CHƯƠNG TRÌNH DƯỚI ÁNH SÁNG LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT LỄ LÁ NĂM B

BÀI 60: DIỄN TIẾN CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA ĐỨC GIÊ-SU

LM Vinh Sơn Phạm Xuân Hưng, OP
và Nhóm Phiên Dịch Các giờ kinh Phụng vụ

Chúa nhật Lễ Lá, chúng ta được nghe Bài Thương Khó theo các Tin Mừng Nhất Lãm, và Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta sẽ nghe Bài Thương Khó theo Tin Mừng Gio-an.


Trong bài học hỏi này, chúng ta sẽ tìm hiểu xem cuộc xử án Đức Giê-su đã diễn như thế nào dựa theo trình thuật của Tin Mừng cũng như theo luật pháp Do-thái và Rô-ma.

1. Cuộc xử án Đức Giê-su diễn ra bao lâu ?

Theo các trình thuật thương khó, chúng ta biết rằng sau khi bị bắt tại vườn Cây Dầu, Đức Giê-su bị điệu tới nhà thượng tế Kha-nan nơi diễn ra cuộc thẩm vấn lần thứ nhất (x. Ga 18,19-23), rồi Người lại bị dẫn đến nhà thượng tế Cai-pha (x. Ga 18,24), nơi họp Thượng Hội Đồng, một thứ tòa thượng thẩm, quy tụ tất cả các thượng tế, kỳ mục và luật sĩ (x. Mc 14,53). Trong phiên xử khuya khoắt này người ta cố tìm các chứng cớ buộc tội Đức Giê-su, nhưng sự việc xem ra không đơn giản bởi vì các chứng cớ lại không ăn khớp với nhau (x. Mc 14,55-59). Sau đó Đức Giê-su còn bị sỉ nhục, khạc nhổ, chế nhạo và đánh đập (x. Mc 14,65). Rạng sáng hôm sau, Thượng Hội Đồng tái nhóm với 71 thành viên (x. Mc 15,1) và quyết định xử tử Đức Giê-su.

Vấn đề chưa kết thúc tại tòa án Do-thái. Sau phiên tòa tôn giáo, người ta lại điệu Đức Giê-su tới tổng trấn Phi-la-tô (x. Lc 23,1). Tiến trình này hẳn cũng phải kéo dài. Trước hết phải có cuộc họp giữa các thủ lãnh Do-thái với quan tổng trấn để đệ trình các cáo buộc. Tiếp đến là cuộc thẩm vấn riêng giữa Phi-la-tô và Đức Giê-su, rồi ông này tuyên bố Đức Giê-su vô tội, rồi người Do-thái lại nêu ra những chứng cứ mới tố cáo Đức Giê-su.

Để phủi tay trong vụ án Giê-su, Phi-la-tô đã giao nộp Người cho nhà cầm quyền xứ Ga-li-lê là Hê-rô-đê An-ti-pa vì Đức Giê-su là người Ga-li-lê (x. Lc 23,7). Cuộc thẩm vấn này hẳn cũng đòi nhiều thời gian bởi vì Tin Mừng thuật lại rằng “nhà vua đã hỏi Người nhiều điều” (Lc 23,9). Cuối cùng Hê-rô-đê lại trả Đức Giê-su về cho Phi-la-tô (x. Lc 23,11).

Phi-la-tô lại triệu tập các thượng tế, quan tòa và dân chúng. Sau khi đối thoại với Đức Giê-su một lần nữa, ông quyết định trao số phận của Người vào tay dân Do-thái. Các sự kiện tiếp theo là Đức Giê-su chịu đánh đòn, đội mão gai, rồi nỗ lực cuối cùng của Phi-la-tô nhằm giải cứu Đức Giê-su, và cuối cùng là bản án và hành trình nhọc nhằn tới Núi Sọ (x. Mt 27,27-31).

Có thực tế không khi tất cả chỉ diễn ra từ tối thứ năm đến trưa thứ sáu ?

2. Hai loại niên lịch

Vào thời Đức Giê-su có hai loại lịch cùng lưu hành: Lịch cũ thì phổ biến nơi dân chúng, theo đó thì bữa tiệc Vượt Qua rơi vào ngày thứ tư (tức là chiều tối thứ ba của chúng ta bây giờ) ; còn lịch mới thì được giới tư tế chính thức sử dụng, theo đó Lễ Vượt Qua năm ấy rơi vào ngày thứ bảy (x. Ga 19,31).

Như vậy, nếu Đức Giê-su đã ăn bữa tối cuối cùng với các môn đệ theo lịch cũ, tức là vào chiều thứ ba là ngày mà dân chúng bắt đầu cử hành Lễ Vượt Qua thì Tin Mừng Nhất Lãm có lý khi nói rằng Người đã cử hành bữa Tiệc Ly “vào chính ngày Lễ Vượt Qua” (x. Mc 14,12 ; Mt 26,17 ; Lc 22,7), trong khi theo niên lịch chính thức, tác giả Gio-an nói rằng Đức Giê-su đã cử hành bữa Tiệc Ly “trước Lễ Vượt Qua” (Ga 13,1).

