ĐHY Cláudio Hummes: “Giáo Hội bước đi với đôi chân của linh mục.”

WHĐ (06.08.2009) / ESM – Khi Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI mời Hồng y Cláudio Hummes về Roma để đứng đầu Bộ Giáo sĩ, một trong các nhà Vatican-học người Italia có ảnh hưởng nhất đã mô tả ĐHY Hummes, khi ấy là Tổng giám mục São Paulo ở Brasil, là “một nhân vật tầm cỡ hàng đầu trong Giáo hội hoàn vũ”. Nhà Vatican-học này còn nhận định rằng cùng với ĐHY về giáo triều là “một nước Braxin vô địch thế giới”.

Đã hai năm rưỡi trôi qua từ khi ĐHY Hummes tới Roma. Và vào chính ngày 19-06-2009, lễ kính Trọng thể Trái Tim Chúa Giêsu, “Năm linh mục” được ĐGH loan báo vào giữa tháng ba với các tham dự viên Hội nghị khoáng đại của Thánh Bộ Giáo sĩ tới yết kiến ngài đã được khai mạc.

Đức Hồng y Hummes đã chấp nhận tiếp chúng tôi tại văn phòng của ngài ở Điện các Thánh Bộ. Tại đây, chúng tôi không thể không hướng mắt về một góc phòng: cạnh các bức chân dung của Đức Bênêđictô XVI và Piô XI treo trên tường, là một bức tượng Đức Nữ Đồng Trinh Guadalupe tuyệt đẹp với những màu sắc sống động một cách phi thường. ĐHY nói: “Khi tới đây, tôi đã thấy bức tượng này ở đó rồi. Điều này đem lại cho tôi một niềm vui lớn”.

– Thưa ĐHY, ngài đã học tại Roma từ năm 1959 tới 1962. Ngài còn nhớ lại điều gì của thời gian đầu tiên sống tại Roma này?

– ĐHY Hummes: Khi tôi tới Roma lần đầu tiên, vào năm 1959, Thành Thánh đã gây cho tôi một ấn tượng lớn: tôi được thấy hiện ngay trước mắt tất cả những gì tôi đã được biết, đã tưởng tượng. Là tu sĩ dòng Phan Sinh, tôi tới học triết học tại Antonianum và, trong khi sống một cuộc sống tu sĩ, thỉnh thoảng tôi tới viếng thăm các nơi thuộc ký ức Kitô giáo và của Roma thời đế quốc. Khi ấy tôi 25 tuổi và mới thụ phong linh mục được một năm. Tôi bắt đầu cảm thấy có một lòng tôn kính huyền nhiệm đối với thành phố này. Một tình cảm sâu sắc tôi còn giữ được đến ngày hôm nay bởi vì Roma, trong cái cốt lõi tôn giáo và lịch sử, vẫn là một, dù rằng bao nhiêu năm đã trôi qua. Nhưng thời kỳ này cũng quan trọng đối với tôi bởi vì khi ấy, tôi được sống những buổi đầu của Công đồng chung Vatican II vừa mới được khai mạc. Là người tới từ Braxin, tôi không có một mảy may ý tưởng về những gì sẽ xảy ra. Nhưng nó lại thực sự làm người ta phấn chấn. Tôi đã muốn học, ngoài các thứ khác, Kinh Thánh và Giáo luật. Nhưng cha giám tỉnh của tôi đã “hướng” tôi tới Triết học. Tôi đã say mê với tư tưởng của thánh Augustinô nhưng ở Antonianum tôi lại được học Triết học hiện đại và nhất là Triết học đương thời: Marx, Heidegger, các triết gia Hiện sinh người Pháp. Đây là thời kỳ nền triết học Tân Kinh viện, được suy tư siêu việt của Kant soi sáng, được khẳng định. Tắt một lời, sự đổi hướng này mang tính cách quan phòng đối với tôi bởi vì nó cho tôi hiểu rõ hơn những biến chuyển sâu sắc mà Công đồng cũng đã gợi lên trong lĩnh vực suy tư thần học. Kinh nghiệm này đã rất có ích đối với tôi sau khi tôi trở về Braxin, tại đây, tôi có phận sự không chỉ dạy triết học mà còn phụ trách phong trào Đại kết vào năm 1968. Trước Công đồng Vatican II, phong trào Đại kết chủ yếu là một sáng kiến của các Giáo hội Tin lành, do các thừa sai Tin lành tại châu Phi và châu Á đề xướng từ hậu bán thế kỷ thứ XIX. Quả thực, chính trong bối cảnh này, các cuộc tranh luận về sự phản chứng của tình trạng phân hóa giữa các Giáo hội Kitô giáo ra đời. Trong thời kỳ diễn ra Công đồng, Giáo hội Công giáo đã bắt đầu thấy được sự khẩn thiết phải đối diện với vấn đề Đại kết. Do đó, năm 1968, Hội đồng Giám mục Braxin đã sai tôi tới Thụy Sĩ để chuyên tìm hiểu về phong trào Đại kết tại Viện Đại kết Bossey ở Genève.

