2. Chúa Kitô, nền tảng đời sống mục vụ |
Dẫn nhập
Xã hội toàn cầu của chúng ta đã hoàn toàn làm thời đại thay đổi, từ hai mươi năm nay, với việc mọi người có thể truy cập các phương tiện truyền thông kỹ thuật số di động và với sự phát triển nhanh chóng của ngành thần kinh học, làm biến đổi mối tương quan với thời gian và không gian, cũng như cho phép sản xuất “tự động” những thực thể sống. Dưới áp lực của những điều mới mẻ đến tận căn này, sự hiểu biết những mối tương quan nhân loại và việc tiếp cận các vấn đề luân lý hoàn toàn bị đảo lộn. Thế giới mà chúng ta thuộc về sẽ đi về đâu? Làm thế nào để Giáo Hội và việc Giáo Hội trao tặng ơn cứu độ có thể gặp gỡ thế giới và đồng hành với nó?
Ơn cứu độ - được ban tặng nơi Đức Giêsu Kitô - đã đưa Nước Thiên Chúa ngay từ bây giờ vào trần gian, như nó đang là. Đức Thánh Cha Phaolô VI, trong Thông điệp Ecclesiam suam (ES), ban hành vào năm 1964, đã định nghĩa lịch sử cứu độ như là “cuộc đối thoại cứu độ”. Đối thoại là phương thức qua đó Nước Trời được mở rộng, đặc biệt là khi làm việc với xã hội và các tác nhân khác nhau của nó để nêu lên cũng như để giải quyết các vấn đề xã hội và công bằng. Đối thoại tạo nên hữu thể và sứ mệnh của Giáo Hội. Học thuyết xã hội của Giáo Hội là một cách biểu lộ thực tế, là một phần thiết yếu của “cuộc đối thoại cứu độ”.
Cách đây hơn 50 năm, nhiều dấu chỉ báo hiệu cho sự thay đổi của thế giới như chúng ta thấy ngày nay, đôi khi với âu lo. Vị Giáo Hoàng thời bấy giờ, Đức Phaolô VI, nhạy cảm với điều đó hơn bất cứ ai. Chính ngài đã kinh qua một thế giới bị xáo trộn kể từ lúc khởi đầu thế kỷ, do sự điên rồ gây hủy hoại của người châu Âu, là những kẻ đã quên mất những nền tảng nhân văn và tâm linh của mình. Đức Phaolô VI đã chứng kiến những cường quốc châu Âu và thế giới đã lao vào vòng tay đê hèn của chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa toàn trị, để đối đầu nhau, giết chết và hủy diệt hàng chục triệu đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Đối mặt với cái cám dỗ (luôn có đó, của con người) thống trị và cướp phá, nảy sinh từ sự hỗn loạn, và do sợ hãi, dẫn đến chia rẽ và chết chóc, Đức Giáo Hoàng quyết định đặt nền móng cho hành động và diễn từ của mình trong đối thoại. Với ngài, chỉ có đối thoại mới có thể đạt đến hòa bình và sự hiệp nhất của nhân loại, chứ không phải là sức mạnh mà nhân loại vẫn thường xuyên tưởng. Điều này tương ứng với công trình cứu độ mà Thiên Chúa thực hiện kể từ thuở ban đầu cho đến ngày tận thế, nơi Đức Giêsu Kitô; và Giáo Hội, bí tích cứu độ, có bổn phận phải tiếp tục. Đời sống nội tâm và tương quan của Đức Giáo Hoàng chính là sự phản ánh xác tín sâu xa của ngài, đó là: chỉ có con đường đối thoại mới xây dựng được nền văn minh tình thương, chương trình mà Thiên Chúa đã vạch cho mọi con người.
Đóng góp của khái niệm “đối thoại cứu độ” nhằm hình dung sự cứu độ trong lịch sử, trong hiện tại và tương lai vẫn chưa được các nhà thần học nghiên cứu cách sâu rộng. Tuy nhiên, chính khái niệm này tóm tắt đầy đủ nhất nguồn cảm hứng căn bản của Công Đồng cũng như của đời sống Giáo Hội kể từ thời điểm đó. Nó cung cấp cái khung cho những gì làm chúng ta quan tâm ngày nay: giáo huấn xã hội của Giáo Hội.
Trên bình diện phương pháp, tôi thấy sẽ thú vị khi vạch lại việc khái niệm “đối thoại cứu độ” đã có thể xuất hiện cách nào trong tâm trí của Giovanni Batista Montini, nhằm xây dựng và phát triển cái khung mới cho những tương quan giữa Giáo Hội và thế giới. Điều này sẽ không thể không để lại âm vang trên lịch sử của riêng bạn.
Thuật ngữ thần học này nảy sinh trong giai đoạn hoàn toàn đặc biệt đó, giai đoạn của thế kỷ XX, giai đoạn của những thảm họa nhân loại to lớn. Trong thế kỷ đó, các Giáo hoàng đã không ngừng tìm kiếm và xúc tiến nền hòa bình giữa các dân tộc cũng như công bằng xã hội. Việc tìm kiếm hòa bình trên thế giới đã trở nên một lộ trình làm biến đổi Giáo Hội, giúp Giáo Hội thấu hiểu về sứ mệnh của mình trong thế giới đương đại.
Để sự cam kết của mình cho hòa bình được khả tín, ngài phải luôn nhất quán và quyết định từ bỏ những chia rẽ. Điều này đã đưa ngài đến việc hành động cho sự hiệp nhất các Kitô hữu. Điều đó đòi hỏi ngài phải thay đổi trong cách nhìn đối với những người đã bác bỏ sự hiệp nhất này, và quyết chọn một cách tương quan mới với họ. Như thế, cách nhìn mới này đã khám phá ra rằng có một “tha vị”, một thế giới mà ngài phải yêu thương và không lên án. Cách nhìn này không được sợ hãi. Ngài phải học cách đi vào tương quan với nó. Cách thức tương quan đó, cách nhìn đó có tên gọi là đối thoại. Đối thoại không phải là một khái niệm xã hội học hay chính trị, nhưng đích thực là thần học.
Như vậy, và một cách nghịch lý, Giáo Hội do trước đây đã bị mất các lãnh thổ và quyền lực thế tục của mình, là quyền lực đi kèm với chúng (tức quyền có quân đội), nên đã suy yếu trước sức mạnh của các Nhà nước cũng như của sự thế tục hóa xã hội, thì nay Giáo Hội lại đã có được tự do ngôn luận và uy thế luân lý về mặt chính trị để đòi quyền bảo vệ, không phải lợi ích của riêng mình, nhưng là của toàn nhân loại: hòa bình và công lý, sự hiệp nhất của nhân loại. Do đó, Giáo Hội đã trở nên ngày càng mạnh hơn, minh bạch hơn, rõ ràng hơn, ngay cả khi Giáo Hội đã trở nên không có quyền lực gì. Và lần đầu tiên trong lịch sử, một Công Đồng có thể được nhóm họp mà không chịu chi phối của những quyền lực chính trị, mà trước đây đã từng áp đặt các quyết định của Công Đồng về giáo lý, phẩm trật hay mục vụ.
Bài nói chuyện của tôi trước tiên tập trung vào lịch sử (cuộc đời) của Đức Phaolô VI trong tương quan với lịch sử của thế giới và của Giáo Hội để làm rõ mối bận tâm về hòa bình của các vị giáo hoàng Rôma. Tiếp đến, tôi cố gắng miêu tả chuyển động nền tảng của hai phần đầu thông điệp đầu tiên; hai phần này dẫn đến chính luận, trong đó Đức Thánh Cha đặt ra lối nói “đối thoại cứu độ” và các nền tảng đạo lý và thực hành của nó. Điểm thứ tư của tôi đề cập đến những đối tượng của cuộc đối thoại, và cách thế mà khái niệm thần học này đã biến đổi Giáo Hội cũng như những thực hành mục vụ của Giáo Hội một cách quyết định, để trở nên cái khung quan trọng cho các tương quan với thế giới, và để xây dựng một “nền luân lý tình huynh đệ”.
1. Tìm kiếm hòa bình
Trong một thế giới hỗn loạn, chân lý đối diện với ý thức hệ
Dung mạo của Giovanni Battista Montini đặc biệt thú vị đối với chúng ta, bởi vì với ngài, chúng ta trải qua một thế kỷ có lẽ là bi thảm nhất trong lịch sử thế giới, thế kỷ XX, khởi đi từ hai cực có sức thu hút của ngài: sự quan tâm của ngài đối với đời sống thế giới và văn hóa của nó, và những trách nhiệm của ngài trong Giáo Hội, ở cấp cao nhất của giáo triều Rôma.
Cũng như mỗi chúng ta, Đức Phaolô VI được trui rèn từ lịch sử của mình, một lịch sử mang hai chiều kích: chiều kích của bối cảnh quốc gia, gia đình, quốc tế, Giáo Hội, là chiều kích của ngài, và chiều kích kia là của những quan tâm, những dấn thân của ngài, những sự trung tín, và tâm lý của ngài. Cuộc đời của ngài được xây dựng và triển nở trong khuôn khổ của những gì làm nên chiều kích sâu xa nhất: đức tin, đời sống nội tâm, tương quan với Chúa Kitô.
Tỉnh Brescia, ở Bắc Ý, là nơi vị Giáo hoàng tương lai được sinh ra vào năm 1897, trong vùng đất của giới thượng lưu, có thể được xem như một thế giới thu nhỏ bộc lộ đời sống chính trị của Ý. Gia đình Montini quyết tâm gắn bó với vùng đất đó và Battista không phải là người cuối cùng quan tâm đến nó. Sau những đau đớn tang thương của thế chiến thứ I, những năm 20 và 30 là những năm ngài trui rèn những xác tín và những việc làm, liên quan tới sứ mệnh của người Công giáo phải can thiệp vào lãnh vực văn hoá, bằng cách đối thoại với thế giới tân thời.
Sức khỏe của ngài vốn không mấy tốt; và khi Ý tham chiến (năm 1915), Montini bắt đầu học các môn học của Giáo Hội vào năm 1916. Kinh nghiệm lắng nghe và đối thoại (vốn là yếu tố then chốt trong triều giáo hoàng của người), đã được xác định rất sớm ở đó. Ngay sau khi được thụ phong linh mục (1920), Montini được gửi theo học tại các trường đại học của Giáo Hội ở Rôma. Một năm sau, vào năm 1921, ngài phải miễn cưỡng quay về lại với Hàn lâm viện của các giáo sĩ quý tộc, nơi hình thành các viên chức cao cấp của Tòa thánh, đặc biệt là các nhà ngoại giao.
