ĐỌC PHI NĂNG THI TẬP
CỦA THÁNH PHILIPPHÊ
PHAN VĂN MINH
Khổng Thành Ngọc
WHĐ (8.7.2020) – Ngày 19 tháng Sáu 1988, tại Roma, Đức giáo hoàng
Gioan Phaolô II tôn phong 117 Chân phước Tử đạo Việt Nam lên hàng hiển thánh.
Trong bài giảng
Thánh lễ hôm ấy, Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh:
“Đối với chúng ta
hôm nay, các vị tử đạo Việt Nam là những thợ gặt được nhắc đến trong Thánh vịnh:
‘Ai gieo trong nước mắt, sẽ gặt trong hân hoan. Lúc ra đi, nghẹn ngào vãi hạt;
khi trở về, quảy lúa mừng vui' (Tv 126, 5-6). Lời huyền nhiệm trên soi sáng cho
chúng ta nhận ra ý nghĩa đích thực việc làm chứng của các vị tử đạo Giáo hội Việt
Nam trong lịch sử. Trong nước mắt, hạt giống Tin Mừng và ân sủng đã nảy mầm, rồi
từ đó cả một mùa hồng ân đức tin tràn trề, phong phú”.[1]
Mỗi vị trong 117
thánh tử đạo Việt Nam đều là một chứng từ sống động, đặc sắc về đức Tin, về giá
trị Tin Mừng sự sống để lại cho hậu thế. Mỗi chứng từ đều hàm chứa thông điệp về
sự đối thoại. Những thông điệp bằng máu. Kiên cường mà dịu dàng. Tráng liệt mà
thiết tha. Dịu dàng tha thiết mời gọi đối thoại.
Đức Gioan Phaolô
II nhận ra ý nghĩa của bức thông điệp bằng máu và nước mắt ấy:
“Khi ‘gieo trong
nước mắt', các vị tử đạo Việt Nam đã thực sự bắt đầu cuộc đối thoại sâu sắc và
mang ý nghĩa khai phóng với con người và nền văn hóa của đất nước mình, trước hết
bằng cách loan báo sự thật và tính phổ quát của niềm tin vào Thiên Chúa, đồng
thời đưa ra một bậc thang giá trị và nghĩa vụ, đặc biệt thích ứng với nền văn
hóa tôn giáo của toàn thể thế giới Đông phương”.[2]
Kỷ niệm 30 năm
ngày phong thánh 117 vị tử đạo Việt Nam, bài viết này như một dịp đọc lại và
suy gẫm một nội dung rất đặc sắc trong bài giảng của Thánh Gioan Phaolô II tại
lễ phong thánh: “các vị tử đạo Việt Nam đã thực sự bắt đầu cuộc đối thoại sâu sắc
và mang ý nghĩa khai phóng với con người và nền văn hóa của đất nước mình”.
Đọc và suy gẫm dựa
trên đối chiếu với dòng “ngôn chí” của một trong 117 vị tử đạo hiển thánh Việt
Nam: Thánh Philipphê Phan Văn Minh, linh mục, tử đạo (1815-1853). Một vị thánh
đã dấn thân vào “cuộc đối thoại sâu sắc và mang ý nghĩa khai phóng với con người
và nền văn hóa của đất nước mình”.
Thánh Philipphê Phan Văn Minh & Phi Năng thi
tập
Tiểu sử Thánh
Philipphê Minh được ghi lại trên trang web của giáo phận Vĩnh Long, quê hương
ngài, như sau:
“Thánh Philipphê
Phan Văn Minh sinh năm 1815 tại họ Cái Mơn, thuộc Vĩnh Long trong một gia đình
Công giáo đạo đức. Ngài được Đức Cha Taberd nhận vào Chủng viện Lái Thiêu 1828.
Đến năm 1840 ngài được gởi học tại Đại Chủng viện Penang (Mã Lai). Sau sáu năm
học tập và tu luyện, ngài trở về quê hương và thụ phong Linh mục vào năm 1846.
