Đấng Đáng Kính Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn
Thuận
Nhà thần học và bậc thầy của niềm hy vọng Kitô giáo
(Non scholae sed vitae discitur – Không
phải trường học nhưng chính cuộc sống đào tạo chúng ta)
Tác giả: Stéphane OPPES, ofm
Chuyển ngữ: Lm. Paulus Ý
WGPQN (1.11.2020)
- Ngày 24 tháng 4 năm 1975, Đức Cha Văn Thuận, Giám Mục Giáo Phận Nha Trang từ
năm 1967 được Á Thánh Đức Giáo Hoàng Phaolô VI chọn làm Tổng Giám Mục Phó của
Giáo Phận Thành Phố Hồ Chí Minh, khi đó còn là Sài Gòn. Rất ý nghĩa khi vị Tân
Chức đã từng chọn khẩu hiệu giám mục của mình Gaudium et spes - Vui mừng và hy vọng, là chính đầu đề của Hiến Chế
Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay được Công Đồng Vatican II công bố gần
10 năm trước (7 tháng 12 năm 1965). Chỉ vài tháng sau khi được bổ nhiệm, vào
ngày 15 tháng 8 năm 1975, ngài bị bắt cầm tù cho đến gần 13 năm sau mới được tự
do. Đây là một sự kiện quá đau đớn đến nỗi đã có thể cướp mất khỏi sứ vụ giám mục
cũng như cuộc đời của Đức Cha Văn Thuận niềm vui và hy vọng là chính biểu tượng
giám mục của ngài.
Tiểu sử của Đấng
Đáng Kính Phanxicô-Xaviê Nguyễn Văn Thuận đối với mọi người đã trở thành một mô
hình để cắt nghĩa chiều kích sâu xa của Hiến Chế Gaudium et spes và vòng tay mở rộng của Mẹ Thánh Giáo Hội hướng
đến "con người ngày hôm nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ"
(GS 1). Đây không phải là một nỗ lực nhằm tạo sự lên án, có tính cách ngây thơ
thậm chí là lệch lạc, đối với các cấu trúc và hệ thống chính trị đã khinh thường
con người, ví dụ như chế độ độc tài đã bỏ tù Đức Hồng Y Thuận. Thực ra đây
chính là vòng tay của sự cứu rỗi, của "sự công chính" trong thần học
của Thánh Phaolô, sự công chính hoá đến từ lòng thương xót và tha thứ của Chúa
Cha. Sự công chính hoá này chỉ có thể được trao ban qua sự tôi luyện của Thập
Giá và việc tự hiến tế chính bản thân.
Lịch sử, kinh
nghiệm sống (Erlebnis - sự kinh qua)
của Đấng Đáng Kính Văn Thuận được quyết định trong cách thế ngài đón nhận ân sủng
siêu nhiên của đức cậy và sống nhân đức này mỗi ngày, từ những năm khổ đau
trong tù tội cho đến những tháng cuối cùng trên giường bệnh. Một số phát biểu của
ngài về niềm hy vọng có thể đã phát xuất từ khẩu hiệu được chọn lựa cho sự vụ
giám mục. Trong trường hợp này chúng ta rất dễ quên rằng chúng xuất phát từ
trái tim trước khi ngang qua lý trí, rằng tất cả đã được kinh qua, có nghĩa đã
được "thử thách", bởi vì "nhân đức được thử thách làm nảy sinh
hy vọng" (Rm 5:4), cho dẫu rằng các điều kiện ngoại tại và vật chất, như
tù ngục và bệnh tật, tất cả đều nói lên những gì hoàn toàn trái ngược với niềm
hy vọng ngài gìn giữ và trân quý. Chính lex vivendi (luật sống, cách thế sống)
đã thiết lập lex credendi (luật
tin, cách thế tin).
