CHƯƠNG TRÌNH DƯỚI ÁNH SÁNG LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT PHỤC SINH

BÀI 61: LỄ VƯỢT QUA VÀ LỄ PHỤC SINH

LM Gioan Nguyễn Thiên Minh, OP
và Nhóm Phiên Dịch Các giờ kinh Phụng vụ

Kính chào quý ông bà và anh chị em,

Chúng ta đang ở trong những ngày cao điểm đặc biệt của năm phụng vụ, được gọi là “Tam Nhật Thánh”, hay “Tam Nhật Vượt Qua” để hướng đến Lễ Phục Sinh của Chúa Giê-su Ki-tô. Vì thế, với tâm tình hướng về cuộc Vượt Qua của Chúa Giê-su, trong buổi học hỏi Kinh Thánh hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu mối liên hệ về thời điểm cử hành giữa Lễ Phục Sinh trong Ki-tô giáo với Lễ Vượt Qua trong phụng vụ Do-thái giáo.

A. Lễ Vượt Qua Do-thái

1. Thời gian cử hành

Các sách Ngũ Thư đều có ghi lại những chỉ thị liên quan đến việc cử hành lễ Vượt Qua, chẳng hạn :

+ Sách Xuất hành ghi lại chỉ thị về thời gian cử hành việc ăn bữa cuối cùng ở Ai-cập là vào ngày mười bốn tháng Ni-xan, tức là tháng thứ nhất của năm phụng vụ Do-thái giáo. Ngoài ra, sách cũng ghi lại những quy định rõ ràng về con vật bị sát tế phải là một con chiên đực khoẻ mạnh, không quá một tuổi, cũng như ghi lại cách thức sát tế chiên và cách ăn lễ Vượt Qua này (x. Xh 12,1–13,6).

+ Các sách Lê-vi, Dân số, và Đệ nhị luật cũng đều ghi lại quy định về ngày cử hành lễ Vượt Qua là ngày mười bốn tháng Giêng, hay còn gọi là tháng thứ nhất (x. Lv 23,5-8 ; Ds 9,1-4; 28,16-25 ; Đnl 16,1-8).

Ngày lễ Vượt Qua cũng được gắn liền với kỳ Lễ Bánh Không Men được cử hành ngay sau đó theo Luật Mô-sê :

Ngày mười bốn tháng giêng, sẽ cử hành lễ Vượt Qua kính ĐỨC CHÚA, và ngày mười lăm tháng ấy sẽ là một ngày lễ. Trong bảy ngày, người ta sẽ ăn bánh không men. Ngày thứ nhất sẽ phải tập hợp để thờ phượng ĐỨC CHÚA, anh em không được làm một việc nặng nhọc nào (Ds 28,16-18).

Vì hai đại lễ này diễn ra vào cùng thời điểm trong năm nên người ta có khuynh hướng gọi gộp chung lễ Vượt Qua với kỳ lễ Bánh Không Men :

Ngày thứ nhất trong tuần bánh không men, các môn đệ đến thưa với Đức Giê-su : “Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu ?” (Mt 26,17).

Hoặc :

Lễ Bánh Không Men, cũng gọi là lễ Vượt Qua, đã đến gần. Các thượng tế và kinh sư tìm cách thủ tiêu Đức Giê-su, vì họ sợ dân (Lc 22,1).

Như vậy, theo quy định thì thời gian cử hành lễ Vượt Qua là ngày mười bốn tháng giêng, và ngay hôm sau sẽ là kỳ Lễ Bánh Không Men kéo dài bảy ngày, và đó là những kỳ lễ buộc mọi người Do-thái phải giữ. Dù vậy Luật Mô-sê cũng cho phép những ai không may bị nhiễm uế hoặc phải đi xa không thể mừng lễ Vượt Qua vào thời gian quy định, tức là ngày mười bốn tháng Ni-xan, thì những người này sẽ được phép cử hành lễ này vào ngày 14 tháng thứ hai, tức là tháng I-yar [còn gọi là tháng Xíp] (Ds 9,1-14 ; 2 Sb 30,2).