3. Thời biểu hợp lý cho cuộc khổ nạn

Tất cả các sự kiện liên quan đến cuộc khổ nạn của Đức Giê-su không thể diễn ra chỉ trong một khoảng thời gian ngắn trong vòng 18 tiếng đồng hồ. Trái lại, sẽ hợp lý hơn khi diễn ra theo thời biểu sau đây :

– Ngày thứ ba : Đức Giê-su ăn tiệc Vượt Qua vào buổi chiều (theo lịch cũ), rồi Người bị bắt và điệu đến nhà thượng tế.

– Ngày thứ tư : ban sáng, Thượng Hội Đồng nhóm họp để nghe các cáo buộc. Đức Giê-su bị giam qua đêm.

– Ngày thứ năm : vào buổi sáng, Thượng Hội Đồng lại nghị án và quyết định tử hình Đức Giê-su, rồi điệu Người tới Phi-la-tô. Phi-la-tô thẩm vấn rồi giao nộp Đức Giê-su cho Hê-rô-đê. Đức Giê-su lại bị giam qua đêm.

– Ngày thứ sáu : Phi-la-tô thẩm vấn lần thứ hai, cho đánh đòn, đội mão gai, tuyên án và cho dẫn đi đóng đinh vào thập giá. Khoảng 3 giờ chiều, Đức Giê-su chết trên thập giá.

Giả thuyết này không chỉ giải thích sự dị biệt trong các tường thuật về bữa Tiệc Ly mà còn cả những khúc mắc liên quan đến cuộc xử án Đức Giê-su nữa.

4. Luật định về việc xử án

Sách Mishnah là sách thu thập các chú giải Luật Cựu Ước quy định rằng : “Với các tội danh không dẫn tới án tử hình, việc xét xử diễn ra ban ngày, và việc tuyên án có thể vào ban đêm; còn với các tội danh đưa tới án tử hình, việc xét xử diễn ra ban ngày, và việc tuyên án cũng phải vào ban ngày. Với các tội danh không dẫn tới án tử hình, việc tha bổng hay kết án có thể diễn ra trong cùng một ngày; với các tội danh đưa tới án tử hình, việc tuyên bố trắng án có thể diễn ra cùng ngày hôm ấy, nhưng việc kết án thì không thể diễn ra trước ngày hôm sau. Vì lẽ ấy, các phiên tòa không thể diễn ra vào ngày áp ngày sa-bát hay áp một ngày lễ” (Mishnah, Sanhedrin 4,1)

Như vậy, mọi cuộc xét xử đều phải tiến hành ban ngày. Vậy nếu Đức Giê-su dùng bữa tiệc ly vào chiều thứ năm thì Thượng Hội Đồng phải nhóm họp vào ban đêm, điều này sai luật. Đàng khác, các thành viên Thượng Hội Đồng và các nhân chứng không thể nhóm họp ban đêm chỉ là để bàn bạc trong khi chưa chắc rằng Đức Giê-su đã bị bắt hay chưa. Trái lại, nếu bữa tiệc ly diễn ra vào chiều thứ ba thì chúng ta có thể nói rằng phiên tòa đã diễn ra vào thứ tư và sáng thứ năm.

Như trên, sách Mishnah còn cấm kết án tử hình vào ngày áp ngày sa-bát và đại lễ. Nếu cứ tính theo thời biểu truyền thống, thì Đức Giê-su đã bị Thượng Hội Đồng Do-thái kết án tử hình vào thứ sáu, ngày áp ngày sa-bát cũng là ngày áp Lễ Vượt Qua năm ấy! Trái lại nếu theo giả thuyết mới đã nêu, thì Đức Giê-su bị kết án vào sáng thứ năm, tức là còn hơn một ngày nữa mới đến ngày sa-bát và Lễ Vượt Qua.

Để tránh các quyết định nóng vội và cảm tính, Luật còn quy định rằng không được kết án tử hình bất kỳ ai trước 24 tiếng đồng hồ kể từ lúc bị bắt. Theo lịch trình cũ (ngắn hơn) thì Đức Giê-su đã bị kết án tử hình chỉ vài giờ sau khi bị bắt. Còn theo thời biểu mới (dài hơn) thì Người bị bắt vào chiều tối thứ ba và bị kết án vào sáng thứ năm theo đúng quy định của luật.

Một số chi tiết khác trong Tin Mừng cũng ủng hộ giả thuyết cho rằng Đức Giê-su đã dùng bữa tối cuối cùng vào chiều thứ ba và chịu chết vào thứ sáu. Các Tin Mừng đều tuần tự kể lại những ngày cuối cùng của Đức Giê-su, nhưng lại không hề nói gì về hai ngày thứ tư và thứ năm ! Sự im lặng khó hiểu này đã khiến người ta nghĩ rằng trong hai ngày đó, Đức Giê-su đã lánh riêng ra một nơi để ở cùng các môn đệ. Nhưng thực ra, hai ngày ấy, Người bị tạm giam theo đúng tiến trình của cuộc thương khó.

