CHƯƠNG TRÌNH DƯỚI ÁNH SÁNG LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT 3 MÙA VỌNG NĂM B

BÀI 44: GIO-AN TẨY GIẢ VÀ TRÀO LƯU KHỔ HẠNH TRONG CỰU ƯỚC

Lm. I-nha-xi-ô Hồ Văn Xuân, Tổng Đại Diện Gp. Sài Gòn
và Nhóm Phiên Dịch Các giờ kinh Phụng vụ

WGPSG (14.12.2023) Một trong những gương mặt nổi bật trong Mùa Vọng là thánh Gio-an Tẩy Giả. Thánh nhân không chỉ là người loan báo và dọn đường cho Đấng Cứu Thế mà còn có một đời sống khắc khổ như dấu chỉ mãnh liệt của niềm mong đợi Đấng Mê-si-a. Cuộc sống khắc khổ ấy đã gợi hứng cho những trào lưu tu trì và đặc biệt là làm phát sinh, trong dòng lịch sử Giáo Hội, một số dòng tu với nếp sống khổ hạnh. Trong bài học hôm nay, chúng ta tìm hiểu xem thánh Gio-an Tẩy Giả là ai, và thánh nhân đã chịu ảnh hưởng lối sống nào hay trào lưu đạo đức nào trong Cựu Ước.


I. Gio-an Tẩy Giả là ai ?

Trong Tin Mừng của Chúa nhật thứ ba Mùa Vọng này, tác giả Tin Mừng thứ tư đã giới thiệu Gio-an Tẩy Giả như sau : “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng” (Ga 1,6-8) ; còn tác giả Mát-thêu thì mô tả : “Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn” (Mt 3,4).

Qua hai tác giả, chúng ta thấy ngay thánh Gio-an Tẩy Giả là người của Thiên Chúa, và có một lối sống khác thường, gây chú ý cho người đương thời. Thấm nhuần truyền thống Do-thái giáo, nên khi dân chúng thấy lối ăn mặc và nếp sống khắc khổ của Gio-an Tẩy Giả, thì liên tưởng đến ngôn sứ Ê-li-a hay một ngôn sứ nào đó (x. Ga 1,21). Nhưng Gio-an Tẩy Giả khẳng định rằng ông chỉ là tiếng người hô trong hoang địa, là kẻ dọn đường cho Đấng sẽ đến, mà bản thân ông không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Đấng ấy (x. Ga 1,23-27). Ông xuất hiện như một bậc thầy có nhiều môn đệ mà tông đồ An-rê và có thể là cả Phi-líp-phê đã từng là môn đệ của ông (x. Ga 1,35). Lời giảng hùng hồn của ông lay động lòng người, khiến dân chúng lũ lượt kéo đến xin chịu phép rửa (x. Lc 3,3-7). Từ những người thu thuế đến những quân nhân và kẻ tội lỗi ; Gio-an Tẩy Giả không từ chối ai, nhưng ông đòi hỏi họ phải tích cực hoán cải và sinh hoa trái trong đời sống, chứ đừng ỷ mình là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham (x. Mt 3,8-9). Sau hết, Gio-an Tẩy Giả tuyên bố rằng phép rửa của ông chỉ là phép rửa giục lòng sám hối, và mọi người còn phải chịu phép rửa trong Thánh Thần và lửa của Đấng sẽ đến (x. Mt 3,11 ; Lc 3,16) …

Theo các sử gia, có một cộng đoàn gọi là Ét-xê-nô ở gần Biển Chết có thói quen chịu phép rửa vào một vài dịp lễ. Chịu phép rửa là được dìm xuống nước rồi đi lên. Gio-an Tẩy Giả đã làm như thế, nên có thể ông xuất thân từ cộng đoàn Ét-xê-nô này.

II. Trào lưu khổ hạnh trong Cựu Ước

Từ khổ hạnh có xuất xứ từ tiếng Hy-lạp as-kê-tês (ἀσκητης), đôi khi cũng dịch là khổ chế, nhưng hai từ đều có nghĩa là hãm mình. Gốc của các từ này do động từ as-ke-ô (ἀσκεω) có nghĩa là  tập luyện, thực hành.