2. Nơi chốn cử hành

Mặc dầu lễ Vượt Qua đầu tiên được xem là lễ của gia đình và được cử hành tại nhà (x. Xh 12,21-23.46), tuy nhiên sau khi dân Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập và lang thang trong hoang địa thì việc cử hành lễ này được tổ chức tại “nơi Danh Chúa ngự” trong mỗi chi tộc (x. Đnl 12,5-7 ; 16,5-6). Rồi sau khi dân Ít-ra-en đã vào định cư trong Đất Hứa, thì việc cử hành lễ Vượt Qua được tổ chức tại Đền Thờ Giê-ru-sa-lem và vì thế mọi đàn ông con trai buộc phải hành hương lên Đền Thờ để trình diện Đức Chúa (x. Xh 23,14.17 ; 34,23 ; 2 V 23,21-23).

Những quy định này được dân Ít-ra-en giữ gìn mãi cho đến thời cải cách của nhà Ma-ca-bê. Theo đó, lễ Vượt Qua sẽ không còn cử hành tại Đền Thờ bởi các tư tế nữa mà được cử hành tại nhà và do người chủ gia đình thực hiện. Song song đó trong bữa ăn, người ta cũng sẽ uống rượu và hát thánh ca. Dù vậy, dân chúng vẫn đổ dồn về Giê-ru-sa-em mãi cho đến khi Đền Thờ Giê-ru-sa-lem bị phá huỷ vào năm 70 AD thì lễ Vượt Qua mới không còn là lễ chung được mừng ở Đền Thờ nữa, mà là lễ gia đình, được tổ chức tại nhà trong một căn phòng của gia đình, và đó chính là hình thức bữa ăn Lễ Vượt Qua mà Chúa Giê-su đã ăn cùng với các môn đệ của Người (x. Mt 26,17-19).

Trong bữa ăn, thành viên nhỏ tuổi nhất trong gia đình sẽ hỏi về ý nghĩa của bữa ăn và thành viên lớn tuổi nhất trong gia đình đó sẽ trả lời bằng cách kể lại câu chuyện lịch sử về việc Thiên Chúa đã giải thoát dân Ít-ra-en ra khỏi đất Ai-cập một cách kỳ diệu như thế nào.

B. Lễ Phục Sinh Ki-tô giáo

1. Đức Giê-su và lễ Vượt Qua

Cả bốn tác giả Tin Mừng đều trình bày cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Giê-su gắn liền với Lễ Vượt Qua của người Do-thái, và cho biết những biến cố cuối cùng trong sứ vụ tại thế của Chúa Giê-su đã xảy ra vào đúng dịp mừng Lễ Vượt Qua này. Cụ thể :

+ Tác giả Tin Mừng Lu-ca cho biết :

Khi giờ đã đến, Đức Giê-su vào bàn cùng các Tông Đồ. Người nói với các ông : “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình. Bởi vì Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt Qua này nữa cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa (Lc 22,14-16).

+ Còn tác giả Tin Mừng Gio-an thì chép rằng :

Hôm ấy là ngày áp lễ Vượt Qua, vào khoảng mười hai giờ trưa. Giờ người ta sửa soạn giết chiên lễ Vượt Qua ở Đền Thờ (Ga 19,14).

2. Bữa Tiệc Ly và lễ Vượt Qua

Bữa Tiệc Ly thường được hiểu là Bữa Ăn Lễ Vượt Qua vì lẽ các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm quả quyết Bữa Tiệc Ly chính là Bữa Ăn Lễ Vượt Qua:

Ngày thứ nhất trong tuần bánh không men, các môn đệ đến thưa với Đức Giê-su : “Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu ?” Người bảo : “Các anh đi vào thành, đến nhà một người kia và nói với ông ấy : “Thầy nhắn : thời của Thầy đã gần tới, Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ của Thầy”. Các môn đệ làm y như Đức Giê-su đã truyền, và dọn tiệc Vượt Qua (Mt 26,17-19 ss ; x. Mc 14,12-16 ; Lc 22,7-13).

