Chúa Nhật II Mùa Phục Sinh năm A
Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót
(27.04.2014)
VẾT THƯƠNG VINH HIỂN CỦA CHÚA GIÊSU PHỤC SINH
Chúa Nhật II Phục Sinh năm A -
Chúa nhật Lòng Chúa Thương xót ngày 27-04-2014 thực là một ngày đặc biệt trong
lịch sử Giáo Hội. Giới báo chí gọi là “Chúa nhật 4 Giáo Hoàng”: lần đầu tiên
hai vị Giáo Hoàng cùng được tôn phong hiển thánh trong một buổi lễ: Gioan XXIII
và Gioan Phaolô II; và lần đầu tiên hai vị Giáo Hoàng: một vị đương kim và một
vị cựu, Đức Phanxicô và Đức Biển Đức XVI, cùng hiện diện trong buổi lễ. Sau đây
là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha
Phanxicô trong thánh lễ phong thánh đặc biệt này:
Nơi
trọng tâm Chúa nhật kết thúc Tuần Bát Nhật Phục Sinh này, mà Đức Gioan Phaolô II
đã muốn gọi là Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa, có những vết thương vinh hiển của
Chúa Giêsu Phục sinh.
Chúa
đã tỏ các vết thương ấy lần đầu tiên khi Ngài hiện ra với các Tông Đồ, chính buổi
chiều tối ngày sau ngày sabát, ngày Phục sinh, nhưng chiều tối hôm ấy không có
tông đồ Tôma; và khi nhưng vị khác kể lại với ông là đã thấy Chúa, ông trả lời
là sẽ không tin nếu không nhìn thấy và động chạm đến các vết thương của Ngài.
Tám ngày sau, Chúa Giêsu lại hiện ra tại Nhà Tiệc Ly, giữa các môn đệ, và có cả
Tôma; Ngài ngỏ lời với ông và mời ông chạm đến các vết thương của Ngài. Bấy giờ
con người chân thành ấy, con người quen đích thân kiểm chứng, liền quỳ xuống
trước Chúa Giêsu và thưa: ”Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20,28).
Những
vết thương của Chúa Giêsu là cớ vấp phạm đối với đức tin, nhưng chúng cũng là
điều kiểm chứng niềm tin. Vì thế nơi thân thể của Chúa Kitô Phục Sinh, những vết
thương ấy không biến mất, nhưng tồn tại, vì những vết thương ấy là dấu chỉ trường
tồn về tình thương của Thiên Chúa đối với chúng ta, và chúng không thể thiếu được
để tin nơi Thiên Chúa. Không phải để tin Thiên Chúa hiện hữu, nhưng để tin rằng
Thiên Chúa là tình thương, là lòng từ bi, trung tín. Thánh Phêrô, nhắc lại Ngôn
sứ Isaia, đã viết cho các tín hữu Kitô: ”Từ những vết thương của Người, anh chị
em được chữa lành” (1 Pr 2,24; Xc Is 53,5).
Đức
Gioan XXIII và Gioan Phaolô II đã can đảm nhìn những vết thương của Chúa Giêsu,
động chạm đến những bàn tay bị thương và cạnh sườn của Chúa bị đâm thâu qua.
Các vị đã không hổ thẹn vì thân thể của Chúa Kitô, không vấp phạm về Chúa, về
thập giá của Ngài (Is 58,7); không hổ thẹn vì thân mình của người anh em (Xc
58,7), vì nơi mỗi người đau khổ, các vị nhìn thấy Chúa Giêsu. Hai vị là những
người can đảm, đầy ơn táo bạo (parresía) của Chúa Thánh Linh, và đã làm chứng
cho Giáo Hội và thế giới về lòng từ nhân của Thiên Chúa, về lòng từ bi của
Chúa. Các vị đã là những linh mục, giám mục và giáo hoàng của thế kỷ 20. Các vị
đã sống những thảm trạng, nhưng không để chúng lướt thắng. Nơi các vị, Thiên
Chúa mạnh mẽ hơn; niềm tin nơi Chúa Giêsu Đấng Cứu Chuộc con người và là Chúa tể
của lịch sử mạnh mẽ hơn; nơi các vị sự gần gũi từ mẫu của Mẹ Maria mạnh mẽ hơn.
