Chúa Nhật III Mùa Phục Sinh năm A (08.05.2011)
LẬP TỨC ĐỨNG DẬY VÀ QUAY TRỞ LẠI
Trong hai ngày cuối tuần 07-08.05.2011,
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã có cuộc viếng thăm mục vụ tại miền Đông Bắc Ý. Hầu
hết các hoạt động của cuộc viếng thăm đều diễn ra tại hai thành phố lớn là
Venezia và Mestre. Vào lúc 10 giờ ngày Chúa Nhật 08.05.2022, Đức Thánh Cha chủ
sự Thánh Lễ trước sự hiện diện của khoảng ba trăm ngàn tín hữu tại công viên
San Giuliano. Đây là một trong những công viên rộng nhất Châu Âu, có khung cảnh
rất đẹp nằm ở cửa vào thành phố Mestre, hướng mặt ra vùng vịnh biển Venezia.
Trong phần bài giảng của mình,
Đức Thánh Cha đã khởi đầu bằng việc bày tỏ niềm vui khi được hiện diện giữa
đông đảo các tín hữu vùng Bắc Ý. Ngài cũng nêu lên ý nghĩa của việc cử hành Phụng
Vụ Thánh Lễ tại Công Viên San Giuliano: một nơi vốn không thường được dùng cho
các buổi cử hành các lễ nghi tôn giáo, nhưng là cho các cuộc biểu diễn văn hóa
và âm nhạc. Ngài khẳng định, như thế, hôm nay nơi này đón nhận Đức Giêsu Phục
Sinh, Đấng thực sự hiện diện trong Lời của Người, trong cộng đoàn Dân Thiên
Chúa cùng với vị Mục Tử của họ, và nhất là trong Bí Tích Mình và Máu Thánh Người.
Sau đó, Đức Thánh Cha tiếp tục
bài giảng bằng việc bình giải đoạn trình thuật của Tin Mừng Luca về hai môn đệ
Emmaus, áp dụng sứ điệp của đoạn Tin Mừng cho hoàn cảnh thực tế của Giáo Hội
vùng Đông Bắc Ý. Ngài nói:
Bài
Tin Mừng của Chúa nhật thứ III Phục Sinh thuật cho chúng ta nghe câu chuyện của
hai môn đệ Emmaus, một trình thuật không ngừng làm cho chúng ta sửng sốt và cảm
động. Đoạn tin Mừng này cho thấy hiệu quả mà Đức Giêsu Phục Sinh thực hiện nơi
hai môn đệ Emmaus: đó là sự hoán cải hoàn toàn từ thất vọng đến hy vọng, từ buồn
bã đến vui mừng, đó là sự hoán cải trở về với đời sống cộng đoàn. Khi nói đến
hoán cải, thường thì chúng ta hay nói đến khía cạnh phải chiến đấu, phải từ khước,
phải dứt bỏ. Thế nhưng trên hết tất cả, một cuộc hoán cải Kitô giáo là nguồn mạch
của niềm vui, của niềm hy vọng và của tình yêu. Đây luôn là công việc của Đức
Kitô Phục Sinh, Chúa của sự sống, Đấng ban cho chúng ta ân sủng này ngang qua
cuộc Thương Khó của Người và thông truyền cho chúng ta sức mạnh của sự Phục
Sinh của Người.
Trong
môi trường sống Kitô giáo của các bạn, đức tin đã đồng hành xuyên suốt hàng bao
thế kỷ, trên chuyến hành trình của biết bao dân tộc, ngang qua những bách hại
và thử thách hết sức ngặt nghèo. Những diễn đạt hùng hồn và vô số những chứng
tá của niềm tin ấy đã được gieo vãi khắp mọi nơi: nơi các ngôi thánh đường, các
công trình nghệ thuật, các bệnh viện, thư viện, trường học… Môi trường sống của
các bạn, từ thành thị đến nông thôn và cả những vùng đồi núi, tất cả đều quy hướng
về Đức Kitô. Thế nhưng, Đức Kitô ấy của ngày hôm nay có nguy cơ bị chúng ta làm
mất đi những sự thật và những nội dung sâu xa, có nguy cơ trở nên một khung trời
chỉ ôm lấy cuộc sống một cách giả tạo trong giới hạn của cái khung văn hóa xã hội,
có nguy cơ bị giản lược vào một loại Kitô giáo mà kinh nghiệm niềm tin vào Đức
Giêsu bị đóng đinh và Phục Sinh không thể chiếu dọi ánh sáng trên hành trình sống…
như tình trạng mà chúng ta đã nghe trong tường thuật của Tin Mừng hôm nay về