Đấng Đáng Kính Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận - Thần học gia của hy vọng: Tin
Mừng và Công Đồng Vatican II
Phạm trù đầu tiên
dùng để giải thích niềm hy vọng trong tư tưởng của Đức Hồng Y Thuận tôi xin mượn
từ một thần học gia mà với ngài cũng như với Hồng Y chúng ta, niềm hy vọng của
đức tin - còn ở vị trí trước hơn cả depositum
fidei (kho tàng đức tin) -
đó chính là point de départ, điểm
khởi đầu. Tôi có ý nói đến Thánh Bonaventura da Bagnorio, Vị Tiến Sĩ Giáo Hội của
Dòng Phanxicô, người mà tại viện đại học Seraphicum này, nơi hội nghị chúng ta đang diễn ra, sự tham khảo
về ngài chắc chắn đem lại cho chúng ta một hương vị đặc biệt. Phạm trù để giải
thích niềm hy vọng của Đấng Đáng Kính Hồng Y Thuận chính là phạm trù "hành
trình". Nơi các chủ đề được đề cập ở trên - và trước hết nơi nội dung của
các tác phẩm của ngài - như một điệp khúc các từ ngữ này thường xuyên xuất hiện: "il cammino", "le
chemin", "peregrinos", "el camino"; và thông tường
hơn hết chúng ta đọc thấy "passi" (những
bước), "piccoli passi" (những
bước nhỏ).
Trong tập
sách Hy vọng không chán nản (La
speranza non delude) xuất bản năm 1997, nhưng được viết trong tù như
lá thư thay lời tựa thuật lại, phụ đề của tập sách giải thích: dưới ánh sáng của Kinh Thánh và Giáo Huấn
Công Đồng. Qua lá thư thay lời tựa này chúng ta được biết về bối cảnh trong
đó các suy tư được thành hình, một "giai đoạn khó khăn, đen tối vô tận",
trong một "đêm ngập tràn thinh lặng và cô đơn", "tôi không còn một
thứ gì cả", người tù giám mục thốt lên. Tuy nhiên người tù cũng giải thích
là chính nơi đây "Thiên Chúa đã ban cho tôi những giờ phút tuyệt vời nhất
trong cả cuộc đời... chưa bao giờ lời cầu nguyện thiết tha đến như thế, chưa từng
có Thánh Lễ nào sốt sắng hơn, chưa từng có cơ hội nào thuận tiện hơn để tôi kết
hợp với tình yêu của Thiên Chúa, để tôi chiếu toả tình yêu giữa nơi thù hận và
gieo niềm hy vọng giữa sự thất vọng ê chề". Như thế, trước hết, đây chính
là sự trình bày kinh nghiệm của niềm hy vọng (đức cậy) như là một hồng ân, một
nhân đức đối thần. Tuy nhiên, ngay lập tức để cung cấp chìa khóa giúp giải
nghĩa ân huệ được sống (đây là thần học) ngài viết: "Hãy đọc các suy nghĩ
sâu kín của tôi dưới ánh sáng của Lời Chúa và của Công Đồng". Với viễn cảnh
có thể chết hay bị giết ở trong tù, ngài nhớ lại: "Theo gương Đức Phaolô
VI, đây là lời trối của tôi: "Chương trình hành sự của tôi là thực thi
Công Đồng Vatican II". Rồi đổi từ vai trò của một thần học gia đến vai trò
của một thầy dạy, ngài mời gọi "những người con chí ái" thúc dục họ
"phấn đấu để thắp lên ngọn lửa hy vọng nơi các con sống", rồi ngài kết
thúc lá thư: "Xin Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse củng cố các con
trong từng bước con đi trên con đường hy vọng".
Cũng trong tập
sách xuất bản năm 1994, như phụ đề nói lên, đối chiếu với những gì đã viết trước
đây, niềm hy vọng lần này được trình bày trong sự năng động của một hành
trình, le chemin de l’espérance -
con đường hy vọng được soi sáng bởi hai nguồn: à la lumière de la Parole de Dieu et du concile Vatican II- dưới
ánh sáng của Lời Chúa và của Công Đồng Vatican II.
