Điều gì
đã xảy ra với Mười Hai Vị Tông Đồ?
Tác giả: Philip Kosloski
Nguồn: aleteia.org
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung
WHĐ (24.8.2020) – Philípphê phục vụ các cộng đoàn nói tiếng Hy Lạp. Giacôbê trở thành giám mục đầu tiên của Giêrusalem. Giuđa Tađêô được tôn kính là “Tông đồ của người Armênia”.
Ở phần cuối của
Phúc âm Mátthêu, trước khi mô tả việc Chúa Giêsu lên trời, thánh sử trình bày lời Chúa Giêsu nói với
các tông đồ: “Vậy các người hãy đi làm cho muôn dân nước trở thành môn đệ …” (Mátthêu
28, 19-20). Như đã thấy trong sách Công vụ và trong nhiều tác phẩm truyền
thống khác của Kitô giáo (ngụy thư hay không), khi nhận được lệnh truyền của
Chúa là đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng, các tông đồ đã không lãng phí thời
gian của mình. Tất cả các tài liệu các tông đồ ban đầu trình bày họ ngay lập
tức đặt tay vào cày, dấn thân vào công việc khó khăn là gieo hạt giống đức tin ở
mọi nơi họ đi qua.
Vậy rốt cuộc các
ngài đã đi đâu? Các ngài có thực sự
“làm cho muôn dân nước trở thành môn đệ” không?
Phêrô
Theo truyền thống,
người ta tin rằng thánh Phêrô lần đầu
tiên đến Antiôkia và thành lập một cộng đoàn ở đó. Ngài đã không ở
lại đó lâu lắm, nhưng ngài thường
được biết đến với tư cách là giám mục đầu tiên của Antiôkia. Sau đó,
ngài có thể đã đến thăm Côrintô trước khi đến Rôma. Tại đây, ngài đã giúp
thành lập cộng đoàn Kitô giáo và cuối
cùng đã tử vì đạo tại Hí trường (Colosseum) Nero vào khoảng năm 64 sau Công
nguyên ở Rôma. Nhà thờ Thánh Phêrô ở Vatican được xây dựng trên phần mộ
của Thánh Phêrô.
Anrê
Sau Lễ Ngũ Tuần,
nhiều truyền thống cổ xưa cho thấy thánh Anrê, anh trai của thánh Phêrô, là Tông đồ cho người Hy Lạp. Người ta
tin rằng ngài đã rao giảng cho các cộng đoàn Hy Lạp và đã tử vì đạo tại Patras trên một cây
thánh giá hình chữ X. Các thánh tích của ngài cuối cùng được chuyển đến Nhà thờ
Duomo ở Amalfi, Ý.
Giacôbê Lớn (Tiền)
Người ta cho rằng thánh Giacôbê là tông đồ đầu
tiên tử vì đạo. Trong Công Vụ
Tông Đồ có đoạn viết, “Thời kỳ ấy, vua Hêrôđê ra tay ngược đãi một số người
trong Hội Thánh. Nhà vua đã cho chém đầu ông Giacôbê là anh ông Gio-an.”
(Cv 12: 1-2). Ngài qua đời vào năm
44 sau Công nguyên tại Giêrusalem, nhưng phần mộ của ngài không ở gần vị trí
này. Sau khi qua đời, thi hài của ngài được chuyển đến Tây Ban Nha và
hiện đang được đặt tại Santiago de Compostela. Phần mộ của ngài là điểm đến
của các cuộc hành hương diễn ra trong hàng thế kỷ, gọi là El Camino, và vẫn còn
phổ biến cho đến ngày nay.
Gioan
Tác giả của Phúc
âm Gioan và Sách Khải huyền, thánh Gioan
là tông đồ duy nhất không bị tử vì đạo. Trong sách Khải Huyền, ngài viết
từ đảo Pátmô, Hy Lạp, “Tôi là Gio-an, một người anh em của anh em, tôi cùng
chia sẻ nỗi gian truân, cùng hưởng vương quốc và cùng kiên trì chịu đựng với
anh em trong Đức Giê-su. Lúc ấy, tôi đang ở đảo gọi là Pátmô, vì đã rao giảng Lời
Thiên Chúa và lời chứng của Đức Giê-su.” (Khải Huyền 1: 9). Ngài qua đời
vào khoảng năm 100 sau Công nguyên và được chôn cất gần Êphêsô.
