Dịch bệnh covid-19 và lòng mến Ki-tô
giáo
Aug. Trần Cao Khải
Theo tin báo chí hôm Chúa nhật 22-3
cho hay số người chết do nCoV tiếp tục tăng mạnh ở châu Âu, nâng số ca tử vong
trên toàn cầu lên 13.000, trong số 304.622 ca nhiễm. Hiện nay Covid-19 đã xuất
hiện ở 188 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỹ đã vượt qua Đức, trở thành vùng dịch
lớn thứ tư thế giới, sau Trung Quốc đại lục, Italy và Tây Ban Nha. Số ca tử
vong ở châu Âu tiếp tục tăng mạnh, vượt 7.000.
Riêng Italy, vùng dịch lớn nhất châu Âu và lớn thứ hai thế giới, ghi nhận
53.578 ca nhiễm và 4.825 người tử vong. Tỷ lệ tử vong tương đương 9%, cao
hơn gấp đôi tỷ lệ trung bình toàn cầu 4,2%, một phần do đất nước này có dân số
già nhất châu Âu. [1]
Có thể nói hiện nay không ai là không
sợ hãi khi nghe nói đến virus corona. Nó lan nhanh, biến hóa khôn lường, hạ gục
hầu hết những người nó xâm nhập. Số người nhiễm, người chết gia tăng từng giờ,
từng ngày. Có nhiều nơi người chết như rạ! Bệnh viện không đủ chỗ, thầy và thuốc
không đủ cho bệnh nhân, thiết bị và phương tiện điều trị thiếu hụt, thậm chí như
ở bên Ý, bác sĩ buộc lòng phải “chọn” bệnh nhân điều trị chứ không phải ai cũng
như ai.
Một dấu hiệu đặc trưng nhất mà ai cũng
nhận ra, đó là khắp mọi nơi, khi ra đường hay ở những nơi công cộng hầu hết mọi
người đeo khẩu trang như muốn nói lên một điều là chúng ta đang phải đối đầu với
một thảm họa khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại và con người đã và đang làm
hết sức mình để có thể khống chế sự lan tràn của dịch bệnh nguy hại này.
Trong lúc có nhiều người từng giây từng phút đang phải vật lộn với tử thần vì nhiễm phải virus corona, trong lúc cũng có nhiều gia đình phải tích trữ lương thực thực phẩm để dự phòng khi phải cách ly, trong khi nhiều gia đình phải co cụm lại để tránh dịch…thì cũng có những người sẵn sàng từ bỏ tất cả để ra đi dấn thân vì sự sống của người khác.
Được biết, trước tình hình dịch
Covid-19 diễn biến phức tạp, y bác sĩ khắp thế giới đang lan truyền thông điệp “We stay at work for you. Please stay at home
for us”, nghĩa là “Chúng tôi đi làm
vì bạn. Xin hãy ở nhà vì chúng tôi”.
Những câu chuyện đã và đang xảy ra bên
nước Ý khiến chúng ta xúc động và ngưỡng mộ vô cùng. Đó là những ca nhiễm và những
cái “chết vì yêu” của các giám mục, linh mục, nữ tu, giáo dân, đã hy sinh, chấp
nhận sống chung với dịch để phục vụ người khác theo khuôn mẫu lòng mến của Chúa
Ki-tô, “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu
mình” (Ga 15, 13).
Lòng mến chiến thắng tất cả
Ngạn ngữ La-tinh có câu “Amor vincit omnia”, nghĩa là lòng yêu mến/
tình yêu chiến thắng tất cả. Thánh sử Gio-an đã nhấn mạnh về cách thức mà Chúa Giê-su
đã yêu thương nhân loại: “Ngài yêu thương
họ đến cùng” (Ga 13, 1). Yêu đến hơi thở cuối cùng, yêu đến nỗi chấp nhận hủy
mình ra không, yêu mà không còn giữ lại cái gì cho mình kể cả mạng sống, yêu
tuyệt đối và tận cùng…không có tình yêu nào lớn hơn!