Tuy nhiên, theo tác giả Tin Mừng Gio-an thì Chúa Giê-su lại bị xét xử trước toà tổng trấn Phi-la-tô vào “ngày áp lễ Vượt Qua”, tức là ngày trong tuần lễ chuẩn bị lễ Vượt Qua (x. Ga 19,14), và theo đó nếu Chúa Giê-su đã bị bắt và chịu xét xử trước Lễ Vượt Qua thì Người đã không thể ăn bữa Vượt Qua trước đó được, vì Lễ Vượt Qua chưa diễn ra. Sự khác biệt về thời điểm cử hành bữa ăn Vượt Qua giữa các Tin Mừng như thế có thể khiến nhiều người băn khoăn vì khó hiểu.

Về vấn đề này, con xin quý ông bà và anh chị em vui lòng xem lại bài số 60 của chương trình với đề tài: “Diễn Tiến Cuộc Thương Khó Của Chúa Giê-Su”, trong đó, cha Vinh Sơn Phạm Xuân Hưng đã trình bày rất rõ diễn tiến cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su, và cha có đề cập đến thời gian bữa tiệc Vượt Qua mà Chúa Giê-su đã ăn với các môn đệ của Người.

Còn ở đây, con chỉ muốn nói rằng khi các tác giả Tin Mừng thuật lại việc Chúa Giê-su ăn bữa Vượt Qua thì các vị cũng nhằm ngụ ý rằng Chúa Giê-su chính là Chiên Lễ Vượt Qua, và Người đã thực hiện cuộc Vượt Qua của chính Người, khi Người nói “Chén này là Giao Ước Mới lập bằng Máu Thầy, Máu đổ ra vì anh em” (Lc 22,20 ; x. 1 Cr 11,25).

3. Niên lịch mừng lễ Phục Sinh

Ngay từ đầu lịch sử Hội Thánh đã có những tranh luận về niên lịch mừng lễ Phục Sinh. Ban đầu, các Ki-tô hữu gốc Do-thái mừng Lễ Phục Sinh vào ngày 14 tháng Ni-xan, tức là vào ngày mừng Lễ Vượt Qua của người Do-thái, trong khi các Ki-tô hữu gốc Dân Ngoại thì mừng Lễ Phục Sinh vào “Ngày của Chúa”, còn gọi là “ngày thứ nhất trong tuần”, tức là ngày Chúa Nhật theo tây lịch. Kết quả là Ki-tô giáo thời bấy giờ có hai ngày mừng Lễ Chúa Phục Sinh:

[1] các Ki-tô hữu Đông Phương thì mừng Lễ Phục Sinh vào ngày mừng Lễ Vượt Qua của người Do-thái, bất kể ngày lễ ấy rơi vào ngày nào trong tuần.

[2] các Ki-tô hữu Rô-ma thì mừng Lễ Phục Sinh vào “ngày thứ nhất trong tuần”, vì theo Tin Mừng Đức Giê-su đã sống lại vào ngày thứ nhất trong tuần.

Sự khác biệt này kéo dài mãi cho đến thế kỷ VII với ảnh hưởng của thánh Bê-đa, tiến sĩ Hội Thánh và việc áp dụng hệ thống cách tính lịch của Dionysius Exiguus, thì người ta mới đi đến một đồng thuận chung là Lễ Chúa Phục Sinh sẽ được cử hành vào Chúa nhật đầu tiên sau ngày trăng tròn đầu tiên sau ngày Xuân Phân (21/3 dương lịch), do đó Lễ Chúa Phục Sinh thường rơi vào sau ngày 14 tháng Ni-xan, nghĩa là sau lễ Vượt Qua của người Do-thái. Theo đó, Lễ Phục Sinh nằm trong khoảng thời gian từ 22 tháng Ba đến 25 tháng Tư dương lịch.