Ngài phải đối mặt với ý thức hệ phát xít Ý, dân túy, quốc gia chủ nghĩa và độc tài, là thứ ý thức hệ phát triển trên tàn tích của chiến tranh kể từ 1919. Mussolini được vua Victor Emmanuel III bổ nhiệm làm chủ tịch Nghị viện vào năm 1922. Ông đã phát triển mối quan hệ tốt đẹp với giới thẩm quyền Công giáo, dẫn đến các thỏa thuận trong hiệp ước Latran năm 1929, cho ra đời quốc gia Vatican. Ông thiết lập chế độ độc tài của mình vào năm 1926 và dần dần tìm cách kiểm soát lãnh vực giáo dục thanh thiếu niên, gây nguy hiểm cho sự tồn tại của Công giáo tiến hành dành cho giới sinh viên, FUCI.[1]
Tại trung tâm quyền lực của Giáo triều
Tháng 10 năm 1924, Montini được đưa vào phủ Quốc Vụ Khanh. Việc Đức Piô XI bổ nhiệm ngài, ở cấp quốc gia của FUCI, năm 1925 (nhằm tiến hành dự án phục hồi một xã hội Kitô giáo dựa vào quyền lực thế trần), với Montini ngược lại, là một phương tiện để “đi ra khỏi thứ văn hóa Công giáo 'biệt cư' (ghetto), nơi mà Giáo Hội đã bị giam hãm bởi sự trấn áp phong trào phản hiện đại”. Đây là nơi đặc biệt dành cho vị linh mục trẻ muốn tìm cách “khôi phục mối liên hệ giữa đức tin và văn hóa” và đào luyện lương tâm của các tầng lớp Công giáo ưu tú tương lai, nhất là giữa một chế độ thù nghịch với các giá trị Kitô giáo. Tháng 2 năm 1933, ngài rời khỏi FUCI và tiếp tục cống hiến cho phủ Quốc Vụ Khanh.
Tại Đức, tháng 1 năm 1933, để đối đầu với mối đe dọa của Bolshevik và cuộc khủng hoảng kinh tế, Hitler -thủ lãnh đảng Quốc Xã đã từ 12 năm- được bổ nhiệm làm thủ tướng, ở tuổi 43. Trong vòng bốn tháng, với đảng thiểu số của mình, ông đạt đến việc áp đặt một chế độ độc tài bằng cách gieo rắc sợ hãi và thao túng chính trị (kể cả đảng Công giáo trung phái), dẫn đến việc đốt các tác phẩm Do Thái “có hại”, tối ngày 10 tháng 05 năm 1933. Sau cái chết của Tổng thống Đức, ngày 02 tháng 08 năm 1934, Hitler tuyên bố sự ra đời của Đệ Tam Đế Chế (IIIè Reich) và tự phong làm lãnh tụ.
Đức Piô XI lập tức lên án ý thức hệ chủng tộc, và ban hành vào tháng 3 năm 1937 thông điệp Mit brennender Sorge ("Với nỗi lo âu hồi hộp") nhắm vào chủ nghĩa quốc xã, vài ngày trước tông thư Divini Redemptoris (Thiên Chúa cứu chuộc) nhắm vào chủ nghĩa cộng sản. Vào tháng 12 năm 1937, Montini trở thành thứ trưởng của Phân bộ Thường vụ (Affaires ordinaires), trực tiếp làm việc dưới quyền của Quốc Vụ Khanh; công việc này khiến ngài trở thành một cộng sự viên rất gần gũi với Đức Giáo Hoàng. Ngày 12 tháng 3 năm 1938, Áo được sáp nhập vào Đức. Ngay sau chuyến viếng thăm của Hitler tới Rôma vào tháng 5 năm 1938, Hội nghị Munich ngày 30 tháng 9 đã xóa bỏ Tiệp Khắc. Vào tháng mười một, Đức Giáo Hoàng bày tỏ tình liên đới của mình với người Do thái: “Chủ nghĩa bài Do thái là không thể chấp nhận được. Về mặt thiêng liêng, chúng ta cũng là những người sê-mít.” Montini theo chân Đức Giáo Hoàng, “ủng hộ một thái độ rõ ràng và không thỏa hiệp với các chế độ cực quyền”.
Pacelli, là Quốc vụ khanh từ năm 1930, đã được bầu làm Giáo Hoàng, ngày 2 tháng 3 năm 1939. Mối liên hệ gần gũi với vị tân giáo hoàng buộc Montini phải tận tụy hết mình. Đức Piô XII muốn gìn giữ hòa bình và Montini tìm cách xúc tiến một lối thoát ngoại giao. Vào ngày 24 tháng 8 năm 1939, Đức Giáo Hoàng đã hiệu triệu trên các làn sóng vô tuyến của đài phát thanh Vatican, do vị thứ trưởng của ngài (tức Montini) soạn thảo:
Nguy hiểm đang cận kề, nhưng vẫn còn thời gian. Với hòa bình, thì chẳng gì bị mất cả. Nhưng với chiến tranh, có thể mất hết mọi sự. Ước gì mọi người bắt đầu hiểu nhau trở lại. Mong sao họ bắt đầu đàm phán trở lại.
Ba Lan bị xâm lăng vào ngày 01 tháng 09 năm 1939 bởi Đức, và rồi bởi Nga ngày 17 tháng 07, theo hiệp ước Đức-Xô. Cũng trong tháng 09 năm 1939, Montini lập một văn phòng thông tin cho các tù nhân chiến tranh, và tiếp đến một ủy ban cho các nạn nhân chiến tranh.
Sau chiến tranh, chống lại cánh hữu của giáo triều (Ottaviani và đảng Rôma), Montini bảo vệ ý tưởng về một đảng Công giáo Italia duy nhất, độc lập với phẩm trật Giáo Hội, cưu mang một nhãn quan về nhân vị. Dự án này được Đức Thánh Cha chấp thuận. Giáo Hội ủng hộ nền Dân chủ Kitô giáo của Alcide De Gasperi để đối mặt với mối đe dọa cộng sản. Sự thành công (thuận lợi cho ngài) trong cuộc bỏ phiếu tháng 04 năm 1948 đã mở ra một thời kỳ dài với quyền lãnh đạo của Công giáo trong đời sống chính trị của Ý.
Tầm nhìn của Montini thời hậu chiến nhắm đến việc mở Giáo Hội rộng ra với quốc tế. Một bộ phận chuyên trách vấn đề đó đã được thiết lập trong phủ Quốc vụ khanh. Trong số 32 hồng y dự hội nghị Hồng y (consistoire) năm 1945, chỉ có bốn là người Ý. Vấn đề ở đây là “bày tỏ tính cách siêu quốc gia cũng như sự hiệp nhất phổ quát của Giáo Hội” để Giáo Hội có thể đóng góp cho sự ra đời của nền hòa bình. Montini khuyến khích phong trào Pax Christi (được lập ra cho cuộc hòa giải Pháp-Đức) mở rộng hoạt động của mình nhằm phục vụ hòa bình cho mọi dân tộc. “Châu Âu hiệp nhất vì hòa bình” là khẩu hiệu mới của Công giáo Tiến hành. Montini đã đến Bắc Mỹ năm 1951. Theo sáng kiến của ngài, các bạn bè đã tổ chức Đại hội Tông đồ giáo dân thế giới lần thứ I, và từ năm 1952, La Pira bạn của ngài, thị trưởng thành phố Florence, tổ chức một cuộc hội nghị nhằm “trao đổi ý kiến về các điều kiện hiện tại cho một nền văn minh Kitô giáo, và về những khả năng thường trực để trở thành một công cụ hữu hiệu cho hòa bình và sự thống nhất các dân tộc”.
Từ ngai toà Ambrôsiô tới ngai toà Phêrô
Vào tháng 11 năm 1954, Đức Giáo Hoàng chia tay với vị thứ trưởng quý báu của mình và bổ nhiệm ngài làm Tổng giám mục Milan, giáo phận lớn nhất thế giới. Bài diễn văn Montini đọc nhân ngày ngài chính thức nhận nhiệm sở là một chương trình cho Giáo Hội vùng Lombard: “bảo vệ và đổi mới”. Trong tư cách là vị lãnh đạo Giáo Hội địa phương này, ngài phải khởi sự việc cải cách. Ba ngày sau, ngài khởi đầu vòng đi thăm giáo phận bằng chuyến thăm mục vụ một khu ngoại ô công nghiệp, cùng với một thị trưởng cộng sản: “Tại đây, tôi bắt đầu cuộc đối thoại với người dân Milan, ...”
Đức Piô XII qua đời ngày 8 tháng 10 năm 1958. Được bầu vào ngày 28 tháng 10 năm 1958, Đức Roncalli trở thành Giáo hoàng. Đức Gioan XXIII đã đặt Montini làm Hồng y, ngay trong công nghị Hồng y đầu tiên, và triệu tập một công đồng, vào ngày 25 tháng 1 năm 1959. Hai người Lombardi, đã gắn bó với nhau từ những năm 1920, tại Rôma. Hai tháng sau khi ban hành thông điệp về hòa bình trên thế giới, Pacem terris, vị Giáo hoàng tốt lành, vui tính và hài hước qua đời vì căn bệnh ung thư (được phát hiện vào lúc khai mạc Công Đồng Vatican II ngày 08 tháng 09 năm 1962), ở tuổi tám mươi, sau năm năm cai quản Giáo Hội. Dù có một sự đối nghịch nào đó của khuynh hướng thủ cựu và cung đình, điều hiển nhiên đã đến với người đã từng được Đức Gioan XXIII đặc biệt yêu mến. Montini kế vị ngài, ngày 21 tháng 06 năm 1963, ở tuổi sáu lăm.
Trong bài diễn văn khai mạc kỳ họp thứ hai của Công Đồng, ngày 29 tháng 09 năm 1963, Phaolô VI tham chiếu sáng kiến của cha Marie-Dominique Chenu, tu sĩ dòng Đaminh, là người đã chấp nhận để Công Đồng có thể khởi đầu, bằng việc ngỏ lời với thế giới, bằng việc “khởi sự đối thoại” không phải giữa các giám mục “nhưng với con người”. Mục đích mục vụ được xác định, nền tảng Kitô học của hành động đó của Giáo Hội được nhắc lại, bốn mục đích được định hình: đào sâu học thuyết về Giáo Hội, đổi mới học thuyết này, cổ xúy sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu, mở ra một cuộc đối thoại với thế giới đương đại.