Nói đến trào lưu khổ hạnh thì phải nói đến một cộng đoàn tu trì Ét-xê-nô mà có thể Gio-an Tẩy Giả đã xuất thân từ đó. Danh xưng này có lẽ do từ Híp-ri e-sah (ʿēṣāh - עֵצָה) có nghĩa là phái hay cộng đoàn. Cũng có thể bắt nguồn từ tiếng Hy-lạp ho-si-os (ὁσιος) có nghĩa là sự thánh thiện, ở số nhiều nghĩa là những người thánh thiện, đạo đức. Những người này tách ra khỏi quần chúng, rút vào sa mạc để sống thành những cộng đoàn đạo đức. Vào năm 1947, nhờ khảo cổ học, người ta tìm ra những hang động ở Qum-ran, phía tây bắc Biển Chết, khám phá ra những bản văn, trong đó có bản “Quy luật cộng đoàn” liệt kê chi tiết về nếp sống của cộng đoàn. Các học giả gọi đây là giáo phái Do-thái khổ hạnh, phát triển mạnh mẽ ở Pa-lét-tin từ khoảng năm 140 tCN cho đến năm 68 CN, rồi bị quân đội Rô-ma phá huỷ và phân tán. Nhờ những bản luật, người ta biết được nếp sống cụ thể của cộng đoàn này với những điểm nổi bật sau đây : Vâng phục người lãnh đạo, được gọi là “Người dạy lẽ phải” hay là “Thầy công chính” ; sống triệt để tình huynh đệ, nêu cao đức tính khiêm nhường, chấp nhận việc sửa lỗi huynh đệ. Phải chăng do ảnh hưởng luật này, Chúa Giê-su cũng đưa ra nguyên tắc phải theo khi trong cộng đoàn có người anh em phạm lỗi (x. Mt 18,15-17).


Hoạ đồ cộng đoàn Ét-xê-nô tại Qum-ran

Lý tưởng của cộng đoàn là nhắm tới sự hoàn hảo thánh thiện. Sự thánh thiện được đạt tới bằng sự thông hiệp với thế giới thần linh (Thiên Chúa và các thiên sứ) ; sự hoàn hảo được diễn tả qua việc tuân giữ nghiêm ngặt bản Luật. Vì thế cuộc đời của các thành viên được đan dệt bởi sự cầu nguyện, lao động và học hỏi Lề Luật. Từ sáng sớm, họ đã thức dậy để đọc kinh chung với nhau. Tiếp đó, mỗi người làm công tác được trao phó ở trong cộng đoàn : làm bếp, làm bánh, làm vườn, đồ gốm, chép sách, v.v... Đến 11 giờ trưa, họ tham dự một cuộc thanh tẩy (tắm rửa), rồi bữa ăn cộng đoàn. Bữa ăn này mang tính cách phụng vụ : chỉ những phần tử cộng đoàn mới được dự phần, và phải khoác phẩm phục. Dĩ nhiên là trước và sau bữa ăn đều hát kinh chúc tụng và tạ ơn. Sau đó mỗi người trở về với công tác lao động cho đến chiều tối. Sau bữa ăn là buổi canh thức kéo dài 3 tiếng rưỡi đồng hồ. Cộng đoàn Qum-ran gồm những người độc thân, chuyên chăm nghiền ngẫm Lời Chúa” (x. Phan Tấn Thành, Lịch Sử Các Hình Thức Tu Trì).

Trong Cựu Ước, trào lưu khổ hạnh cũng được thể hiện nơi những người được gọi là na-dia, đó là những người được thánh hiến cho Thiên Chúa, có khi việc thánh hiến được thực thi từ khi còn trong bụng mẹ, như trường hợp ông Sam-sôn (x. Tl 13,5).