Khi dịch Covid-19 xảy ra, rất nhiều người
trong chúng ta hoảng sợ, chạy trốn vì nó quá kinh khủng, nó lây lan rất nhanh,
từ người qua người và tỷ lệ tử vong cao. Tuy nhiên không phải ai cũng lo sợ và
chạy trốn nó. Trong lịch sử Hội thánh Công giáo, có những vị thánh nhận biết
trước tiên cách sống sót qua đại dịch và hơn thế nữa, họ còn biết cách biến đại
dịch thành dịp để phục vụ Thiên Chúa và anh em đồng loại.
Chẳng hạn, trong thời dịch hạch Cyprian thế kỷ thứ 3 (kinh hoàng với
5.000 người bị chết một ngày ở Roma), các báo cáo cho thấy các Ki-tô hữu đã
chạy đi cứu giúp những người đau khổ, mong muốn chăm sóc họ với bất cứ giá nào.
Tại Alexandria (nơi hai phần ba dân số bị chết vì bệnh dịch này), thánh
Dionysius đã viết về các Kitô hữu: “Không
sợ nguy hiểm, họ lãnh trách nhiệm chăm sóc các bệnh nhân, giúp đỡ mọi nhu cầu
của họ và phục vụ trong Chúa Kitô và ra đi với họ trong hạnh phúc thanh thản;
vì họ đã bị lây nhiễm bởi những người khác mắc bệnh, tự mình gánh lấy bệnh tật
của những người thân cận và vui vẻ chấp nhận nỗi đau của họ”.
Trên thực tế, rất nhiều Ki-tô hữu đã
chết khi chăm sóc người bệnh ở Alexandria, nhóm các anh hùng vô danh đã được
dành riêng một ngày lễ (28 tháng 2) và được tôn sùng như là các vị tử đạo.
Một trường hợp khác. Thánh Charles Borromeo (1538-1584) là
một Hồng y khi nạn đói và dịch hạch tấn công Milan. Mặc dù hầu hết các quý tộc
chạy trốn khỏi thành phố, đức Hồng y Borromeo đã quy tụ các tu sĩ ở lại để nuôi
và chăm sóc cho những người đói và bệnh tật. Họ nuôi sống hơn 60.000 người mỗi
ngày, nguồn lương thực phần lớn do đức Hồng y chu cấp. Ngài cũng đích thân đến
thăm những người mắc bệnh dịch hạch và tắm rửa vết loét cho họ, ngài cũng đã
viết di chúc lần đầu tiên và đã chuẩn bị cho cái chết. Nhưng đức Hồng y tốt bụng
đã được sống sót, sống thêm sáu năm sau cái gọi là “Bệnh dịch hạch thời thánh Charles
Borromeo”. [2]
Đó là chuyện ngày xưa. Còn thời nay,
thời của dịch Covid-19 thì sao?
Tại Ý, giáo phận Bergamo đối diện với
cái chết của các linh mục và giáo dân. [3]
Tại Bergamo (Ý), vùng bị nhiễm coronavirus
nặng nhất, trong một tuần giáo phận đã mất 6 linh mục và 14 linh mục khác phải
nhập viện. Một dấu hiệu mà theo giám mục Beschi, “Chúng ta không tách rời cộng đoàn chúng ta ngay cả trong cái chết”.
Linh mục Giancarlo Nava, 71 tuổi là người dày dạn, ngài đã
từng đi truyền giáo ở Cameroun, sau đó là ở Paraguay nơi ngài bị đe dọa giết vì
tố cáo các chính trị gia tham nhũng, buôn bán ma túy và vũ khí. Bị bệnh và mệt
mỏi, cha về giáo phận Bergamo (miền bắc nước Ý) của mình để nghỉ một thời gian.
Trước khi đi, cha viết cho giáo dân Paraguay của mình một bức thư đau lòng, cha
mong trở về “để chết trên miếng đất thân yêu này, giữa giáo dân của tôi”. Nhưng
Coronavirus đã không cho cha thực hiện giấc mơ này. Ngày thứ bảy 14-3 vừa qua,
cha Giancarlo qua đời ở bệnh viện Sondalo, một thành phố nhỏ ở rặng núi
Alpes, gần Adda.