Dùng một câu
trong bài hát Vexilla regis prodeunt của
Venanzio Fortunato, người Tôi Tớ của Thiên Chúa đã khẳng định rằng Đức Giêsu Cứu
Thế là niềm hy vọng độc nhất, spes
unica! Đây là một nỗ lực để tạo nên một sự rút gọn gấp đôi trong ý nghĩa của reductio của trường phái Thánh Bonaventura, tức là sự rút gọn
thuộc nhận thức luận. Đối với thánh Tiến Sĩ Thiên Thần (Bonaventura), một sự
rút gọn có thể xảy ra nhờ vào lumen -
ánh sáng, sự mạc khải của Thiên Chúa Cha, trong bối cảnh của ý niệm soi sáng
(illuminazione) của trường phái Augustino. Đối với vị Hồng Y người Việt Nam
chúng ta thì ngược lại, sự rút gọn nhận thức học chỉ xảy ra nhờ vào niềm hy vọng
(đức cậy). Do đó toàn bộ Kinh Thánh được rút gọn vào Phúc Âm, và toàn bộ Phúc
Âm được rút gọn vào chính Đức Giêsu, Đấng mà chính tên của Ngài có nghĩa là
Thiên Chúa Cứu Độ (x. Mt 1:21).
Đối với sự rút gọn
thứ nhất, rất an ủi là giáo huấn của Công Đồng Vatican II trong Hiến Chế Tín Lý
Về Mạc Khải của Thiên Chúa - Dei
Verbum, số 16, rất rõ ràng. Đối với sự rút gọn thứ hai chỉ cần đọc câu đầu
tiên của Phúc Âm Thánh Marco cũng đủ: Thánh Sử đã dùng sở hữu từ để diễn tả
"Tin Mừng Đức Giêsu Kitô", Phúc Âm của Chúa Giêsu Kitô.
Cùng nhau chúng
ta sẽ nghiên cứu cụ thể hơn các bản văn của tác giả để tìm xem reductio - sự
rút gọn được thể hiện thế nào thông qua niềm hy vọng. Itinerarium mentis in spem - hành trình của tâm linh trong hy vọng là hành trình và con đường
được vạch ra với chính những bước đi của Con Thiên Chúa. Hành trình này mỗi người
chúng ta đều có thể vạch lại trong cuộc đời và lịch sử của chính mình bằng cách
bước theo dấu chân Ngài, chiêm nghiệm trong chính cuộc hiện sinh của mình những
bước chân của Đức Giêsu Kitô. "Con đường hy vọng" là con đường được
in những dấu chân của Chúa "tiến về máng cỏ Bêlem" trong cung lòng Đức
Maria và rồi được ôm ấp nơi lòng Mẹ "rong ruổi trên con đường Ai-Cập".
Đó là những bước chân "nhanh nhẹn trở về nhà Nazaret", "hớn hở
cùng với cha mẹ tiến lên đền thờ", "mỏi mòn với 30 năm lao động cực
nhọc". Đó là những bước chân "nâng đỡ khích lệ trong ba năm rao giảng
Tin Mừng" và những bước chân "lo lắng đi lùng kiếm chiên lạc"
trong ba năm của sứ vụ công khai. Cuối cùng nơi trung tâm điểm của mầu nhiệm Đức
Kitô, mầu nhiệm Tử Nạn Phục Sinh, đó là "những bước chân đau đớn tiến vào
Giêrusalem", "cô đơn đứng trước công tọa", "lê lết dưới sức
nặng của thập tự trên con đường Calvario"; đó là những bước chân thất thế
của người phải chết và bị chôn cất (trong ngôi mộ không phải là của mình!). Đó
là những bước chân vâng lời Cha, là sự "lắng nghe tùng phục" Chúa
Cha. Chính những bước chân này cho chúng ta nơi hành trình trong hy vọng của mình có thể đi "với những bước
chân khổng lồ", với "những bước chân dũng cảm" và "với những
bước chân phiêu lưu".
Phương cách chú
giải Tin Mừng bằng chìa khoá hy vọng của Đức Hồng Y Văn Thuận đã được Công Đồng
Vatican II khuyến khích, đặc biệt trong Gaudium et spes, mà ngài đã chọn làm khẩu hiệu cho sứ vụ giám mục của
mình. Ngài đã viết: "Đối với tôi, sống là một sự đổi mới liên tục trong
tinh thần của Công Đồng Vatican II".
Xét về phương
pháp của itinerarium in spem –
cách diễn tả mang trong chính nó, trong chính từ ngữ học, con đường và hành
trình - người ta dần dần và liên tục tiến về phía hy vọng, vào trong hy vọng.