Vào cuối năm
1852, lệnh cấm đạo trở nên gắt gao, ngài phải vâng lệnh bề trên, đến trú ẩn tại
họ Mặc Bắc, nhưng lại lãnh triều thiên tử đạo. Nguyên lúc ấy, có tên bếp Nhẫn
say mê cờ bạc rượu chè, vì hy vọng vào tiền thưởng, nên đã đi báo quan đem quân
về bắt Cha Phêrô Lựu, chánh sở Mặc Bắc. Không gặp được Cha Phêrô Lựu, quan quân
lại bắt được Cha Minh trong đêm 25/2/1853, cùng với chủ nhà cho trú ẩn là ông
Trùm Giuse Nguyễn Văn Lựu và một số giáo dân nữa. Tất cả họ bị điệu về Vĩnh
Long.
Trong ngục, ngài
Philipphê Minh luôn luôn hãnh diện vì là linh mục và đầy lòng thương mến các bạn
tù, dù phải chịu hình khổ và nhiều điều sỉ nhục. Vì không lay chuyển nổi đức
tin sắt đá của ngài, các quan đã lên án “phát lưu ra Bắc” và đệ án về Kinh xin
châu phê. Vua Tự Đức không nghe, truyền lệnh phải xử tử. Ngày 3/7/1853, ngài bị
điệu đi xử trảm tại pháp trường Đình Khao (Vĩnh Long). Đức Thánh Cha Piô IX đã
suy tôn Cha Philipphê Phan Văn Minh lên bậc Đáng kính ngày 27/09/1857. Đức Thánh Cha Lêô XIII đã tôn phong ngài
lên hàng Á Thánh ngày 27/5/1900 và
ngày 19/6/1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã suy tôn ngài lên bậc Hiển Thánh. Giáo phận Vĩnh Long và Chủng
viện Vĩnh Long đã nhận thánh Philipphê Phan Văn Minh làm thánh Bổn mạng, và mừng
lễ kính vào ngày 3 tháng 7”[3]
Những dòng tiểu sử
trên đây là một bản ghi vắn tắt cuộc đời của thánh nhân. Trong khi đó, giới
nghiên cứu văn hóa đã đặc biệt chú ý đến phần di cảo của ngài. Đó là những sáng
tác thi ca được hai nhà nghiên cứu Võ Long Tê[4] và Phạm Đình Khiêm[5] sưu tập
và phân tích trong bản thảo viết tay, năm 1989, nhan đề: “Phi Năng thi tập - Văn bản hiệu đính”[6].
Trong tác phẩm khảo
cứu này, Võ Long Tê và Phạm Đình Khiêm giới thiệu Thánh Philipphê Minh là nhà ngữ học, nhà thơ, vị tông đồ, bậc tuẫn
giáo.
Đặt tên Phi Năng thi tập cho di cảo thơ của
Thánh Philipphê Minh, hai nhà nghiên cứu Công giáo có ý nhắc đến Chủng viện
Penang (được dịch thành Phi Năng), Malaysia, nơi thánh nhân sáng bài thơ đầu
tiên, đồng thời là nơi ngài theo học trước khi chịu chức linh mục.
Trong tập khảo cứu
Phi Năng thi tập - Văn bản hiệu đính,
Võ Long Tê và Phạm Đình Khiêm đã sưu tập được 35 bài thơ của thánh nhân và 100
bài thơ họa của các thi hữu và người hâm mộ. Khối lượng sáng tác này khiến hai
nhà nghiên cứu gọi đây là “thi đàn của đức
tin”.
Là “thi đàn của đức
tin”, nhưng sâu xa hơn, Phi Năng thi tập chính
là một “cuộc đối thoại”.
Cuộc đối thoại
bên trong, giữa những người đồng đạo, và bên ngoài, với người chưa tin.
Cuộc đối thoại bên trong
Ngày 25-12-1842,
tại Chủng viện Penang (Phi Năng), Malaysia, Thánh Philipphê Minh làm bài thơ
“xướng” với đề tài Gia-tô Cơ- đốc[7]:
Bài “xướng” của
Thánh Philipphê Minh như sau:
Hưởng ứng bài thơ
“xướng” của thánh nhân, có 46 bài họa: 44 bài của các tác giả Công giáo và 2
bài của ông Đồ Ốc, một người ngoài Công giáo.
