LỜI CHỦ CHĂN GIÁO PHẬN XUÂN LỘC

THÁNG 10 NĂM 2022

CÙNG VỚI CÁC TÔNG ĐỒ, CON CHIÊM NGẮM MẸ[1]

Quý Cha và Quý Tu sĩ thân mến,

‘Giáo hội khuyến khích hết mọi con cái hãy nhiệt tâm phát huy lòng sùng kính Đức Nữ Trinh, nhất là trong phụng vụ’ (GH 67). ‘Việc tôn kính Đức Maria khuyến khích thêm việc thờ phượng Thiên Chúa Ba Ngôi (GH 66). Giáo hội nhắn nhủ: ‘Lòng tôn sùng chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức Tin chân thật, đức Tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta’ (GH 67).

Ta hãy ‘Cùng với các Tông đồ, con chiêm ngắm Mẹ’.

Một

Tại ‘vùng Caisaria của Philip’ (Mt 16: 13), tại ‘những làng mạc giáp Caisaria của Philip’ (Mc 8:27), Chúa Giêsu, ‘trên đàng’ (Mc), Chúa Giêsu ‘trong khi Người cầu nguyện riêng một nơi, và có môn đồ ở với Người’ (Lc), Chúa hỏi môn đồ rằng: ‘Theo như dân chúng nói, thì Ta là ai?’… Sau đó, Chúa lại hỏi: ‘Còn các con, các con nói Ta là ai?’...

Trả lời câu hỏi trước, lời đáp là của cả nhóm ‘họ thưa’. Cho câu hỏi thứ hai, lời đáp là của một mình Phêrô. Mức độ nội dung hai lời đáp cao thấp cách biệt… rất xa.

Dân chúng từng vây quanh Chúa, ngưỡng mộ, thán phục, trực giác ‘các lời về ân sủng xuất bởi miệng Người’ (Lc 4: 22), dẫn tới nhận định Người là ‘Gioan Tẩy giả… là Êlya’ (Lc 9: 19), là ‘Giêrêmia’ (Mt 16: 14), ‘là một vị nào trong các Tiên tri’ (Mc 8: 28).

Phêrô là người đã được Chúa gọi lên núi (Mc 3: 13), được đặt vào nhóm mười hai, để ở với Người và để Người sai đi rao giảng. Lời đáp của Phêrô đi vào mầu nhiệm siêu phàm của Thầy: ‘Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống’ (Mt 16: 16). Giá trị vượt bực của lời tuyên xưng này hệ tại điều Chúa xác nhận: ‘Simon, Baryôna, con có phúc, vì không phải thịt, máu, đã mạc khải cho con, mà là Cha Ta, Đấng ngự trên trời’ (Mt 16: 17)…

Tuy nhiên, Chúa Giêsu không dừng lại ở đó, chính Người dẫn nhóm mười hai bước tiếp vào trung tâm mầu nhiệm nhập thể cứu chuộc nhân loại ‘Con Người phải chịu nhiều đau khổ, và bị hàng niên trưởng và các thượng tế cùng ký lục phế thải, bị giết đi, và ngày thứ ba sẽ sống lại’ (Lc 9: 22: ‘Lễ Vượt Qua…’ ‘Ta ước ao khao khát ăn lễ Vượt Qua này với các con…’ (Lc 22: 15).

Còn ai trải nghiệm về Chúa Giêsu và theo luận lý hiện sinh, trải nghiệm về Mẹ của Chúa hơn các Tông đồ? Chiêm ngắm Đức Mẹ cùng với các Tông đồ, chúng ta dựa vào chỗ vững chắc nhất, điểm tựa uy tín nhất.

Hai

Thánh Phaolô, nhà thần học của mầu nhiệm Vượt Qua, đề cập rất ít về cuộc đời Chúa Giêsu. Thánh Tông đồ chỉ một lần gợi đến sự kiện Chúa sinh ra: ‘Thời viên mãn đến, Thiên Chúa đã sai Con của Người, sinh bởi người nữ, sinh dưới quyền lề luật…’ (Gal 4: 4). Lối viết gây ngạc nhiên, người ta chờ đợi tên người cha, nhưng Phaolô nhấn mạnh sự liên đới của Chúa Kitô với nhân loại, với thân phận mỏng dòn của Con Thiên Chúa, được sinh bởi một người nữ trong một dân sống dưới lề luật.

Thánh Marcô không thuật biến cố Chúa Giêsu sinh ra nhưng lưu ý hai điều. Nơi đoạn 3: 21, Thánh sử nói đến ‘những kẻ thân thuộc’ tỏ ra đối kháng Chúa, nhưng sau đó, nơi 3: 31.34, cho thấy ý nghĩa sự đối kháng giữa gia đình huyết thống và gia đình những người làm Thánh Ý Thiên Chúa.