"Con đường hy vọng được lát bằng những bước hy vọng nhỏ. Cuộc đời hy vọng
được cấu tạo bằng những giây phút hy vọng ngắn ngủi". Nơi đây Đức Hồng Y
Văn Thuận từ thầy dạy trở thành nhà thần học của hy vọng: niềm hy vọng Kitô
giáo - sự tiếp nhận người Kitô hữu tạo nên nhờ hồng ân của Thiên Chúa, là một
nhân đức đối thần - hình thành từ "những bước ngắn ngủi" trong
"những giây phút ngắn ngủi". Đó là hoạt động bền bỉ, hay nói cách ngắn
gọn, hoạt động "bướng bỉnh". Thánh Toma (Aquino) đã giải thích một
cách tổng thể rằng niềm hy vọng (đức cậy) là một "đam mê", và "sự
đam mê là một chuyển động, như Aristote giải thích". Như vậy, hy vọng
không có gì liên hệ với sự chờ đợi thụ động hay sợ hãi.
«Chúa hướng dẫn
con trên còn đường đó để con có thể "đi và mang lại hoa trái tồn tại"
(Gio 15:16). Con đường có tên là "con đường hy vọng" bởi vì nó cũng đẹp
như chính niềm hy vọng đang rọi sáng nó. Tại sao con không có hy vọng khi con
cùng lên đường với Đức Giêsu hướng về Chúa Cha?". Đây chính là lời nói đầu
của cuốn Hy vọng không chán nản.
Ngay sau đó Đức Hồng Y Văn Thuận đã giải thích và chỉ ra "bí mật của con
đường này bao gồm 3 giai đoạn: 1. Khởi hành: "Từ bỏ chính mình"; 2. Bổn
phận: "Vác lấy thập giá mỗi ngày"; 3. Bền chí: "Hãy theo
Ta" (Lc 9:23).
Đấng Đáng Kính Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận - Thầy dạy của hy vọng: Cầu
nguyện và chiêm niệm
Cầu nguyện
trong itinerarium in spem của
Đấng Đáng Kính của chúng ta được xem như chiếc thang, với các nấc hoặc chốt của
nó, cho phép đi lên cho đến Nguồn Hy Vọng là Thiên Chúa Cha. Điều này được Đức
Giáo hoàng Bênêđictô XVI quảng diễn trong Tông Huấn viết về niềm hy vọng Spe salvi, ngày 30 tháng 11 năm 2007. Giải
thích cái gọi là "nơi chốn" của việc học hành và tập tành nhân đức cậy,
Tông Huấn đưa ra thứ tự sau: I. Cầu nguyện (n. 32-34); II. Hành động và đau khổ
(n. 35-40); III. Phán đoán (n. 41-48).
Trong ba đoạn
trong đó Đức Bênêđictô XVI nói về "nơi chốn cần thiết đầu tiên để học tập
đức cậy" (I. Cầu nguyện như học đường của đức cậy), có hai trích dẫn trong
Tông Huấn liên quan đến Đấng Đáng Kính Văn Thuận. Như trong một bố cục văn
chương, hai trích dẫn của Đức Hồng Y đáng ghi nhớ (từ ngữ trong tiếng Latinh
"recolentae memoriae" rất ít kịch tính và gắn liền hơn với ký ức về một
người cha trong đức tin) mở đầu và kết thúc cho chủ đề cầu nguyện, đặt giáo huấn
của người Tôi Tớ Thiên Chúa như hải đăng cho toàn thể vấn đề. Hai tác phẩm khác
nhau của vị mục tử Việt Nam được trích dẫn: trích dẫn thứ nhất lấy từ "tuyển
tập quý giá" (praestantem libellum) Lời cầu nguyện của hy vọng; trích dẫn thứ
hai lấy từ tập Linh Thao ngài giảng cho Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và
Giáo Triều Roma vào Mùa Chay của Đại Năm Thánh 2000: Những chứng từ của hy vọng.
