Bài Ðọc I: 2 Cr 3, 4-11
"Người đã làm cho chúng tôi trở nên thừa tác viên của Tân Ước, không phải của văn tự, mà là của Thần Trí".
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, chúng tôi tin tưởng như thế trước mặt Thiên Chúa nhờ Ðức Kitô. Không phải chúng tôi có thể nghĩ tưởng điều gì như là bởi chính chúng tôi, nhưng điều đó là do Thiên Chúa: chính Người là Ðấng đã làm cho chúng tôi trở nên thừa tác viên của Tân Ước, không phải của văn tự, mà là của Thần trí, vì văn tự chỉ giết chết, còn Thần trí mới tác sinh.
Nếu việc phục vụ sự chết, được khắc thành chữ trên bia đá, rạng ngời vinh quang, khiến con cái Israel không thể nhìn thẳng vào mặt Môsê vì vinh quang trên mặt ông, dầu đó chỉ là vinh quang nhất thời, thì việc phục vụ Thần trí lại chẳng được vinh quang hơn sao? Thật vậy, nếu việc phục vụ án phạt đem lại vinh quang, thì việc phục vụ công chính lại càng đem vinh quang rực rỡ hơn; và về phương diện này, điều xưa kia là vinh quang, không còn vinh quang nữa so với sự vinh quang cao cả này. Bởi lẽ điều nhất thời mà còn được vinh quang, thì điều vĩnh cửu lại càng được vinh quang nhiều biết mấy.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 98, 5. 6. 7. 8. 9
Xướng: 1) Hãy cao rao Chúa là Thiên Chúa chúng ta, hãy sấp mình dưới bệ kê chân Ngài, đây là bệ ngọc chí thánh.
Ðáp: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Ðấng Thánh (c. 9c).
2) Trong hàng tư tế của Ngài có Môsê và Aaron, và có Samuel trong số người cầu đảo danh Ngài: các ông kêu cầu Chúa và chính Ngài nhậm lời các ông.
Ðáp: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Ðấng Thánh (c. 9c).
3) Trong cột mây, bấy giờ Ngài phán bảo, các ông đã nghe những huấn lệnh của Ngài, và chỉ thị Ngài đã truyền cho các ông giữ.
Ðáp: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Ðấng Thánh (c. 9c).
4) Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, Ngài đã nhậm lời các ông; lạy Chúa, với các ông Ngài xử khoan hồng, tuy nhiên, Ngài đã oán phạt điều các ông lầm lỗi.
Ðáp: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Ðấng Thánh (c. 9c).
5) Hãy cao rao Chúa là Thiên Chúa chúng ta; hãy sấp mình trên núi thánh của Ngài: vì Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Ðấng Thánh..
Ðáp: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Ðấng Thánh (c. 9c).
Alleluia: Tv 24, 4c và 5a
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Chúa và xin hướng dẫn con trong chân lý của Ngài. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 5, 17-19
"Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đừng tưởng Thầy đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri: Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn. Vì Thầy bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành. Bởi vậy, ai huỷ bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời".
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Đã có thời người ta nghĩ rằng theo Công giáo là bất hiếu,
vì phải từ bỏ việc
cúng giỗ cha mẹ tổ tiên.
Nếu người chết cũng
có nhu cầu ăn uống tiêu dùng như người sống,
thì hiếu thảo đòi
phải lo cho người đã khuất được đầy đủ, ấm no.
Nhiều người không
dám theo đạo,
vì sợ theo đạo thì
không được cúng giỗ tổ tiên, phải bỏ ông bà.
Vào thời thánh
Mátthêu, một số người Do thái cũng có nỗi sợ tương tự.
Họ tin vào Đức
Giêsu và muốn trở thành môn đệ của Ngài,
nhưng họ lại sợ làm
thế là bỏ đạo của cha ông, bỏ Do thái giáo.
Họ sợ giáo huấn mới
mẻ của Đức Giêsu làm họ bỏ Luật Môsê,
và không còn thuộc
về dân Thiên Chúa nữa.