Điều thứ hai, đặc sắc là qua câu hỏi ‘Ông ấy không phải là bác thợ mộc, con bà Maria và anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon đó ư? (6: 3), Thánh sử ghi nhận ‘con bà Maria’ trong khi Matthêu và Luca, tường thuật những chứng từ biến cố thụ thai đồng trinh của Đức Mẹ, lại nói: ‘Không phải ông ấy là con bác Giuse sao?’ (Lc  4: 22; cf. Lc 3: 23).

Thánh Matthêu mang nhãn quan Kitô-Dothái mở sứ mạng cứu thế của Chúa đến phổ quát (Mt 28: 18). Ngay hai đoạn đầu sách Tin Mừng, Thánh sử nhắm trả lời nghi vấn: ‘Ai là Đấng Messia, Người đến từ đâu?’. Gia phả Chúa Giêsu hướng đến ‘Giuse, hôn phu của Maria, bởi bà thì Đức Giêsu, gọi là Kitô, đã sinh ra’ (1: 16). Gia phả này được trình bày dưới nhãn quan phương diện Giuse, người công chính, nhận sứ mạng đưa Chúa Giêsu vào hoàng tộc Đavit. Nơi gia phả này, mạc khải mở cho thấy cuộc thụ thai khiết trinh của Mẹ Maria trong tác động của Chúa Thánh Thần như đã được tiên báo Is, 7: 14, chống lại những sai lạc nơi phái Ebionite, cho rằng Chúa Giêsu là con của Giuse và Maria, không phải là Con của Thiên Chúa. Lời tường thuật ‘giữa ông và bà, không có việc tri giao vợ chồng, cả đến lúc bà sinh con’ (Mt 1: 25) nhắm trực tiếp cuộc thụ thai đồng trinh của Mẹ.

Trong tường thuật các đạo sĩ tìm Đấng Messia thuộc hoàng tộc Đavit (Mi 5: 1), Giuse đóng vai trò chính, nhưng khi tới Bêlem, các đạo sĩ thấy ‘Hài Nhi cùng Maria, mẹ Ngài, và họ phục mình xuống yết bái Ngài’ (Mt 2: 11).

Thánh sử Luca viết Tin Mừng nhắm tới anh em dân ngoại tin vào Chúa Kitô. Cuộc đời và sứ mạng của Chúa Kitô được hiểu trong mạch liền với Cựu Ước: Sự liên tục của ý định Thiên Chúa bất chấp những suy sụp lịch sử.

Khác thánh sử Matthêu, Luca chú ý tới Maria hơn là Giuse. Trong văn phong Cựu Ước tường thuật cuộc đời Samuel, Luca đặt sóng đôi cuộc đời Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu để chiêm ngắm vẻ đẹp nổi bật về Mẹ Maria đầy lòng tin, nhận lời chào ‘Đầy ân sủng’, vang vọng cái phúc thời Messia của Nữ Tử Sion (So 3: 14; Za 9:9), lời chào làm nền tảng tín điều Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Vương quyền Đấng Messia là chính Hài Nhi, Thánh Thần sẽ đến trên Mẹ, và quyền năng Đấng tối cao trên Mẹ ‘rợp bóng’ (x. Lc 1: 35) xác nhận nguồn cội Thiên Chúa của Hài Nhi.

Đã thoáng mở nơi đây ánh sáng mầu nhiệm vượt qua và kế hoạch cứu độ. Đã thấy nơi đây giá trị tuyệt vời của tấm lòng ưng thuận trong tự do của Mẹ, Nữ Tỳ Thiên Chúa (Lc 1: 37) trước sự nhập cuộc của Thiên Chúa, diệu kỳ hơn cả ân huệ người con Isaac cho cụ tổ Abraham: Sara ‘cười’ nghi ngờ, được ba người khách lạ đáp: ‘Nào có gì quá ư huyền diệu đối với Đức Chúa’ (St 18: 14).

Lời chúc tụng ‘Magnificat’ diễn tả tâm tư toàn dân Thiên Chúa, niềm vui cứu độ, nỗi mong chờ giải oan cho người nghèo, lòng cậy vào sự kiên trì của Thiên Chúa xuyên qua mọi bóng tối và các thời đại.

Mẹ quảng đại đón nhận ‘Lời’, đón nhận trong lặng thầm nguyện cầu ‘và hồn bà, mũi gươm sẽ đâm thâu’ (Lc 2: 35), hình ảnh có một không hai về người Mẹ hiền dưới chân Thập giá. Hạt lúa mì Giêsu chịu ‘phế thải’ (Lc 9: 22), sẽ trổ sinh gấp bội bông hạt, sự sống bất tận phục sinh…

Vào thời điểm cứu độ triệt để này, ‘Mẹ Chúa Giêsu’ (CvTđ 1: 14) hiện diện cùng các Tông đồ, trong mối liên hệ giữa biến cố Chúa Giêsu ‘gục đầu xuống, Ngài phó thác Thần khí’ (Ga 19: 30), Chúa Phục sinh ‘thổi hơi’ trên các Tông đồ’ (Ga 20: 22), ‘ngọn cuồng phong thổi đến vang dậy cả nhà’ (CvTđ 2: 2)… với ơn Chúa Thánh Thần ngự đến trên Mẹ ‘rợp bóng’ (x. Lc 1: 35).