Theo Võ Long Tê
và Phạm Đình Khiêm, các tác giả Công giáo hưởng ứng họa lại bài xướng của Thánh
Philipphê Minh gồm các bạn đồng song Chủng viện Penang và một số giáo hữu tại
những nơi thánh nhân làm mục vụ.
Xin điểm mấy bài
“họa”, hợp vận “trời-nơi-đời-rơi-thời
của bài “xướng”:
• Bài họa của Paulus Hơn:
Bài xướng của
Thánh Philipphê Minh nêu sứ mệnh của Chúa Giêsu “đặc cách lâm phàm cứu khắp nơi”, và phương cách cứu thế của Người
là tuyệt đối vâng phục Chúa Cha, không cậy dựa những phương thế trần gian: Chẳng lấy lợi danh mà tạo nghiệp - Không
dùng vương bá để xây đời - Vâng lời thiên mệnh đành thân diệt - Gánh tội nhân
gian chịu máu rơi.
Bài họa của
Paulus Hơn đồng tình với bài xướng, đồng thời phát triển ý kết (Kiếp sau hiện hữu sống muôn đời) của bài
“xướng”, đưa lên hai cặp thực và luận: “Nước Trời chớ kể quê hư kiếp - Cuộc thế phải đâu chốn sống đời - Kẻ chối
như rừng chang nắng đốt - Người tin tợ lúa gội mưa rơi”, để làm ý chính của
toàn bài: hãy tin vào Nước Trời, như vậy, sẽ sống cuộc đời đầy ân phúc như “lúa gội mưa rơi”.
Bài họa của
Paulus Hơn không chỉ là bài thơ hưởng ứng, mà còn diễn tả sự xác tín với lời lẽ
mạnh mẽ: chớ kể, phải đâu; lối so
sánh nhằm khẳng định một cách quả quyết và dứt khoát: như rừng chang nắng gội, tợ lúa gội mưa rơi.
• Bài họa của Andreas Phong:
Nếu Paulus Hơn
nêu sự hơn-thiệt khi đem so kẻ tin và người chối, thì Andreas Phong nhấn mạnh
ơn cao trọng mà biến cố “lâm phàm”
-xuống thế làm người- của Chúa Giêsu mang đến cho “nhân sinh”. Ơn cao trọng ấy chính là giúp con người chiến thắng “dục vọng” và sự “kiêu căng”, hậu quả của tội nguyên tổ mà con người vốn bất lực,
không thể “dứt bỏ” và “buông rơi”.
Bài thơ “họa” của
Andreas Phong đã góp phần hưởng ứng bài “xướng”, làm rõ một khía cạnh của biến
cố “lâm phàm”: giải thoát con người khỏi những dục vọng. Chỉ nhờ ơn Chúa, nhờ “sức sống Gia-tô”, con người mới gỡ bỏ được
mọi xiềng xích dục vọng.
• Bài họa của Joseph Thăng:
Cũng trong mạch
hưởng ứng, đồng tình với bài thơ “xướng”, bài “họa” của Joseph Thăng hướng vào
thói thường tình của người đời: thích “trèo
cao” nên chẳng ngại “bôn ba” và sẵn
sàng “xảo quyệt”.
Joseph Thăng nhắc
mọi người nhớ “khôn hai kiếp”, nghĩa
là chỉ có một cuộc đời để sống. Không ai có thể sống hai kiếp người. Và sẽ có
lúc phải dừng lại: “Tuồng nào chẳng có hồi
chung kết”! Nên hãy tin vào Chúa. Ngài chẳng bỏ rơi những kẻ tin tưởng: “Trời sinh, Trời dưỡng, há buông rơi”. Vì
thế, đừng bôn ba, chớ xảo quyệt, cũng đừng ham trèo cao trong cuộc sống trần thế này.
• Bài họa của Jacobus Tiên:
Cảm nhận bài “xướng”
của Thánh Philipphê Minh, Jacobus Tiên lý giải tình cảnh “mang nặng đọa đầy” và “nếm
nhiều cay đắng” của những “người
nghèo khổ sống ngoài trời”. Theo tác giả, sở dĩ như thế là “bởi tình đời” và “vì thói thế”. Thói thế và tình đời với những nghi kỵ, bè phái, cục
bộ, lấy oán trả oán, tham lam, ích kỷ, ăn miếng trả miếng...