– ĐHY có thể cho chúng tôi biết lý do tại sao một giáo sư triết học lỗi lạc như hồng y có lúc lại đã chú ý tới quyền của công nhân, tới nghiệp đoàn, tới các hội nghị của người lao động tại các xưởng máy?

– ĐHY Hummes: Đây là những năm lý thú: tôi hiểu được người nghèo và bị áp bức là gì. Những con người thực, bằng xương, bằng thịt. Điều, cho tới khi ấy, đối với một giáo sư triết học như tôi, quả không mấy hiển nhiên. Vào năm 1975, tôi được chỉ định làm giám mục giáo phận Santo André, một vùng kỹ nghệ lớn của vùng ngoại ô São Paulo, nơi có khoảng hai trăm năm mươi ngàn công nhân kỹ nghệ nặng sinh sống, trụ sở của các công ty đa quốc gia và của kỹ nghệ xe hơi như Volkswagen. Nước Braxin, vào thời kỳ đó, bị kẹt trong gọng kìm của chế độ độc tài quân phiệt, bất kỳ ai nói tới việc huy động để bảo vệ các quyền lợi của công nhân, thợ thuyền, đều bị xem là có ý đồ lật đổ và bị đàn áp trong bạo lực.

Chính vào những năm này, dung mạo của Luiz Inácio Lula da Silva đã bắt đầu nổi lên với tư cách nhà lãnh đạo nghiệp đoàn lớn. Anh hoạt động tại San Bernardo, vùng tập trung công nhân thợ thuyền trong giáo phận của tôi. Tôi được biết anh trong các năm này và chúng tôi cùng làm việc với nhau bởi vì giáo phận Santo André đã đứng ngay về phía phong trào nghiệp đoàn mới và chủ trương bất bạo động này. Chúng tôi thấy các yêu sách của họ là công bằng và đúng đắn. Tôi thường đi với anh trong các chuyến đi của anh, nên cũng bị người ta ném đá khi họ ném đá Lula. Vì quân đội ra lệnh cấm biểu tình công khai ngoài đường phố, nên chúng tôi đã mở cửa các nhà thờ để tiếp nhận các người đình công tới họp hội nghị. Thực vậy, Lula luôn đi trong chiều hướng hành động bất bạo động. Sự ra đời của Đảng người lao động của Lula là khởi đầu cho một diễn tiến tái dân chủ hóa Braxin sẽ diễn ra trong các năm kế tiếp. Kinh nghiệm tôi có được khi hoạt động với các công nhân đã giúp tôi rất nhiều trong các nhiệm vụ kế tiếp của tôi. Năm 1996, tôi trở thành Tổng giám mục của Fortaleza, trong bang Ceará, vùng Nordeste. Và nếu, tại Santo André, tôi đã được biết về sự nghèo khổ của những kẻ sống ở thành thị trong các khu nhà ổ chuột, thì tại Fortaleza, tôi cũng phải đối diện với sự nghèo khổ cũng khủng khiếp không kém của người nông dân không có gì để sống. Tại đây, chúng tôi đã làm việc cật lực. Hai năm sau, với tư cách Tổng giám mục São Paulo, tôi cùng với các cộng sự viên của tôi, chúng tôi quan tâm tới các con người, trẻ em cũng như người lớn, sống trên các đường phố. Đây là một công việc mục vụ khẩn cấp, khó khăn nhưng hấp dẫn.

