ấy những ý tưởng như vậy. Mẹ thuộc về dòng tộc. Đấng vô nhiễm thuộc về dòng tộc tội nhân, ngai tòa Đấng khôn ngoan thuộc về sự ngu muội không dò thấu của loài người. Người ta phải lắng nghe đám người thân này đang thảo luận với nhau về cách họ có thể chấm dứt điều vô lý này. Cuối cùng, họ quyết định cử đi một đoàn thăm dò để có thể tận mắt chứng kiến ​​mọi thứ, và Mẹ của Chúa Giêsu cũng bị kéo theo. Nhưng họ đã phải cuốn gói, ngay cả khi Chúa Giêsu được thông báo là Mẹ Ngài đang ở đó. Gia đình không còn đáng kể gì nữa. Bây giờ đã có một gia đình hoàn toàn khác, và điều này mới là quan trọng: đó là gia đình gồm những người tin và làm theo ý muốn của Thiên Chúa.

Người ta có thể tưởng tượng đám người thân này đã nói gì với nhau trên đường về nhà. Mặc dù Máccô nói đến sự kiện này sớm hơn (3:21), nhưng có lẽ vào thời điểm này gia đình đã đi đến quyết định rằng Ngài nên dừng lại vì lợi ích của mình. Và đó không chỉ là vấn đề lời nói - lời nói đã biến thành hành động: “Thân nhân của Ngài hay tin ấy, liền đi bắt Ngài” (Mc 3:21). Mẹ Maria đang sống giữa họ. Chúng ta không biết Giacôbê, một trong những anh em họ hàng của Chúa Giêsu, đã tin vào Ngài vào thời điểm nào: ông trở thành người thay mặt Phêrô ở Giêrusalem khi Phêrô phải chạy trốn khỏi thành phố sau khi được trả tự do khỏi nhà tù.

Mẹ Maria không nổi bật trên những người trong nhóm. Mẹ vẫn kín đáo đến nỗi các Tin Mừng Nhất Lãm thậm chí không nhắc đến Mẹ trong số những người phụ nữ đạo hạnh đứng dưới chân Thập Giá. Một vài người trong những người phụ nữ đó đã được nêu tên, nhưng Mẹ thì không: “Trong số đó, có bà Maria Mácđala, bà Maria mẹ các ông Giacôbê và Giôxếp, và bà mẹ các con ông Dêbêđê” (Mt 27:56; Mc 15:40; Lc 23:49). Có lẽ Mẹ đứng đó, cùng với Gioan, lặng lẽ một mình, xa khỏi những người khác, mất hút trong đám đông binh lính La Mã, trong những kẻ đang kéo đến to mồm chế nhạo và trong đám đông lũ lượt ra vào thành phố đi ngang qua những cây thánh giá vào ngày trước đại lễ: một người phụ nữ nghèo khó đáng thương.

Phêrô Phạm Văn Trung

Chuyển ngữ từ: churchlifejournal.nd.edu

WHĐ (09.05.2024)