Philípphê
Trong những năm
sau Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, thánh Philípphê phục vụ các cộng đoàn nói tiếng Hy Lạp. Người ta biết
rất ít về những chuyến đi của ngài, ngoại trừ việc ngài đã tử vì đạo vào khoảng năm 80 sau Công Nguyên. Thánh
tích của ngài được đặt tại Vương Cung Thánh Đường Các Thánh Tông Đồ (Santi
Apostoli), ở Roma.
Bathôlômêô
Người ta biết rất
ít về những nỗ lực truyền giáo của thánh Bathôlômêô. Nhiều
truyền thống khác nhau nói ngài đã rao giảng ở nhiều khu vực khác nhau. Người ta tin rằng ngài đã tử vì đạo và
hài cốt của ngài hiện đang được đặt tại nhà thờ Thánh Bathôlômêô trên hòn đảo
duy nhất của dòng sông Tiber, ở Rôma.
Tôma
Tông đồ “đa
nghi”, thánh Tôma được biết đến rộng
rãi nhờ những nỗ lực truyền giáo ở Ấn Độ. Có một câu chuyện phổ biến về
một trong những chuyến đi của ngài tập trung vào việc trở lại đạo của một vị
vua địa phương “đa nghi”. Thánh Tôma mất khoảng năm 72 sau Công nguyên và
phần mộ của ngài được đặt tại Mylapore, Ấn Độ.
Mátthêu (1)
Một trong bốn nhà
viết sách Tin Mừng, thánh Mátthêu được biết đến nhiều nhất qua Phúc âm của
ngài. Ngài đã rao giảng cho các cộng
đoàn khác nhau ở Địa Trung Hải trước khi tử đạo ở Êthiopia. Phần mộ của
ngài nằm trong nhà thờ lớn ở Salerno, Ý.
Giacôbê Nhỏ (Hậu) (2)
Các học giả tin rằng thánh Giacôbê Nhỏ là tác giả của “Thư Thánh
Giacôbê” được tìm thấy trong Tân Ước. Sau khi các tông đồ phân tán và
rời khỏi Giêrusalem, Thánh Giacôbê
vẫn ở lại và trở thành giám mục đầu tiên trong thành phố thánh. Ngài ở
đó trong vài thập kỷ cho đến khi bị chính
quyền Do Thái ném đá đến chết vào
năm 62. Một số di tích của ngài có thể được tìm thấy ở Vương Cung Thánh Đường
Các Thánh Tông Đồ (Santi Apostoli), ở Roma. Người ta cũng tin rằng phần mộ
của ngài được đặt tại Nhà thờ Thánh Giacôbê
ở Giêrusalem.
Giuđa Tađêô
Là sứ đồ “bị lãng
quên” do tên của ngài giống với Giuđa Ítcariốt, thánh Giuđa đã rao giảng phúc
âm ở nhiều nơi. Ngài được Giáo Hội
Armenia tôn kính là "Tông đồ của người Armenia." Ngài chịu tử đạo
vào khoảng năm 65 sau Công nguyên tại Beirut, Lybăng. Hài cốt của ngài hiện
đang ở Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô ở Roma.
Simon Nhiệt thành
Simon thường được miêu tả cùng với Giuđa Tađêô và
một số người tin rằng hai cùng nhau giảng đạo như một cặp. Điều này một
phần là do truyền thống cho biết cả hai ngài đều tử đạo ở Beirut trong cùng một
năm. Một số di tích của thánh Simon
Nhiệt thành được cho là nằm trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô ở
Roma.