Từ đó, Jacobus
Tiên kêu gọi: Noi gương Cơ-đốc: lành tuân
giữ - Nhớ nghĩa Gia-tô: hận bỏ rơi.
Làm việc lành và
không thù hận, đó là sứ điệp của Cơ-đốc
Gia- tô, Chúa Kitô Giêsu. Thập giá, vốn là biểu tượng của thứ “công lý” trả
thù tàn bạo, đã trở thành “Thánh giá: ngọn
đèn soi bể khổ”, dấu chỉ của nguồn cứu độ.
Hơn một trăm năm
sau, Đức Gioan Phaolô II, vị mục tử của Giáo hội Công giáo, đã nói với toàn thế
giới trong ngày phong thánh cho 117 vị tử đạo Việt Nam: “Khi ‘gieo trong nước mắt',
các vị tử đạo Việt Nam đã thực sự bắt đầu cuộc đối thoại sâu sắc và mang ý
nghĩa khai phóng với con người và nền văn hóa của đất nước mình, trước hết bằng
cách loan báo sự thật và tính phổ quát của niềm tin vào Thiên Chúa, đồng thời
đưa ra một bậc thang giá trị và nghĩa vụ, đặc biệt thích ứng với nền văn hóa
tôn giáo của toàn thể thế giới Đông phương”.
Quả thật, bài “xướng”
Gia-tô Cơ-đốc, Đấng Con Trời của
Thánh Philipphê Minh đã thu hút được sự hưởng ứng qua 44 bài thơ của ít nhất 23
thi hữu được biết tên[8]: Paulus Hơn, Andreas Phong, Joseph Thăng, Jacobus
Tiên, Lucas Hầu, Thomas Linh, Thomas Phan, Thadaeus Lân, Thadaeus Lan, Petrus
Ngân, Andreas Bường, Paulus Ngọc, Joseph Thời, Simon Chương, Joseph Hiền,
Marcus Chân, Bartholomeus Khôi, Ioannes Rạng, Matthaeus Quờn, Ngô Phiên Đạt,
Téphane Trần Đức, Petrus Thoại, Nguyễn Huy Vân, và một số vị khuyết danh[9].
Cuộc xướng-họa
thơ tạo nên một “thi đàn của đức tin”, theo cách nói của Võ Long Tê và Phạm
Đình Khiêm. Thi đàn này chính là một cuộc đối thoại bên trong, giữa những đồng
đạo và đồng song. Một cuộc đối thoại nhằm quảng diễn ý nghĩa cuộc đặc cách lâm phàm của “Gia-tô Cơ-đốc, Đấng
Con Trời”. Cuộc lâm phàm của Đấng là Đường, Sự Thật và Sự Sống, Đấng “hoằng khai nguồn cứu rỗi” (bài Vịnh Ê vang - Thánh Philipphê Minh).
Phải chăng, chính
thi đàn của đức tin, cuộc đối thoại
bên trong, cũng đã là tấm gương phản chiếu thế giới nội tâm của những đồng đạo,
đồng song tham gia thi đàn. Và suy rộng ra, của cộng đoàn những đồng đạo. Đó là
thế giới tinh thần với những xác tín cá nhân vào “nguồn cứu rỗi” đã được Chúa
“hoằng khai”.
Cuộc đối thoại bên ngoài
Thi đàn do Thánh
Philipphê Minh khởi xướng còn thu hút người bên ngoài. Đó là các thi hữu không
đồng đạo.
Tiêu biểu là thi
hữu Đồ Ốc.
Hai nhà sưu tập
Võ Long Tê và Phạm Đình Khiêm, dựa vào bản sao của ông Thaddaeus Nguyễn Văn Nhạn,
chép lại thủ bút Thánh Philipphê Minh, và dựa vào truyền khẩu do ông Paulus
Nguyễn Cang Thường, một nhà báo, chủ bút tờ Tông
Đồ, ghi lại, đã cho biết ông Đồ Ốc là một thầy đồ dạy học và bốc thuốc chữa
bệnh ở vùng Ba Tri (Bến Tre). Một lần đến Ba Giồng (Mỹ Tho) bốc thuốc, ông gặp
Thánh Philipphê Minh và được ngài mời họa bài thơ của mình.