Thánh Gioan nhạy cảm trước mạc khải về nguồn cội Thiên Chúa của ‘Ngôi Lời (Logos) làm người’ (x. Ga 1: 14).

Thánh nhân không gọi Thánh Danh Maria của Mẹ nhưng dùng thuật ngữ ‘Mẹ Chúa Giêsu’. Mẹ xuất hiện trong hai trường hợp. Trước tiên tại Cana, cùng với nhóm môn đồ và anh em Ngài (Ga 2: 1.12). Với lối diễn tả bằng ‘dấu chỉ’, thời điểm tiệc cưới vào ‘ngày thứ ba’ trong chuỗi những hoạt động khởi đầu loan Tin Mừng, chỉ về lễ vượt qua của Chúa, Mẹ Maria hiện diện mang nỗi lắng lo của nhà đám, lời xin giúp của Mẹ bị từ chối vì ‘giờ’ của Chúa chưa đến. Ở đây giống như nơi Tin Mừng Nhất Lãm, Chúa Giêsu muốn phân biệt mối liên hệ huyết thống và thiêng liêng… Tuy nhiên lời Mẹ nói với gia nhân tỏ rõ vai trò có một không hai của Mẹ trước Chúa Con (cf. St 41: 55).

Trường hợp thứ hai, thánh sử Gioan tường thuật ‘giờ’ Chúa chịu đóng đinh là giờ Chúa đãi bữa ‘agape’ cho dân Chúa và nhân loại. Mẹ Chúa Giêsu đứng ở chân Thập giá bên người môn đệ Chúa yêu (cf. Ga 19: 25). Giáo hội nhận biết qua lời ‘Hỡi Bà, này là con Bà’, dấu chỉ lời khẩn cầu tình con thảo và ngay sau đó, qua lời ‘Này là Mẹ con’, Giáo hội nhận biết tình mẫu tử nơi Mẹ. Từ ngữ ‘Bà’ Gioan dùng gợi lên sự song đối ‘Evà – Maria’. Các Giáo phụ, tiêu biểu như Justinô và Irênê, chiêm ngắm Mẹ là Đấng sửa chữa sự bất tuân của Evà. Sự việc người môn đệ đón Mẹ về nhà minh cũng là đón về cộng đoàn Giáo hội của Chúa, làm nên sự liên kết mà Mẹ là cầu nối giữa Israel và Giáo hội Công giáo… trên nền tảng mối quan tâm đặc biệt của thánh sử Gioan về một Đức Kitô, Thầy yêu dấu của mình là ‘Vua Israel’ (Ga 1: 49), là Đấng Messia nhân loại mong đợi.

Trong tác phẩm Khải Huyền, thánh sử Gioan trình bày dấu chỉ một phụ nữ diễn tả Israel của Thiên Chúa (Kh 12), được tiền định đối diện cơn điên cuồng của con rắn (Cf. Ga 12: 9). Biến cố sinh con tiếp liền biến cố được nâng lên trời liên hệ với ‘giờ’ Vượt Qua, biểu thị qua sự hiện diện của Mẹ Chúa Giêsu ở chân Thập giá.

Việc đặt thành mối quan hệ giữa tiệc cưới Cana, Đồi Sọ Canvê và người nữ của Khải Huyền 12, đưa ta tới mạc khải về Evà, mẹ chúng sinh và Maria, Mẹ của đoàn dân của Giao ước mới, mở ra niềm tin Mẹ Hồn Xác về Trời.

Ba

Anh Chị em thân mến,

Tháng mười đã về, tháng Mân côi… Bài ca gợi tình mẫu tử của Mẹ, gợi niềm cậy trông của con cái trong nước mắt thân phận:

‘Lạy Nữ Vương rất Thánh Mân Côi, xin cầu cho chúng con, và khấn xin Mẹ thương đoàn con tội lỗi. Sống giữa thế gian ngày tháng lắng lo trăm chiều… Mẹ ơi dắt dìu đoàn con khi yếu…’

 Lòng chúng ta nao nao tâm tình khôn tả và hiệp thông với cả Giáo hội tung hô Đấng vinh hiển ‘Theotokos’, Mẹ Chúa Giêsu, Mẹ Thiên Chúa.

‘Khẩu tụng’ lời ‘Kính mừng Maria đầy ơn phúc…’ ‘tâm suy’ cùng với các Tông đồ…

Thân ái trong Mẹ Chúa Giêsu.

+ Gioan Đỗ Văn Ngân
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc

Nguồn: giaophanxuanloc.net (03.10.2022)



[1] Cf. Maurice Jourjon et Bernard Meunier, ‘Marie’, in Dictionnaire Critique de Théologie, PUF, 1998
Augustin George, ‘Marie’, in Vocabulaire de Théologie Biblique, Éditions du Cerf, Paris 1964