Cùng Mẹ đọc kinh Mân Côi

05/10/2020

Cùng Mẹ đọc kinh Mân Côi

Linh mục Lê Văn La Vinh, OP

Lòng tôn kính Đức Maria

Có lẽ từ khá lâu, người tín hữu vẫn nghĩ rằng Kinh Mân Côi là lời kinh tôn kính Đức Maria như là lời chúc tụng dâng lên Mẹ. Tuy nhiên, Công đồng Vatican II cho chúng ta hiểu rằng, Đức Mẹ là thành phần của Hội thánh, hay Đức Maria chính là hình ảnh tiên trưng của Hội thánh. Do đó, việc tôn kính Đức Maria một cách căn bản, không có nghĩa là đặt Mẹ lên bàn thờ, lên trên Giáo hội, để ca tụng Mẹ và xin Mẹ ban phước cho vài ơn huệ nào đó; và Công đồng Vatican II cho thấy rằng, những gì Chúa ban cho Mẹ là những điều Chúa hứa ban cho Giáo hội, nghĩa là Mẹ nhận hồng ân từ nơi Chúa vì Giáo hội và cho Giáo hội, vì Đức Mẹ ở trong Giáo hội.

Như thế việc tôn kính đích thực đối với Mẹ Maria trước tiên, chính là ca tụng Thiên Chúa vì những hồng ân mà Chúa đã và đang ban cho Giáo hội, cho chúng ta qua Mẹ Maria. Do đó, việc tôn kính Mẹ Maria có nghĩa là hiệp thông với Mẹ trong những hồng ân kỳ diệu mà Chúa đã ban; và học sống thái độ của Mẹ trước lời Mời gọi của Thiên Chúa.

Như thế, có thể nói rằng, ý nghĩa chính của Kinh Mân Côi cũng không phải là những lời ca tụng Mẹ cho bằng là cùng với Mẹ bước theo Chúa Kitô, hay cùng với Mẹ để kết hợp với Đức Kitô trong nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa. Nói cách khác, Kinh Mân Côi là lời kinh giúp ta sống mầu nhiệm Giáo hội theo hành trình của Đức Maria; hay lời kinh giúp ta sống cuộc sống hằng ngày của mỗi người như một lịch sử cứu độ.

Kinh Mân Côi: lời kinh hiệp thông

Trong kinh lạy Cha và kinh Kính mừng, chúng ta được nhắc nhớ cầu nguyện cho nhau. Những lời xin "cho chúng con" chứng tỏ: kinh Mân Côi không phải là lời kinh cá nhân, mà là lời kinh của Hội thánh. Lời kinh ấy bao hàm tất cả mọi người, lời kinh ấy nối kết chúng ta với cộng đoàn, với thân bằng quyến thuộc, với các tín hữu và với toàn thể nhân loại. Và vì thế, mỗi chúng ta đều có chỗ và hiệp thông trong lời kinh của anh chị em mình, đang dâng lên Mẹ từ bất cứ nơi đâu trên địa cầu.

Nhờ những tràng chuỗi Mân côi của các tín hữu, Đức Mẹ không ngừng tuôn đổ mưa hoa hồng ơn thiêng cho Giáo hội. Những hoa hồng ân phúc phần hồn phần xác, nhất là ơn sám hối đổi mới cuộc đời, ơn biết đón nhận thánh ý Chúa, ơn sống tin mừng và cộng tác vào công trình cứu độ.

Kinh Mân Côi: trường dạy đức tin

"Kinh Mân Côi là cuốn Tin Mừng tóm lược". Khi đọc kinh Mân Côi, chúng ta học trong ngôi trường đức tin sống động của Tin Mừng. Qua 20 mầu nhiệm, chúng ta có cơ hội chiêm ngưỡng, suy niệm và học hỏi. Học nơi cuộc đời và giáo huấn của Thầy Chí Thánh, học theo mẫu gương của Đức Maria, các thánh tông đồ, và các nhân vật trong tin mừng.

Qua các mầu nhiệm Mân côi, Ki-tô hữu ngày càng được gắn bó sâu xa hơn vào những biến cố của công cuộc cứu độ. Ngày này qua ngày khác, chúng ta họa lại trong đời mình mẫu gương Ðức Kitô, Đấng làm người ở giữa chúng ta, đã bôn ba rao giảng Nước Trời, đã hiến mình trên Thánh Giá và sống lại vinh quang. Chúng ta học theo gương Đức Maria. Mẹ luôn đồng hành với Chúa Giêsu, luôn ghi nhớ suy niệm trong lòng, luôn thưa vâng và hợp tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa.

