KINH TRUYỀN TIN VỚI ĐỨC THÁNH CHA

Chúa nhật 32 Thường niên năm A
Chúa nhật, 06.11.2011

DẦU LÀ BIỂU TƯỢNG CỦA TÌNH YÊU

Linh Tiến Khải

Nếu dẹp bỏ Thiên Chúa, nếu dẹp bỏ Chúa Kitô, thì thế giới lại rơi vào trống rỗng và tối tăm. Và đây là điều gặp thấy trong các kiểu diễn tả của chủ thuyết hư vô ngày nay, một chủ thuyết hư vô đáng tiếc gây truyền nhiễm cho biết bao nhiêu người trẻ thường khi một cách vô ý thức. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định điều này trước hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin tại quảng trường thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 06.11.2011. Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã nhắc tới các bài đọc phụng vụ và nói:

Anh chị em thân mến,

Các bài đọc kinh thánh trong phụng vụ Chúa nhật hôm nay mời gọi chúng ta kéo dài suy tư về cuộc sống vĩnh cửu, đã bắt đầu nhân ngày lễ Tưởng niệm mọi tín hữu đã qua đời. Về điểm này có sự khác biệt rõ ràng giữa người tin và người không tin, hay cũng có thể nói giữa người hy vọng và người không hy vọng. Thật thế, thánh Phaolo viết cho tín hữu Thêxalônica: “Thưa anh em, về những ai đã an giấc ngàn thu, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng” (1Tx 4,13). Và trong lãnh vực này nữa, niềm tin nơi cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu ghi dấu một sự phân rẽ định đoạt. Thánh Phaolô cũng nhắc cho tín hữu Êphêxô bết rằng trước khi đón nhận Tin Mừng, họ đã “không có niềm hy vọng và không có Thiên Chúa ở trần gian này” (Ep 2,12). Quả vậy, tôn giáo của người Hy lạp, các việc phụng tự và huyền thoại ngoại giáo, đã không thể ném ánh sáng trên mầu nhiệm sự chết, đến độ có một bảng khắc cổ xưa nói rằng: “Trong hư vô và từ hư vô chúng ta lại rơi vào một cách nhanh chóng biết bao”. Nếu dẹp bỏ Thiên Chúa, nếu dẹp bỏ Chúa Kitô, thì thế giới lại rơi vào trống rỗng và tăm tối. Và đây là điều gặp thấy trong các kiểu diễn tả của chủ thuyết hư vô ngày nay, một chủ thuyết hư vô đáng tiếc gây truyền nhiễm cho biết bao nhiêu người trẻ thường khi một cách vô ý thức.

Tin Mừng hôm nay là một dụ ngôn nổi tiếng đề cập tới mười trinh nữ được mời dự lễ cưới, biểu tượng cho Nước Trời, biểu tượng cho cuộc sống vĩnh cửu (Mt 25,1-13). Đây là một hình ảnh ý nghĩa, qua đó Chúa Giêsu dậy chúng ta một chân lý, khiến cho chúng ta phải thảo luận. Thật vậy, trong mười trinh nữ ấy có năm cô vào dự lễ cưới, vì khi chàng rể tới các cô có dầu để thắp đèn của mình; trong khi năm cô khác ở ngoài, bởi vì khờ dại không mang dầu theo.

Thánh Agustino và các tác giả cổ xưa khác đọc hiểu dấu chỉ đó như biểu tượng của tình yêu, không thể mua được, mà chỉ nhận được như món quà, cần giữ gìn trong nội tâm và thi hành trong các công viêc của lòng thương xót. Sự khôn ngoan đích thực là biết lợi dụng cuộc sống phải chết để chu toàn các việc thương xót, bởi vì sau khi chết thì không còn làm được nữa. Khi chúng ta sẽ được đánh thức vào ngày phán xét sau hết, sự phán xử sẽ được dựa trên nền tảng tình yêu thương, được thực thi trong cuộc sống trên trần gian này (x. Mt 25,31-46). Và tình yêu thương ấy là ơn của Chúa Kitô, được Chúa Thầnh Thần đổ tràn đầy trong chúng ta. Ai tin nơi Thiên Chúa Tình Yêu, thì mang trong mình một niềm hy vọng không ai thắng nổi, như một ngọn đèn mang theo trong đêm tối vượt qua cái chết để đạt tới đại lễ của sự sống.

Chúng ta hãy xin Mẹ Maria là Ngai Tòa Khôn Ngoan, dậy cho chúng ta sự khôn ngoan đích thực, sự khôn ngoan đã nhập thể nơi Đức Giêsu. Người là Sự Sống dẫn đưa chúng ta từ cuộc sống này tới với Thiên Chúa, tới với Đấng Vĩnh Cửu. Người đã cho chúng ta biết gương mặt của Thiên Chúa Cha, và như thế đã ban cho chúng ta một niềm hy vọng tràn đầy tình yêu. Vì thế Giáo Hội hướng về Mẹ Chúa với các lời này: “Ôi sự sống, sự dịu ngọt và niềm hy vọng của chúng con”. Chúng ta hãy học nơi Mẹ để biết sống và chết trong niềm hy vọng không gây thất vọng.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã cất Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Nguồn: archivioradiovaticana.va