ĐHY CZERNY: CHỨC NĂNG GIÁO DỤC CỦA THÁNH KINH LÀ ĐÀO TẠO VỀ CÔNG LÝ
Vatican News
Phát biểu tại Hội nghị chuyên đề về học thuyết
xã hội của Giáo hội ở Học viện Newman ở Uppsala, Thụy Điển, bắt đầu vào ngày
27/10, Tổng trưởng Bộ Phục vụ sự phát triển con người toàn tiện đã nhắc lại rằng
tình yêu là nền tảng của việc đọc Lời Chúa, chìa khóa giải thích duy nhất tạo
ra một đời sống lành mạnh cho Giáo hội và xã hội. Và do đó, việc giảng dạy và
phổ biến học thuyết xã hội của Giáo hội không phải là một hành động bên lề,
nhưng chúng nằm ở chính trung tâm của việc loan báo Tin Mừng.
«Thánh Kinh và sứ mạng của Giáo hội trên thế
giới», đó là tựa đề của bài phát biểu của Đức Hồng y Michael Czerny, Tổng
trưởng Bộ Phục vụ sự phát triển con người toàn diện. Các bài tham luận của các
diễn giả nổi tiếng quốc tế đã giúp làm sáng tỏ ý nghĩa của «công ích». Các viễn
cảnh lịch sử của học thuyết xã hội Công giáo và giáo huấn xã hội Công giáo
trong khung cảnh đương đại cũng được đề cập.
Hiệp thông là nền tảng của một đời sống lành mạnh
của Giáo hội và xã hội
Trong suy tư của mình, Đức Hồng y nhắc lại rằng
đọc Thánh Kinh có nghĩa là đặt mình vào thế giới hiện thực; đó là một lối đọc «từ
dưới». Quả thế, lắng nghe Thiên Chúa không thể tách rời với lắng nghe con
người. Trong mầu nhiệm Nhập Thể, Thiên Chúa mang lấy thực tại trọn vẹn của tình
yêu con người trong tất cả các biểu hiện của nó, và nâng nó lên bằng cách giữ
nó trong sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. «Cách sống với nhau trong tình yêu
này tạo nên xã hội không phải như một khối đồng nhất, nhưng đúng hơn như một vô
số các thành phần đa diện: những mối tương quan hiệp nhất năng động trong sự
khác biệt. Chính đời sống hiệp thông yêu thương hứa hẹn một cuộc sống lành mạnh
cho Giáo hội và xã hội».
Tình huynh đệ được tạo nên bởi việc lắng nghe Lời
Chúa không phải là chủ nghĩa chiêu dụ tín đồ
ĐHY tuyên bố rằng «tình yêu tha nhân được thực
hiện ở mức độ sâu xa hơn sự lựa chọn thực hiện các hành động bác ái hay giúp đỡ».
Tình yêu Tin Mừng ngụ ý «một sự hiển linh của hữu thể, với tư cách là một thụ
tạo được thiết lập trong một phẩm giá bất khả xâm phạm, vượt quá mọi vẻ bề
ngoài thể lý hay luân lý, vượt quá bất kỳ việc thuộc về xã hội hay văn hóa nào».
Cuộc hiển linh của hữu thể này ngụ ý một sự năng động tương quan mới mẻ: tình
yêu tha nhân đối với những gì họ là trong bản thân họ, thúc đẩy chúng ta tìm kiếm
điều tốt nhất cho cuộc sống của họ, tức là một sự triển nở nhân bản lớn lao
hơn, một sự phát triển con người toàn diện.
Từ then chốt vẫn là tình yêu, vốn là nền tảng
duy nhất của việc đọc Thánh Kinh. Đại giới răn yêu thương được thể hiện bằng sự
dấn thân xây dựng một nền văn minh hòa nhập vốn tránh tạo ra «những thứ vứt
bỏ» hay loại trừ con người, vì nó nuôi dưỡng một tình bạn xã hội vốn không
bao giờ bỏ qua tiếng kêu của người nghèo trên trái đất. Kế hoạch về một tình
huynh đệ nhân loại được mở ra cho tất cả mọi người, vốn bắt nguồn từ việc đọc
Thánh Kinh, không giả thiết việc chiêu dụ tín đồ nhưng «làm phong nhiêu xã hội
bằng Tin Mừng». Ngay cả trong tương quan với nhữn người không tin. Giáo hội
được mời gọi lưu truyền những giá trị nhân văn và nhân bản hóa vốn phát xuất từ
sứ điệp cứu độ của Chúa Kitô.
Hành động giáo dục của Thánh Kinh là đào tạo về
công lý
Cách thức mà các tín hữu đi vào Thánh Kinh và cảm
nghiệm được Thánh Kinh là thiết yếu để tố giác sự bất công đang ngự trị nơi tâm
hồn con người, cũng như sự bất công trong thế giới. ĐHY trích dẫn thánh Phaolô
và nhận xét rằng toàn thể Thánh Kinh là hữu ích để «dạy dỗ, răn đe, sửa chữa»,
nhưng chức năng giáo dục của nó có mục đích chính là «đào tạo về công lý»,
những gì được thể hiện bằng việc trở thành một «công dân tốt». Đối với
ngài, giảng dạy và phổ biến học thuyết xã hội của Giáo hội không phải là một
hành động bên lề, một giai đoạn thứ hai tùy chọn các áp dụng thực tế sau một tập
hợp chính các chân lý tín lý; trái lại, chúng nằm ở chính trung tâm của việc
loan báo Tin Mừng.
Cuối cùng, ĐHY giải thích rằng không thể xây dựng
một mối tương quan lắng nghe Lời Chúa thực sự mà không quan tâm đến người nghèo
và liên đới cụ thể với tha nhân. Ngài hy vọng rằng ý thức này sẽ thúc giục các
tín hữu hướng đến một «sự dấn thân sáng suốt và sự tham gia tích cực»
trong thực tại xã hội mà họ đã chọn, dù đó là kinh tế, chính trị, môi trường,
công nghệ, y tế, truyền thông, văn hóa, nghệ thuật hay giáo dục. Bởi vì «yêu
mến Thiên Chúa, yêu mến chính mình và yêu mến tha nhân chỉ là một, không phải
như một ý tưởng hay lý tưởng, nhưng như một kinh nghiệm sống được mở ra trong
hành trình độc nhất của mỗi người trên trái đất».
Tý Linh
Chuyển ngữ từ: Vatican News
Nguồn: xuanbichvietnam.net (29.10.2022)