– Ngài đã được ĐHY Aloisio Lorscheider phong chức giám mục tại nhà thờ chính tòa Porto Alegre, ngày 25.5.1975, và cũng là bạn của Đức Tổng giám mục Luciano Mendes de Almeida. Hai nhân vật khổng lồ của Giáo hội Braxin. Ngài có thể cho chúng tôi biết chút ít gì đó về hai nhân vật này?

– ĐHY Hummes: Lorscheider vượt quá ranh giới của Giáo hội Braxin. Ngài là con người của Giáo hội hoàn vũ. Ngài đã tiếp nhận tôi tại Antonianum ở Roma bởi vì vào năm 1959, ngài dạy thần học tín lý và tôi luôn được xem như đồ đệ của ngài. Điều tôi có thể nói về ngài, đó là ngài đã biết đem lại cho thần học ngoài tính cách giáo thuyết của nó, một sinh khí đạo đức và mục vụ. Khía cạnh khác cần phải nhắc lại là, với tư cách tổng giám mục Fortaleza, ngài đã làm việc một cách không mệt mỏi vì người nghèo trong vòng hai mươi ba năm.

Mendes de Almeida lại thuộc một típ người hoàn toàn khác. Tôi được cái may mắn làm việc với ngài ở Hội đồng giám mục Brasil khi ấy tôi là chủ tịch. Khi tôi làm giám mục Santo André, thì ngài là giám mục phụ tá São Paulo. Như vậy, chúng tôi ở rất gần nhau. Ngài tiếp nhận người nghèo một cách thật độc đáo. Để giúp đỡ một người nghèo, ngài ngừng công việc của ngài, đi theo người này ngoài đường phố hay tới tận nhà của người này, nếu người này có một căn nhà. Khi ấy, không có gì đối với ngài là quan trọng cả, nếu không phải là người nghèo đang ở bên cạnh ngài. Ngài là người duy nhất có thể làm như vậy. Tôi nhớ là đã thường thấy ngài ngủ trong một cuộc họp quan trọng: điều đó có nghĩa là ngài đã đứng suốt đêm để giúp đỡ ai đó, có thể là ngoài đường phố. Đó là một vị thánh.

– ĐHY cũng đã có một nhiệm vụ khác là đào tạo linh mục. Điều này, một cách nào đó, đã đặt ngài trên con đường của nhiệm vụ hiện nay ngài đang đảm nhận.

– ĐHY Hummes: Việc đào tạo linh mục đã đi theo suốt đời tôi. Ngay sau khi tôi từ Roma về, tôi đã dạy tại Đại chủng viện vùng và tại Đại học giáo hoàng Porto Alegre và tôi có quan hệ liên tục với các chủng viện. Đào tạo linh mục là một công việc lớn phải làm một cách đặc biệt bởi vì sau Công đồng, các chủng viện lâm vào tình trạng khủng hoảng. Nhiều chủng viện đi tới chỗ phải đóng cửa. Khi tôi làm giám mục Santo André, tôi và các cộng sự của tôi, chúng tôi gần như phải bắt đầu lại từ con số không trong giáo phận này và chúng tôi đã mở được một chủng viện cho thần học và một chủng việc khác cho triết học. Nhờ ơn Chúa, khi tôi ra đi, hai chủng viện mới này đều đầy chủng sinh. Đoạn tôi được chỉ định làm Tổng giám mục Fortaleza, trong vùng Nordeste. Tại đây cũng vậy, phải triển khai một công việc to lớn về mục vụ ơn gọi và hoàn tất việc xây cất một tòa nhà dành cho lớp dự bị. Năm 1998, tại São Paulo, nơi tôi được chỉ định làm Tổng giám mục, có một chủng viện giáo phận, nhưng không có mấy chủng sinh. Tôi quyết định sử dụng trọn thời gian của một linh mục để làm mục vụ ơn gọi, một quyết định có tính cách quan phòng. Tôi đã phải thay một số linh mục có nhiệm vụ đào tạo các chủng sinh và chúng tôi đã xây dựng một chủng viện mới cho các lớp thần học và mua một tòa nhà cho lớp dự bị. Nhiều người trẻ, vốn có một ơn gọi nội tâm, đã có thể cùng với sự giúp đỡ của chúng tôi biểu lộ ơn gọi này và hiểu được con đường của họ là gì. Trong mục vụ ơn gọi, điểm chính yếu lại thực đơn giản, trong căn bản: người trẻ cần có trước mắt họ một ai đó họ có thể tin tưởng để thổ lộ về ơn gọi của họ và nhận được sự hướng chiều thích hợp với họ.