Vào cuối kỳ họp thứ hai, Đức Giáo Hoàng công bố chuyến đi sắp tới của mình tại Đất Thánh. Chuyến đi đầu tiên ra khỏi nước Ý của một vị Giáo hoàng, kể từ năm 1804, được thực hiện từ ngày 04 đến ngày 06 tháng 01 năm 1964, và diễn ra cuộc gặp mặt lần đầu, kể từ năm 1439, với Thượng phụ Constantinople, Athenagoras. Qua những cử chỉ này, Đức Giáo Hoàng đã đặt Chúa Kitô vào trở lại nơi trung tâm của Giáo Hội và Công Đồng, đưa Giáo Hội đi ra khỏi chính mình, ra khỏi Rôma. Ngài loan báo quyết tâm dứt khoát dấn thân cho sự hiệp nhất của các Giáo Hội Kitô.
Hòa bình, đích nhắm của những thông điệp đầu tiên của các vị giáo hoàng
Thông điệp đầu tiên của một vị giáo hoàng luôn là một dấu chỉ mạnh mẽ về hướng đi mà ngài tìm cách thực hiện trong triều đại của mình. Đức Piô XI, Đức Piô XII, Đức Gioan XXIII, sẽ cung cấp cho Đức Phaolô VI một điểm tựa cho thông điệp của riêng ngài. Triều đại của ngài nằm trong khuôn khổ một động năng của các vị tiền nhiệm. Một số chủ đề liên kết chặt chẽ các vị với nhau: chỗ đứng dành cho Chúa Kitô và cho triều đại tình yêu và chân lý của Người, vấn đề thế giới và hòa bình, cả đến công lý, các vấn đề về truyền giáo và giáo dân, về sự hiệp nhất theo những nghĩa khác biệt.
Vì thế, cả khi mối bận tâm của các vị giáo hoàng đối với nhân loại và những khổ đau của họ được tỏ bày, thì mỗi vị giáo hoàng đều truyền đạt (trong hoàn cảnh khủng hoảng nơi con người lâm vào, và mô tả nó với những từ ngữ nghiêm khắc) hình ảnh một Giáo Hội còn thống trị, phô trương, là người nắm giữ chân lý, sự khôn ngoan, đang mời gọi người ta gia nhập.
Được bầu ngày 06 tháng 02 năm 1922, thông điệp đầu tiên của Đức Piô XI, Urbi arcano Dei consilio vào ngày 23 tháng 12 năm 1922, về hòa bình của Chúa Kitô trong Nước của Chúa Kitô, chỉ được gửi đến các phẩm trật, và các giám mục địa phận. Tuyên bố của ngài rất rõ ràng. Nếu như cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất đã kết thúc, thì hòa bình vẫn chưa thực sự có. Các phe nhóm, bất kể là gì, đều lo tìm kiếm lợi ích của mình trước hết. Khủng hoảng xẩy ra khắp mọi nơi. Cái ác hoành hành. Việc từ chối nhìn Thiên Chúa như là nguồn gốc của luật pháp và của thẩm quyền là một trong những nguyên nhân chính gây hỗn loạn:
« Cho nên, rất thường, người ta nhìn đồng loại của mình không phải là người anh em, như Chúa Kitô răn dạy, nhưng là một người lạ, một kẻ thù;… »
Các biện pháp khắc phục thì có sẵn:
« ... Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu chính là sự bình an trong tâm trí... Một nền hòa bình như thế chỉ có thể là hòa bình của Chúa Kitô... »
Nền hòa bình này là công trình của công bình không khắc nghiệt (tempéré) nhờ đức ái.
Được bầu ngày 2 tháng 3 năm 1939, Đức Piô XII đã ra tông thư đầu tiên của mình Summi Pontificatus, ngày 20 tháng 10 năm 1939, nói về sự hiệp nhất nhân loại, trong bối cảnh “cơn bão chiến tranh” đang càn quét. Trong một ngôn ngữ rất tự nhiên, thiêng liêng và nồng nàn, đặt nền tảng nơi niềm tin vào Chúa Kitô-Vua (Lễ đã được Đức Piô XI công bố thành lập vào ngày 20 tháng 10, nhằm chống lại chủ nghĩa toàn trị năm 1925), Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến những nỗ lực tai hại của rất nhiều người nhằm phế truất Chúa Kitô, bãi bỏ luật chân lý mà Chúa ban bố, và luật yêu thương là sức sống của triều đại Chúa.
Việc phủ nhận tình huynh đệ phổ quát và lòng bác ái bởi các Nhà Nước, tự lấy mình làm mục đích, và thực thi một quyền lực vô hạn và một sự tự trị tuyệt đối, thì chỉ có thể là nguy hại cho lợi ích của công dân các quốc gia đó mà thôi. Đối lại, là sự có mặt của vị Thiên Chúa trung gian và phổ quát của ơn cứu độ và hòa bình, Đấng tỏ bày tình bạn giữa Thiên Chúa và nhân loại, biểu lộ “sự duy nhất của lẽ phải, và của toàn thể nhân loại”, tỏ rõ những tương quan giữa các cá nhân mà mọi người đều được mời gọi dự phần.
Hai mươi năm sau, Gioan XXIII được bầu làm Giáo hoàng ngày 28 tháng 10 năm 1958. Năm tháng sau khi công bố triệu tập Công Đồng chung, vào ngày 29 tháng 06 năm 1959, Đức Thánh Cha đã ban hành thông điệp đầu tiên của ngài cho thế giới Công giáo, Ad Patri cathedram. Khác xa một bản văn nặng tính giáo thuyết, thông điệp xuất hiện trong một văn phong thân thiện và nồng nhiệt với việc thảo luận về ba mục tiêu: chân lý, sự hiệp nhất và hòa bình, sự thành tựu của chúng trong đức ái. Đức Thánh Cha đối mặt với những lo lắng của thời đại ngài. Sự hiệp nhất giữa các quốc gia và giữa các giai cấp xã hội là điều cốt yếu. Đó là những cộng đoàn huynh đệ phải hợp tác “vì sự thịnh vượng chung của xã hội loài người”. Ngài cảnh báo về cuộc chiến, tàn phá những kẻ thua và thắng cuộc, như thời gian đã chứng minh. Chỉ có đức ái Kitô giáo, nguyên lý tổng hợp Tin Mừng (hướng tới thiện ích của người khác), mới có thể mang lại hòa bình và sự hiệp nhất cho mọi người trong một tình huynh đệ phổ quát khả dĩ. Chuyển động thứ hai của thông điệp hướng đến sự hiệp nhất của toàn Giáo Hội, mang tính quyết định cho sứ vụ mục tử của ngài. Đức Thánh Cha kết thúc thông điệp bằng cách ngỏ lời với các nhóm người khác nhau, trong và ngoài Giáo Hội, đặc biệt là những người nhập cư. Tầm quan trọng của học thuyết xã hội của Giáo Hội được nhắc lại, trước khi kết thúc ở việc canh tân đời sống Kitô hữu, vốn múc sức mạnh nơi đức ái. Những chủ đề này sẽ được khai triển trong suốt 5 năm của triều đại ngài.
2. Chúa Kitô, nền tảng đời sống mục vụ
Thông điệp đầu tiên của Đức Phaolô VI, Ecclesiam suam
Giống như các vị tiền nhiệm của mình, Đức Phaolô VI không đưa ra một học thuyết, mà là mở lòng mình ra (ES 8) dưới hình thức của một cuộc nói chuyện, và một lời tâm sự, một “sứ điệp của người anh, người cha (4)” gửi đến cho Giáo Hội (2). Tuy vậy, nhiệt tâm thiêng liêng này vẫn đưa ra một tầm nhìn rõ ràng về những gì Giáo Hội phải sống, đặc biệt là trong thời kỳ Công Đồng và trong bối cảnh đương đại. Tầm nhìn này cùng lúc là sự đào sâu, sự kéo dài, sự nói rõ ra và vượt lên trên những gì Đức Thánh Cha suy tư lúc bấy giờ. Bản văn của thông điệp với văn phong tự nhiên này đã được chuẩn bị khá lâu kể từ khi ngài được chọn làm giáo hoàng, và đã được thai nghén dài lâu trước đó.
Chủ đề của thông điệp bàn về Giáo Hội ngày nay, để Giáo Hội có thể trung thành với ơn gọi của mình và tự điều chỉnh cho đúng với sứ vụ của mình. Tựa đề phụ của thông điệp có thể là: những con đường của Giáo Hội. Có ba con đường: thiêng liêng, luân lý, tông đồ; nghĩa là: ý thức, canh tân, đối thoại, là những con đường “hôm nay đang mở ra trước mắt Giáo Hội”. Nếu những câu hỏi và những vấn đề thời đại (giả như không được mổ xẻ vì chính chúng, thì Công Đồng phải làm điều đó [16-17]), vẫn không hề vắng bóng trong thông điệp. Chúng là hậu cảnh của thông điệp. Và Đức Giáo Hoàng sẽ để tâm làm việc cho “vấn đề hòa bình thế giới, một vấn đề lớn và phổ quát” bằng mọi cách, bằng việc đánh thức các lương tâm cũng như bằng việc giúp làm trung gian hòa giải các bên tham chiến (17).
Ngay từ đầu, động năng của thông điệp đã hiện rõ. Mọi sự khởi đi từ Chúa Kitô, Đấng thiết lập Giáo Hội, (1) và mọi sự đều dẫn đến đó, trong sự hiệp nhất với Người (122). Đức Phaolô VI đã không chọn lễ Chúa Giêsu Biến hình cách ngẫu nhiên (để ban hành thông điệp). Cũng thế, Đức Gioan XXIII đã chọn ngày sinh của Chúa Giêsu để ban hành sắc chỉ triệu tập Công Đồng, Humanae salutis. Câu đầu tiên của cả hai văn kiện này đều liên kết Chúa Kitô, Giáo Hội, loài người và ơn cứu độ của họ. Sứ điệp rõ ràng và thông dụng. Đối tượng của bản văn và Công Đồng là nhân loại được cứu độ nhờ Chúa Kitô, mà Giáo Hội là người phân phát. Sứ vụ của Giáo Hội chính là sứ vụ cứu độ nhân loại trong thế giới hôm nay. Chính vì thế, cái được thua (enjeu) đó cũng là cái được thua của chính Giáo Hội. “Bằng cách nào Giáo Hội Công giáo hôm nay có thể hoàn thành mệnh lệnh Chúa truyền?” Lệnh truyền này liệu có kém hơn chút gì so với điều răn mới mà Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ trong bữa ăn cuối cùng, ở Tin Mừng Thánh Gioan không?:
Mục đích của chúng ta: chỉ cho mọi người thấy ngày càng hơn, một đàng là lệnh truyền đó thật quan trọng đối với sự cứu độ của xã hội loài người và đàng khác, nó tâm đắc với việc: trong Giáo Hội, giữa người này với người kia, có sự gặp gỡ, hiểu biết lẫn nhau, và tình yêu hỗ tương (3).