hai môn đệ Emmaus. Sau khi Đức Giêsu bị đóng đinh, họ đã quay trở về quê nhà,
chìm ngợp trong nỗi niềm hoài nghi, buồn bã và thất vọng. Đáng buồn là thái độ ấy
cũng đang lan truyền trên vùng đất của chúng ta: điều này xảy ra khi các môn đệ
rời xa thành Giêrusalem, nơi có Đấng Chịu Đóng Đinh và là Đấng Phục Sinh, họ
không còn tin tưởng vào quyền năng và sự hiện diện sống động của Đức Chúa. Những
vấn đề về sự dữ, đau khổ, bất công, gian dối, nỗi lo sợ những người khác và những
kẻ xa lạ… là những điều đã có mặt trên vùng đất của chúng ta, gây tổn hại cho
chúng ta và khiến cho chúng ta, những người Kitô hữu hôm nay, phải thốt lên buồn
bã như các môn đệ Emmaus rằng: chúng tôi đã hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ
giải phóng chúng tôi khỏi sự dữ, đau khổ sợ hãi, bất công…
Thế
thì thật cần thiết khi mỗi người chúng ta, như hai môn đệ Emmaus, biết để cho
mình được Đức Giêsu dạy dỗ: trước hết là việc lắng nghe và yêu mến Lời Chúa, đọc
lời Chúa dưới ánh sáng của Mầu Nhiệm Vượt Qua, để nhờ đó, con tim chúng ta được
hun nóng và tâm trí chúng ta được soi sáng, để chúng ta được dạy cho biết cách
diễn giải những biến cố xảy ra trong cuộc sống và cho những biến cố ấy một ý
nghĩa. Thế rồi chúng ta ngồi lại với Thiên Chúa, trở thành những kẻ chung bàn với
Người, để nhờ chính sự hiện diện khiêm hạ của Người trong Bí Tích Mình và Máu
Thánh Người khôi phục lại cái nhìn đức tin của chúng ta, để chúng ta có thể
nhìn mọi người và mọi sự với cặp mắt của Thiên Chúa, trong ánh sáng của tình
yêu. Hãy ở lại với Đức Giêsu, Đấng đã ở lại với chúng ta, hãy đồng hóa mình với
cách sống trao ban của Người, hãy cùng Người chọn hướng đi hiệp thông, liên đới
và chia sẻ. Bí Tích Thánh Thể, diễn tả trọn hảo nhất của ân sủng trao ban chính
mình mà Đức Giêsu đã thực hiện, là một lời mời gọi liên lỉ để chúng ta sống cuộc
sống của mình theo hướng đi của Bích Tích Thánh Thể, như một quà tặng trao ban
cho Thiên Chúa và cho người khác.
Đoạn
Tin Mừng cũng ghi nhận rằng: sau khi nhận ra Đức Giêsu khi người bẻ bánh, hai
môn đệ “ngay lập tức đứng dậy và quay trở lại Gêrusalem”(Lc 24, 33). Họ
thấy cần phải trở lại Gêrusalem để kể lại kinh nghiệm ngoại thường mà họ đã sống:
đó là cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh. Cần có một nỗ lực lớn lao để mỗi người
Kitô hữu, tại vùng Đông Bắc Ý này, cũng như tại khắp nơi trên thế giới, có thể
biến mình thành những chứng nhân, sẵn sang loan báo cái chết và sự Phụ Sinh của
Đức Kitô với lòng hăng say và niềm vui mừng.
Tôi
nhận thấy mối quan tâm đang đặt ra trong hành trình tìm hiểu lý lẽ trong con
tim của con người hiện đại. Tôi gợi nhắc các bạn về những truyền thống Kitô
giáo cổ kính của vùng này khi các bạn đang ra công thực hiện những chương trình
tái Tin Mừng hóa, đang phải lưu tâm đối mặt với vô số những khóa khăn của thời
hiện đại, cũng như đang suy tư về tương lai của vùng này. Với sự hiện diện của
mình, tôi ước mong có thể tiếp sức cho những công trình của các bạn, khiến mọi
người đặt niềm tin tưởng vào những chương trình mục vụ đã được khởi hành bởi
các vị mục tử của chúng ta, mong đợi một sự dấn thân hiệu quả từ tất cả những
thành phần trong cộng đoàn Giáo Hội.