Cùng ngày, linh mục Giosuè
Torquati, 81 tuổi cũng qua đời sau một đời làm việc tông đồ,
ảo thuật gia trong các trường học, nhà hưu dưỡng và bệnh viện, cha chỉ có một
mối quan tâm: đem niềm vui và nụ cười đến cho những người chung quanh mình. Tối
hôm sau đến lượt cha Giuseppe Berardelli, 72 tuổi chỉ cái chết vài giờ sau cha Silvano
Tortori, 59 tuổi, cha phó của một giáo xứ vùng ngoại ô
Bergamo. Giáo dân nhớ về cha, “một người
tốt, luôn phục vụ cộng đoàn”.
Chúa nhật trước, linh mục Mariano
Carrara, 72 tuổi, cha xứ ở Urgnano, vùng ngoại ô phía nam
Bergamo đã chính thức mở màn cho con số rùng rợn. Dù đã bệnh và yếu một thời
gian, cha không muốn hạn chế công việc phục vụ cộng đoàn của mình. Bệnh, cha
vào bệnh viện và thử nghiệm là dương tính, vài ngày sau cha qua đời.
Trong vòng một tuần, giáo phận Bergamo
mất 6 linh mục, dấu hiệu cho thấy Giáo hội cũng không thoát được căn bệnh này.
Đức Giám mục Francesco Beschi, giáo phận Bergamo cho biết: “Con số các linh mục
đã qua đời trong tuần này và các linh mục nhập viện thật là cao”, 14 linh mục
đang được điều trị ở bệnh viện vì Covid-19. Ngài nói trên đài InBlu của Tòa Giám mục Ý: “Chúng ta không tách rời cộng đoàn chúng ta
ngay cả trong cái chết”.
Ngoài ra, tin cũng cho hay hôm thứ sáu
20-3, khu vực Lazio của Ý đã thông báo rằng 59 nữ tu thuộc hai tu viện ở Roma
đã được xét nghiệm dương tính với coronavirus, đã làm dấy lên lo ngại về việc
virus có thể lây lan nhanh như thế nào trong các cộng đoàn dòng tu.
Trong số các nữ tu có kết quả xét
nghiệm dương tính, 40 nữ tu thuộc tu viện dòng Tiểu Muội thánh Camillô ở
Grottaferrata, ngoại ô Roma, và 19 nữ tu đến từ tu viện dòng thánh Phao-lô ở
Roma, hiện có tất cả 21 Nữ tu.
Tu viện San Camillo đặc biệt quan tâm chăm
sóc đến các sinh viên trẻ và các nữ tu lớn tuổi, làm gia tăng mối lo ngại về sự
sống sót của 40 nữ tu được chẩn đoán nhiễm coronavirus, vì độ tuổi trung bình
của những người qua đời ở Ý là 79,5, thấp hơn so với tuổi trung bình của nhiều tu
viện và cộng đồng dòng tu ở châu Âu.
Tại VN, thời gian qua, dư luận, báo chí
và mạng xã hội cũng quan tâm đến trường hợp một linh mục trẻ tình nguyện đi vào
“lòng dịch” ở Sơn Lôi, tỉnh Vĩnh Phúc. Tin cho hay, sau những ngày thảo luận
cùng chính quyền của tỉnh Vĩnh Phúc về đời sống tôn giáo của hai họ đạo Ngọc
Bảo, Bá Cầu – Gx Hữu Bằng – Gp Bắc Ninh đang nằm trong tâm của đại dịch Corona,
đang bị phong tỏa nội bất xuất, ngoại bất nhập. Là một cha xứ nên phải lo phần
hồn, các bí tích, nhất là những bí tích sau cùng của đời một người. Nhờ sự can
thiệp của Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, vào lúc 16g00 ngày 16-02-2020, một linh
mục trẻ đã tự nguyện hy sinh xông vào chính tâm đại dịch để phục vụ mọi người.