Đức Bênêđictô
XVI, trong Tông Huấn Spe salvi,
viết rằng " Đức cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, một người tù trong 13 năm,
trong đó có 9 năm bị biệt giam, đã để lại cho chúng ta cuốn sách nhỏ quý
giá: Những Lời Cầu Nguyện của Niềm
Hy Vọng. Trong vòng 13 năm tù đầy, trong một tình trạng hầu như là tuyệt
vọng, sự kiện là ngài có thể lắng nghe và thân thưa với Chúa đã trở nên một quyền
năng hy vọng gia tăng cho ngài, khiến ngài, sau khi ra khỏi tù, đã trở nên một
chứng nhân hy vọng cho dân chúng trên toàn thế giới – chứng nhân của một niềm
hy vọng lớn lao không tàn lụi ngay cả trong những đêm đen của cô liêu" (n.
32).
Bản văn không
trưng dẫn một lời nào trong Những Lời
Cầu Nguyện của Niềm Hy Vọng, nhưng chính con người cầu nguyện của Đức Hồng
Y Thuận, niềm hy vọng của ngài và đức tin sống động của ngài được đề cao. Nơi
đây người Tôi Tớ của Thiên Chúa được nói đến như một người thầy của niềm hy vọng
Kitô giáo. Trên tất cả, Tông Huấn đã đề cao chính cách thế qua đó ngài dùng để
đáp trả một cách anh hùng đối với ân sủng của Thiên Chúa: «sự kiện là ngài có
thể lắng nghe và thân thưa với Chúa đã trở nên một quyền năng hy vọng gia tăng
cho ngài".
Tiếp tục theo dõi
Tông Huấn Spe salvi, chúng ta đọc
thấy Đức Bênêđictô XVI, trong khi nhấn mạnh đến việc trộn lẫn kinh nguyện phụng
vụ và lời nguyện cá nhân rất cần thiết cho cuộc sống trong hy vọng, đã nhắc đến
gương mẫu và giáo huấn của Người Tôi Tớ Thiên Chúa: « Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận,
trong quyển sách của ngài về luyện đàng thiêng liêng, nói với chúng ta rằng
trong cuộc đời ngài, có những thời gian dài ngài đã không thể cầu nguyện được
và ngài đã phải bám lấy những kinh nguyện của Giáo Hội như kinh Lạy Cha, kinh
Kính Mừng và các kinh nguyện phụng vụ. Cầu nguyện phải luôn luôn có sự pha trộn
giữa lời cầu nguyện chung và cá nhân" (n. 34).
Trích dẫn này được lấy ra từ một bài viết về Phụng
vụ Đức Hồng Y Thuận dùng trong khi ngài giảng tĩnh tâm cho Giáo Triều có sự
tham dự của Thánh Gioan Phaolô II; trong đó Đức Hồng Y Đáng Kính viết:
"Chúng ta không thể hình dung hết được sức mạnh của những lời kinh phụng vụ
có thể thẩm thấu vào trong linh hồn. Khi tôi cảm thấy buồn chán trong tù, tôi
đã hát thánh thi kinh chiều của lễ các thánh tử đạo (Sanctorum meritis) và mỗi lần như vậy dường như có một sự tiếp sức
mạnh mẽ của Thánh Thần trong tôi... Một cách cuối cùng để cầu nguyện như một
giám mục trong tù là tôi để mình chìm đắm vào Di Chúc của Đức Giêsu: vào trong
những lời nói sau cùng của Ngài, vào trong những hành vi sau cùng của
ngài". Tôi thiết nghĩ hình ảnh "chìm đắm" mà Đấng Đáng Kính dùng
có thể hiểu là chính sự "chiêm niệm". Đối tượng của sự chiêm niệm,
trước hết và trên hết, chính là Mầu Nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô, những
bước cuối cùng của Đức Giêsu ghi dấu cho itinerarium mentis in spem - hành trình tâm linh trong hy vọng.
Di chúc của Đức
Giêsu và Mầu Nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài được thực tại hoá trong Bí Tích
Thánh Thể mà các Kitô hữu Đông Phương gọi là Phụng Vụ tuyệt hảo, Phụng Vụ Thần
Thánh. Trong tập sách Năm Chiếc Bánh
Và Hai Con Cá, chương 4 với tựa đề "Chiếc bánh thứ tư: sức mạnh duy nhất
của tôi, Thánh Thể", Người Tôi Tớ của Thiên Chúa nhớ lại cách thức ngài đã
cải trang để có cử hành Thánh Lễ trong tù, truyền phép trong một bàn tay với
vài giọt "thuốc chữa bịnh dạ dày" và "bánh thánh giấu trong một
lọ chống ẩm". Ngay trong cách thức này Đức Hồng Y Văn Thuận cũng sống và
kinh nghiệm điều Công Đồng dạy trong Gaudium
et Spes: "Chúa đã để lại cho những kẻ thuộc về Người bảo chứng cậy
trông và lương thực đi đường trong bí tích đức tin; trong bí tích ấy, những yếu
tố thế trần, kết quả của lao công con người, được biến thành Mình và Máu vinh
hiển, nên bữa ăn hiệp thông huynh đệ và nếm hưởng trước bữa tiệc trên trời"
(n.38).
