Chức tư tế trong Tân Ước từ quan điểm
Kitô học
Từ Công Đồng Vaticanô II đến nay, nhiều
tác giả nói đến khủng hoảng căn tính linh mục. Dĩ nhiên cần phải nhìn cơn khủng
hoảng này trong bối cảnh thời đại tục hoá và những tác động của nó trên mọi
lãnh vực của đời sống Giáo Hội, trong đó đời sống linh mục cũng chịu ảnh hưởng.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng chính cách trình bày của một số tác giả về
chức linh mục đã góp phần tạo nên cơn khủng hoảng này. Dựa vào Thánh Kinh, một
số nhà thần học cho rằng Chúa Giêsu không bao giờ tự giới thiệu về Người như
một tư tế. Trái lại, Người đặt mình trong dòng chảy của các tiên tri, phê phán
hàng tư tế rất nhiều. Chúa Giêsu đã chẳng công bố: “Ở đây còn có Đấng lớn hơn
Đền Thờ” sao? (Mt 12,6). Những lời Người nói về việc phá hủy đền thờ và xây
dựng lại đã chẳng phải là lý do dẫn đến bản án dành cho Người sao (Mc 14,58)?
Cuối cùng, cuộc xung đột giữa Chúa Giêsu và giai cấp tư tế cũng như nhóm Sađucê
đã đưa Chúa Giêsu lên đồi Canvê. Dựa vào những chứng cứ Thánh Kinh như thế,
người ta muốn giải thể chức tư tế trong Tân Ước vì cho rằng đó không phải điều
Chúa Giêsu muốn.
Vấn đề đặt ra là liệu những chứng cứ ấy
đã diễn tả trọn vẹn sự thật về chức tư tế trong Tân Ước chưa, hay mới chỉ là
một nửa sự thật? Sự thật là ngay cả đối với các tiên tri trong Cựu Ước, một
đàng, các ngài phê phán hàng tư tế và các thứ lễ tế thời bấy giờ bằng những lời
lẽ sắc bén nhất; đàng khác, các ngài lại trình bày một cái nhìn mới về chức tư
tế và lễ tế chứ không hủy bỏ. Chúa Giêsu cũng vậy. Người phê phán phụng tự
trong Đền Thờ thời ấy, đồng thời Người trình bày một tầm nhìn mới về chức tư tế
chứ không hủy bỏ.
Để thấy được tầm nhìn của Chúa Giêsu,
trước hết, nên trở lại với những bài ca về Người Tôi Tớ trong Isaia đệ nhị, đặc
biệt là bài ca thứ tư mà Giáo Hội tuyên đọc trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.
Người Tôi Tớ mang trên mình những bệnh tật của chúng ta và gánh trên vai những
đau khổ của ta. Người bị đâm thâu vì sự gian ác của ta và bị bầm dập vì tội lỗi
của ta. Chính nhờ những thương tích của Người mà chúng ta được chữa lành. Trong
phần kết, bài ca nói đến đấng chấp nhận đau khổ và sự chết “vì muôn người”, trở
thành của lễ đền tội cho muôn người được nên công chính (Is 53,10-12). Trong
bài ca về Người Tôi Tớ này, rõ ràng ngôn ngữ của phụng tự truyền thống được sử
dụng lại nhưng mang một ý nghĩa mới, sâu xa hơn, cá vị hơn và thiêng liêng hơn.
Trong các Thánh Vịnh, ta cũng gặp thấy
cách nhìn tương tự: “Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm, con có thượng tiến lễ toàn
thiêu, Ngài cũng không chấp nhận”. Của lễ đẹp lòng Chúa là “tâm thần tan nát;
một tấm lòng tan nát giầy vò, Chúa sẽ chẳng khinh chê” (Tv 51,18). Thánh vịnh
50 cũng diễn tả cùng một tâm tình: “Bò của ngươi, Ta nào có thiết; chiên của
ngươi, chẳng lẽ Ta ham… Hãy tiến dâng Thiên Chúa lời tạ ơn làm hy lễ, giữ trọn
điều khấn nguyện cùng Đấng Tối Cao”. Có người nói rằng cách giải thích này chỉ
là thiêng liêng hoá cái nhìn truyền thống về tế tự. Thực ra, sách Isaia hay các
Thánh Vịnh đâu chỉ nói đến chiều kích nội tâm mà còn nhấn mạnh đến chiều kích
nhập thể rất cụ thể: “Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế nhưng đã tạo cho con
một thân thể… Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,5.9; Tv 40,7-9).
Không chỉ là ý hướng trong tâm hồn mà là chính thân xác này được hiến dâng để
thi hành Thánh Ý Thiên Chúa.
