ĐỨC CHA EDME BÉLOT
VỊ GIÁM MỤC ĐẠI DIỆN TÔNG TOÀ THỨ HAI CỦA ĐỊA
PHẬN TÂY ĐÀNG NGOÀI
Lm.
Toma Aq. Nguyễn Xuân Thuỷ
WGPHN (16.06.2023) - Đức cha Edme Bélot sinh ngày 10
tháng 5 năm 1651 ở Avallon, thuộc vùng Bourgogne miền Đông nước Pháp. Ngài chịu
chức linh mục năm 1678, được sai tới Địa phận Đàng Ngoài và cuối năm đó ngài
lên đường đi tới xứ truyền giáo.
Khi đặt chân tới Đàng Ngoài năm 1679, đó cũng là năm Địa phận Đàng Ngoài
được chia làm hai, cha Bélot được sai làm việc ở Địa phận Tây Đàng Ngoài. Ngài
là một vị thừa sai có tiếng là nhiệt thành, đạo đức và thận trọng, lúc thì ở Hà
Nội, lúc thì đi các tỉnh khác giảng dạy, cử hành bí tích, gặp gỡ giáo
dân.
Địa phận Tây Đàng Ngoài lúc đó rộng mênh mông mà Đức cha de Bourges lại
già yếu, mang nhiều bệnh vì tuổi tác. Năm 1694 ngài viết thư về cha giám đốc chủng
viện Thừa Sai nhờ xin với Bộ Truyền giáo để Toà Thánh bổ nhiệm Giám mục phó kế
vị ngài. Thư ngài gửi cho cha Giám đốc chủng viện ngày 18 tháng 11 năm 1696 viết:
“Tôi nhắc lại một điều mà tôi đã viết cho cha trong các thư từ hai hay ba
năm qua, đó là điều tôi muốn đệ trình với các Đức Hồng Y đề nghị cho cha Bélot
kế vị tôi. Tôi đã 64 tuổi, có nhiều bệnh từ nhiều năm nay cộng thêm tình hình
khó khăn của xứ truyền giáo mà sức khỏe của tôi không đáp ứng được” (AME
652 p.159). Đức cha cũng mong rằng việc bổ nhiệm sẽ sớm để ngài còn có thể tấn
phong cho Đức cha phó trước khi ngài qua đời, vì lúc đó đi sang Thái lan để tấn
phong rất khó khăn.
Ngày 20 tháng 10 năm 1696, cha Bélot được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục
hiệu tòa Basilée và làm Giám mục phó có quyền kế vị Đức cha de Bourges, nhưng
vì tàu bè ngoại quốc không được cập bến buôn bán nên mãi tới năm 1700 Sắc phong
mới được gửi đến Đàng Ngoài. Đức cha Bélot được tấn phong tại Hưng Yên vào ngày
8 tháng 1 năm 1702. Ngay sau khi được tấn phong, ngài đi sang Địa phận Đông
Đàng Ngoài để tấn phong cho Đức cha Lozzoli, dòng Đa Minh, tại Kẻ Sặt vào ngày
02 tháng 02.
Mặc dù Đức cha Bélot hết lòng lo đào tạo và nâng đỡ các linh mục bản xứ,
đánh giá cao phẩm chất và khả năng của các cha trong mục vụ, nhưng Đức cha phản
đối việc đề vội vàng cử cha Giu-se Phước hay các linh mục bản xứ làm giám mục,
vì cho là chưa được chuẩn bị sẵn sàng và vững vàng để gánh vác trách nhiệm mục
tử trong giai đoạn khó khăn này.
Đức cha phải trải qua những khó khăn do lệnh cấm đạo, bắt đầu từ năm
1706. Vào tháng 10 năm 1711, chúa Trịnh ra một chiếu chỉ cấm Đạo và trục xuất
các thừa sai ra khỏi vương quốc, vì chúa Trịnh nghĩ là nếu còn để các thừa sai ở
lại thì không thể cấm đạo được.
Năm 1712, Đức cha Bélot bị bắt tại Hưng Yên, bị tra khảo nhiều nhưng
ngài trả lời bình tĩnh, đàng hoàng để chứng tỏ rằng các nhà thừa sai tới Đàng
Ngoài truyền giáo không làm điều gì xấu, đáng chê trách. Tuy nhiên ngài vẫn bị
kết án trục xuất ra khỏi xứ Đàng Ngoài cùng Đức cha de Bourges và cha Guisain.