Cấu trúc của thông điệp rất logic và được xây dựng như một món đồ chơi búp bê Nga (matryoska), con này gắn với với con kia, bao bọc nhau, tạo hình cho nhau và mang lấy nhau. Đối với Giáo Hội, điều cần thiết là ý thức về chính mình (10-11) trước khi tự canh tân (12), nhưng lại đồng thời để mắt đến những mối tương quan mà Giáo Hội “phải thiết lập hôm nay với thế giới, đang bao quanh mình, và là nơi mà Giáo Hội sống và làm việc (13-15)”.
Ý thức của Đức Kitô và sự canh tân trong đức ái
Trong chương đầu tiên của thông điệp, Đức Thánh Cha cho rằng Giáo Hội có trách nhiệm đào sâu “ý thức mà Giáo Hội phải có về chính mình”, về kho tàng chân lý và sứ mệnh của mình, để xác tín rằng Giáo Hội tương hợp với ý định của Thiên Chúa về Giáo Hội (19). Giáo Hội “cần phải cảm thấy là mình đang sống” và phải học cách biết mình ngày một hơn (27). Chính vì vậy, “Giáo Hội cần phải cảm nghiệm được rằng Chúa Kitô đang ở trong chính Giáo Hội” (27), rằng Giáo Hội thực sự có Người ở cùng, bất kể những ảnh hưởng của thời đại nơi mà Giáo Hội đang ngụp lặn, và đôi khi có thể ức hiếp mình. Những kết quả được mong đợi cắm rễ sâu nơi kinh nghiệm sống động của niềm tin vào Chúa Kitô, trong Giáo Hội của Người. 1 / Giáo Hội cần có một cuộc khám phá, được làm mới lại, về tương quan cốt tử với Chúa Kitô (37), về sự hiệp nhất với Người. Điều này phải định hướng cho đời sống thiêng liêng và việc rao giảng. 2 / Bằng một đức tin chín muồi, cần phải sống cái kinh nghiệm "đồng bản tính" (connaturelle) về Mầu nhiệm Giáo Hội (38-39). 3 / Phải vượt lên trên những nghịch lý của Giáo Hội, nhờ kinh nghiệm về thực tại sống động của Giáo Hội (40). 4 / Phải trả lại cho người được rửa tội cái ý thức họ là “tia sáng sống động của Chân lý Thiên Chúa” (41).
Chương thứ hai nói đến sự cần thiết phải làm cho thực tại của Giáo Hội tương hợp với cái Giáo Hội là “trong ý nghĩ của Thiên Chúa về Giáo Hội”. Giáo Hội và các chi thể của mình sống trong thế giới, mà thế giới lại phải hứng chịu những đổi thay quan trọng, và những đổi thay này ảnh hưởng trên các chi thể của Giáo Hội. Giáo Hội không thể coi thường điều đó. Giáo Hội tìm thấy ở đó một sự thôi thúc để mình tấn tới về mặt thiêng liêng và luân lý. Giáo Hội phải cùng lúc dự phòng trước “sự lây lan của tội lỗi và sự ác”, vừa hài lòng với những đóng góp tương ứng để gặp gỡ chúng, và góp phần vào việc cải thiện chúng (44). Nhìn từ quan điểm này, việc tổ chức Công Đồng là “một biến cố quan phòng”, bởi vì chiều kích mục vụ của Công Đồng đánh thức ước muốn làm lớn lên -trong đời sống Kitô hữu- “tính đích thực siêu nhiên”, một cách mới mẻ và sáng tạo (45). Cái được thua (enjeu) đó là truyền những sức mạnh tâm linh mới vào cơ thể (46). Việc canh tân không thuộc về bản tính hay cơ cấu của Giáo Hội. Đừng hiểu canh tân như một sự thay đổi, nhưng hơn thế, là sự khẳng định lòng trung thành; tức sự trung thành giữ cho Giáo Hội cái diện mạo mà chính Chúa Kitô đã ban cho, và hơn thế nữa, liên lỉ mong muốn đưa Giáo Hội quay về lại với diện mạo hoàn hảo của mình (49).
Giáo Hội phải tìm xem đâu là ý muốn của Thiên Chúa. Cần phải giữ nguyên tắc của Chúa Kitô: ở trong thế gian mà không thuộc về thế gian (49-51). L’aggiornamento mà Đức Gioan XXIII mong muốn, phải là phương châm sống (52). Bí mật của sự trẻ trung (được làm mới lại) cốt ở việc hoán cải, trong tinh thần nghèo khó và tinh thần bác ái. Tinh thần nghèo khó mời gọi chúng ta tiếp tục hiểu tầm quan trọng của sự phát triển kinh tế trong thời hiện đại, như học thuyết xã hội của Giáo Hội cổ vũ (56-57). Tinh thần bác ái chiếm vị trí cao nhất trong hệ trật về các giá trị tôn giáo và luân lý. “Chứ chẳng phải là chúng ta đã đến đúng giờ của tình bác ái?” (58).
Canh tân mục vụ: đối thoại
Do được đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, được trở về với tình yêu nhờ Người, được Người đắp đầy tràn trề, Giáo Hội có thể đảm nhận sứ mệnh của mình, đó là làm cho Chúa Kitô được nhận biết và trao cho nhân loại những phương tiện để đến với Người. Giáo Hội phải xác định hình thức hoạt động mục vụ của mình cho ngày hôm nay. Những quan hệ nào mà Giáo Hội và đặc biệt là Đức Thánh Cha cần có với nhân loại (60)? “Chúng ta không thể hành động khác một khi tin chắc rằng đối thoại phải là nét đặc trưng của nhiệm vụ tông đồ của chúng ta” (69). Chương thứ ba của Ecclesiam suam cho thấy sự thích đáng của sự canh tân tông đồ, được biểu hiện qua sự đối thoại, mà Chúa Kitô là Thầy, là tuyệt đỉnh, là vật chủ trung gian (vecteur), và không gì khác hơn là tình yêu vô biên.
Chính Đức Gioan XXIII đã xác định cho Công Đồng mục tiêu mục vụ: phải đến để gặp gỡ và lắng nghe những kinh nghiệm của người đương thời, để gần gũi với họ (70). Việc đối thoại sẽ đến trong tâm trí cách tự nhiên mỗi khi chúng ta mong muốn Giáo Hội coi trọng thế giới, gặp gỡ thế giới. Mong muốn ngỏ lời với thế giới bằng thứ ngôn ngữ dễ hiểu – điều đó là mối bận tâm mục vụ hàng đầu, chứ không còn là tìm cách tái cấu trúc hoặc cưỡng bách thế giới để nó được tổ chức theo các quy luật của Giáo Hội – điều đó cũng là mối bận tâm hàng đầu về giáo thuyết: đòi hỏi phải lắng nghe và tìm cách hiểu thế giới. Đó là bước vào đối thoại. Bởi vậy, việc cải cách, sự canh tân sẽ được thực hiện, một mặt, nhờ đức ái là điều sẽ giúp Giáo Hội có khả năng đối thoại với thế giới mà Giáo Hội đã từng loại trừ, kết án, phớt lờ, không biết đến, muốn kiểm soát hoặc kéo về với Giáo Hội; và mặt khác, nhờ chân lý là điều sẽ cung cấp cho Giáo Hội các công cụ suy tư, tâm linh và thực hành, để hiểu rằng cuộc đối thoại này không phải là một thỏa hiệp, một sự từ nhiệm hay một sự nhu nhược nhằm tồn tại trong thế giới, nhưng trái lại nó thuộc về trật tự cứu độ mà Giáo Hội được mời gọi sống và loan báo.
ES mở những cánh cửa từ vựng mang tính huấn quyền ra cho thế giới của đối thoại. Thông điệp không chỉ nhắm đến cuộc gặp gỡ giữa các cá nhân, nhưng đến các mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người, giữa Giáo Hội và thế giới, và ngay trong lòng Giáo Hội. Đức Phaolô VI sử dụng ba thuật ngữ tiếng Ý về thế giới đối thoại - dialogo, conversazione và colloquio. Ngài phân biệt chúng, cách tổng hợp, ở đoạn 115, trong đó Đức Thánh Cha đề cập đến vấn đề của các anh em Kitô hữu ly khai. Colloquio được sử dụng cho mối liên hệ thân tình (mặt đối mặt) giữa con người với Thiên Chúa, cho cuộc trò chuyện trong cầu nguyện, trong việc suy niệm Lời Chúa, trong phụng vụ và trong người nghèo, hoặc được sử dụng để nói đến cuộc trò chuyện thân tình giữa những con người. Conversazione dành để lượng giá những mối tương quan hàng ngang với các nhóm người, hoặc trong những cuộc trao đổi nhân từ của Thiên Chúa và của Chúa Kitô với các nhóm người. Đối thoại (conversation) với thế giới bắt nguồn từ một cuộc hội thoại (colloque) với Chúa Cha. Đời sống nội tâm là nền tảng của cuộc đối thoại cứu độ. Dialogo vừa là một thuật ngữ bao hàm colloquio và conversazione, vừa là thuật ngữ cô đọng, xét về ý nghĩa của cuộc sống con người. Ở đây không chỉ là vấn đề sống chung thân tình với nhau hoặc nói chuyện thân mật với nhau, nhưng còn là vai trò của lời, nơi các bên đối tác, là lời chỉ có thể nói ra với điều kiện phải có sự cởi mở, lắng nghe và tiếp nhận, tìm cách hiểu nhau. Việc Đức Thánh Cha chọn lối nói dialogo della salvezza là một khẳng định về những chiều kích này trong công cuộc cứu độ.
3. “Đối thoại cứu độ”
“Đối thoại cứu độ” là đối tượng của một khảo luận gồm ba phần: mục tiêu, nền tảng, thực hành.
