Khi Đức Giáo hoàng Lêô XIV bước ra ban công của Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô và nói với thế giới những lời đầu tiên của mình, “Bình an cho anh em”, có điều gì đó không thể nhầm lẫn về sự hiện diện của ngài. Không chỉ là sự trang nghiêm của khoảnh khắc đó hay sức nặng của vai trò mà ngài vừa mới đảm nhận. Đó là niềm hạnh phúc thuần khiết. Và kể từ lúc đó, hầu như mọi bức ảnh của ngài đều cho thấy ngài đang mỉm cười. Ngài tỏa ra một niềm vui không trình diễn hay bóng bẩy, mà là tỏa sáng và người ta gần như nắm lấy được niềm vui đó. Niềm vui tuôn chảy từ một trái tim gần gũi với Chúa Kitô.

Trong một thế giới đầy rẫy sự chán nản, chia rẽ và vỡ mộng, niềm vui như thế mang đến những thay đổi sâu xa.

Không ngoa khi nói rằng thế giới đang ở giữa cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần. Lướt TikTok chỉ trong năm phút, tôi thấy những người có sức ảnh hưởng ca ngợi thuốc chống trầm cảm hoặc nói đùa về “sự rối loạn tinh thần”. Gần như phần nào đó trong cảm nhận, đánh giá, và thể hiện cái đẹp, cách sống… của họ là việc được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần. 

Năm 2022, tôi phải đi trị liệu lần đầu tiên, vì tôi chịu áp lực khi điều hành một tổ chức và giải quyết một số mối quan hệ khó khăn. Tôi muốn có công cụ để giải quyết vấn đề đó. Nhưng đến cuối giờ trị liệu đầu tiên, nhà trị liệu nói với tôi rằng cô ấy nghi ngờ tôi bị trầm cảm nhẹ và gợi ý tôi nên cân nhắc dùng thuốc. Tôi cười lớn. Từ khi nào mà chuyện căng thẳng thường xuyên trong cuộc sống lại có thể bị chẩn đoán là một thứ gì đó nghiêm trọng đến vậy? 

Tôi không quay lại đó nữa. Thay vào đó, tôi tìm một nhà trị liệu Công giáo. Hóa ra, tôi không cần thuốc men gì cả. Tôi chỉ cần dành vài giờ mỗi tuần để giải tỏa căng thẳng. Đi bộ đường dài. Im lặng. Cầu nguyện. Trong vòng vài tuần, gánh nặng mà tôi đã mang bắt đầu được trút bỏ. Và tôi không thể không tự hỏi: Có bao nhiêu người cũng có trải nghiệm ban đầu giống như tôi nhưng không có đức tin, hoặc không biết rằng có một cách khác?[1]

Nhiều người Công giáo trên khắp thế giới cảm thấy tê liệt về mặt tinh thần, bị mắc kẹt giữa một nền văn hóa thế tục chối bỏ Thiên Chúa và thường cảm thấy bế tắc vì chia rẽ và do dự. Giữa tất cả những điều này, Đức Giáo hoàng Lêô đã mang đến một điều mà thế giới đã quên mất cách đón nhận: niềm vui của Tin Mừng, được sống mà không phải cảm thấy nuối tiếc hay hối hận.

Ngay từ bài giảng đầu tiên, Đức Giáo hoàng Lêô đã nêu rõ rằng sứ mệnh của ngài là mời gọi chứ không phải đe dọa. Đức Giáo hoàng tuyên bố: “Chúng ta muốn nói với thế giới, với sự khiêm nhường và niềm vui: hãy hướng về Chúa Kitô! Hãy đến gần Ngài! Hãy chào đón Lời Ngài, là Lời soi sáng và an ủi!” (Bài giảng trong Thánh lễ khai mạc Sứ vụ Phêrô tại Quảng trường Thánh Phêrô, Rôma,18/05/2025).

Đó là ngôn ngữ của một người biết Chúa Kitô một cách cá vị và muốn thế giới cũng biết Ngài. Có lẽ chúng ta đã quên rằng đây chính là toàn bộ mục đích: chia sẻ tình yêu và niềm vui của Chúa Kitô với thế giới.

Sự giản dị đó chứa đựng sức mạnh. Trong thời đại mà đức tin thường được coi như một nhãn hiệu hoặc một màn trình diễn, Đức Giáo hoàng Lêô nhắc nhở chúng ta rằng trước hết và quan trọng nhất là mối tương quan với Thiên Chúa hằng sống. Và niềm vui vốn tràn ngập khi được gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống thì không thể nào là giả tạo.