– Tất cả các kinh nghiệm này rõ ràng là rất có ích đối với Đức Hồng y tại Roma. Và cả trong tương lai, trong viễn tượng của Năm dành cho linh mục. Hình ảnh linh mục trong thời gian gần đây đã bị làm ra lu mờ phần nào vì các trường hợp lợi dụng trẻ em bị các phương tiện truyền thông trên thế giới khuếch đại.

– ĐHY Hummes: Hiện tại là lúc thuận lợi cho Năm linh mục. Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã giao cho Bộ Giáo sĩ nhiệm vụ cổ vũ và phối hợp các sáng kiến đạo đức và mục vụ với các giám mục và các bề trên tổng quyền các dòng tu. Chúng tôi muốn giúp tất cả các linh mục đổi mới lòng yêu thương và sự phấn khởi đối với ơn gọi và sứ mệnh của linh mục. Đây cũng là một dịp để nói lên sự thật: 96% linh mục trên toàn thế giới chẳng liên quan gì đến các hình thức khác nhau của tình trạng bất xứng xuất hiện trong các năm qua. Đa số các linh mục, dĩ nhiên với cả những yếu đuối, những giới hạn, những khiếm khuyết của họ, vẫn hàng ngày dâng cuộc đời của họ cho người khác qua việc hàng ngày thực thi thừa tác vụ và sứ mệnh của họ. Tôi, chúng tôi muốn tích cực làm việc cho họ, giới thiệu với họ các mục tiêu và giúp họ củng cố đời sống tinh thần vốn là nền tảng nâng đỡ mọi hình thức của sứ vụ. Năm Linh mục này muốn là sự nhìn nhận tầm quan trọng của các linh mục. Tại sao các linh mục lại quan trọng như vậy? Bởi vì Giáo Hội bước đi với đôi chân của linh mục. Khi các ngài dừng lại, mọi thứ cũng đứng lại. Khi các ngài bước tới, mọi sự lại bắt đầu cử động. Nếu họ lúng túng, ngập ngừng, sẽ là bế tắc.

Chúng tôi không muốn chỉ nói đến linh mục lý tưởng. Chắc chắn rồi, chúng ta luôn phải noi theo lý tưởng. Nhưng Giáo Hội muốn nhìn nhận các linh mục hiện đang có đó, đang loan báo và làm chứng cho Đức Kitô hôm nay, ở khắp nơi, trên toàn trái đất. Chúng tôi nhìn nhận họ, chúng tôi yêu thương họ, chúng tôi thán phục họ, chúng tôi muốn là những người bạn đối với họ, những người cha. Tắt một lời, các linh mục phải biết được là Giáo Hội yêu thương họ. Vấn đề là tìm cách biến đổi tất cả những tình cảm đó thành cử chỉ cụ thể, có thực. Trên hết, phải làm sao để họ có thể có được một nền đào tạo liên tục giúp họ khám phá ra cái đẹp của cuộc đời họ. Ngay trong xã hội của ngày hôm nay, ngay trong thế giới đang diễn ra này. Chúng ta không được ma quỷ hóa nền văn hóa xã hội đương thời. Bởi vì đó chính là thời gian Chúa ban cho chúng ta để sống. Cũng cần phải nắm lấy các thời cơ, khả năng, các khía cạnh tích cực mà thời gian này dành cho tất cả mọi người, gồm cả các linh mục. Chúng ta phải cầu nguyện với họ và cho họ vì điều đó. Trong các giáo xứ, trong các giáo phận. Và mọi người phải cảm thấy mình có liên quan, được mời gọi để cộng tác. Đức Thánh Cha đã nói với chúng tôi là phải làm việc bằng cách kết hiệp với các giám mục và các bề trên dòng. Năm linh mục phải diễn ra trong toàn thể Giáo Hội.