- Cái gì? Giáo Hội phải đến đối thoại với thế giới (61-66a);
- Tại sao? Lịch sử cứu độ là cuộc đối thoại cứu độ (66b-67; 72-79);
- Cách ra sao? Nghệ thuật tông đồ của đối thoại cứu độ (80-95).
Phần thứ nhất –qua việc tìm cách định nghĩa tương quan mà Giáo Hội phải có với thế giới- dẫn đến đối thoại. Phần thứ hai chú tâm cho thấy hình thức này (tức đối thoại) thuộc về công trình cứu độ, được thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô. Nó có thể được gọi là “đối thoại cứu độ”. Phần thứ ba chủ ý mô tả nghệ thuật thực hành “đối thoại cứu độ”.
Giáo Hội cần đi đến đối thoại với thế giới
Giáo Hội phải kết hợp với thế giới vốn khác biệt với mình (65). Đây không phải là chuyện bảo vệ một căn tính (đã từng cảm thấy bị đe dọa), nhưng là quy chiếu vào một “hình thái sống, độc đáo và tuyệt diệu”, đó là đời sống Kitô giáo, để tìm được ở đó chỗ dựa, sức mạnh và niềm vui (60-65):
Sự khác biệt này với thế giới không phải là sự tách biệt. Hơn nữa, nó càng không phải là sự thờ ơ, sợ hãi, hoặc khinh khi. Khi Giáo Hội phân biệt với nhân loại, thì Giáo Hội không chống lại thế giới; trái lại, Giáo Hội kết hợp với thế giới (65).
Và hơn nữa, không thể giữ hạnh phúc này cho riêng Giáo Hội:
... Giáo Hội tìm thấy, trong ơn cứu độ của mình, một lý do để quan tâm và yêu thương đối với tất cả những người thân cận của mình, và đối với tất cả những ai mà Giáo Hội có thể đến gần, trong nỗ lực đạt đến sự hiệp thông phổ quát (65).
Điều này vượt lên trên Giáo Hội, quá sức của Giáo Hội. Sự sống trong Chúa Kitô (ý thức) và sự trở về với tình yêu mà Người dành cho mọi con người (sự đổi mới) sẽ làm chỗi dậy “trong Giáo Hội một sự sung mãn đặc biệt và một nhu cầu lan tỏa”. Việc tông đồ truyền giáo bắt nguồn –cách nội tại và sâu thẳm- từ tình yêu bác ái, không thể không lan tỏa ra chung quanh, không thể không cho người ta biết đến. Đức Phaolô VI không sáng tạo gì cả. Người quy chiếu trực tiếp vào thần học thời Trung cổ, theo đó điều tốt tự nó lan tỏa, tự nó trải rộng, tự nó thông truyền một cách hào phóng. Điều này tương ứng với lệnh truyền sau cùng (mandato) của Chúa Kitô đó là đi đến với muôn dân và làm cho họ trở nên tông đồ. Nhưng nếu Giáo Hội nhất thiết phải truyền giáo, thì sứ vụ của Giáo Hội không đến từ chính mình. Giáo Hội không tự trao cho mình sứ vụ đó. Giáo Hội nhận sứ vụ đó từ chính tình yêu, từ nguồn cội của mình.
Cho nên, điều quan trọng là Giáo Hội phải sống với những ai mà Giáo Hội hướng đến, mà Giáo Hội đến gần, sống với điều Giáo Hội sống: tình yêu hiệp thông với Chúa Kitô – đức ái. Đức ái là không thể bị kiểm soát, và nó được trao ban cho mọi người. Giáo Hội được mời gọi làm lan truyền đức ái. Vai trò của Giáo Hội là “người phân phát ơn cứu độ (ES 1, 120)”. Mầu nhiệm đức ái thiết lập và tạo nên sứ mạng, việc tông đồ, đời sống mục vụ. Đời sống nội tại (ad intra) được tỏ lộ ra bên ngoài (ad extra), được Đức Thánh Cha diễn tả bằng một từ ngữ “đang thịnh hành”: đó là từ đối thoại, khi ngài công bố Thông điệp (66, 64).
Về sự thúc đẩy bên trong của đức ái có khuynh hướng thể hiện quà tặng đức ái ra bên ngoài, chúng ta sẽ sử dụng từ đối thoại (dialogo) mà ngày nay đã trở nên phổ thông. Giáo Hội phải đến để đối thoại với thế giới nơi mình sống. Giáo Hội phải trở thành lời (parola); Giáo Hội phải trở thành truyền thông (messagio); Giáo Hội phải trở thành cuộc hội thoại (colloquio).
Ở đây, Đức Thánh Cha đưa ra một định nghĩa về sứ mệnh của Giáo Hội như là đối thoại. Đức ái được sống bên trong, rời khỏi cội nguồn của nó để đi ra bên ngoài, để thông truyền và hiến thân. Chuyển động tình yêu (ra khỏi chính mình) đón nhận tên gọi là đối thoại, từ Đức Phaolô VI. Ngài rất mực táo baọ khi đặt tên đối thoại cho chính sự sống của Thiên Chúa ad extra (hướng ngoại), trong hành vi sáng tạo và cứu chuộc của Người. Đức Thánh Cha dùng một từ ngữ mà ai cũng biết, đã trở nên phổ biến, để biến nó thành một thuật ngữ thần học. Đức Phaolô VI nói với chúng ta rằng Thiên Chúa hiến thân cho nhân loại, đối thoại với họ. Và Giáo Hội cũng phải làm như vậy. Điều này phải luôn trở thành đời sống của Giáo Hội: hiến thân cho người mà Giáo Hội chia sẻ cuộc đời để thông truyền cho họ sự sống, thông truyền cho họ đức ái, vốn cư ngụ trong Giáo Hội và canh tân Giáo Hội. Điều này đòi hỏi Giáo Hội phải biết chia sẻ. Đó là đối thoại.
Ba từ nối tiếp nhau: parola, messagio, colloquio, cho thấy rằng Giáo Hội muốn có một cuộc nói chuyện nghiêm túc và hỗ tương với thế giới, chứ không chỉ trong một trao đổi thân mật. Trong sự thân mật này, chính Giáo Hội sẽ tự nói (parole), tỏ lộ điều mình sống và những gì vượt quá Giáo Hội (truyền thông, sứ điệp, thông báo), với một thái độ lắng nghe tử tế, quả quyết và với một quyết định muốn thảo luận về các chủ đề lợi ích chung (colloque). Khi đến để đối thoại với thế giới, Giáo Hội biểu lộ căn tính của mình qua việc mở ra cho lợi ích của thế giới và lợi ích của chính mình. Hơn nữa, nói rằng “Giáo Hội trở thành cuộc hội thoại” cũng cho thấy, theo cách sử dụng từ này của Đức Thánh Cha (115), Giáo Hội là nơi chốn và thể thức cho cuộc nói chuyện, là nơi mà ở đó và nhờ đó, cuộc hội thoại giữa Thiên Chúa và thế giới diễn ra. Nói cách khác, Giáo Hội tự trao ban như một lời, một lương thực có sẵn cho thế giới mà Giáo Hội nhận lãnh và chuyển trao cho thế giới, là điều khiến người ta dễ gần Giáo Hội hơn. Lương thực này dẫn đến Thiên Chúa, ngay cả khi thế giới không ngỏ lời với Người. Giáo Hội là một con kênh qua đó, con người gặp gỡ Thiên Chúa, cách gián tiếp. Chính vì thế mà Giáo Hội đích thực là bí tích cứu độ. Mong sao Giáo Hội biến thành cuộc hội thoại, theo hai nghĩa của hạn từ này (cuộc trò chuyện thân tình với Thiên Chúa và cuộc trò chuyện đặc biệt với thế giới), làm bén rễ cái ý tưởng: hoạt động này thuộc về ơn cứu độ.
Lịch sử cứu độ là cuộc đối thoại cứu độ
Từ mối bận tâm tông đồ của mình, trên thực tế, Đức Thánh Cha đã vạch ra một phác thảo thần học về sứ mệnh đối thoại của Giáo Hội, chứ không phải chỉ là một phương pháp mục vụ, mà nay ngài sẽ cắm sâu cách vững chắc vào cái mang tính được thua (enjeu), tức là ơn cứu độ. Đó chính là vấn đề của ngài (1). Việc mà Giáo Hội phải thực hành đó là sẽ trở nên gần gũi với thế giới (70-71, 82) với tất cả sự hăng hái và tình yêu đến mức nào có thể, để hiểu thế giới, nói chuyện với thế giới, ban tặng cho thế giới ơn cứu độ và niềm hy vọng mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho họ: “Thiên Chúa đã không gửi Con của Người đến để kết án thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ (Ga 3,17)” (71). Từ bỏ việc lên án thế giới và đến gần với thế giới phải là những dấu ấn mang tính quyết định của việc thực hành (được làm mới lại) ban tặng ơn cứu độ của Giáo Hội. Tuy nhiên, đối thoại với thế giới không phải là một cuộc bàn cãi nào đó, dễ mến và thân thiện, cũng không phải là một cuộc hội họp nghiêm túc để làm việc về các lợi ích chung chưa được thống nhất, cho dẫu mang tính quyết định như hòa bình hay công bình. Và cuộc đối thoại với các tôn giáo hoặc với những người vô thần không phải là việc cần thiết để biết họ hoặc chống lại họ, hay để đưa họ về với mình. Đích nhắm của đối thoại là ơn cứu độ, và đối thoại là một phương tiện cho đích nhắm đó.
Lối nói ngắn gọn dialogo della salvezza này muốn cho thấy rằng lịch sử cứu độ mang hình thức đối thoại. Giáo Hội thuật lại lịch sử của Lời Thiên Chúa, đã sáng tạo, đã đến gần, đã đồng hành, cứu thoát, giải phóng, hoàn tất, là Lời tự trao ban để gặp gỡ, để đón nhận, là Lời mời gọi đi vào trong tương quan, là Lời đích thân lắng nghe lời nói của loài người, thậm chí trước cả khi tự thông ban chính mình cho họ. Lời là đối thoại. Lời là Mặc Khải.
Mặc Khải, là tương quan siêu nhiên mà chính Thiên Chúa đã sáng kiến thiết lập với nhân loại, có thể được hiểu như một cuộc đối thoại trong đó Ngôi Lời Thiên Chúa, tự tỏ mình qua biến cố Nhập Thể, và sau đó qua Tin Mừng (72).