Mátthia
Sau khi được chọn
làm “tông đồ thay thế”, một truyền
thống nói rằng thánh Mátthia đã thành lập một giáo hội ở Cappadocia và
phục vụ cho các Kitô hữu trên bờ biển Caspi. Người ta tin rằng ngài đã chết một cái chết vì đạo, bị chặt đầu bằng
rìu ở Colchis dưới tay nhiều người ngoại giáo ở đó. Một số di vật của ngài
được cho là đã được Thánh Hêlêna mang đến Roma.
________
Chú thích:
(1) Tại sao Thánh Matthêu có hai
tên trong Kinh thánh?
Người thu thuế nổi tiếng trở thành tông đồ có thể
đã đổi tên riêng sau khi gặp Chúa Giêsu Kitô.
Việc thay đổi tên
có ý nghĩa quan trọng trong Kinh thánh, vì chúng thường báo hiệu một sứ mệnh mới
từ Thiên Chúa. Ví dụ, Ápram trở thành Ápraham và Simon được đổi tên thành Phêrô.
Một nhân vật khác
trong Kinh thánh mà nhiều học giả tin rằng đã được đổi tên là tông đồ
Mátthêu. Trong Phúc âm Mátthêu, người thu thuế được Chúa Giêsu Kitô kêu gọi
trở thành tông đồ được đặt tên là “Mátthêu” (Mátthêu 9: 9).
Tuy nhiên, trong
Phúc âm của Máccô, người thu thuế đó được đặt tên là “Lêvi” (Máccô 2:14).
Một số học giả
tin rằng người thu thuế đơn giản có hai tên, một bằng tiếng Hy Lạp (Mátthêu) và
một bằng tiếng Do Thái (Lêvi). Điều này rất có thể xảy ra, vì các học giả
chỉ ra Simon (Phêrô) và Saulô (Phaolô) là những ví dụ tương tự không biểu thị sự
thay đổi tên, mà là sự tồn tại của hai tên ở hai ngôn ngữ khác nhau.
Đồng thời, các học
giả khác tin rằng điều này có thể cho thấy một sự thay đổi
tên. Trong Bách khoa toàn thư Công giáo, có giải thích, “Có thể là Mattija, 'món quà của
Iaveh,' là cái tên được Chúa Giêsu đặt
cho người thu thuế khi Ngài gọi ông làm Tông đồ, và từ đó ông được biết đến
trong các anh em Kitô hữu, Lêvi là tên ban đầu của ông".
Trong thực tế, cả
hai lý thuyết đều có thể xảy ra. Điều chắc chắn là sau khi bỏ công việc
thu thuế, cộng đoàn Kitô giáo sơ khai đã mãi mãi gọi ông là “Mátthêu”.
Dù là trường hợp
nào, cả hai tên đều có khả năng truyền cảm hứng cho những suy niệm hình tượng, như có thể thấy trong đoạn văn sau đây từ Truyền thuyết Vàng (Golden Legend), một
văn bản phổ biến thời Trung cổ cung cấp những ý nghĩa đầy tính sáng tạo cho tên
các vị thánh.
Mátthêu có hai tên, Mátthêu và Levi. Mátthêu (Matthaeus) được hiểu là
món quà hấp dẫn, hoặc là người đưa ra lời khuyên. Hoặc tên đến từ magnus,
vĩ đại và theos, Chúa, do đó có nghĩa là vĩ đại đối với Thiên Chúa, hoặc từ
mamis, bàn tay, và theos, do đó có nghĩa là bàn tay của Chúa. Thánh
Mátthêu là một món quà hấp dẫn bởi sự hoán cải nhanh chóng của ông, là người
ban phát các lời khuyên răn khi rao giảng, là người tuyệt vời đối với Thiên
Chúa nhờ sự hoàn hảo của cuộc sống của mình, và là bàn tay của Thiên Chúa nhờ
việc viết phúc âm của mình. Levi được
hiểu là đưa lên, hoặc đính kèm, hoặc thêm vào, hoặc đặt cùng. Vị thánh được
cất lên từ công việc thuế má, gắn bó với tông đồ đoàn, được thêm vào nhóm các
nhà truyền giáo, và được xếp vào danh mục các vị tử đạo.