Đồ Ốc nhận lời và
làm hai bài thơ “họa”:
Khác với các thi
hữu đồng đạo đã “họa” thơ theo lối đồng thuận, bài của Đồ Ốc lại theo lối họa
nghịch. Ông đưa ra phản đề:
Nếu nói Chúa dựng nên mọi sự tốt lành, sao đau khổ lại có mặt khắp nơi?
Và đau khổ hiện
thời lại rơi vào chính những người tin và rao giảng đạo “cứu khổ”.
Họ đang chịu hai
nguồn khổ: Khổ vì triều đình bách hại. Khổ do bị “Đạo trưởng Tây phương bám chẳng rơi” và “Đã đẩy giáo nhơn vào thế khổ”.
Đồ Ốc kết luận: “Vậy ai phải chịu bất tri thời?” với hàm
ý: đừng để các đạo trưởng Tây phương “bám chẳng rơi”, rồi “giáo nhơn vào thế khổ”.
Đó mới là “tri thời”, nghĩa là thức thời, biết nhận định đúng thời cuộc.
Thánh Philipphê
Minh làm bài thơ đáp lại Đồ Ốc:
Ngay câu phá đề
(câu 1), thánh nhân nêu rõ quan điểm của mình. Một quan điểm quán xuyến bài thơ
đáp: Cai trị thế gian luật của Trời.
Qua luật của Trời, Chúa cai trị thế gian. Mãi mãi là như thế.
Vì thế, yên hay khổ là do tuân hay bất tuân luật Trời. Những biểu hiện của bất tuân
luật Trời là: tranh danh, giành lợi, tham vọng. Còn tuân theo luật Trời, thì không để cho danh, lợi,
tham vọng tác động vào nhận thức, phán đoán, hành động.
Đồng thời “Đạo ngay” thì không căn cứ vào thuận hay nghịch, xuôi hay rơi, nghĩa là không căn cứ vào hoàn cảnh
bên ngoài: thuận lợi hay khó khăn, được chấp nhận hay bị chống đối. Thánh
Philipphê đưa chứng cứ dựa trên chính kinh nghiệm bốc thuốc trị bệnh của Đồ Ốc:
Thuốc bổ vào người sinh thuận nghịch.
Thuốc bổ hữu hình, vốn ai cũng biết tác dụng, mà còn sinh thuận-nghịch đối với
cơ thể, huống chi loại thuốc thiêng liêng! Chắc chắn loại thuốc thiêng liêng
này, nếu có kẻ nhận người chống, thì cũng là lẽ thường tình. Người thức thời là
người nhận biết và an nhiên với lẽ thường tình Đạo ngay nhập thế có xuôi, rơi ấy.
Nhận được bài thơ
đáp của Thánh Philipphê Minh, ông Đồ Ốc viết bài họa. Cuộc xướng-họa-đáp bắt đầu
sôi nổi. Bài họa này quyết liệt hơn lần trước:
Đồ Ốc tập trung
vào phản đề. Rất quyết liệt:
Đồ Ốc dứt khoát
cho rằng ông Trời là nguồn mọi khổ ải: “Đau khổ xưa nay vốn tại Trời”. Những bằng
chứng ông đưa ra là những “thủy tai”, “địa chấn”, được dân gian gọi là “thiên
tai”, đều do trời làm ra.
Còn con người, dứt
khoát “làm chẳng được” những đại họa ấy. Có chăng, chỉ gây nhân họa, tức giặc
giã, thì cũng chỉ nhất thời: “Nhân loại
chỉ gây giặc nhứt thời”.
Như vậy, phản đề
lần đầu của ông Đồ Ốc thuộc loại thời cuộc chính sự, còn lần này liên quan chuyện
đức tin, đạo lý. Lớp nghĩa tường minh của bài thơ: chỉ thấy ông Trời gây khổ
“Thiên tai đại nạn Trời làm cả”. Và ẩn bên dưới, là hai lớp hàm ý. Lớp (1):
chưa nghe Trời cứu khổ bao giờ! Và lớp (2): Đừng nói về đạo cứu khổ nữa!