Nếu Mặc khải đã được các vị tiền nhiệm của Đức Phaolô VI xem là một lời, thì cách tiếp cận của ES khác với cách của các ngài. Lời tự trao ban ở đây, không phải là lời siêu việt hay lời quyền uy, nhưng là trong cái khung của lịch sử một cuộc hội thoại. Nếu Lời Chúa tự trao ban để được đón nhận, là chính bởi vì sự tiếp nhận đó chỉ có thể được thực hiện khi nó đánh thức cái ước muốn đáp trả bằng một lời, chứ không phải là sự hài lòng vì đã thực hiện một mệnh lệnh. Điều này diễn ra trong thời gian và có một nguồn gốc siêu việt: cuộc đối thoại “ở ngay trong ý muốn của Thiên Chúa”, cuộc đối thoại đó đến đặt mình ở tầm của con người, để đến gần và gặp gỡ họ:
Chính trong cuộc chuyện trò này của Chúa Kitô với nhân loại (xem Bar., 3, 38) mà Thiên Chúa cho chúng ta hiểu được một chút gì đó về chính Người, về mầu nhiệm cuộc sống của Người, theo nghĩa chặt -về một trong yếu tính của Người, -và ba trong các Ngôi vị; đó là điều mà rốt cục Người cho biết Người muốn được nhận biết: Người là Tình yêu; và Người muốn được chúng ta tôn kính và phục vụ cách ra sao: tình yêu là lệnh truyền tối thượng ban cho chúng ta.
“Cuộc trò chuyện” này thuộc về trật tự tương quan của Chúa Kitô ở giữa và với nhân loại. Nó thuộc về trật tự bản tính của chính Thiên Chúa, là Tình yêu. Mặc khải về mầu nhiệm Thiên Chúa và lịch sử cứu độ chỉ là một và đều cùng là một việc. Cái này không thể diễn ra mà không có cái kia. Cả hai mặc khải rằng Thiên Chúa là tình yêu và rằng đến lượt mình, con người cũng được kêu gọi trở thành tình yêu.
Lịch sử cứu độ kể lại cách chính xác cuộc đối thoại dài và đa dạng, là cuộc đối thoại khởi đi từ Thiên Chúa và mở ra (với con người) một cuộc trò chuyện nhiều dáng vẻ và lạ lùng.
Đối thoại nảy sinh trong “trái tim” của Thiên Chúa và dẫn về đó; và đối thoại cấu trúc toàn bộ lịch sử cứu độ: từ sự đứt đoạn của cuộc trò chuyện thân mật, của cuộc hội thoại “từ phụ và thánh thiện” giữa Thiên Chúa và con người, do tội nguyên tổ, cho đến việc nối lại cuộc đối thoại này bởi Thiên Chúa trong suốt dòng lịch sử, cho đến lúc hoàn tất và thành tựu nơi Chúa Kitô.
Đức Phaolô VI giúp ý thức rằng đối thoại (đã trở thành nơi chốn mục vụ của Giáo Hội), là một “nguồn thần học”[2]: nguồn ở đây là tương quan giữa con người với Thiên Chúa. Tương quan này là cốt tử đối với con người, làm cho con người hiện hữu và dẫn đưa họ tới hạnh phúc của họ, đạt đến -trong tình yêu được đón nhận và được thông truyền- sự biểu hiện tuyệt đỉnh của mình. Chính vì vậy, đối thoại là tên gọi thích đáng nhất đối với ơn tình yêu, lan tỏa ra bên ngoài (66). Đối thoại là một hành động nhưng không của tình yêu Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người. Đến lượt mình, Giáo Hội -như là người phân phát ơn cứu độ và các giáo huấn của nó (1, 58, 120)- phải tìm cách thiết lập ơn cứu độ và xúc tiến nó cùng với nhân loại. Các chiều kích thần học và tông đồ liên kết cách mật thiết với nhau trong cuộc đối thoại cứu độ. Cuộc “đối thoại cứu độ” là một nguồn thần học (locus theologicus) để thiết lập đời sống và sứ vụ của Giáo Hội, để lập ra việc thực hành tình yêu và đối thoại Kitô giáo.
Trong sáu điểm, và dựa trên các đoạn văn khác nhau của Tân Ước, ES nêu bật những đường hướng vững chắc cho cuộc đối thoại cứu độ. (1) Cuộc đối thoại này xuất phát từ một sáng kiến tự ý của Thiên Chúa, “Đấng đã yêu thương chúng ta trước”; (2) chỉ do tình yêu vô bờ của Thiên Chúa mà Người “đã ban người Con duy nhất của mình”; (3)tình yêu đó không hề đo lường theo sự cân xứng với những công phúc của những người đón nhận hoặc theo sự thành công hay thất bại của họ. (4) Đó là một “đòi hỏi lạ lùng của tình yêu”, được ban tặng trong sự tự do hoàn toàn của những người đón nhận hoặc chối từ nó, bằng cách luôn thích ứng “số lượng và sức mạnh chứng mình của các dấu chỉ” với khả năng của họ; (5) “đòi hỏi lạ lùng của tình yêu” đó “có thể được ban cho mọi người”, mà không phân biệt và không có bất kỳ ai bị loại trừ. (6) Cuộc đối thoại này đã được triển khai cách đều đặn và tiệm tiến, cách khiêm tốn từ lúc khởi sự cho tới khi thành tựu viễn mãn, như Nước Trời trong dụ ngôn hạt cải (73-79).
Nghệ thuật tông đồ của đối thoại cứu độ
Những đường hướng vững chắc này là cần thiết đối với các Kitô hữu. Tới lượt mình, họ có nhiệm vụ phải hành động theo cùng một cách thức, trong cả cuộc đời họ. Sáng kiến trải rộng cuộc đối thoại cứu độ ra cho hết mọi người (mà các Kitô hữu đã được hưởng) quay về lại với họ, chứ “không chờ để được kêu gọi làm việc đó”; “do được thôi thúc bởi một tình yêu mãnh liệt và vô vị lợi”; “không giới hạn và không tính toán”. Họ sẽ phải là những người đầu tiên yêu cách nhưng không. Sự ban tặng và loan báo ơn cứu độ sẽ được thực hiện qua các con đường thông thường là giáo dục, trò chuyện, thuyết phục chứ không ép buộc, “trong sự tôn trọng tự do cá nhân”. Cuộc đối thoại cứu độ sẽ được mở ra với mỗi người, trừ phi họ từ chối hoặc “giả vờ đón nhận nó”. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm cho nó ra hiệu quả vào thời điểm Người chọn. Trong khi chờ đợi, người Kitô hữu có nhiệm vụ phải bắt đầu cuộc đối thoại đó mỗi ngày mà không cần chờ những người đối thoại (73-79). Nói tóm lại, việc trao tặng tình yêu mà không tính toán và không áp đặt phải được thực hiện mỗi ngày và với mỗi người, bằng những ngã đường thông thường của việc giáo dục và gặp gỡ, dù hiệu quả hiển nhiên của nó ra sao. Việc chứng minh thì rõ ràng: qua đối thoại, Giáo Hội theo đuổi sứ vụ của công trình cứu độ do Chúa Cha khởi xướng nơi Con của Người, để quay hướng nhân loại về phía Người, làm cho họ trở về với Người (70, 81). Giáo Hội là vật chủ trung gian (vecteur) cho cuộc hội thoại của con người để đến với Thiên Chúa. Giáo Hội đóng vai trò cầu bầu cho thế giới (SC 60, 83), nhưng cũng “làm cho mình có khả năng đến gần mọi người để cứu độ tất cả họ (1Cr 9:22)”, theo gương Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng đến để cứu chuộc thế giới từ bên trong. Từ đó nảy sinh sự cấp thiết phải gặp gỡ -trong lối sống của họ-, những người mà ta muốn ngỏ lời, không đòi hỏi các đặc quyền xa xôi, không duy trì rào cản của một thứ ngôn ngữ không thể hiểu nổi, cần chia sẻ những tục lệ chung, miễn sao chúng mang tính nhân văn và lương thiện, đặc biệt là những tục lệ của những kẻ bé mọn, nếu như chúng ta muốn được lắng nghe và thấu hiểu.
Đức Thánh Cha liên kết việc đến gần với việc lắng nghe, theo gương Chúa Giêsu Kitô:
Cần phải, trước cả khi nói, lắng nghe giọng nói và còn hơn thế trái tim con người; hiểu họ và, chừng nào có thể, tôn trọng họ và, đi theo hướng của họ, nơi mà họ đáng được. Phải trở thành anh em của con người, ngay cả khi trong thực tế, chúng ta muốn là mục tử, là cha, là thầy của họ. Không khí của đối thoại, chính là tình bạn. Tốt hơn hết, là sự phục vụ. Tất cả những điều đó, chúng ta sẽ phải ghi nhớ và cố gắng thực hành theo mẫu gương và giới răn mà Chúa Kitô đã để lại cho chúng ta (xem Ga 13, 14-17) (90).
Chính vì thế, đối thoại chỉ có thể là một “nghệ thuật giao tiếp thiêng liêng” mà Đức Phaolô VI chú tâm xác định cái khung: sự trong sáng, dịu dàng, tin tưởng, thận trọng về mặt phương pháp. “Trong một cuộc đối thoại được dẫn dắt như thế thì sẽ xuất hiện sự kết hợp giữa chân lý và bác ái, giữa lý trí và tình yêu” (85).
4. Đối thoại với mọi người, con đường dẫn đến tình huynh đệ
Một cuộc đối thoại không loại trừ
Đối thoại được Giáo Hội đề xuất là sự đối thoại không loại trừ; đối thoại là cho mọi người và với mọi người, dù họ ở trong hay ở ngoài Giáo Hội (97-98). Không ai xa lạ hoặc thờ ơ với nó, bởi vì Giáo Hội chịu trách nhiệm xúc tiến sự hiệp nhất, tình yêu, hòa bình, trong thế giới. Giáo Hội có một sứ điệp cho mỗi người, cho mọi tầng lớp nhân loại, đặc biệt là cho người nghèo. Sự tiếp nhận sứ điệp của Giáo Hội không phụ thuộc vào Giáo Hội, cũng không phụ thuộc vào những hoàn cảnh thuận lợi thuộc về thời gian. “Đức tin là ân ban của Thiên Chúa; và chỉ mình Thiên Chúa mới ghi dấu trong thế giới những con đường và những thời khắc của ơn cứu độ của Người.” Giáo Hội chấp nhận mình chỉ là hạt giống, là men, muối và ánh sáng cho thế gian. Với Đức Phaolô VI, đó là điều mà Giáo Hội ban tặng cho thế giới: “Tôi có những gì bạn đang tìm kiếm, những gì bạn đang thiếu.” Giáo Hội nói với nhân loại về vận mệnh siêu việt của họ, và về “chân lý, công bằng, tự do, tiến bộ, hòa hợp, hòa bình, văn minh”.