Kinh Mân Côi : lời kinh sứ vụ

Theo cha tổng quyền Timothy Radcliffe, OP, mỗi lần đọc kinh Kính mừng, chúng ta đang thực hiện một bài giảng, khi nhập vai thần sứ Gabriel để loan báo tin mừng. Bài giảng ngắn gọn nhưng chứa đựng chân lý cứu độ, về tình yêu Thiên Chúa, Đấng yêu thế gian đến nỗi ban chính Con Một. "Như vậy, tôi muốn nói kinh Kính mừng đơn giản này giống như một bài giảng mẫu nho nhỏ. Bài giảng ấy công bố một tin vui và là bài giảng rất độc đáo. Vì bài giảng này đâu phải là lời của người phàm, mà là Lời của chính Thiên Chúa, Lời vang vọng trong lời của chúng ta ..."  

Hơn thế nữa, theo gương Đức Mẹ, sau biến cố truyền tin đã lên đường thăm viếng và đem đến ơn cứu độ cho Gioan Tiền Hô. Lời kinh Kính mừng, cũng thúc đẩy chúng ta đem Chúa đến cho những ai đang cần ơn cứu độ.

Kinh Mân Côi: lời kinh thương xót

Ngày 13 tháng 10 năm 1917, khi hiện ra ở Fatima, Đức Mẹ đã tha thiết nhắn nhủ chúng ta : hãy tôn sùng mẫu tâm, hoán cải đời sống, và siêng năng đọc kinh Mân côi, để cầu nguyện cho hòa bình thế giới và cầu nguyện cho người tội lỗi ăn năn trở lại.

Vâng lời Mẹ dạy, Giáo hội thêm vào sau mỗi chục kinh, lời kinh Fatima: "... Xin đem các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn". Rõ ràng Mẹ nhắn nhủ chúng ta phải quan tâm đến ơn cứu độ, và trở nên chứng nhân của Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương.

Cuối cùng trong tâm tình tin tưởng phó thác vào lòng từ ái của Mẹ, chúng ta cùng dâng lên lời kinh quen thuộc:

Kính chào Đức Nữ Vương, Bà là Mẹ xót thương,
Ngọt ngào cho cuộc sống, Kính chào lẽ Cậy Trông...
Ôi lượng cả khoan hồng, Ôi tấm lòng xót thương,
Ôi dịu hiền nhân hậu, Trinh Nữ Maria.

Lời kinh của người Kitô hữu: 

Trong lời kinh Mân Côi, chúng ta sống thái độ của Đức Maria, thái độ “ghi nhớ và suy niệm trong lòng”… nghĩa là cùng với Mẹ Maria sống những biến cố của cuộc đời mình trong thái độ sẵn sàng tìm kiếm, lắng nghe và chấp nhận lời đề nghị của Thiên Chúa. Do đó, kinh Mân Côi cũng là kinh của niềm tin kitô hữu, lời kinh của sự dấn thân, lời kinh bước theo chân Mẹ để có thể tìm ý nghĩa siêu nhiên trong chính những cảnh huống đời mình. Đời sống chính là những dữ kiện căn bản của niềm tin, là chất liệu của đời sống tâm linh chân chính.

Đời sống con người là cả một hành trình; sự trưởng thành của con người luôn là những bước tiến từng bước, biến cố hoán cải của mỗi người cũng chẳng phải là chuyện một sớm một chiều và hành trình này bao gồm và dính dáng đến một toàn thể lý trí, ý chí, tình cảm, lối sống, tư tưởng và các yếu tố ấy luôn tương tác, giằng co, thúc đẩy lẫn nhau. Chính vì thế đời sống của mỗi người có tính lịch sử; và đời sống đức tin Kitô giáo cũng có tính lịch sử, nghĩa là cuộc hành trình cùng với Chúa qua từng biến cố, qua những thành bại vui buồn… đến nỗi ta có thể nói rằng một đời sống kitô hữu mà không có một kỷ niệm nào với Chúa thì chẳng phải là một đời sống kitô hữu chân chính.

Trong ý nghĩa đó, kinh Mân Côi cũng như các cử hành phụng vụ nào khác không là những phương cách thực dụng để mặc cả với Thiên Chúa như kiểu xin cái này, xin điều kia… nhưng là một thái độ dấn thân cách thiện chí, bày tỏ lòng khao khát, thể hiện một bước tiến trong hành trình theo Chúa.