Thánh Philipphê
Minh liền trả lời bằng bài thơ “đáp”:
Thánh nhân nhẹ
nhàng trả lời nỗi “oán thán” của Đồ Ốc bằng hình ảnh cá và nước. Cá thức thời
thì tìm đến sông sâu. Không thức thời thì đến chỗ cạn. Sông sâu thì khỏe xác, tha hồ lội. Sông cạn thì phơi thây, há trách đời.
Đồng thời, thánh
nhân cũng biết thức thời là việc không dễ. Làm sao cá biết được nước lớn hay
vơi. Chuyện lớn-vơi của nước lệ thuộc nhiều yếu tố. Tất cả đều thuộc quyền trời:
Sống ở thế gian chẳng khỏi Trời. Và
như thế, đành phải chịu bó tay vì không biết.
Con người trước
thiên tai cũng như cá gặp lúc sông cạn. Cá bơi đến chỗ cạn, không thể trách cứ
sông. Con người gặp thiên tai, chẳng nên oán thán trời.
Như vậy, có
chăng, chỉ còn lại vấn đề: làm sao đạt đến sự thức thời?
Đạt được thức thời,
là cả một hành trình tìm kiếm. Dù vậy, khởi đầu vẫn là đừng trách trời, oán
thiên: Thượng bất oán Thiên, lẽ thức thời.
Thánh Philipphê
Minh mượn câu của Khổng Tử trong sách Trung Dung: “Thượng bất oán thiên, hạ bất vưu nhân” (Trên đừng oán Trời, dưới đừng
trách người), để mời gọi Đồ Ốc (hẳn là một nhà Nho) hãy bắt đầu từ lẽ “trung
dung”, sống bình tâm, an nhiên và dưỡng chí thức thời.
Hẳn Thánh Phan
Văn Minh có ý chờ đợi các bậc thức giả, khi đã biết dưỡng chí, sẽ có lúc phùng
thời và đạt đến thức thời. Niềm khắc khoải đối với chân lý là mảnh đất thuận lợi
cho hạt giống sự thật được nảy mầm vậy.
Cách đối đãi mềm
mỏng, tương kính và kiên trì của Thánh Philipphê Minh đã khiến Đồ Ốc cảm động
và thán phục. Võ Long Tê và Pham Đình Khiêm dẫn lại trần thuật của Paulus Nguyễn
Cang Thường:
“Đồ Ốc thán phục
Phan Văn Minh là người giỏi thơ và sở học rộng rãi, am hiểu kinh sử. Khi trở về
Giồng Găng (Ba Tri), Đồ Ốc không quên giới thiệu với các bạn quen về linh mục
Phan Văn Minh.
Năm 1850, linh mục
đến họ Cái Bông (một họ đạo nằm trong huyện Ba Tri) giúp bổn đạo, có cho người
đến Giồng Găng tìm tin tức Đồ Ốc, nhưng lúc đó Đồ Ốc đã liệt nặng. Linh mục
tính sáng hôm sau đến thăm người bạn trước đây. Chẳng may đêm ấy, được tin cấp
báo, lính huyện kéo lên vây xã An Ngãi (tức vùng nhà thờ Cái Vông (Cái Vồn?) để
bắt linh mục. Đêm ấy, bổn đạo bí mật đưa ngài qua xóm Giồng Chàm, đạp đường rừng
đến sông Ba Lai... Sau đó vượt sông Tiền, tạm ẩn nơi họ Rạch Cầu.”.
Từ đó đến khi chịu
tử đạo (1853), thánh nhân và ông Đồ Ốc không có dịp nào được gặp gỡ, chuyện trò
và xướng họa thi ca nữa.
Tuy vậy, qua hai
bài thơ đáp họa, Thánh Philipphê Minh đã để lại kinh nghiệm đối thoại với người
ngoài công giáo. Đối thoại bằng sự chân thành, thái độ tôn trọng, vận dụng khéo
léo sở học rộng rãi và sự am hiểu sâu sắc kinh sử Đông - Tây.
* * *
Sau Phi Năng thi
tập, tập thơ xướng-họa Gia-tô Cơ-đốc, Thánh Philipphê Minh còn hai tập thơ: Vịnh Ê-vang[10], gồm ba bài thơ về Phúc
âm Matthêu của tác giả và 50 bài thơ vịnh của các tác giả khác, và tập Nước Trời ca gồm 29 bài thơ của thánh
nhân.
