Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gioan 8,1-11 :

1 Còn Đức Giê-su thì đến núi Ô-liu.  2 Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. 3 Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, 4 rồi nói với Người : "Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. 5 Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao ?" 6 Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. 7 Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ : "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi." 8 Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. 9 Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. 10 Người ngẩng lên và nói : "Này chị, họ đâu cả rồi ? Không ai lên án chị sao ?" 11 Người đàn bà đáp : "Thưa ông, không có ai cả." Đức Giê-su nói : "Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu ! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa !"

---------


WTGPSG (04/4/2025) - Bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ V Mùa Chay năm C là câu chuyện về người phụ nữ ngoại tình, trong Tin Mừng thánh Gio-an (8,1-11). Câu chuyện xảy ra khi Đức Giê-su đang giảng dạy tại Đền Thờ có đông đảo dân chúng lắng nghe, thì các kinh sư và Pha-ri-sêu dẫn đến một phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình, và hỏi Đức Giê-su xem phải xử thế nào, vì trong Lề Luật ghi rõ : “Khi cả đàn ông lẫn đàn bà ngoại tình phải bị xử tử” (Lv 20,10 ; x. Đnl 13,7-12 ; 17,2tt). Thực ra các ông kinh sư chỉ muốn tận dụng cơ hội này để gài bẫy Đức Giê-su, đặt Người vào tình thế lưỡng nan nhằm có cớ tố cáo Người. Nếu Đức Giê-su cứ theo luật Do-thái mà xét xử người phụ nữ này, thì Người sẽ bị lên án là không có lòng thương xót và đã đi ngược lại với lời Người rao giảng về tình thương tha thứ. Hơn nữa, Đức Giê-su còn có thể bị ghép tội chống lại chính quyền Rô-ma, vì người Do-thái đang bị Rô-ma cai trị và họ không còn quyền kết án tử hình. Còn nếu Đức Giê-su bảo tha cho người phụ nữ này thì Người sẽ bị kết tội là coi thường và chống lại Luật Mô-sê, đồng thời vô hình trung Người bị mang tiếng là khuyến khích hành vi ngoại tình khi tha cho chị ta.

Diễn tiến câu chuyện sẽ cho chúng ta thấy Đức Giê-su đã xử sự thật khôn ngoan, để vừa cứu người phụ nữ thoát khỏi án tử, lại vừa dạy cho những kẻ muốn hại mình một bài học thỏa đáng. Thật vậy, khi các kinh sư và Pha-ri-sêu dẫn người phụ nữ đến với Đức Giê-su, rồi họ hỏi Người : “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong Sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao ?” (c.4-5) và tác giả ghi chú rằng : “Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người” (c.6a). Đức Giê-su không trả lời ngay, Người im lặng và “cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất (c.6b). Sau đó tác giả kể tiếp : “Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ : “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi .” Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất” (c.7-8). Bản văn không cho biết Đức Giê-su đã viết gì và cũng không có một chứng tích gì để lại trên đất được nhắc đến trong câu chuyện. Vậy Đức Giê-su đã viết gì và hành động đó có ý nghĩa gì ? Các nhà chú giải Kinh Thánh đã giải thích thế nào ? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu vấn đề này.

1. Đức Giê-su đã viết gì trên đất ?

Có nhiều ‎‎ý kiến giải thích về những gì Đức Giê-su đã viết trên đất. Ở đây, chỉ xin nêu ra vài ý kiến tiêu biểu như sau :

a) Viết tội những kẻ tố cáo người phụ nữ

Theo thánh Giê-rô-ni-mô, một bậc thầy phiên dịch và giải thích Kinh Thánh, thì Đức Giê-su có thể đã viết tội của những kẻ đã tố cáo người phụ nữ, hoặc viết tên những người Pha-ri-sêu đang đứng chung quanh cùng với tội ngoại tình mà họ đang cáo buộc người phụ nữ.

Thánh Giê-rô-ni-mô cho rằng Đức Giê-su đã viết trên đất là vì dựa trên lời của ngôn sứ Giê-rê-mi-a khi xưa : “Lạy Đức Chúa, niềm hy vọng của Ít-ra-en là Ngài, hết những ai lìa bỏ Ngài sẽ phải xấu hổ, những kẻ quay lưng lại với Ngài sẽ bị ghi trên đất (in terra scribentur), vì họ đã lìa bỏ Đức Chúa là mạch nước trường sinh” (Gr 17,13). Có thể câu Gr 17,13 này phù hợp với sứ mạng của Đức Giê-su khi trước đó, Người đã tuyên bố rằng : “Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (Ga 7,38). Như vậy, Đức Giê-su có thể đang liên tưởng đến nguồn nước hằng sống của dân Do-thái thời xưa là Đức Chúa, và nguồn nước hằng sống đem lại ơn cứu độ cho con người hôm nay chính là Người. Những kẻ tố cáo người phụ nữ này đã quên rằng Thiên Chúa, Đấng họ tôn thờ, là nguồn nước tuôn chảy sự sống của tình yêu, để rồi họ chỉ áp dụng lề luật cách cứng nhắc ; vì vậy đối với người phụ nữ ngoại tình này, họ đã khó cảm thông, tha thứ mà chỉ biết xét xử lạnh lùng, vô cảm, không chút tình người. Đức Giê-su đến thế gian, Người chính là Thiên Chúa và là nguồn nước sự sống. Từ nơi Đức Giê-su đã tuôn tràn nguồn mạch tình yêu không vơi cạn.