Nơi hai vị là những người chiêm ngắm các vết thương của Chúa Kitô và là chứng
nhân về lòng từ bi của Chúa có một ”niềm hy vọng sinh động”, cùng với một ”niềm
vui khôn tả và vinh hiển” (1 Pr 1,3.8). Niềm hy vọng và niềm vui mà Chúa Kitô
phục sinh ban cho các môn đệ của Ngài, và không ai và không gì có thể làm cho họ
bị thiếu những hồng ân ấy. Niềm hy vọng và niềm vui phục sinh, được thanh luyện
qua cái lò từ bỏ, loại trừ sự gần gũi tội lỗi cho đến tột cùng, đến độ cảm thấy
buồn nôn vì chén đắng. Đó chính là niềm hy vọng và niềm vui mà hai vị Thánh
Giáo Hoàng đã lãnh nhận như hồng ân từ Chúa phục sinh và tiếp đến, các vị đã
trao tặng dồi dào cho Dân Chúa, và được lòng biết ơn đời đời của họ.
Niềm
hy vọng và niềm vui này được cảm nghiệm trong cộng đoàn đầu tiên của các tín hữu
ở Jerusalem, như sách Tông đồ công vụ kể lại (Xc 2,42-47). Đó là một cộng đoàn
trong đó nòng cốt của Tin Mừng được sống thực, nghĩa là tình thương, lòng từ
bi, trong đơn sơ và huynh đệ.
Và
đó là hình ảnh Giáo Hội mà Công đồng chung Vatican II đã có trước mắt. Đức
Gioan XXIII và Gioan Phaolô II đã cộng tác với Chúa Thánh Linh để phục hồi và
canh tân Giáo Hội theo dạng thức nguyên thủy, dạng thức mà các thánh qua các thế
kỷ đã mang lại cho Giáo Hội. Chúng ta đừng quên rằng chính các thánh đã làm cho
Giáo Hội tiến bước và tăng trưởng. Trong việc triệu tập Công đồng chung Vatian
II, Đức Gioan XXIII đã chứng tỏ một thái độ ngoan ngoãn đối với Chúa Thánh
Linh, đã để cho Chúa hướng dẫn, và đối với Giáo Hội, Người là một vị mục tử đối
với Hội Thánh, một vị hướng đạo được hướng dẫn. Đó chính là một sự phục vụ cao
cả Người dành cho Giáo Hội; Người là một vị Giáo Hoàng ngoan ngoãn tuân theo
Chúa Thánh Linh.
Trong
việc phục vụ Dân Chúa, Đức Gioan Phaolô II là vị Giáo Hoàng của gia đình. Chính
Người đã có lần nói là muốn được nhắc nhớ đến như vị Giáo Hoàng của gia đình.
Tôi vui lòng nhấn mạnh điều đó trong lúc chúng ta đang sống hành trình Thượng
HĐGM về gia đình và với các gia đình, một hành trình mà từ trời cao, chắc chắn
Người đang tháp tùng và hỗ trợ. xin cả hai vị tân Hiển Thánh Mục Tử của Dân
Chúa chuyển cầu cho Giáo Hội, để trong hai năm hành trình Thượng Hội đồng Giám
mục này, Giáo hội ngoan ngoãn tuân theo chỉ dạy của Chúa Thánh Linh trong việc
phục vụ mục vụ gia đình. Xin cả hai thánh nhân dạy chúng ta đừng coi các vết
thương của Chúa Kitô như cớ vấp phạm, tập trung vào mầu nhiệm từ bi của Chúa,
luôn hy vọng, luôn tha thứ, luôn yêu thương.
G. Trần Đức Anh OP, Mai Anh
Nguồn: archivioradiovaticana.va (27.04.2014)