Ba đấng đã được ba viên quan áp tải ra khơi ngày 21 tháng 01 năm 1713. Khi đến
cửa sông Hồng, các viên quan này đã quay lại đất liền, các nhà truyền giáo đã tận
dụng lợi thế này để khi đến bờ biển Thanh Hóa, Đức cha Bélot và cha Guisain lên
một chiếc thuyền khác đợi sẵn đưa các ngài vào bờ, ẩn nấp để ở lại Đàng Ngoài.
Chỉ một mình Đức cha chính đi tiếp sang Thái Lan để giúp các chủng sinh lánh nạn
được học bên đó.
Khi trở lại địa phận, Đức cha Bélot phải thay quyền Đức cha chính chèo
lái con thuyền Giáo hội địa phương. Trong thời gian này, Đức cha chỉ có thể đi
lại trong vùng Thanh Hóa và Nghệ An để giúp các cộng đoàn, nhưng ngài liên lạc
với các cha thừa sai, các linh mục bản xứ, các thầy kẻ giảng và giáo dân bằng
thư từ để nâng đỡ và hướng dẫn mục vụ cho đoàn chiên. Năm 1714, Đức cha chính
qua đời bên Thái Lan, Đức cha Bélot với quyền kế vị đã trở thành Đại Diện Tông
Toà tại Địa phận Tây Đàng Ngoài. Cũng ngay trong năm đó, Đức cha đã viết thư
cho Tòa Thánh trình bày hoàn cảnh bách hại đạo gắt gao và xin Tòa Thánh bổ nhiệm
cha Guisain làm Giám mục phó cho mình. Lời thỉnh nguyện này phải đợi đến năm
1718 mới được chấp nhận.
Những nỗ lực của ngài trong việc đào tạo hàng giáo sĩ bản xứ cũng sinh
hoa trái. Ngày 24 tháng 8 năm 1714, vào lễ thánh Bartholomeo, ngài đã truyền chức
linh mục cho ba thầy Kẻ giảng là cha Mác-cô Toàn, cha Phao-lo Bàng và cha
Do-mi-ni-co Minh. Giáo dân rất vui mừng hân hoan tiếp nhận tin vui này, tự hào
vì những người đồng hương của mình được vinh dự tham dự vào chức thánh trong
Giáo hội. Đồng thời với việc lo cho có các linh mục bản xứ, ngài cũng viết thư
về Chủng viện Hội Thừa sai để xin thêm các linh mục thừa sai và vui mừng đón nhận
thêm ba cha thừa sai nhiệt tâm, tài giỏi và đạo đức tới làm việc trong địa phận.
Đức cha Bélot qua đời vào ngày 02 tháng 01 năm 1717 tại giáo xứ Trang
Đen (Nghệ An). Ngài được an táng ngay trong khuôn viên nhà thờ giáo xứ và vẫn
còn cho đến ngày nay ở xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn. Trong những ghi chép Nhật ký
truyền giáo 1684 – 1685 của các thừa sai đã ghi lại về giáo xứ này: “Các thừa
sai khi đến đất Nghệ An truyền giáo, họ thường tìm cho mình một nơi cư trú
thích hợp. Có một làng có nhiều vị thừa sai cứ trú có tên là Phu Đen (tức Trang
Đen) dân cư làng này đều là người Công giáo với khoảng 400 người rước lễ. Làng
này rất gần các khu rừng, xa sông rạch và dinh của các quan trấn. Do đó, các
quan chức ít lui tới nên việc truyền đạo ở đây diễn ra thuận lợi”.
Ngay sau khi ngài qua đời, nơi mộ ngài, người ta đã truyền tục những trường
hợp được khỏi bệnh phi thường nhờ lời ngài bầu cử. Ngài để lại bài viết về Các
quy định chung cho Hội Thừa Sai Paris và nhiều bức thư quý giá cho thấy được những
hoàn cảnh xứ Truyền giáo Đàng Ngoài trong giai đoạn khó khăn ban đầu này.
(Theo tài liệu lưu trữ Hội Thừa sai Paris – A
M.E Missionaires 0062)
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org (16.06.2023)