Tuy nhiên đến năm 1582, khi Đức Thánh Cha Grê-gô-ri-ô XIII công bố việc áp dụng lịch Grê-gô-ri-ô trong phụng vụ Ki-tô giáo thì sự bất đồng về ngày cử hành Lễ Chúa Phục Sinh lại xảy ra.

Hầu hết các Hội Thánh Chính Thống và một số Hội Thánh Công Giáo Đông Phương tiếp tục mừng Lễ Chúa Phục Sinh theo lịch Giu-li-a-nô, còn Hội Thánh Công Giáo Rô-ma thì theo lịch Grê-gô-ri-ô. Thêm vào đó, cách tính ngày trăng tròn liên quan đến ngày Xuân Phân cũng có sự khác biệt nên ngày mừng lễ Phục Sinh cũng có khi khác nhau giữa các Hội Thánh.

Lễ Phục Sinh từ 2015-2025

Năm

Ngày trăng tròn

Lễ Vượt Qua Do-thái

Theo lịch Grê-gô-ri-ô

Theo lịch Giu-li-a-nô

2015

04/4

 

05/4

12/4

2016

23/3

23/4

27/3

01/5

2017

11/4

 

16/4

 

2018

31/3

 

01/4

08/4

2019

20/3

20/4

21/4

28/4

2020

08/4

09/4

12/4

19/4

2021

28/3

 

04/4

02/5

2022

16/4

 

17/4

24/4

2023

06/4

 

09/4

16/4

2024

25/3

23/4

31/3

05/5

2025

13/4

 

20/4

 

 

Năm 2024, ngày trăng tròn đầu tiên của mùa xuân sau ngày Xuân Phân rơi vào ngày 25/3, vì thế ngày mừng Lễ Chúa Phục Sinh của Hội Thánh Công Giáo Rô-ma là ngày Chúa Nhật đầu tiên sau ngày 25/3, tức là 31/3, trong khi anh em Chính Thống Giáo, vì theo lịch Giu-li-a-nô, nên họ sẽ mừng lễ Phục Sinh vào ngày 05/5/2024. Còn so với lịch Do-thái, thì ngày 14 tháng Ni-xan của năm 2024 rơi vào ngày 23/4 nên lễ Chúa Phục Sinh lại diễn ra trước lễ Vượt Qua của người Do-thái.

Kính thưa quý ông bà và anh chị em,

Mặc dù có nhiều khác biệt về thời điểm cử hành Lễ Chúa Phục Sinh, nhưng qua đó chúng ta cũng thấy sự phong phú của công trình Thiên Chúa cứu độ chúng ta. Quả thật, giữa tất cả sự khác biệt thì tình yêu và lòng trung tín của Thiên Chúa vẫn được biểu lộ một cách dạt dào cho dân Chúa qua những Cuộc Vượt Qua, đặc biệt là với Cuộc Vượt Qua của Con Một Người là Chúa Giê-su Ki-tô để đem lại ơn giải thoát cho toàn thể nhân loại tội luỵ này.

Lời cầu nguyện

Lạy Chúa, nhờ ánh sáng Lời Chúa soi chiếu, chúng con nhận biết được kỳ công xưa kia Chúa đã thực hiện khi dẫn đưa dân Do-thái qua Biển Đỏ thoát cảnh nô lệ Ai-cập, và nay chúng con nhận biết kỳ công Chúa giải thoát chúng con khỏi ách tội lỗi và sự chết nhờ cuộc Vượt Qua của Chúa Giê-su Ki-tô, Con Một yêu dấu của Chúa. Khi suy gẫm tất cả những điều kỳ diệu Chúa đã làm, chúng con chỉ biết ngước mắt lên trời, hết lòng ngợi ca, chúc tụng và tôn vinh Chúa đến muôn đời. A-men.

Nguồn: tgpsaigon.net