Vì các hoàn cảnh cụ thể của các mối tương quan giữa các nhóm người khác nhau với Giáo Hội Công giáo là rất đa dạng, nên Đức Thánh Cha đặt những nhóm người đó, tùy theo khoảng cách họ có so với trung tâm, “nơi mà bàn tay Thiên Chúa đã đặt để chúng ta”, dưới dạng thức những vòng tròn đồng tâm (100-110). Đoạn văn này rất nổi tiếng và đã được lấy lại ở cuối Hiến chế Công Đồng Gaudium et spes (1965), với lối trình bày theo thứ tự ngược lại, bắt đầu từ Giáo Hội. Điều này cho thấy cách mà Công Đồng (kết thúc bằng việc lấy lại Ecclesiam suam) đưa ra đề nghị của mình. Trong cả hai văn kiện, bốn phạm trù được phân biệt: nhân loại trong toàn thể; các tín đồ; các Kitô hữu ly khai; người Công giáo.
(1) Phạm trù đầu tiên, phạm trù của một vòng tròn không biên giới (101-102), là phạm trù “nhân loại với tư cách là nhân loại, thế giới”. Giáo Hội phải đối thoại với mọi người.
Chúng ta ước tính được khoảng cách cầm giữ họ xa chúng ta, nhưng chúng ta không cảm thấy họ xa lạ. Tất cả những gì là con người đều can hệ đến chúng ta. Chúng ta có chung bản tính với toàn thể nhân loại, nghĩa là cuộc sống, với mọi tư chất và mọi vấn đề của nó.
Có những người không có tôn giáo, đặc biệt là những người vô thần và trong số họ là những nhân vật chủ chốt của một nhãn quan thuần túy khoa học về thế giới (103). Nếu như bi kịch của chủ nghĩa vô thần với “những hệ thống tư tưởng phủ nhận Thiên Chúa và bách hại Giáo Hội” bắt buộc một giáo hoàng phải lên án, thì sự lên án đó không phải là án phạt của các thẩm phán, nhưng là tiếng rên siết của các nạn nhân. Đức Thánh Cha ý thức rõ sự khó khăn của một cuộc đối thoại, có thể bị thu hẹp và chỉ còn là im lặng, trong một hoàn cảnh mà sư lạm dụng (cách biện chứng) ngôn ngữ không còn nhắm đến việc tìm kiếm và diễn tả sự thật khách quan, nhưng là nhằm phục vụ những mục tiêu vụ lợi đã tính toán trước (106-107).
Tuy nhiên, trước khi thực hiện nguyên tắc lắng nghe, Giáo Hội cần phải hiểu được những lý do gây hỗn loạn của người vô thần thời hiện đại, ở nơi sâu nhất tư tưởng của họ. Cho nên, Giáo Hội không chối bỏ vai trò của lý trí, bao gồm cả việc làm cho người ta tín nhiệm vào những gì thật quảng đại, được gợi hứng từ “một giấc mơ về công bằng và tiến bộ”. Điều này thuộc về nỗ lực mục vụ của Giáo Hội. Giáo Hội luôn nuôi hy vọng rằng những giá trị tốt đẹp nhất của họ có thể tìm thấy nguồn gốc của chúng và rằng chính các phong trào có thể tiến triển nhờ các thành viên của mình, bất chấp học thuyết của chúng ra sao. Và điều này có thể dẫn đến một “cuộc hội thoại tích cực” với Giáo Hội (108-109). Phần xảy ra sau đó của câu chuyện lịch sử với các nước cộng sản châu Âu sẽ cho thấy đó là điều khả thể.
Sự quan tâm đến thế giới rộng lớn nhất và đến cuộc đối thoại với nó cũng nhằm phục vụ cho chính nghĩa hòa bình, như phương pháp “tìm cách điều chỉnh các mối tương quan nhân loại dưới ánh sáng cao quý của ngôn ngữ hợp lý và chân thành” và như một sự đóng góp kinh nghiệm và khôn ngoan. Chúng ta đã thấy vấn đề này đã trở thành một vấn đề lớn như thế nào đối với các vị Giáo hoàng ở thế kỷ XX. Đức Phaolô VI hoàn toàn nằm trong đường hướng hành động này. Ngài sẽ cho thấy rõ điều đó cách đặc biệt khi ngài phát biểu tại Liên Hiệp Quốc.
Việc mở một cuộc đối thoại như những gì chúng ta mong muốn, vô vị lợi, khách quan, chân thành, tự nó là một lời tuyên bố có lợi cho một nền hòa bình tự do và chính trực.
Đối với các Kitô hữu, hoàng tử hòa bình chính là Chúa Kitô. Hòa bình không thể không được biết đến, bị lãng quên, bị bỏ rơi. Bất cứ ai quan tâm đến hòa bình thì không thể không nâng tâm hồn của mình lên tới những giá trị cao thượng.
(2) Giữa lòng cộng đồng nhân loại toàn cầu này, vòng tròn thứ hai nhỏ hơn đó là vòng tròn của các tín hữu thuộc các tín phái ngoài Kitô giáo (111-112): con cháu của dân Do Thái; “những người thờ phượng Thiên Chúa theo quan niệm của tôn giáo độc thần, đặc biệt là Hồi giáo”; và các tín đồ của các tôn giáo lớn Á-Phi. Với các tín hữu ngoài Kitô giáo, đối thoại chỉ có thể diễn ra nhằm “xúc tiến và bảo vệ những lý tưởng chung mà chúng ta có thể có, trong lãnh vực tự do tôn giáo, tình huynh đệ nhân loại, văn hóa lành mạnh, việc từ thiện xã hội và trật tự dân sự”, và cuộc đối thoại còn phải được thực hiện trong một sự tôn trọng hỗ tương và trung thực. (112).
(3) Vòng tròn thứ ba là những “anh em Kitô hữu ly khai khỏi chúng ta” (113-115).
(4) Vòng tròn cuối cùng là vòng tròn của gia đình Công giáo (117-121). Đối thoại phải là dấu ấn của cộng đồng này; cộng đồng mà đức ái là nguyên lý cấu thành. Mọi người đều được mời tham dự vào cuộc đối thoại đem lại sức sống của Giáo Hội (120).
Tóm lại, nếu đối thoại được tặng ban cho mọi người trong bốn vòng tròn, thì nó không phải là vô điều kiện. Như thế, nó không phải luôn luôn khả thể với hết mọi người, và trong mọi lúc. Để bày tỏ mối bận tâm này của Giáo Hội đối với tất cả mọi người và sự mong muốn của Giáo Hội về một cuộc đối thoại với mỗi người, không loại trừ ai, bảy sứ điệp sẽ được đọc vào ngày bế mạc Công Đồng, ngỏ với một nhân loại lắm khác biệt.
Một Giáo Hội không lấy mình làm trung tâm nữa
Giáo Hội học do Đức Phaolô VI phác hoạ trong thông điệp đầu tiên của mình đã biến một Giáo Hội không biết gì về thế giới, bắt nó phải phục tùng hoặc đối đầu với nó, trở thành một Giáo Hội tìm cách đến gần thế giới để nói chuyện với nó; và để làm được điều đó, Giáo Hội phải tìm lại đời sống của mình nơi Chúa Kitô. Đức Phaolô VI khởi đầu bằng việc Giáo Hội không lấy mình làm trung tâm. Thay vì quan tâm trước tiên đến chính mình, Giáo Hội phải lấy Chúa Kitô làm trung tâm và đi ra khỏi mình để đến với thế giới, hướng về thế giới. Đức Gioan XXIII đã triệu tập Công Đồng để mở các cửa ngõ của Giáo Hội ra với thế giới. Bây giờ, Giáo Hội phải ra khỏi nhà mình. Công Đồng đã biến đổi cặp đôi (không có sắc thái riêng) Giáo Hội/thế giới, bằng cách đưa vào loạt chữ đó một từ ngữ thứ ba: Nước Trời. Nước Trời không phải chỉ là Giáo Hội.
Nỗ lực này (đáng khen ngợi và nổi bật cách đây 50 năm, và không gì có thể qua mặt, vào giai đoạn này) làm nảy sinh một động năng giúp Giáo Hội đi ra khỏi sự tự-trung tâm hóa (auto-centrement). Sự tự trung tâm hóa này chỉ có thể được loại bỏ từ từ, với nhiều khó khăn. Trong thông điệp, ít là có ba đề tài tỏ rõ điều đó và những đề tài này đặt thành vấn đề cho chúng ta hôm nay: sự nhấn mạnh trên cái chung, việc đến với mình (le venir-à-soi), và lời được ngỏ. Trong ES, mọi sự khởi đi từ cùng một chủ thể, tức Giáo Hội, hướng đến các đối tượng khác nhau. Ý hướng thì độ lượng. Thể chế muốn mở ra và đón tiếp, nhưng mọi thứ lại cứ ngồi ở nhà mình, cứ hy vọng là người khác sẽ đến với mình. Điều này hoàn toàn tương hợp với bản tính nhân loại, vốn khó khăn lắm mới rời khỏi các căn cứ của mình và để mình được biến đổi. Tuy nhiên, lịch sử cứu độ cho thấy có một chuyển động khác: chuyển động đổi chỗ, rời khỏi bến bờ của mình để được đón tiếp, được chấp nhận, để ngạc nhiên và lắng nghe điều bất ngờ mới mẻ đó. Chuyển động đó cũng là chuyển động từ bỏ mọi cái chung giữa Thiên Chúa và nhân loại, nếu như điều đó gây trở ngại cho việc Thiên Chúa đến kết hợp với nhân loại (Ph 2). Chuyển động đó cũng là chuyển động từ khước việc người khác đến với mình, trở thành giống y như mình, như là điều kiện để hiệp nhất. Ngược lại, vấn đề ở đây là hướng về họ, đến gần họ như Đức Phaolô VI thường nói, hay gặp gỡ họ như Đức Phanxicô nói hôm nay, nhưng cũng là bước đi cùng họ và để họ biến đổi chúng ta. Điều này không có nghĩa là có thể Giáo Hội sẽ đánh mất căn tính của mình, nhưng trái lại, Giáo Hội luôn tự tỏ mình cách rõ ràng hơn trên con đường sống cùng (Cana, Emmaus). Điều mới mẻ là: luôn luôn và trước hết ở trong tư thế lắng nghe người khác, trước khi dám ngỏ lời với họ. Hay nói đúng hơn, lời đầu tiên chúng ta nói với họ, chính là lắng nghe họ. Như thế, điều mà Giáo Hội nói với họ là: "Tôi yêu bạn", "trong mắt tôi, bạn rất có giá trị" (Is 43, 4). Đối thoại cứu độ thuộc về trật tự này.