Một
dân tộc hoàn toàn theo công giáo truyền thống vẫn có nguy bị cơ biến đổi theo
hướng tiêu cực, có thể đồng hóa mình một cách vô thức với những ảnh hưởng của một
nền văn hóa có xu thế hướng lối suy nghĩ của con người đến với việc từ chối, hoặc
gây chướng ngại cách ngấm ngầm, đối với sứ điệp Tin Mừng. Tôi biết rằng đã có
và vẫn còn tiếp tục đó những nỗ lực lớn lao của anh chị em trong việc bảo vệ những
giá trị vĩnh cữu của đức tin Kitô giáo. Tôi khuyến cáo anh chị em đừng bao giờ
tin vào những luồng cám dỗ của nền văn hóa khoái lạc và những mời gọi của chủ
nghĩa hưởng thụ vật chất. Hãy đón nhận lời mời gọi của thánh Phêrô, trong Bài Đọc
II của phụng vụ ngày hôm nay: “Hãy sống đời lữ hành của mình trên trần
gian này với lòng kính sợ Thiên Chúa”(1 Pr 1, 17). Đây là lời mời gọi rằng
chúng ta hãy sống hết sức cuộc sống cụ thể của mình trong nơi thế gian này,
cùng với ý thức muốn đạt đến một sự hiệp nhất với Thiên Chúa, với Đức Kitô Chịu
Đóng Đinh và là Đấng Phục Sinh. Quả thế, Đức tin của chúng ta và niềm hy vọng của
chúng ta hướng về Thiên Chúa (1 Pr 1, 21): để chúng ta bén rễ nơi Người, đặt nền
nơi tình yêu và sự trung tín của Người. Trong những thế kỷ vừa qua, Giáo hội của
anh chị em đã có một truyền thống phong phú về sự nên thánh, về việc phục vụ quảng
đại những anh chị em của mình, nhờ vào sự nhiệt tâm của vô số những linh mục tu
sĩ nam nữ sống đời dâng hiến và chiêm niệm. Nếu chúng ta muốn đặt mình để nghe
những lời giáo huấn thiêng liêng của họ, không có gì khó để chúng ta có thể nhận
ra lời kêu gọi rõ ràng mà họ dành cho từng cá nhân chúng ta: Anh chị em
hãy là thánh! Hãy đặt Đức Kitô ở trung tâm cuộc sống của anh chị em! Hãy
xây dựng nơi người công trình hiện hữu của anh chị em! Trong Đức
Giêsu, anh chị em sẽ tìm thấy sức mạnh để mở lòng mình ra cho người khác, và để
biến cuộc sống của chính mình thành một quà tặng cho toàn thể nhân loại.
Chung
quanh vùng Aquileia này có thể thấy sự hợp nhất nhiều sắc dân với nhiều ngôn ngữ
và văn hóa khác nhau, có sự hội nhất không chỉ bởi những nhu cầu chính trị mà
trước hết là bởi niềm tin vào Đức Kitô và bởi một nền văn minh được gợi hứng bởi
những giáo huấn của Tin Mừng. Những Giáo Hội sinh ra từ Aquileia ngày hôm nay
được kêu gọi để cũng cố sự hợp nhất tinh thần cổ kính này, nhất là trước hiện
tượng nhập cư và những biến động địa lý-chính trị đang diễn ra. Đức tin Kitô
giáo chắc chắn có thể có những đóng góp cụ thể cho những chương trình này, quan
tâm đến sự hài hòa và sự phát triển toàn diện của con người và xã hội, nơi mà
mình đang sinh sống. Do đó, mong rằng sự hiện diện của tôi giữa anh chị em có
thể trở nên một khích lệ sống động cho những nỗ lực đang được thực thi nhằm thắt
chặt tình liên đới giữa các Giáo Phận trong vùng Đông Bắc này! Hơn nữa, mong rằng
sự hiện diện này cũng có thể là một khích lệ cho những sáng kiến đưa đến việc
thoát ra khỏi tình trạng chia rẽ là điều gây chướng ngại cho những khát vọng về
công lý và hòa bình!
Thưa
anh chị em, đây chính là lời nguyện của tôi dâng lên Thiên Chúa cho anh chị em,
tôi cầu xin sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, của tất cả các Thánh và các
Chân Phước, trong số đó có Thánh Pio X và chân phước Gioan XXIII cũng như Đấng
Đáng Kính Giuseppe Toniolo là người sẽ sớm được phong chân phước. Họ là những
chứng nhân sáng ngời của Tin Mừng, là gia sản giàu có lớn lao trên vùng đất của
anh chị em: Hãy bước theo gương mẫu và những lời giáo huấn của họ, hội nhất những
điều ấy với những nhu cầu thiết thực. Hãy vững tin: Đấng Phục Sinh luôn bước đi
cùng anh chị em, hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Amen.
Kết thúc Thánh Lễ, Đức Thánh
Cha đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với những tất người đang hiện diện. Sau
đó, muộc rước thuyền trọng thể và đẹp mắt diễn ra trên mặt biển, đưa Đức Thánh
cha trở về nơi lưu ngụ gần nhà thờ Thánh Marco, để chuẩn bị cho buổi ăn trưa và
các cuộc tiếp kiến vào buổi chiều với giáo phận Venezia.
Lưu Minh Gian
Nguồn: archivioradiovaticana.va (08.05.2011)