5. Truyền thống củng cố thêm

Các tín hữu thời Giáo hội sơ khai đã giữ chay vào thứ tư và thứ sáu. Tập tục này hẳn đã khởi đi từ một truyền thống cho rằng Đức Giê-su bị bắt vào thứ tư và chịu chết vào thứ sáu, mà việc ăn chay là nhằm tưởng niệm hai biến cố này.

Sách Giáo huấn các Tông đồ (Didascalia Apostolorum) cho biết thêm rằng : “Sau khi ăn tiệc Vượt Qua vào chiều thứ ba, chúng tôi (các tông đồ) đi đến núi Cây Dầu và vào ban đêm người ta đã bắt Chúa Giê-su. Ngày hôm sau, thứ tư, Người bị giam giữ tại nhà Thượng Tế Cai-pha; cùng ngày hôm ấy, các trưởng tế nhóm họp và nghị án. Ngày thứ năm, họ điệu Người đến tổng trấn Phi-la-tô và đêm hôm ấy Người bị giam tại dinh tổng trấn. Sáng thứ sáu, họ tố cáo Người trước Phi-la-tô, nhưng không đưa ra được chứng cớ nào xác thực. Họ đã làm chứng gian buộc tội Người và đòi Phi-la-tô xử tử Người. Cũng vào thứ sáu, Người chịu đóng đinh”(ch. XXI).

6. Đức Giê-su kiên trung đến cùng

Theo truyền thống Gio-an, Hội thánh vẫn tưởng niệm biến cố Tiệc Ly vào chiều thứ Năm Tuần Thánh.

Theo lối giải thích mới, phải chăng Hội thánh cần thay đổi việc cử hành phụng vụ Tuần Thánh ? Hẳn nhiên là không.

Trong đời sống Hội thánh, phụng vụ nhằm giáo huấn chứ không hẳn là lịch sử. Cũng như chúng ta vẫn cử hành lễ Giáng sinh vào ngày 25 tháng 12, dù biết rằng đó không phải là ngày tháng lịch sử của sự kiện, thì cũng vậy, phụng vụ vẫn cử hành lễ Tiệc Ly vào chiều thứ Năm Tuần Thánh.

Cuộc khổ nạn của Đức Giê-su thực tế đã diễn ra trong khoảng thời gian khá dài, mấy ngày chứ không phải chỉ ít giờ ngắn ngủi. Điều này khẳng định rằng cái chết của Người không phải là một kết cuộc bất ngờ, do một đám đông bị kích động, nóng vội quyết định một số phận, nhưng là cả một tiến trình được sắp đặt hẳn hòi và được chuẩn nhận bởi giới lãnh đạo Do-thái, nhà cầm quyền La Mã và cả dân chúng nữa.

Cuộc khổ nạn của Đức Giê-su thực ra bi thảm và hãi hùng hơn những gì chúng ta tưởng. Điều này cho thấy ý chí kiên quyết của Đức Giê-su đi đến cùng cuộc khổ nạn, cho dù người ta đã ra sức hành hạ Người suốt mấy ngày ròng rã.

Là môn đệ của Thầy Giê-su, chẳng lẽ chúng ta lại tự hài lòng vì một vài chốc lát mình chịu đau khổ và đã tín trung ?

Cầu nguyện

Sầu chất nặng, thêm giấm chua mật đắng
Ðinh sắt, lưỡi đòng, gai nhọn, đâm thâu
Thân nát tan và máu nước tuôn trào
Cho vũ trụ càn khôn được thanh tẩy!

Ta tin thật muôn rừng xanh chẳng thấy
Một cây nào: cành, hoa, quả như ngươi!
Mấy mũi đinh nhẹ quá, thập tự ơi,
Sao mang nổi tấm hình hài vô giá?

Rủ cành xuống, hỡi cây cao bóng cả,
Giãn thớ ra cho thân cứng hóa mềm,
Như chiếc giường vừa trải nệm ấm êm
Chờ Vua Cả đến đặt mình nằm xuống.

Ôi thập tự, chỉ ngươi là xứng đáng
Giá chuộc đời, đem cất giữ trong tim!
Biển trần gian, tàu cờ hiệu Máu Chiên
Ngươi rước kẻ đắm chìm cho cập bến.

Cung trầm bổng dệt bài ca cầu nguyện
Xin khấu đầu thượng tiến Chúa Ba Ngôi
Ðã đổ hồng ân cứu chuộc loài người,
Muôn muôn thuở, xin dâng lời vinh chúc.

(Thánh thi Kinh Sáng, Lễ Lá)

Nguồn: tgpsaigon.net