Trong bài Tin Mừng
hôm nay, Đức Giêsu khẳng định:
“Đừng tưởng Thầy đến
để bãi bỏ Luật Môsê hay lời các Ngôn sứ.
Thầy đến không phải
là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (c. 17).
Luật Môsê thật ra
là Luật của Thiên Chúa trao qua trung gian ông Môsê.
Môsê đã làm nhiệm vụ
trao lại cho dân Do thái và giải thích Luật ấy.
Người Do thái từ
bao đời đã giữ Luật theo lời giải thích của Môsê.
Bây giờ có một Đấng
mới xuất hiện, là Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa.
Ngài biết rõ ý định
của Thiên Chúa mà Ngài âu yếm gọi là Cha.
Đức Giêsu không gạt
bỏ Luật của Thiên Chúa được trao cho Môsê.
Nhưng Ngài sẽ giải
thích lại Luật ấy cho đúng với ý Thiên Chúa,
vì chẳng ai biết rõ
ý Cha bằng Con.
Trong Bài Giảng
trên núi mà ta sắp nghe trong những ngày tới,
ta sẽ thấy Đức
Giêsu giải thích lại Luật Môsê như thế nào.
Hành vi đó được gọi
là kiện toàn hay hoàn chỉnh.
Một giai đoạn mới
trong lịch sử cứu độ đã được mở ra với Đức Giêsu.
Giai đoạn chung cục
này vừa liên tục, vừa vượt quá giai đoạn cũ.
Đức Giêsu mời chúng
ta tuân giữ nghiêm túc Luật Thiên Chúa đã ban,
nhưng theo cách giải
thích mới mẻ, hoàn chỉnh và có thẩm quyền của Ngài.
Muốn trở nên hoàn
thiện, muốn đón nhận Nước Trời do Ngài khai mở,
cần sống Luật Tôra
đã được Ngài giải thích lại.
Người Kitô hữu gốc
Do thái khi theo Đức Giêsu thì chẳng sợ mình bỏ đạo,
bỏ Lề Luật, bỏ các
Ngôn sứ hay truyền thống của cha ông
Giáo huấn của Đức
Giêsu đã chứa đựng cốt lõi tinh túy của Luật ấy rồi.
Làm thế nào để các
Kitô hữu Á Châu cảm thấy đức tin của mình
không tạo ra sự
xung đột hay đoạn tuyệt
với những giá trị của
nền văn hóa mình đã lãnh nhận và đã sống?
Làm sao để mình sống
viên mãn là một Kitô hữu, một người Công Giáo Rôma,
mà vẫn chẳng mất
căn tính là người Việt Nam hay người Châu Á?
Chỉ cần một điều kiện,
đó là thấy Kitô giáo không phá bỏ, nhưng kiện toàn
tất cả mọi giá trị
cao quý có trong các nền văn hóa và tôn giáo khác.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa,
Chúa đã muốn trở nên con của loài người,
con của trái đất, con của một dân tộc.
Chúa vẫn yêu mến dân tộc của Chúa
dù họ từ khước Tin Mừng
và đóng đinh Chúa vào thập giá.
Xin cho chúng con biết yêu mến quê hương,
một quê hương còn nghèo nàn lạc hậu
sau những năm dài chiến tranh,
một quê hương đang mở ra trước thế giới
nhưng lại muốn giữ gìn bản sắc dân tộc
và bảo vệ nền đạo lý của cha ông.
Xin cho chúng con đừng nhắm mắt ngủ yên
trong sự an toàn và tiện nghi vật chất,
nhưng biết trăn trở trước nỗi khổ đau,
và làm một điều gì đó thật cụ thể
cho những đồng bào quanh chúng con.
Ước gì chúng con biết phục vụ đất nước
bằng khối óc, quả tim và đôi tay.
Và ước gì chúng con biết khiêm tốn
cộng tác với muôn người thiện chí.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J