Đó là linh mục Giu-se Hoàng Trọng Hữu, sinh năm 1985 tại giáo xứ Lai Tê, giáo
phận Bắc Ninh. Ngài chịu chức vào tháng 6 năm 2019.
Những gương sáng về sự hy sinh quên mình
phục vụ bất chấp sự nguy hiểm tột cùng của virus corona thì rất nhiều không sao
kể hết. Bên cạnh những người mà chúng ta biết được, còn có rất nhiều tấm gương
khác, đó là những người sống âm thầm, phục vụ âm thầm và chết âm thầm.
Quả thực, lòng mến đã không bị “cách
ly” bởi dịch bệnh, như lời thánh Phao-lô đã quả quyết: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là
gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?” (Rm 8, 35).
Lòng mến thay đổi tư duy sống đạo
Khi nói đến sống đạo, chúng ta thường
liên tưởng đến đức tin. Tuy nhiên đức tin của chúng ta không phải là kho báu chôn
ngầm dưới đất, trái lại nó như một sức sống vươn lên phát triển thành nhiều hoa
trái. Đức tin chân chính dẫn tới việc làm sung mãn. Việc làm đó chính là hoa quả
của đức mến.
Còn nhớ, khi dịch bệnh vừa xảy ra, ĐTC
Phan-xi-cô đã lên tiếng an ủi các bệnh nhân, các người đã qua đời và gia đình họ.
Ngài kêu gọi mọi người cầu nguyện cho dịch bệnh mau qua và con người thoát khỏi
đau khổ, bệnh tật. Ngoài ra, Vatican cũng gửi ngay 700 ngàn khẩu trang sang hỗ
trợ cho vùng dịch bên Trung Quốc.
Trong lúc đó, các giáo phận bên Hồng Kông,
Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản quyết định dừng thánh lễ để tránh lây lan do quy
tụ đông người.
Sau này, khi dịch Covid-19 lan nhanh
chóng sang các nước Châu Âu và Châu Mỹ, Hội thánh địa phương tại các nơi này cũng
tiến hành ngay việc đóng cửa nhà thờ, dừng mọi sinh hoạt phụng vụ, thay vào đó
giáo quyền khuyên giáo dân ở nhà cầu nguyện, dự thánh lễ trực tuyến, rước lễ
thiêng liêng. Ngay tại nước Ý cũng ngưng mọi thánh lễ, ĐTC Phan-xi-cô cho
livestream thánh lễ hàng ngày để mọi người hiệp thông.
Khi dịch bệnh xảy ra với mức độ đại dịch
toàn cầu, thì nhiều Hội thánh địa phương đã có những biện pháp phòng chống dịch
rất cụ thể, căn cứ theo những hướng dẫn của các tổ chức quốc tế và các chính phủ
sở tại.
Tuy nhiên, tác
giả David Wanat trong bài viết “Về những
lời phê bình khi Giáo hội đóng cửa nhà thờ vì Covid-19”, cho rằng một số người
Công giáo tỏ ra không đồng tình với các Đức Giám mục hoặc Đức Giáo hoàng về những
hạn chế đối với các thánh lễ công cộng. Thực chất, những người ấy đang hành xử
theo cách ích kỷ, họ đòi Giáo hội thích nghi với cách sống mà họ muốn, mặc dù
điều đó có thể gây hại cho chính họ và những người khác.
Họ cho rằng, trong các thế kỷ trước
đây, Giáo hội đã không đình chỉ các thánh lễ công cộng và đã không đóng cửa các
nhà thờ. Do đó, Giáo hội ngày nay không nên đóng cửa các nhà thờ và hạn chế các
cử hành công cộng. Họ nhấn mạnh sự chú ý đến thực tế là chỉ có vài ngàn người
đã chết.