– Trong bài diễn văn của Đức Thánh Cha trước các người tham dự Hội nghị khoáng đại của Bộ Giáo sĩ, có một đoạn trong đó ĐTC gợi lên khả năng nhận ra các linh mục, qua phán đoán đức tin, hay qua các nhân đức riêng, hoặc qua y phục của họ.

– ĐHY Hummes: Y phục giáo sĩ luôn bắt buộc. Nhưng trong một xã hội đa nguyên, các dấu để nhận diện vẫn còn quan trọng. Cũng vậy, nhưng một cách sâu sắc hơn, dấu chứng mạnh mẽ của sự độc thân, vốn là một dấu chỉ sự siêu việt của Nước Thiên Chúa, có thể và phải là một dấu phân biệt của các linh mục cho phép nhận ra linh mục. Đồng thời, sự kiện được nhận ra lại mang một ý nghĩa bí tích. Đó chính là một hình thức của lòng yêu thương đối với chính ơn gọi của linh mục: ý muốn được nhận ra và không phải bởi những người xa lạ. Có một điều khác nữa mà tôi muốn nói: chúng ta cần phải giúp linh mục hiểu rằng ngồi chờ người khác tới nhà thờ thì không đủ. Ngày nay, cần phải có cái gì khác nữa. Họ cần phải trỗi dậy, đi tìm và Tin Mừng hóa những người đã chịu phép Thánh Tẩy nhưng đã không còn tới nhà thờ và tất cả những ai chưa được chịu phép Thánh Tẩy. Họ cần phải để mình được đánh động bởi hơi thở của Thánh Thần và cần phải bắt đầu lại việc truyền giáo, theo nghĩa hạn hẹp của từ này. Và tôi không chỉ nói đến những nước không phải Kitô giáo mà cả các nước Kitô giáo. Chúng ta không thể bám víu vào một quá khứ không còn nữa. Hiểu được điều này làm người ta hạnh phúc hơn, tự do hơn. 

– Một cách cụ thể hơn, đâu là những cử chỉ, những giờ khắc ý nghĩa nhất của Năm Linh mục này?

– ĐHY Hummes: Chính là việc ĐTC đích thân khai mạc Năm Linh mục vào ngày 19-06, lễ kính trọng thể Trái Tim Chúa Giêsu và là Ngày thế giới cầu nguyện cho sự thánh hóa các linh mục. Tôi muốn nói trước tất cả mọi chuyện là tại Vương cung thánh đường Vatican, thánh tích trái tim của vị thánh Gioan Maria Vianney, cha xứ họ Ars, do giám mục Belley-Ars mang đến và được trưng bày, nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày mất. Vị linh mục giản dị này là một gương mẫu: ngài đã biết lôi kéo về với Chúa Kitô nhiều người bằng cuộc đời ngài đã sống, cách ngài cầu nguyện, làm linh mục, và giải tội. Không bỏ qua các khác biệt về lịch sử và xã hội vốn tách chúng ta khỏi thời đại của linh mục, cần phải nhớ lại rằng, khi ngài tới Ars, chẳng mấy ai lui tới họ đạo của ngài. Thế rồi, nhờ lối sống của ngài, các bài giảng của ngài, nhà thờ dần dần đầy người. Ngài đã trở thành thánh bảo trợ của tất cả các giáo xứ trên thế giới và ngài sẽ được công bố là thánh bổn mạng của tất cả các linh mục.

