Đức Hồng y người Nigeria nói: Không nên đón nhận Thánh Thể một cách bất xứng

10/09/2021


Đại hội Thánh Thể Quốc Tế ngày thứ 5 tại Budapest, Hungary

ĐỨC HỒNG Y NGƯỜI NIGERIA NÓI: KHÔNG NÊN ĐÓN NHẬN THÁNH THỂ MỘT CÁCH BẤT XỨNG

WHĐ (10.9.2021) - Các linh mục có bổn phận nhắc nhở các tín hữu không nên rước Mình Thánh trong tình trạng tội trọng và các linh mục cần luôn sẵn sàng để cử hành bí tích giải tội cho người giáo dân, đó là lời phát biểu của một đức hồng y người Nigeria tại Đại hội Thánh Thể Quốc tế hôm thứ Năm vừa qua.


Đức Hồng y người Nigeria, John Onaiyekan trình bày tại Đại hội Thánh Thể Quốc tế ở Budapest, Hungary, ngày 09 tháng 9 năm 2021./ Daniel Ibáñez / CNA.

“Giáo huấn của Giáo Hội luôn dạy rằng bất cứ ai biết mình đang ở trong tình trạng tội lỗi nghiêm trọng khiến họ xa cách với tình yêu thương của Thiên Chúa, thì không nên bước lên để rước lễ chỉ đơn giản vì mọi người đều rước lễ,” Đức Hồng Y John Onaiyekan cho biết trong một buổi chia sẻ giáo lý được phát trực tiếp tại thủ đô Budapest của Hungary vào ngày mùng 9 tháng 9.

“Trước tiên người đó phải đến với bí tích hòa giải để giao hòa với Thiên Chúa qua việc xưng tội.”

“Nhưng điều đáng buồn là, những gì chúng ta thấy lại là một dòng người đi rước lễ trong Thánh lễ, và có vẻ như họ không thực sự bận tâm về việc liệu họ có ở trong trạng thái thiêng liêng phù hợp để rước lễ hay không.”

“Các linh mục có trách nhiệm nhắc nhở các tín hữu về điều này, nhưng lưu ý không nên đưa ra những lời phóng đại không cần thiết liên quan đến vấn đề này. Các linh mục cũng có bổn phận là làm sao để tín hữu có thể dễ dàng đến xưng tội”.

Đức Hồng y Onaiyekan phục vụ trong tư cách là Tổng Giám mục của Tổng Giáo phận Abuja từ năm 1994 cho đến năm 2019, khi Đức Thánh Cha Phanxicô chấp nhận việc ngài nghỉ hưu ở tuổi 75. Ngài đã chia sẻ trong một giờ với đề tài giáo lý Công giáo về Bí tích Thánh Thể tại Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52 diễn ra ở Hungary vào từ ngày 5-12 tháng 9 năm 2021.

Vị hồng y 77 tuổi này đề nghị các linh mục giảng về việc rước lễ cách xứng hợp để mọi người biết khi nào họ ở trong tình huống bất thường và “sẽ điều chỉnh hành vi của mình mà không cần chờ đợi bị kéo ra khỏi dòng người lên Rước lễ một cách công khai”.

“Có một cuộc tranh luận đang diễn ra ở một số quốc gia về việc liệu một chính trị gia vì lý do chính trị, đã bỏ phiếu cho một đạo luật trái đi ngược lại luân lý, có nên bị ngăn chặn khi lên Rước lễ hay không,” Đức Hồng y Onaiyekan nói.

“Nếu bỏ phiếu cho một đạo luật đi ngược lại luân lý, ngay cả trong một nhà nước thế tục, dẫn đến việc trở thành đồng phạm của tội ác, thì chúng ta sẽ phải đối diện với một với một quyết định luân lý rằng điều này không xứng hợp để lên rước lễ.”

“Nhưng theo quan điểm mục vụ, không rõ là khi một người như vậy lên rước lễ, liệu chúng ta có nên công khai từ chối cho người ấy Rước lễ hay không, việc này sẽ gây ra một sự náo động và tạo ra scandal. Cả Thánh Augustinô và Thánh Thomas Aquinas đều khuyên ở đây cần sự thận trọng trong việc xử lý những trường hợp như vậy”.

Vị Hồng y đến từ châu Phi nói thêm rằng “một chính trị gia Công giáo không đồng ý công khai với Giáo hội của mình về vấn đề đạo đức nên cố gắng để tránh việc cố tình gây nên tranh cãi xung quanh Bí tích Thánh Thể”.