Tất nhiên, việc tuân thủ điều răn giữ
ngày Chúa nhật là điều quan trọng. Nhưng trong một tình huống nghiêm trọng, một
giám mục có thể thực hiện một chính sách phù hợp với nhu cầu của giáo phận
mình, đến mức độ miễn chuẩn cho mọi người nghĩa vụ tham dự thánh lễ. Chúng ta
vẫn có nghĩa vụ phải giữ ngày Chúa nhật. Nhưng chúng ta không được gây nguy
hiểm cho người khác khi làm như vậy.
Thật đúng là Covid-19 đã không giết
chết nhiều người như nhiều bệnh khác. Nhưng sẽ là sai khi lập luận rằng, vì
thế, chúng ta không cần phải làm gì khác. Covid-19 lây lan nhanh hơn cúm và có
thể lây lan từ mọi người trước khi họ có triệu chứng. Nếu bạn đi lễ và không
biết bạn bị nhiễm bệnh, bạn có thể truyền vi-rút cho người khác. Sau đó, họ đi về
nhà và lây lan cho gia đình trước khi phát hiện ra các triệu chứng trong chính
họ.
Chúng ta cần thực hành thận trọng. Chúng
ta cũng phải nhận ra rằng các Đức Giám mục của chúng ta có thẩm quyền đóng cửa
các nhà thờ và đình chỉ các thánh lễ công cộng vì phúc lợi của dân chúng thuộc
quyền cai quản của các ngài. Chắc chắn, chúng ta vẫn phải giữ ngày Chúa nhật
linh thiêng, ngay cả khi chúng ta không thể tham dự thánh lễ. Chúng ta có Kinh
Thánh, kinh Mân Côi, Phụng vụ giờ kinh, thánh lễ truyền hình và các cách khác
để thờ phượng cho đến khi chúng ta thoát khỏi đại dịch này và có thể lại tham
dự thánh lễ tại nhà thờ. [5]
Thánh Phao-lô đã nhấn mạnh: “Yêu thương là chu toàn Lề Luật” (Rm 13,
10). Nhiều người lo lắng bối rối vì do tình hình dịch bệnh nguy hiểm, không được
đến nhà thờ dâng lễ đọc kinh, không được dự tĩnh tâm mùa Chay, không được tụ họp
để học hỏi, chia sẻ, không được sinh hoạt nhóm để làm từ thiện, nói chung là không
được thoải mái “giữ đạo” như bình thường.
Nếu vì lý do để bảo vệ sức khỏe cộng đồng
mà chúng ta phải ở nhà không đến nhà thờ đọc kinh dâng lễ hoặc cử hành các nghi
thức phụng vụ, thì đó là vì lòng mến, vì Chúa mà tôi yêu thương người ta. Lúc này,
chúng ta cần phân định rõ luật có là vì con người, giữ luật vì lòng mến, luật
giúp ta gặp gỡ Thiên Chúa trong anh em. Thánh Au-gus-ti-nô đã nói: “Hãy yêu mến đi, rồi muốn làm gì thì làm”.
Điều đó cho thấy lòng mến làm động lực và chi phối mọi hành động của ta, kể cả
việc giữ đạo, hành đạo.
Tiến sĩ Leonard J. DeLorenzo trong bài
“Không được đi dự lễ vì covid-19: một hy
sinh lớn lao của người Công giáo Mỹ” đã viết như sau: [6]
Rất may là
cho đến lúc này ở Việt Nam, những giáo dân khỏe mạnh vẫn có thể đi tham dự
thánh lễ, cho dù phải đeo khẩu trang, phải ngồi xa nhau... Nhưng ở Mỹ hiện nay
thì khác. Covid-19 bùng phát cách đáng sợ: trách nhiệm của người Mỹ là
phải ở nhà và hy sinh không tham dự thánh lễ. Đây là sự mất mát đáng buồn nhất
cho các tín hữu Công giáo Mỹ. Đây cũng là cái giá họ phải trả để có thể chu toàn
trách nhiệm đối với nhau.