Trong ngày đó, ĐTC sẽ chủ tọa buổi hát Kinh chiều tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô và sẽ có bài giảng. Mong ước của ĐTC là trong khi diễn ra nghi lễ tại Vatican, các giám mục trong giáo phận của các ngài, các tu sĩ trong các tu viện, và các linh mục chính xứ với các bổn đạo của các ngài cùng khai mạc Năm dành cho linh mục này. ĐTC sẽ soạn một văn kiện và sẽ gửi đến các linh mục. Việc kết thúc Năm linh mục sẽ diễn ra vào tháng 6 năm 2010. Trù tính sẽ có cuộc gặp gỡ thế giời giữa các linh mục với ĐTC tại quảng trường Thánh Phêrô. Vào ngày giờ sẽ được định sau, sẽ diễn ra tại đây, ở Roma, một đại hội quốc tế thần học về dung mạo của linh mục. Mặt khác, trong Năm Linh mục này, Bộ Giáo sĩ sẽ xuất bản một văn kiện về sứ mạng thừa sai của hàng linh mục, kết quả của Hội nghị khoáng đại của Bộ vừa qua. Thánh Bộ cũng sẽ triển khai một tập hướng dẫn dành cho các linh mục giải tội và các linh mục linh hướng, bởi vì thừa tác vụ Hòa giải, vốn là đặc biệt của linh mục, là và sẽ luôn luôn là một yếu tố chủ yếu của đời sống Giáo Hội: Chúa Giêsu đến để hòa giải Thiên Chúa với con người và tất cả mọi con người với nhau. Như Tin Mừng đã viết: “Thiên Chúa không sai Con của Ngài đến trong thế gian để kết án thế gian nhưng để thế gian nhờ Người mà được cứu”.

– Thưa ĐHY, hiện có bao nhiêu linh mục?

– ĐHY Hummes: Vào năm 2006, có tất cả bốn trăm bảy ngàn. Các con số thống kê của năm 2007 do Tòa Thánh cung cấp cho thấy đã tăng thêm một ngàn. Một sự gia tăng đáng kể nhưng không đủ.

– 30Jours đang phổ biến một loạt các bài viết về các đại học giáo hoàng ở Roma. Trong một số bài, đặc biệt trong các bài của các nước châu Mỹ latinh và Braxin, có cho thấy một sự lạc quan nào đó về số người vào chủng viện.

– ĐHY Hummes: Đúng vậy. Có thể có lý do để lạc quan. Các chủng viện bắt đầu đông trở lại. Nhất là tại một số vùng của Braxin. Có thể chúng ta đang gặt hái những thành quả đầu tiên của công cuộc truyền giáo lớn có tính cách lục địa được đẩy mạnh liên tục, cách đây hai năm, tại Aparecida, vào dịp Đại hội nghị lần thứ năm của hàng giám mục châu Mỹ latinh và Caribê. Khi ấy, người ta cũng đưa ra chỉ dẫn hoàn chỉnh diễn tiến của việc Tin Mừng hóa –đã được bắt đầu nhưng dừng lại giữa đường– nơi các người đã được chịu phép Thánh Tẩy và để mở ra cho một cuộc Tin Mừng hóa mới. Tắt một lời, như Chúa Giêsu phán: “Hãy đi khắp nơi trong thế gian và rao giảng Tin Mừng”.

– Thưa ĐHY, ngài có thấy nhớ Braxin không?

– ĐHY Hummes: Đối với tôi, quả là một ân sủng lớn khi được Đức Thánh Cha gọi đến đây, tại Roma. Nhưng phải nói rằng Roma là Roma và São Paulo là São Paulo. Người ta không thể so sánh hai thành phố.

Pina Baglioni thực hiện phỏng vấn

(Theo EUCHARISTIE SACREMENT DE LA MISERICORDE)