Đức hồng y Onaiyekan nói rằng với tư cách là một giám mục, ngài đã cố gắng hết sức để khuyến khích các chính trị gia Công giáo “luôn có quan điểm rõ ràng và phản đối bất kỳ luật nào trái với luật của Chúa”.

“Nếu vì lý do chính trị, người đó không thể ngăn chặn một đạo luật trái đạo đức, thì ít nhất người đó phải được ghi nhận là đã phản đối nó,” ngài nói thêm.

Đức Hồng Y nói: “Một tình huống gần đây đã xảy ra, tạo ra nhiều cuộc thảo luận có liên quan đến trách nhiệm của các chính trị gia Công giáo trong việc tuân thủ luật của Giáo hội trong các lựa chọn và quyết định chính trị của họ, đặc biệt là liên quan đến tội phá thai nghiêm trọng.”

Ngài than thở rằng phá thai bị coi là bình thường ở nhiều “quốc gia được gọi là phát triển”.

“Tuy nhiên, quan điểm của Giáo hội Công giáo kiên quyết nhấn mạnh rằng phá thai là sát hại những trẻ em vô tội. Bất kỳ người Công giáo nào phạm tội phá thai, hoặc hợp tác với việc phá thai, phải biết rằng mình đã phạm tội giết người và không nên Rước lễ, trừ khi và cho đến khi đi xưng tội,” ngài nói.

“Không quá khó để trở lại với Chúa, cho dẫu đã gây nên những điều như vậy,” ngài nói thêm. "Vấn đề rắc rối là khi người ta tự hào về những gì họ đã làm."

Đức hồng y Onaiyekan nói rằng câu hỏi liệu một chính trị gia Công giáo có nhất thiết phải bỏ phiếu chống lại bất kỳ luật nào cho phép phá thai hoặc hành động trái luân lý hay không là “tế nhị và rắc rối”.

"Vấn đề quan trọng ở đây là rất thường xuyên, một khi đã tham gia vào lĩnh vực chính trị của một đảng phái, thì Giáo hội cần phải cẩn thận để không đẩy Chúa Giêsu Thánh Thể vào cuộc tranh cãi chính trị, kẻo gây ra nhiều thiệt hại hơn là nếu chúng ta cố gắng tránh đi," ngài nói.

Đức hồng y Onaiyekan đã là giám mục trong 38 năm và trước đây từng là chủ tịch của hội đồng giám mục Công giáo Nigeria.

Ngài nói rằng kinh nghiệm của ngài khi sống cùng với những người Hồi giáo ở Nigeria, những người tuân thủ chặt chẽ luật Sharia đã dạy cho ngài “những bài học hữu ích về cách không áp đặt luật tôn giáo của một cộng đồng tín ngưỡng trong một quốc gia đa tôn giáo.”

“Tôi ước mình có thời gian để nói về Nigeria, và về những gì Chúa đang làm ở giữa chúng tôi, nhưng đó không phải là nhiệm vụ của tôi cho sáng nay,” ngài nói và lưu ý rằng ngài được yêu cầu nói về giáo lý Công giáo về Bí tích Thánh Thể.

“Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta được kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Nói cách khác, chúng ta có một sự kết hợp mật thiết với Ba Ngôi Chí Thánh. Qua Bí tích Thánh Thể, Thiên Chúa không chỉ đến với chúng ta mà Ngài còn sống trong chúng ta và chúng ta ở trong Người,” Đức hồng y Onaiyekan nói.

“Trước hết, chúng ta có thể nói rằng, nói một cách chặt chẽ, không ai đáng được rước lễ cả. Tất cả chúng ta đều là tội nhân trước mặt Chúa. Đó là lý do tại sao khi bắt đầu Thánh lễ, chúng ta đọc Lời thú tội - ‘Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng’ - thì chúng ta phải làm điều đó một cách chân thành. Đây không chỉ là việc mang tính hình thức mà thôi,” ngài nói.

“Chúng ta nên cảm tạ Chúa vì đã cho chúng ta kết hợp với Ngài, và làm cho chúng ta xứng đáng để cử hành Thánh Thể với Ngài, nhờ lòng thương xót của Ngài.”

Duc Trung VU, CSsR (Theo Catholic News Agency 09.9.2021)

LỊCH PHỤNG VỤ