Khi tôi nghe biết vị giám mục của
chúng tôi ra quyết định miễn chuẩn thánh lễ Chúa nhật, tôi đã rất lo lắng. Đó
không phải là nỗi lo về con virus, mà lo rằng, chỉ vài ngày nữa thôi, tôi sẽ
phải lựa chọn có nên đi dự lễ với gia đình nữa hay không. Đây là một tình
huống lý tưởng cho người Công giáo phạm tội: Chúng ta có thể đi dự lễ, vậy mà
lại không đi. Nhưng không thể biết chắc được con virus đang có ở đây hay không,
và nó đang ẩn mình như thế nào, nên tất nhiên tôi phải lo lắng cho vợ con của
tôi, và lo lắng cho chính bản thân mình nữa.
Cuối cùng tôi đã quyết định rõ ràng
rằng sẽ không dự lễ Chúa nhật ở giáo xứ, không phải vì nghĩ đến gia đình, nhưng
chính là vì nghĩ đến những người như vị giáo dân lớn tuổi kia. Chúng ta có thể
là những người mang mầm bệnh- tôi có thể là người mang mầm bệnh- và đặt những
người xung quanh vào tình trạng nguy hiểm khi đến với đám đông.
Đó là một suy nghĩ nghiêm túc. Đó cũng
là một suy nghĩ mang xã hội tính. Đây là một thách đố lớn cho hầu hết chúng ta
trong cơn đại dịch: nghĩ đến tập thể thay vì chỉ nghĩ đến cá nhân mình. Tôi có
thể đi dự lễ hoặc muốn đi dự lễ, nhưng tôi sẽ phải chịu trách nhiệm, không chỉ
vì gây nguy hiểm cho bản thân và gia đình mình, mà còn cho những người khác
nữa. Chúng ta đều có trách nhiệm đối với nhau.
Nhiều người Công giáo mà tôi ngưỡng mộ
và tôn trọng, đã chống đối việc tạm ngưng thánh lễ cộng đồng. Tôi cảm nhận được
sự thất vọng và nỗi buồn của họ, nhưng tôi không đồng ý với họ.
Phải, chính Chúa Kitô là nguồn sức
mạnh và hy vọng của chúng ta, Ngài đã ban chính Ngài cho chúng ta trong thánh
lễ. Và phải rồi, bổn phận và niềm vui của chúng ta chính là được kết hợp bản
thân mình với hy tế của Ngài trong phụng vụ Chúa nhật - quả thật, đó là nghĩa
vụ của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta đến dâng lễ trong phụng vụ Chúa nhật
mà xúc phạm đến người lân cận, thì ta phải đi giải hòa cùng người đó trước khi
đến gần bàn thờ. Hoặc trên đường đi lễ, trông thấy ai đó túng thiếu, ta
không được bỏ đi lối khác mà phải bước xuống chăm sóc vết thương cho họ.
Cũng vậy, nếu việc tề tựu trong thánh
lễ Chúa nhật có thể làm ai đó trong cộng đoàn thành nạn nhân của dịch bệnh hoặc
gây đau đớn cho những người khác trong cộng đoàn, thì trách nhiệm của chúng ta
là phải ngưng thực hiện các nghĩa vụ thông thường này. Đây không chỉ là
trách nhiệm công dân mà còn là nghĩa vụ tôn giáo.
Việc tạm ngưng thánh lễ cộng đồng hoặc
ngay cả việc quan tâm miễn chuẩn dự lễ, một cách nào đó, là một đáp ứng quá mức
ở cấp độ cá nhân. Nguy cơ nhiễm bệnh cho cá nhân vẫn còn khá thấp. Nhưng hệ
thống phòng ngừa bệnh trong giai đoạn đầu của đại dịch như vậy không chỉ là
biện pháp tốt nhất, mà còn là một mệnh lệnh đạo đức. Nó liên quan đến hành động
cộng tác tập thể nhằm cứu người khác và cổ võ thiện ích xã hội. Hành động tập
thể đòi hỏi sự hy sinh của cá nhân. Đối với người Công giáo được mời gọi tạm
ngưng dự lễ thì quả là cả một hy sinh to lớn, và đây có thể là sự hy sinh thánh
thiện nhất mà chúng ta có thể làm được vào lúc này./.
Nguồn: Truyền thông HĐGMVN
________________