Bài Ðọc I: 2Sm 7, 4–5a. 12–14a. 16
“Thiên Chúa sẽ ban cho người ngôi báu của Đa vít tổ phụ người”.
Trích sách Samuel quyển thứ hai.
Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Nathan rằng: “Hãy đi và nói với Ðavít tôi tớ Ta rằng: “Ðến khi qua đời, ngươi sẽ được an giấc cùng các tổ phụ ngươi. Kế đó Ta sẽ cho con của ngươi kế vị và làm cho vương quốc ngươi vững mạnh. Chính người sẽ xây dựng cho danh Ta một ngôi nhà, và Ta bảo đảm ngôi báu triều đại ngươi tồn tại đến muôn đời. Ta sẽ là Cha người, và người sẽ là con Ta. Nhà của ngươi và triều đại ngươi sẽ vững chắc đến muôn đời trước mặt Ta; ngôi báu ngươi sẽ vững bền mãi mãi”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 88, 2–3. 4–5. 27 và 29
Ðáp: Miêu duệ người tồn tại đến muôn đời
Xướng: 1) Tôi sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời, qua mọi thế hệ miệng tôi loan truyền lòng trung thành Chúa, vì Ngài đã phán: “Tình thương của Ta đứng vững muôn đời”; trên cõi trời cao, Ngài thiết lập lòng trung tín.
Ðáp: Miêu duệ người tồn tại đến muôn đời
2) Ta đã ký minh ước cùng người Ta tuyển lựa, Ta đã thề cùng Ðavít là tôi tớ của Ta rằng: “Cho tới muôn đời Ta bảo tồn miêu duệ của ngươi, và Ta thiết lập ngai báu ngươi qua muôn thế hệ”.
Ðáp: Miêu duệ người tồn tại đến muôn đời
3) Chính người sẽ thưa cùng Ta: “Chúa là Cha con, là Thiên Chúa và Ðá Tảng cứu độ của con”. Ðời đời Ta sẽ dành cho người lòng sủng ái, và lời ước Ta ký với người sẽ được mãi mãi duy trì.
Ðáp: Miêu duệ người tồn tại đến muôn đời
Bài Ðọc II: Rm 4,13. 16–18. 22
Trích thư thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, không phải nhờ lề luật mới có lời hứa ban cho Abraham hay dòng dõi của ông trở nên kẻ thừa kế thế gian, nhưng là nhờ sự công chính của đức tin. Vì thế, do đức tin, được coi như là theo ân sủng, lời hứa cho mọi dòng dõi được vững bền, không phải chỉ cho kẻ sinh bởi lề luật, mà còn cho kẻ sinh bởi đức tin của Abraham, tổ phụ của mọi người chúng ta, (như có lời chép rằng: Ta đã đặt ngươi làm cha nhiều dân tộc) trước mặt Thiên Chúa, Đấng ông đã tin, Đấng cho kẻ chết sống lại và kêu gọi cái không có như có. Mặc dầu tuyệt vọng, ông vẫn tin rằng mình sẽ trở thành cha nhiều dân tộc, như có lời đã phán với ông rằng: “Dòng dõi người sẽ như thế”. Vì vậy, ông đã được kể như sự công chính.
Đó là lời Chúa.
Câu xướng trước Phúc Âm: Tv 83,5
Lạy Chúa, phúc cho những ai ngụ nơi nhà Chúa, họ sẽ khen ngợi Chúa đến muôn đời.
Phúc Âm: Mt 1,16. 18–21. 24a
“Giuse đã thực hiện như lời Thiên Thần Chúa truyền”
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu
Giacob sinh Giuse là bạn của Maria, mẹ của Chúa Giêsu gọi là Đức Kitô. Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse bạn của bà là người công chính, không muốn tố cáo bà, nên định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo. Nhưng đang khi định tâm như vậy, thì Thiên Thần hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: “Hỡi Giuse con vua Đavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần; bà sẽ sinh hạ một con trai mà ông đặt tên là Giêsu: vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội”. Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời Thiên Thần Chúa truyền.
Đó là lời Chúa.
Hoặc đọc: Lc 2, 41–51a
“Giuse đã thực hiện như lời Thiên Thần Chúa truyền”
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.
Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng Lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày Lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết. Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrusalem để tìm Người.
Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói, đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại. Nhìn thấy Người, hai ông bà ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: “Con ơi, sao con làm cho chúng ta như thế. Kìa cha con và mẹ đây đã đau khổ tìm con”. Người thưa với hai ông bà rằng: “Mà tại sao cha mẹ tìm con. Cha mẹ không biết rằng con phải lo công việc của Cha con ư”. Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói. Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Cô Maria đã đính hôn với ông Giuse và vẫn ở nhà với bố mẹ.