Đức Giê-su đã viết tên và tội của những kẻ tố cáo người phụ nữ, vì họ như những người đã lìa bỏ Đức Chúa là nguồn mạch nước trường sinh ; tâm hồn họ thiếu vắng tình thương của Chúa, nên không biết cảm thông, tha thứ cho tội nhân mà chỉ muốn kết án tử  theo luật định.

Tuy nhiên, cũng có giải thích khác cho rằng Đức Giê-su đã viết trên đất tội của người phụ nữ ngoại tình, mà khi viết trên đất thì “một cơn gió thoảng là xong”, gió sẽ xóa hết những gì đã viết. Như vậy, điều này hàm ý rằng Đức Giê-su muốn xóa bỏ tội lỗi cho người phụ nữ, như lời Thánh vịnh : “Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm, tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta” (Tv 103,12).

b) Viết lời cảnh cáo việc làm chứng gian

Có ý giải thích khác cho rằng người chồng của người phụ nữ ngoại tình này, có thể đã lập mưu với các nhân chứng để dàn dựng việc bắt quả tang vợ mình phạm tội. Cho nên, dựa theo câu 6, khi viết trên đất lần thứ nhất, có thể Đức Giê-su đã viết một câu trong sách Luật : “Đừng làm chứng gian mà tiếp tay với kẻ xấu. Ngươi không được hùa theo số đông để làm điều trái” (Xh 23,1b-2) ; và lần thứ hai, Người đã viết trên đất : “Ngươi phải lánh xa điều gian dối” (Xh 23,7a). Chúng ta không quên sách Đa-ni-en đã qui chiếu về sách Xuất Hành trên đây khi nói đến hành vi của vị kỳ mục trong câu chuyện của bà Su-san-na : “Ông đã xử bất công, kết án người vô can, tha bổng kẻ đắc tội, bất kể lời Chúa dạy : “Ngươi chớ giết người vô tội và người công chính” (Đn 13,53).

c) Viết bản án của vụ việc

Ý kiến nữa cho rằng, trong cách xử án theo luật Rô-ma, trước tiên vị thẩm phán viết ra bản án, rồi mới đọc to lên. Như vậy, có thể Đức Giê-su đã viết ra bản án trên đất, và bản án đó được công bố như sau : “Ai trong các ông không có tội, thì cứ lấy đá ném chị này trước đí” (Ga 8,7). Sau đó, Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất lần thứ hai, có thể là điều Người nói ở cuối trình thuật : “Tôi không kết án chị đâu ! Chị về đi ; từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11).

Lại cũng có lối giải thích cho rằng Đức Giê-su có thể đã viết : “Còn người đàn ông kia đâu ?”. Vì theo luật Mô-sê thì “Khi người đàn ông nào ngoại tình với đàn bà có chồng, ngoại tình với vợ người đồng loại, thì cả đàn ông ngoại tình lẫn đàn bà ngoại tình phải bị xử tử” (Lv 20,10). Như vậy, Đức Giê-su muốn nhắc nhở rằng : nếu muốn ném đá người phụ nữ này, mà không xử người đàn ông đã phạm tội thông dâm kia, thì họ đã vi phạm luật Mô-sê, bởi lẽ tội ngoại tình không thể là hành động đơn phương, mà cả hai là đồng phạm. Và theo Luật định, khi hai người ngoại tình với nhau thì cả hai đều phải bị xử tử.

2. “Lấy ngón tay viết trên đất” có ‎ý nghĩa gì ?