Đức Hồng Y Thuận
trong Những Lời Nguyện của Hy Vọng nhấn
mạnh rằng "con dâng Thánh Lễ đúng qui thức phụng vụ không đủ. Ngày
xưa Chúa không theo qui luật phụng vụ ngày nay": Cần phải dõi bước
theo Đức Kitô trên con đường hy vọng. Để giúp chúng ta hiểu phải cử hành Thánh
Lễ như thế nào, ngài cầu nguyện: "Xin cho chúng con dâng lễ như Chúa.
Nếu chúng con không dâng chính mình, làm hy lễ toàn thiêu; Nếu cuộc
đời chúng con không chịu đói, chịu khát, chịu sỉ nhục, chịu nhổ,
chịu vả vào mặt, chịu đội mão gai, chịu vác thánh giá, chịu đánh
đòn, chịu trói, chịu ngã quỵ, chịu đóng đinh, chịu chết, chôn trong
mồ người khác; thì con phải xét mình, phải sám hối, hoán cải;
phải biến chuyển, lột xác; vì con chưa tế lễ như Chúa. Nếu con còn
lo sợ, con kiếm cách tránh né thân phận Chúa, thì dù con có theo nghi
thức nào có long trọng đến đâu con cũng không tế lễ với tâm tình
Chúa".
Đức
Giáo Hoàng Phanxicô, trong Tông Huấn mới nhất Gaudete et Exsultate về lời mời gọi nên thánh trong thế giới
hôm nay, giới thiệu Hồng Y Văn Thuận như bậc thầy của niềm hy vọng. Ngài đã làm
điều này ngay trong chương đầu "Lời Mời Gọi Nên Thánh", trong tiểu đề
"Cả bạn nữa cũng thế", Đức Giáo Hoàng viết: « Có những lúc cuộc sống
gặp phải những thách đố lớn lao. Xuyên qua chúng, Chúa lại mời gọi chúng ta đi
vào một cuộc hoán cải vốn có sức làm cho ân sủng của Ngài trở nên rõ ràng hơn
trong đời sống mình, 'để chúng ta có thể tham dự vào sự thánh thiện của Ngài'
(Dt 12,10). Có những lúc khác, chúng ta chỉ cần tìm ra cách thế hoàn hảo hơn để
làm những gì mà mình vốn làm: 'Có những cảm hứng chỉ thúc đẩy ta làm cho hoàn hảo
những việc bình thường trong đời sống bằng một cách thế phi thường'. Khi Đức Hồng
Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận bị cầm tù, ngài từ chối phung phí thời gian
trong việc chờ đợi ngày được phóng thích. Thay vào đó, ngài chọn 'sống
giây phút hiện tại, lấp đầy nó với tình yêu'. Ngài quyết định: 'Tôi sẽ tận
dụng các cơ hội có được mỗi ngày; tôi sẽ chu toàn các việc thường ngày của tôi
một cách phi thường' (Gaudete et
exsultate, n. 17).
Trích dẫn muốn
nói đến những bước nhỏ tạo nên itinerarium
mentis in spem - hành trình tâm linh trong hy vọng của Đức Hồng Y Văn
Thuận như một lời đáp trả vui mừng cho ơn gọi nên thánh hướng đến mọi người. Chớ
gì khi nhìn vào hành trình này của Đấng Đáng Kính Văn Thuận, toàn thể Giáo Hội
và mỗi một người trong chúng ta cảm nếm được những gì ngài để lại cho chúng ta
như lời cầu chúc và phúc lành:
Hãy khám phá niềm vui của hy vọng!
Nguồn: gpquinhon.org