Bài Điềm sau cùng, thi phẩm cuối cùng của tập
Nước Trời ca, cũng là tác phẩm sau hết
trong di cảo của thánh nhân, như dấu chấm hết của một đời thơ, và một đời làm
chứng cho Tin Mừng. Bài thơ cảm hứng từ Matthêu 24, 14 và Marcô 13, 10:
Bài thơ, dấu-chấm-hết,
như một đúc kết hành trình nội tâm của tác giả. Một hành trình được Tin Mừng
thôi thúc và nhắm đích điểm là được tham dự vào biến cố “chấm dứt thời gian”
khi thế gian này hạ màn sau khi Ê-vang phổ
cập đến cùng khắp nơi. Đó là niềm khao khát đầy xác tín của một người trọn
đời kêu gọi hãy sống “tri thời”, “thức thời” để được “phùng thời”, được bước
vào sự viên mãn của thời gian.
Muốn vậy, hãy bền
chí, như Đức Giêsu đã nói trong câu Mt 24, 13, ngay trước câu gợi cảm hứng sáng
tác Điềm sau cùng: “Ai bền chí đến
cùng, sẽ được cứu thoát”.
Thánh nhân đã bền
chí.
Bền chí trong đối
thoại. Bền chí trong bách hại.
Ngày 26-03-1853,
lúc đang là cha sở họ Mặc Bắc (Vĩnh Long), ngài bị bắt cùng Thánh Trùm Lựu tại
nhà vị thánh này. Ngày 3-07-1853, ngài bị trảm quyết tại Đình Khao (Vĩnh
Long), còn Thánh Giuse Trùm Lựu chết rũ tù một năm sau, vào ngày 2-05-1854.
* * *
Đọc lại những vần
thơ, ôn lại cuộc đời 38 năm của Thánh Philipphê Phan Văn Minh; và nhìn vào Giáo
Hội Việt Nam đang bền chí nối gót các bậc tiền nhân, ngẫm câu thơ của thánh
nhân, Lịch sử chứng minh kẻ thức thời,
thấy thật chí lý!
30-05-2018
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 107 (tháng 7 & 8 năm 2018)
__________
[1] Dịch theo bản
tiếng Ý, tại: http://www.vatican.va/content/john-paul-ii/it/homilies/1988/documents/hf_jp-ii_hom_19880619_martiri.html
[2] Dịch theo bản
tiếng Ý, tại: http://www.vatican.va/content/john-paul-ii/it/homilies/1988/documents/hf_jp-ii_hom_19880619_martiri.html
[3] http://giaophanvinhlong.net/Trung-Tam-Hanh-Huong-va-Thang-Canh.html
[4] Võ Long Tê
(1927-2017), nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học. Tác phẩm: Lịch sử văn học Công Giáo Việt Nam
(1965), Dẫn nhập nghiên cứu tiếng Việt và
chữ Quốc ngữ (xuất bản tại Pháp 1997)...
[5] Phạm Đình
Khiêm (1920-2013), nhà nghiên cứu Công giáo. Tác phẩm: Tìm hiểu vấn đề xã hội (1958); Người
chứng thứ nhất (1959); Minh Đức Vương
Thái phi (1959); Giáo sĩ Đắc Lộ và
tác phẩm quốc ngữ đầu tiên (1961)…
[6] Những dẫn chứng
“Phi Năng thi tập” của Thánh Philipphê Phan Văn Minh trong bài viết này đều lấy
từ bản thảo viết tay 1989 của Võ Long Tê và Phạm Đình Khiêm.
[7] tức Giêsu
Kitô (cách phiên âm thời Thánh Philipphê Minh).
[8] Đa số tác giả
ghi tên thánh theo Latinh.
[9] Theo Võ Long
Tê và Phạm Đình Khiêm, các trường hợp “khuyết danh” là do thủ bút của Thánh
Philipphê Minh được gia đình lưu giữ, nay đã cũ, không còn đọc rõ chữ.
[10] Ê-vang,
phiên âm Evangelium (Phúc Âm)