Trong Ecclesiam suam, những dằng co khá rõ ràng giữa một nhãn quan thần học về đối thoại cứu độ triệt để, với thái độ cởi mở và yêu thương phải có, đối với người khác, và điều này được khẳng định qua kinh nghiệm cá nhân của Đức Phaolô VI, với một thứ thần học có sẵn vào thời đó, về phía Giáo Hội và do đó về việc truyền giáo, điều mà người ta buộc phải nghĩ tới. Làm thế nào để giữ được cùng lúc, một mặt, việc Giáo Hội Công giáo là “tôn giáo duy nhất đúng” và mọi người lương thiện sẽ được mời gọi gia nhập Giáo Hội, trong một thời gian dài hoặc ngắn; và mặt khác, cuộc đối thoại cứu độ mà Thiên Chúa muốn (cách hoàn toàn nhưng không và cho mọi người) sẽ không thấy nản lòng trong việc đến bên cạnh người khác để lắng nghe và nói với họ, để thích ứng với họ trong văn hóa và khả năng hiểu biết của họ, cách khiêm tốn và khó nghèo, chứ không giăng bẫy để họ trở lại hay đưa họ về với mình? Sự căng thẳng, tính đối cực này mang tính sáng tạo. Nó đề nghị phải phát xuất trở lại từ những nền tảng –tức Chúa Kitô và giới răn yêu thương- để xem xét lại cách Giáo Hội hiểu về mình và sứ mạng của mình. Đức Phaolô VI đã làm điều đó và như thế đã xây dựng cái nhãn quan tuyệt diệu lịch sử cứu độ như là cuộc đối thoại cứu độ, dù đã không giải quyết tất cả các vấn đề được đặt ra đối với tính nhất quán của học thuyết của Giáo Hội Công giáo trong bối cảnh thời đương đại. Nhãn quan này chỉ là một trong những khởi đầu nhằm chuẩn bị cho thực tại Giáo Hội phải trở thành hầu tương hợp với ý muốn của Thiên Chúa cho thời đại này. Điều đó đòi hỏi những nghiên cứu mới sâu hơn, tức những nghiên cứu đã được khởi sự sau Công Đồng và các huấn quyền của các Đức Giáo Hoàng.
Về điểm này, chúng ta chỉ cần nhớ rằng trong mười lăm năm, sứ vụ của Phaolô VI sẽ tỏ ra độc đáo nhờ khả năng lắng nghe và đối thoại của ngài với thế giới. Điều đó đã không ngăn được nhiều hiểu lầm và chống đối, nhất là với một hình thức vận hành (mang tính giáo hội và giáo triều), tự tin và ngần ngại với mọi thay đổi. Vào thời gian đó, Đức Thánh Cha rảo khắp thế giới. Ngài có quyết tâm bước vào đối thoại với mọi người. Cứ mỗi lần như thế thì ngài gặp các vị đại diện của các quốc gia, của các tôn giáo, những người nghèo, những người giáo dân Công giáo. Chính sách đối thoại của ngài cốt ở việc vượt lên trên các khối, không đi vào các trò chơi chính trị quốc gia và không sa vào cám dỗ tuyên bố tuyệt thông chống lại các nước cộng sản. Tôi muốn nhắc cho các bạn, vì nó liên quan trực tiếp đến các bạn, rằng Đức Thánh Cha đã dấn thân cách mạnh mẽ như thế nào vì hòa bình, cho Việt Nam (đất nước đã bước vào cuộc chiến với Hoa Kỳ từ 1955), bằng cách đề xuất các cuộc điều đình dàn xếp. Chính phủ Hoa Kỳ đã theo đuổi cuộc chiến tranh dưới danh nghĩa một cuộc chiến đấu không khoan nhượng chống lại sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản. Nếu như điều đó có thể làm hài lòng một số giám mục bảo thủ, thì nó không phải là quan điểm của Đức Thánh Cha, người đã tìm cách thiết lập sự ổn định dài lâu và chính đáng cho người dân Việt Nam.
Cũng chính vì vậy, nhờ Đức Phaolô VI và sau Công Đồng, sau hai thế kỷ bị tẩy chay mà Tòa thánh đã trở nên thực thể có vai trò chính, ở tầm mức trung tâm quốc tế, trong việc chăm lo các dân tộc và hòa bình. Bận tâm của Tòa Thánh đã hoàn toàn thay đổi. Trước đây là để bảo vệ các quyền và tự do của Giáo Hội và của người Công giáo. Và để đạt được điều đó, chính sách ký kết các hiệp ước với các quốc gia đã là việc ưu tiên, bất kể bản chất của chế độ: như đã từng ký kết các hiệp ước với chủ nghĩa phát xít Ý hay quốc xã Đức. Từ nay, sải bước theo Công Đồng, Giáo Hội đã đi ra khỏi sự bận tâm về chính mình. Giáo Hội muốn tiên vàn mang lấy sự lo lắng về những khắc khoải và thống khổ của toàn nhân loại. Và để xúc tiến công lý và hòa bình, Giáo Hội thực hiện phương pháp đối thoại, ở mọi nơi và mọi hoàn cảnh. Thông điệp Populorum Progressio ngày 26 tháng 03 năm 1967, chẳng hạn, kêu gọi thực hiện những cuộc cải cách khẩn cấp, ở cấp độ thế giới, để thiết lập công lý, hòa bình và thịnh vượng cho tất cả mọi người, và để loại trừ cám dỗ dùng đến bạo lực. Vấn đề ở đây là thiết lập một cuộc đối thoại giữa mọi người, giữa các dân tộc và các nền văn minh, đặt trọng tâm vào con người, và là cuộc đối thoại có thể tạo ra tình huynh đệ. Như thế, một nền văn minh của tình liên đới toàn cầu sẽ được xây dựng; nó đảm bảo cho sự phát triển toàn diện, “thăng tiến toàn bộ con người và mọi người”, trong hòa bình.
Kết luận
Tôi đã muốn cho các bạn thấy “tinh thần huynh đệ” -mà Giáo Hội muốn thúc đẩy, đặc biệt qua giáo huấn xã hội của mình và sự dấn thân của Giáo Hội cho công lý và hòa bình- đã tìm thấy ra sao cái khung và ý nghĩa thần học trọn vẹn của nó như một phần cốt yếu của lịch sử cứu độ. Tình huynh đệ đó được thực thi trong đời sống con người của thời đại chúng ta, qua và trong một “cuộc đối thoại cứu độ”.
Hạt giống của cuộc đối thoại cứu độ (xét như việc Giáo Hội thực hành đối thoại với thế giới) đã được gieo vào lòng đất nhờ mối bận tâm đối với hòa bình thế giới và đối với sự hiệp nhất của Giáo Hội, bởi ba vị Giáo hoàng trước Đức Phaolô VI, những đấng bậc mà Đức Phaolô VI đã từng làm việc rất gần gũi. Sự am hiểu về chiều kích cứu độ học của một cuộc đối thoại như thế nảy sinh trong tâm trí của Đức Phaolô VI và được truyền đi nơi bản văn ngài viết năm 1963, trước khi được Công Đồng đưa vào trong những suy tư và văn kiện của mình. Đối thoại cứu độ sẽ được thể chế hóa và triển khai bởi các vị Giáo hoàng kế tiếp, một cách đa dạng và luôn được đào sâu hơn.
Ở đây, tôi đã không chủ ý nêu lên các giai đoạn khác nhau diễn ra sau đó, nhưng tập trung vào giai đoạn đầu tiên, là nền tảng cho tất cả những giai đoạn khác. Thông điệp đầu tiên của Đức Phaolô VI, Ecclesiam suam, khởi đi từ việc Giáo Hội ý thức mình thuộc về Chúa Kitô, nhờ đó mà được đổi mới nhờ đức ái, để sống và làm cho cuộc đối thoại cứu độ được nhận biết nhờ một lối thực hành đạo khác biệt, tùy theo những nhóm người khác nhau. Chuyển động này (xây dựng một khoa Giáo hội học đặt trọng tâm vào Chúa Kitô, và không lấy mình làm trung tâm để đi đến với thế giới) là một thành tựu mang tính quyết định của Giáo Hội phổ quát. Điều đó không có nghĩa là một việc làm dễ dàng và có kết quả tức khắc.
Bài thuyết trình của tôi tất nhiên là vắn tắt. Việc đào sâu nó sẽ tùy thuộc vào các bạn. Mục đích của tôi chỉ đơn giản là lưu ý các bạn về những nền tảng sâu xa nhất của điều thúc đẩy “nền luân lý tình huynh đệ” đi đến tận nguồn cội hiện đại của chuyển động nền tảng (của Giáo Hội), để hướng tới việc gặp gỡ thế giới, như chính công trình cứu độ mà Giáo Hội loan báo và như công trình Nước Trời mà Giáo Hội mở rộng cùng với Chúa Kitô, Đấng Cứu độ của mình. Đây chính là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô mong muốn khi ngài mời gọi chúng ta “phát triển một nền văn minh của gặp gỡ và đối thoại”. Ngài trực tiếp đặt mình trong dòng dõi của Đức Phaolô VI.
Trích tài liệu Khóa bồi dưỡng các nhà đào tạo ứng sinh linh mục tại Việt Nam, từ ngày 01-14 tháng 7 năm 2018 tại Xuân Lộc
Chuyển ngữ: Lm. Gioan Baotixita Hoàng Đông Dương
[1] Viết tắt của Federazione Universitaria Cattolica Italiana. Chú thích của ND.
[2] Các nguồn thần học (locus theologicus): là những nguồn mà nhà thần học phải quy chiếu khi lập luận, chẳng hạn Thánh Kinh, Truyền Thống các Tông đồ, các Công đồng, các thánh và các giáo phụ, v.v. Chú thích của ND.