Lời Chúa: Ga 16, 12-15

Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn, Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng nghe gì, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Cha có, đều là của Thầy. Vì thế Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.”

Suy niệm:

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm chính của đức tin.
Đây là nguồn cội của mọi mầu nhiệm đức tin khác.
Ta chỉ biết được mầu nhiệm này nhờ mặc khải từ trên.
Trí khôn con người không hiểu được
làm sao chỉ có một Thiên Chúa duy nhất,
nhưng Thiên Chúa ấy lại là ba, là Cha, Con và Thánh Thần
Cha là Thiên Chúa, Con là Thiên Chúa, Thánh Thần là Thiên Chúa,
nhưng không có ba Thiên Chúa, mà chỉ có ba Ngôi vị thần linh.
Ba Ngôi vị có vinh quang và uy quyền ngang nhau,
cùng được phụng thờ và tôn vinh như nhau. 

Chúa Ba Ngôi từ từ vén mở cho ta thấy Ngài là ai.
Để có thể diễn tả phần nào mầu nhiệm, cần nhiều thế kỷ.
Hội Thánh từ từ nhận ra Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa Con Một,
Người Con được Thiên Chúa Cha sinh ra từ ngàn đời.
Hội Thánh từ từ nhận ra Thánh Thần là Thiên Chúa,
là một Ngôi vị bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra.
Cuối cùng, Hội Thánh khám phá ra mầu nhiệm Thiên Chúa,
là ba Ngôi vị, là Cha, Con và Thánh Thần.
Cả ba Ngôi có cùng một bản thể thần linh.
Dù được giải thích, chúng ta vẫn không hiểu hết mầu nhiệm.
Như đứa bé múc nước đại dương đổ vào lỗ nhỏ trên bãi cát,
chúng ta không thể múc cạn được mầu nhiệm cao siêu.
Tuy nhiên, bài Tin Mừng hôm nay hé lộ cho ta thấy
tương quan giữa ba Ngôi vị với nhau, và với người tín hữu. 

Cả ba Ngôi Thiên Chúa đều hướng về nhau, sống cho nhau.
Cha là nguồn cội của tất cả thần tính (GLGHCG 245).
Cha chẳng giữ gì cho mình, nhưng chia sẻ tất cả.
Chỉ Cha mới có sự sống nơi chính mình và có quyền xét xử,
nhưng Cha đã ban các quyền ấy cho Con (Ga 5,22-23.26).
Cha ban cho Con quyền năng trên mọi người (Ga 17,2),
Cha trao mọi sự trong tay Con (Ga 3,35),
bởi đó Đức Giêsu mới nói: “Mọi sự Cha có là của Thầy”
Hay: “Mọi sự của Con là của Cha,
và mọi sự của Cha là của Con” (Ga 16,15; 17,10).
Thánh Thần lấy từ kho tàng của Con cũng là của Cha,
để loan báo cho các môn đệ Chúa Giêsu thuộc mọi thời. 

Cả ba Ngôi Thiên Chúa cùng nhắm đến con người,
cùng nhau hoạt động để cứu thế gian tội lỗi.
Thiên Chúa Cha yêu thế gian đến nỗi ban Người Con Một
xuống thế làm người, bị giương cao trên thập giá,
để xóa tội cho nhân gian (Ga 1,29).
Khi Người Con này về với Cha, Cha lại sai Thánh Thần,
là Thiên Chúa Ngôi Ba, để tiếp tục công việc còn dang dở.
Các môn đệ chưa hiểu hết lời của Thầy Giêsu nói với họ.
Thánh Thần sẽ giúp họ hiểu lời Thầy đã nói trước đây,
hiểu sứ mạng của Thầy, và hiểu con người thật của Thầy. 
Thầy Giêsu là sự thật đem lại sự sống (Ga 14,6).
Thánh Thần sẽ dẫn các môn đệ thuộc mọi thời đại
đi vào trong sự thật trọn vẹn về Thầy Giêsu,
giúp ta tin Thầy là Con Một Thiên Chúa (Ga 16,13).
Thánh Thần sẽ giúp ta hiểu rất sâu lời của Thầy,
và áp dụng trong những hoàn cảnh mới mẻ của cuộc sống. 

Khi chiêm ngắm chương trình cứu độ con người của Ba Ngôi,
ta thấy các Ngôi vị cùng làm việc với nhau cách hài hòa.
Cha sai phái Con và Thánh Thần đến với thế giới.
Mỗi Ngôi làm mỗi việc, nhưng việc nào cũng có mặt Ba Ngôi.
Ngôi nào cũng tự xóa mình khi làm việc với nhau.
Con và Thánh Thần đều không tự mình nói (Ga 12,49; 16,13).
Con nói nhờ nghe Cha, Thánh Thần nói nhờ nghe Con.
Con tôn vinh Cha và Cha tôn vinh Con (Ga 8,54).
Thánh Thần tôn vinh Con (Ga 16,14). 

Ta học được nhiều điều từ cuộc sống của Chúa Ba Ngôi.
Cách sống, cách cộng tác của Ba Ngôi là mẫu mực cho ta.
Chúng ta cố xây dựng mọi cộng đoàn kitô hữu
thành một hình ảnh sống động của Ba Ngôi cho thế giới. 

Cầu nguyện: 

Lạy Thiên Chúa,
xin ban cho con sự thanh thản
để chấp nhận những điều con không thể đổi,
lòng can đảm
để đổi những điều con có thể đổi,
và óc khôn ngoan
để phân biệt đôi bên. 

Con sống từng ngày một,
thưởng thức từng giây một;
chấp nhận đau khổ như con đường dẫn đến bình an. 

Thế giới tội lỗi này như thế nào,
con đón nhận nó như vậy,
không đòi nó phải theo ý mình. 

Con tin rằng nếu con lụy phục ý Chúa,
thì Chúa sẽ làm cho mọi sự được ổn thỏa.
Con tin rằng con có thể khá hạnh phúc ở đời này,
và vô cùng hạnh phúc với Chúa mãi mãi ở đời sau. (Reinhold Niebuhr)

Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