Trước đây ông có
thể được gọi là “Levi”, nhưng kể từ khi ông gặp gỡ Chúa Giêsu, thế giới đã biết
ông là “Mátthêu”.
(2) Tại sao Thánh Giacôbê được gọi là
"nhỏ hơn"?
Có vẻ lạ khi gọi một vị thánh nào đó không phải
là thánh lớn.
Không có gì đáng
ngạc nhiên khi ít người biết về tông đồ “Giacôbê nhỏ hơn”, là người được mừng lễ,
cùng với Thánh Philípphê, vào ngày 3 tháng 5. Có nhiều người đàn ông trong Tân
Ước có tên là Giacôbê, và có hai vị được xác định ở trong nhóm 12 tông đồ ban đầu.
Có Giacôbê và em
trai là Gioan, các con trai của Dêbêđê, đều là tông đồ, và sau đó là Giacôbê nhỏ
hơn, thường được coi là “con trai của Alphê” cũng như “anh em của
Chúa”. Danh tính này khiến một số học giả cho rằng Giacôbê là anh em họ gần
gũi với Chúa Giêsu, nhưng ngoài mối quan hệ đó, hầu như không có điều gì được đề
cập về ông hoặc về quá khứ của ông.
Theo Butler, “tên gọi ['nhỏ hơn'] được cho là bắt
nguồn, hoặc từ việc ông được gọi làm tông đồ muộn hơn so với những người trước,
hoặc do tầm vóc thấp bé, hoặc bắt nguồn từ thời trẻ."
Về cơ bản tên gọi
đó được dùng để phân biệt hai tông đồ có cùng tên. Do sự khác biệt ban đầu
này, Thánh Giacôbê Nhỏ thậm chí còn được
xếp vào một vị trí "kém hơn" trong Danh Sách Các Thánh (Roman Canon),
xếp thứ tự thấp hơn Thánh Giacôbê Tiền trong danh sách các tông đồ.
Tuy nhiên, vai
trò của Giacôbê trong Giáo hội sơ khai còn lâu mới “kém hơn” và các hoạt động của
ông khá quan trọng.
Một số học giả
tin rằng Thánh Giacôbê Nhỏ là tác giả của
"Thư thánh Giacôbê" được tìm thấy trong Tân Ước. Đó là một bức
thư ngắn tập trung vào sự kiên nhẫn trong lúc đau khổ và được biết đến rộng rãi
nhất với những câu nói về đức tin và việc làm, “Nhưng có kẻ sẽ nói: Anh, anh có
đức tin; tôi, tôi có việc làm! Hãy cho tôi thấy đức tin không việc làm của anh,
và tôi, tôi sẽ lấy việc làm mà cho anh thấy đức tin của tôi.” (Giacôbê
2:18)
Sau khi các tông
đồ phân tán và rời khỏi Giêrusalem, Giacôbê vẫn ở lại và trở thành giám mục đầu
tiên trong thành phố thánh. Ông ở đó trong vài thập kỷ cho đến khi bị chính quyền
Do Thái ném đá đến chết vào năm 62. Công việc và máu của ông là tại các cơ sở của
Giáo Hội ở Giêrusalem; đó là một trong những Ngai Tòa vĩ đại nhất trong Giáo hội
Công giáo trong nhiều thế kỷ sau đó.
Cuối cùng, trong khi Thánh Giacôbê nhận được một
danh hiệu nhỏ nhoi sau khi qua đời, điều đó nên nhắc nhở chúng ta rằng danh hiệu
thực sự không quan trọng trong cuộc sống này hay đời sau. Tất cả những gì quan
trọng là làm theo ý muốn của Thiên Chúa và bước đi theo bước chân của Ngài. Giống
như Thánh Gioan Tẩy Giả, Thánh Giacôbê dạy chúng ta rằng chúng ta nên cố gắng
nhỏ đi để Thiên Chúa có thể lớn lên trong cuộc sống của chúng ta.