Niềm vui của Thiên Chúa không đến từ việc phớt lờ nỗi đau khổ của thế gian. Niềm vui đó đến từ việc nhìn nhận nỗi đau khổ đó qua ánh sáng của sự Phục sinh. Niềm vui đó không phủ nhận những vết thương của những người bị bách hại, tiếng kêu của người nghèo, hay sự hỗn loạn trong nền văn hóa của chúng ta. Niềm vui đó chỉ đơn giản tuyên bố rằng Chúa Kitô không vắng mặt, và rằng trong Ngài, vẫn có niềm vui.

Vào lễ Hiện xuống, Đức Giáo hoàng Lêô đã trở về với nguồn gốc của mọi niềm vui Kitô giáo: Đó là Chúa Thánh Thần. Đức Giáo hoàng nhắc nhở Giáo hội rằng Chúa Thánh Thần “phá tan xiềng xích bên trong” và mở rộng trái tim không phải bằng vũ lực, mà bằng tình yêu. Đức Giáo hoàng nói: “Nơi chúng ta xây tường, Chúa Thánh Thần sẽ xây những cây cầu. Nơi chúng ta đóng cửa, Chúa Thánh Thần sẽ mở rộng những con tim”. Trong một thế giới bị chia cắt bởi nỗi sợ hãi, thông điệp của Đức Giáo hoàng Lêô rất rõ ràng. Niềm vui không phải là sự vắng bóng đau khổ. Đó là sự hiện diện của Thiên Chúa. Niềm vui mà Đức Giáo hoàng Lêô mang theo không phải là của riêng ngài. Đó là hoa trái của Chúa Thánh Thần sống động trong ngài, cùng một Chúa Thánh Thần đã đổ ra vào Lễ Hiện Xuống, cùng một Chúa Thánh Thần vẫn đang hoạt động trong Giáo hội ngày nay.

Thế giới không cần một nhà lãnh đạo nào khác chỉ để lặp lại nỗi sợ hãi của mình. Thế giới cần một người chăn chiên nhắc nhở chúng ta rằng niềm hy vọng vẫn còn, nó không chết.

Người Công giáo chúng ta có thể cảm thấy gần gũi với Đức Giáo hoàng mới. Nhưng lúc này chúng ta không nói về lòng tự hào, và niềm vui mà Đức Giáo hoàng Lêô mang lại không phải là việc xuất khẩu sự lạc quan của chúng ta. Đó là hoa trái của sự xác tín Kitô giáo. Và niềm vui thuộc về toàn thế giới.

Niềm vui đó, giống như chính Chúa Kitô, vừa là một món quà vừa là một thách thức. Một món quà cho những người mệt mỏi. Một thách thức cho những người hoài nghi. Và một lời kêu gọi Giáo hội hãy nhớ mình là ai - không phải là một tổ chức chính trị hay một di tích văn hóa, mà là Thân thể sống động của Chúa Kitô trong trần gian.

Trong niềm vui của Đức Giáo hoàng Lêô, chúng ta thoáng thấy niềm vui của Giáo hội sơ khai. Niềm vui thu hút những người trở lại đạo không phải bằng sự ép buộc, nhưng bằng chứng tá. Niềm vui khiến các vị tử đạo hát trong tù. Niềm vui biến những người xa lạ thành anh chị em.

Ngày hôm nay chúng ta đang khao khát niềm vui đó. Nhờ ơn Chúa, chúng ta có một vị giáo hoàng mang niềm vui đó.

Mong rằng chúng ta có đủ sự khiêm nhường để đón nhận mang niềm vui đó - và lòng can đảm để phản chiếu niềm vui đó.

Hình: Đức Giáo hoàng Lêô XIV cử hành Thánh lễ ngày 9 tháng 6 năm 2025 tại Thành phố Vatican. (ảnh: Daniel Ibanez / EWTN)

Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung

Từ: ncregister.com (25/6/2025)

_________________

[1] Số liệu thống kê rất rõ ràng. Ở phương Tây, sự cô đơn đã trở thành bệnh dịch. Những người trẻ tuổi đang lo lắng hơn bao giờ hết. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC Hoa kỳ), 40% thanh thiếu niên báo cáo rằng họ có cảm giác buồn bã hoặc tuyệt vọng dai dẳng trong năm qua và khoảng 20% nghiêm túc nghĩ đến việc tự tử. Trên toàn cầu, tự tử hiện là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ ba ở những người từ 15 đến 29 tuổi.