Theo thánh Âu-tinh, khi “lấy ngón tay viết trên đất”, Đức Giê-su muốn nhắc nhớ sự kiện xưa trên núi Xi-nai, Thiên Chúa đã viết Mười Lời trên hai bia đá : “Sau khi phán với ông Mô-sê trên núi Xi-nai, Đức Chúa ban cho ông hai tấm bia Chứng Ước, những bia đá do ngón tay Thiên Chúa viết” (Xh 31,18 ; x. Đnl 9,10). Nếu xưa Thiên Chúa đã dùng ngón tay viết lề luật cho ông Mô-sê, thì nay Đức Giê-su cũng dùng ngón tay để viết. Hành động này cho thấy Người chính là Thiên Chúa, cũng là tác giả của lề luật. Hơn thế nữa, Đức Giê-su đến thế gian, chịu đóng đinh trên thập giá vì tội lỗi của con người, cho nên Người có quyền ban ơn tha thứ và tỏ lòng thương xót tội nhân. Cũng trong Tin Mừng Lu-ca, Đức Giê-su đã nhắc đến “ngón tay Thiên Chúa” khi Người đuổi quỷ ra khỏi một người bị câm. Khi có kẻ cáo buộc Đức Giê-su dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ, thì Người trả lời đã dùng “ngón tay Thiên Chúa” để trừ quỷ (x. Lc 11,20), đó chính là quyền năng của Thiên Chúa.

3. Tại sao Đức Giê-su lấy ngón tay viết trên đất ?

Theo chú thích trong bản dịch Tân Ước có hiệu đính của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, hành động viết trên đất (x. Ga 8,6.8) là hành động diễn tả thái độ của một người không muốn chú ý đến người chung quanh, và cũng là cử chỉ từ chối hoặc không đồng tình với người đang nói với mình. Cũng từ ý tưởng đó, có người giải thích rằng : thực ra khi cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất, Đức Giê-su vẽ những đường nét nguệch ngoạc để bày tỏ thái độ thờ ơ, không quan tâm đến chuyện đang xảy ra, vì Người buồn chán trước thái độ hăng hái đầy ác ý của những kẻ lên án người phụ nữ. Trong văn hóa và văn chương Ả Rập, người ta nói đến thói quen của người Sê-mít là họ thường thích viết hay vạch những nét nguệch ngoạc trên đất, khi không muốn can thiệp vào một vụ việc nào đó.

Một ý kiến khác cho rằng Đức Giê-su viết trên đất chỉ đơn giản là để phân tán sự chú ý của đám đông nhằm phá vỡ bầu khí căng thẳng lúc bấy giờ, vì thế nội dung những gì Đức Giê-su viết không quan trọng. Dù sao, có thể suy rằng nếu nội dung những gì được viết trên đất thực sự quan trọng hoặc có ý nghĩa, thì những chữ viết hay nét vẽ đó ắt hẳn đã được tác giả Tin Mừng Gio-an ghi lại.

Kết luận

Qua những giả thuyết trên đây liên quan đến hành động Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất, thì đây là cách thức Đức Giê-su đáp trả vụ việc gài bẫy hại người của các kinh sư. Trong câu chuyện này, chúng ta thấy được hai thái độ trái ngược nhau. Đối với các kinh sư và người Pha-ri-sêu, họ là những kẻ thích xét đoán và lên án người khác, thiếu lòng từ bi thương xót, sống nệ luật cứng nhắc. Ngược lại, đối với Đức Giê-su, Người luôn nhân từ, thương xót, sẵn sàng tha thứ cho tội nhân. Chúng ta nhớ lại giáo huấn của Đức Giê-su trong Bài Giảng trên núi : “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị xét đoán như vậy. Sao anh em thấy cọng rơm trong mắt của anh em, mà cái xà trong mắt của mình thì lại không để ý tới ? Hỡi kẻ đạo đức giả ! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cọng rơm ra khỏi mắt người anh em” (Mt 7,1-5). Sứ mạng của Đức Giê-su khi đến thế gian là cứu chữa con người với lòng nhân từ bao dung. Trong khi các kinh sư và Pha-ri-sêu vội vã đòi kết án tội ngoại tình theo luật định, thì Đức Giê-su giữ thái độ im lặng, cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất, rồi tuyên bố : “Ai trong các ông không có tội, thì cứ lấy đá ném chị này trước đi” (8,7), Đức Giê-su đã cho họ cơ hội rút lui. Còn với người phụ nữ, Đức Giê-su nhẹ nhàng nhưng nghiêm nghị nói : “Tôi không lên án chị đâu ! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa !” (Ga 8,11).

Để kết thúc bài chia sẻ, chúng ta cùng với thánh vương Đa-vít, cất lên lời ngợi ca chúc tụng tình yêu của Chúa đối với con người tội lỗi  :

“Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi,

toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh !

Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi,

thương chữa lành các bệnh tật ngươi.

Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt,

bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà.

Chúa là Đấng từ bi nhân hậu,

Người chậm giận và giàu tình thương,

chẳng trách cứ luôn luôn,

không oán hờn mãi mãi.

Người không cứ tội ta mà xét xử,

không trả báo ta xứng với lỗi lầm.

Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm,

tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta.

Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi !”

Thánh vịnh 103

Nữ tu Maria Lê Thị Thanh Nga - Dòng Đức Bà Nữ Kinh Sĩ Thánh Âu Tinh

Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ

Nguồn: tgpsaigon.net