Chúa Giêsu đã tự áp dụng cho Người cách
nhìn trên về chức tư tế và về lễ tế. Người khẳng định rằng Con Người đến “để
làm giá chuộc cho muôn người” (Mc 10,45). Trong bữa Tiệc ly, Chúa Giêsu nói đến
“máu giao ước” (Mc 14,24; Mt 26,28) và như thế, Người liên hệ đến hy lễ kết ước
mà Môsê thực hiện trên núi Sinai (Xh 24,8), nghĩa là Người sử dụng ngôn ngữ tế
tự. Chúa Giêsu không đến để hiến dâng cái gì đó bên ngoài làm của lễ cho Thiên
Chúa, nhưng Người hiến dâng chính mình làm của lễ. Toàn bộ đời sống và hiện hữu
của Người là sống cho Thiên Chúa và cho nhân loại. Tin Mừng Gioan đã diễn tả
thật sâu sắc ý nghĩa này khi bắt đầu diễn từ của Chúa Giêsu trong bữa Tiệc Ly
bằng những lời này: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế
gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Tiếp đó, Người gọi các môn đệ
là bạn hữu và nói: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người dám hiến
mạng sống cho bạn hữu” (Ga 15,13). Thư thứ nhất của thánh Gioan lấy lại khẳng
định này: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Đức
Kitô đã thí mạng vì chúng ta” (3,16). Như thế, chức linh mục của Chúa Giêsu
chính là tình bạn cho đi đến tận cùng và chỉ có một mục đích là “để niềm vui
của anh em được nên trọn” (Ga 15,11; x. 16,24).
Thư gửi tín hữu Do Thái giải thích rõ
ràng hơn nữa về chức tư tế của Chúa Giêsu. Thư Do thái quy chiếu vào Thánh Vịnh
110, đặc biệt là câu 4: “Con là thượng tế đến muôn đời theo phẩm hàm
Melchisêđê”. Thánh Vịnh này nói đến Melchisêđê là “vua
Người ta có lý khi nói rằng Chúa Giêsu
không thuộc giai cấp tư tế, Người không coi mình như một tư tế phục vụ trong
Đền thánh Giêrusalem. Thế nhưng theo ý nghĩa mới mẻ và sâu xa nhất, Chúa Giêsu
chính là Thượng tế của Giao Ước mới. Người không hiến dâng cho Thiên Chúa cái
gì ở bên ngoài nhưng Người hiến dâng chính mình, và Người làm như thế để bày tỏ
tình yêu, tình bạn Người dành cho chúng ta. Trong hoàn cảnh của nhân loại sau
khi tổ tông loài người sa ngã và sự chết đột nhập trần gian (Rm 5,12), chúng ta
không thể tự cứu mình, Chúa Giêsu đã tự hiến dâng chính mình để mang lại cho ta
sự sống mới. Sự sống ấy chính là hoa trái của tình yêu hiến dâng và phục vụ.
Hiểu như thế, chức tư tế của Chúa Giêsu
nằm ở tâm điểm của đức tin Kitô giáo vì chức tư tế đó biểu lộ chính mầu nhiệm
Thiên Chúa. Thiên Chúa là Tình Yêu (1Ga 4,8.16) và Ngài đã quá yêu thương thế
gian đến nỗi hiến ban chính Người Con Một (Ga 3,16) để chúng ta được sống. Tình
yêu hiến ban ấy chính là nền tảng của đời sống đức tin Kitô giáo. Chúng ta sẽ
chẳng bao giờ suy tư cho đủ, cảm nghiệm cho thấu và tạ ơn cho trọn đối với Mầu
nhiệm Tình Yêu ấy.
Liên quan đến chức tư tế trong Tân Ước,
cũng cần nói đến mối tương quan giữa chức linh mục thừa tác và chức tư tế chung
của người tín hữu. Đã có cách giải thích phiến diện cho rằng Công Đồng Vaticanô
II hạ bệ các linh mục khi đề cao chức tư tế chung. Đúng hơn, Công Đồng giúp cho
các linh mục hiểu rõ hơn về chính mình và phẩm giá đích thực của mình giữa lòng
Dân Chúa. Một linh mục tốt trước hết phải là một Kitô hữu tốt như các Kitô hữu
khác. Linh mục chỉ có thể hiểu đúng về mình trong mối tương quan với các Kitô
hữu khác chứ không phải tự tách biệt ra với họ như thuộc một đẳng cấp khác.
Toàn bộ đời sống Kitô hữu thấm đẫm nội dung “tư tế” (đó chính là ý nghĩa của
chức tư tế chung) và ngược lại, đời sống của tư tế, của linh mục ở căn bản phải
là đời sống Kitô hữu.
Dựa theo Cardinal Walter Kasper,
Serviteur de la joie, la vie de prêtre et
le service sacerdotal,
Les Editions du Cerf, Paris, 2007.