Phải đợi một năm sau cô mới về nhà chồng, mới
làm lễ thành hôn thực sự.
Lạ thay cô lại mang thai khi chưa chung sống
với Giuse.
Điều này hẳn làm Giuse bối rối và suy nghĩ
nhiều.
Ông không thể tố cáo Maria, cũng không thể lấy
cô ấy làm vợ.
Chỉ còn cách là ly dị Maria cách âm thầm kín
đáo.
Nhưng Thiên Chúa không nghĩ thế.
Ý định của Ngài được báo với Giuse trong giấc mộng.
“Đừng
sợ đón Maria vợ ông về,
vì
thai nhi được cưu mang nơi bà là do Thánh Thần” (c. 20).
Giuse hay bị đánh thức vào lúc ông cần nghỉ
ngơi.
Phải có lòng tin thế nào Giuse mới dám nhận
Maria đang mang thai làm vợ.
Tin thai nhi được Maria cưu mang là “do
Thánh Thần” (c. 20),
điều đó không dễ dàng, vì chưa bao giờ xảy
ra trường hợp tương tự.
Tin còn là từ bỏ những toan tính và định tâm
của mình (cc.19-20)
để vâng phục ý định bất ngờ và khó hiểu của
Thiên Chúa.
Điều khiến cho Giuse có một chỗ đứng độc đáo trong lịch sử cứu độ
đó là việc ông đón Maria đang mang thai về
nhà mình làm vợ chính thức.
Đơn giản là ông chấp nhận làm đám cưới với
Maria.
Đón Maria làm vợ cũng là nhận cả thai nhi
trong bụng mẹ làm con.
Giuse là cha khi ông chấp nhận đứng ra đặt
tên cho con trẻ (c. 21).
Ai có thể biết được điều gì sẽ xảy ra nếu
Giuse cứ muốn âm thầm ly dị Maria?
Giuse đã là chỗ dựa sống còn của ơn cứu độ,
là nơi nương tựa của Mẹ và Con.
Nhờ Giuse, Cô Maria không bị mang tiếng ngoại
tình,
và bé Giêsu không phải là con hoang, nhưng
là con thuộc dòng Đavít.
Đức Giêsu sau này có thể công khai và tự tin
đến với dân Ítraen.
Thánh Giuse đã lập gia đình, đã có một mái ấm
với người mình yêu.
Ngài sống như một người chồng, người cha
bình thường.
Nhưng bên trong lại là những mầu nhiệm.
Ngài không thật sự là chồng của Maria, cũng
không thật sự là cha của Giêsu.
Maria không còn là đối tượng để Giuse mê đắm
và chiếm hữu,
vì Maria đã thuộc trọn về Thiên Chúa, cả xác
lẫn hồn.
Maria là một mầu nhiệm, Giêsu cũng là một mầu nhiệm.
Giuse sống bên những mầu nhiệm, nên chính đời
ngài cũng trở thành mầu nhiệm.
Phải đến với mái ấm ở Nadarét ta mới thấy mầu
nhiệm ẩn trong cái bình thường.
Chỉ ai biết nhìn thì mới thấy sự thánh thiện
phi thường ở đó.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
sau hơn 30 năm sống dưới mái nhà ở
Nadarét,
Chúa đã thành một người chín chắn
và trưởng thành,
sẵn sàng lãnh nhận sứ mạng Cha giao.
Bầu khí yêu thương đã góp phần không nhỏ
trong việc hình thành nhân cách của
Chúa.
Chúa đã học nơi thánh Giuse
sự lao động miệt mài,
sự mau mắn thi hành Thánh ý Thiên
Chúa,
sự âm thầm chu toàn trách nhiệm đối
với gia đình.
Chúa đã học nơi Mẹ Maria
sự tế nhị và phục vụ,
sự buông mình sống trong lòng tin
phó thác
và nhất là một đời sống cầu nguyện
thâm trầm.
Xin nhìn đến gia đình chúng con,
xin biến nó thành nơi sản sinh những
con người tốt,
biết yêu thương tha thứ,
biết cầu nguyện và phục vụ.
Ước gì xã hội chúng con lành mạnh hơn,
Giáo hội chúng con thánh thiện hơn,
nhờ có những con người khỏe mạnh,
khôn ngoan
và tràn đầy ơn Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao
Siêu, S.J