“Đọc” kinh Mân côi

Việc đọc kinh Mân côi xem ra đã được phổ biến và thực hành từ rất lâu trong Giáo hội. Với một công thức quen thuộc bởi 50 kinh Kính mừng và những suy niệm cho mỗi chặng mười kinh. Và cứ thế, khi đọc kinh Mân Côi, chúng ta cứ lặp đi lặp lại kinh Kính Mừng quen thuộc. 

Việc lặp đi lặp lại cùng một lời kinh, chúng ta vẫn gặp thấy trong việc tụng kinh của nhà Phật và một số thực hành cầu nguyện ở các tôn giáo khác… và việc lặp đi lặp lại một lời kinh - lời tụng này vẫn giúp cho tâm hồn của người tin được biến đổi tuy chậm chạp nhưng rất sâu sắc trong hành trình tâm linh của tín hữu.

Trong bài suy niệm về Kinh Mân Côi tại Lộ Đức nước Pháp tháng 10/1998, cha Tymothy Radcliffe Dòng Đaminh đã nói: “Người ta cũng có thể cho thấy rằng việc lặp đi lặp lại không hẳn là dấu chỉ của sự thiếu tưởng tượng. Có thể đó là một niềm vui chan chứa đầy tràn khiến chúng ta cứ lặp đi lặp lại. Khi chúng ta yêu ai, chúng ta biết rằng nói với họ “Tôi yêu bạn” chỉ một lần thôi thì đâu có đủ. Chúng ta muốn nói đi nói lại, và chúng ta hy vọng là người đó cũng muốn nghe hoài.

Việc đọc Kinh Mân côi cũng vậy thôi.

Và cũng trong dòng suy tư này, cha cựu Tổng Quyền Dòng Đaminh nói tiếp: “Thực sự khi đọc kinh Mân Côi, có thể chúng ta không nghĩ đến Chúa. Chúng ta có thể đọc hàng giờ mà chẳng nghĩ gì cả. Chúng ta chỉ ở đó, rồi đọc kinh. Nhưng điều này có thể là tốt. Khi đọc kinh Mân Côi, chúng ta vui mừng vì Chúa thực sự ở với chúng ta và chúng ta ở trước nhan Người. Chúng ta nhắc đi nhắc lại lời sứ thần “Chúa ở cùng bà”. Đó là lời ca tụng

sự hiện diện của Thiên Chúa. Nếu chúng ta đang ở với người nào, chúng ta đâu cần phải nghĩ về họ nữa. Như Simon Tugwell viết trong cuốn “Thực hành việc cầu nguyện” (Dublin 1974), “Tôi không nghĩ về người bạn của tôi khi anh ta ở bên cạnh tôi; tôi chỉ bận vui hưởng sự hiện diện của anh ta. Chỉ khi nào anh ta vắng mặt, tôi mới bắt đầu nghĩ về anh ta. Nghĩ về Thiên Chúa có nghĩa là chúng ta coi như Thiên Chúa vắng mặt. Nhưng Người đâu có vắng mặt.”

Như vậy, khi đọc kinh Mân Côi, chúng ta không phải cố gắng nghĩ về Thiên Chúa. Thay vào đó, chúng ta vui sướng với những lời sứ thần nói với mỗi người chúng ta, “Thiên Chúa ở cùng bạn”. Chúng ta không ngừng nhắc đi nhắc lại những lời này, với niềm hoan hỉ sống động bất tận của con cái Thiên Chúa, là những kẻ vui sướng vì tin mừng”.

Tạm kết: 

Ngày nay, đối với các cộng đoàn nhà tu hay với những hiệp hội giáo dân đạo đức thì việc đọc kinh Mân Côi như là một thứ “kinh nhật tụng” của mỗi cộng đoàn. 

Khi đọc lời kinh này, mỗi người chúng ta liên kết chính cuộc đời chúng ta với mọi cảnh huống thường ngày vào trong mầu nhiệm của Thiên Chúa được thể hiện nơi cuộc đời của Đức Kitô Cứu thế và của Mẹ Maria, để cùng với Mẹ, chúng ta bước theo Chúa Kitô trong hành trình đức tin của mình.

Khi đọc Kinh Mân côi, chúng ta để cho bản thân mình được thanh luyện và có sự bình an; đồng thời, với lòng tôn kính và mến yêu Đức Mẹ, chúng ta đang thực hiện lệnh truyền của Mẹ là hãy siêng năng lần hạt Mân côi; và cuối cùng, khi đọc lời kinh này lúc chúng ta đang suy niệm Tin Mừng, đang làm sống lại cuộc đời của Chúa Kitô trong chính cuộc sống hiện tại của mỗi người.

Nguồn: daminhvn.net (1.10.2020)

LỊCH PHỤNG VỤ