Từ na-dia (נָזׅיר) có nghĩa là dâng hiến, tách biệt ra, thề hứa. Lời thề na-dia bao gồm việc kiêng uống rượu, không được cắt tóc và không được đụng vào xác chết. Luật này áp dụng cho tất cả những ai được thánh hiến cho Thiên Chúa, được gọi là Na-dia. Tất cả luật về lời khấn na-dia được ghi đầy đủ trong chương 6 sách Dân số : “Bất cứ ai, đàn ông hay đàn bà, đã khấn na-dia, tức là khấn đặc biệt kiêng cữ để kính ĐỨC CHÚA, thì nó phải kiêng rượu và men nồng ... Suốt thời gian nó bị ràng buộc bởi lời khấn, dao cạo không được đụng đến đầu nó ; bao lâu chưa mãn thời kỳ khấn đặc biệt để kính ĐỨC CHÚA, thì nó sẽ là người được thánh hiến : nó phải để cho tóc trên đầu mọc tự nhiên. Suốt thời kỳ khấn đặc biệt để kính ĐỨC CHÚA, nó không được tới gần xác chết. Dù là cha mẹ hay anh chị em nó chết, nó cũng không được để cho mình nhiễm uế, bởi vì nó mang trên đầu lời khấn na-dia kính Thiên Chúa (Ds 6,1-7).

Những kiêng cữ đối với lời khấn na-dia, được coi là dấu hiệu bày tỏ ý muốn thuộc trọn về Thiên Chúa. Ngoài ông Sam-sôn, Cựu Ước còn cho biết các nhân vật khác cũng có lời khấn na-dia như ông Sa-mu-en (x. 1 Sm 1,11). Sau này, sang thời Tân Ước, Gio-an Tẩy Giả cũng được thánh hiến từ trong lòng mẹ (x. Lc 1,15), và thánh Phao-lô cũng cho biết mình cũng có lời khấn na-dia (x. Cv 18,18).

III. Khổ hạnh đối với mọi Ki-tô hữu

Tìm hiểu về trào lưu khổ hạnh cho chúng ta thấy tầm quan trọng của những hy sinh, hãm mình trong đời sống đức tin. Không phải tất cả mọi Ki-tô hữu có thể thực hành được nếp sống khổ hạnh như cộng đoàn Ét-xê-nô, hay những ngôn sứ, thủ lãnh thời Cựu Ước. Ngay cả các dòng tu ngày nay cũng có nhiều cải tổ về đời sống khổ chế. Nhưng không có nghĩa là Giáo Hội tạo cho chúng ta đời sống dễ dãi, chiều theo những sở thích vật chất. Dù là một tín hữu sống giữa đời thường, nếu muốn trở nên môn đệ Đức Giê-su thì cũng phải có tinh thần khổ hạnh qua những hy sinh hãm mình trong những việc rất nhỏ của đời sống. Thánh Phao-lô đưa ra hình ảnh một vận động viên, muốn đoạt được một giải thưởng chỉ có giá trị nhất thời, mà đã phải kiêng kỵ đủ điều ; huống chi người Ki-tô hữu mong chiếm được phần thưởng vô giá và vĩnh cửu, thì lại càng phải hy sinh hãm mình đến thế nào (x. 1 Cr 8,25-27). Thánh Phê-rô cũng kêu gọi các tín hữu phải sống tiết độ thì mới cầu nguyện được (x. 1 Pr 4,7).

Mỗi Mùa Vọng, Giáo Hội lại cho chúng ta gặp gỡ dung mạo của thánh Gio-an Tẩy Giả, là để nhắc nhở chúng ta chuẩn bị tâm hồn đón Chúa đến bằng những nỗ lực sửa đổi đời sống, thực hành khổ chế là những hy sinh hãm mình theo từng hoàn cảnh của mỗi bậc sống, được như thế chúng ta sẽ xứng đáng hơn để đón mừng Con Chúa giáng trần.

Chúng ta cùng cầu nguyện bằng Thánh vịnh 25 để kết thúc bài học hôm nay :

Lạy CHÚA, đường nẻo Ngài,
xin dạy cho con biết,
lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con.
Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài
và bảo ban dạy dỗ,
vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con.
Sớm hôm con những cậy trông Ngài,
bởi vì Ngài nhân ái.
Lạy CHÚA, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu,
Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời.
Tuổi xuân trót dại bao lầm lỗi,
xin Ngài đừng nhớ đến,
nhưng xin lấy tình thương
mà nhớ đến con cùng.
CHÚA là Đấng nhân từ chính trực,
chỉ lối cho tội nhân,
dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính,
dạy cho biết đường lối của Người.
Tất cả đường lối CHÚA
đều là yêu thương và thành tín
đối với những kẻ nào giữ giao ước và lề luật Chúa.
Lạy CHÚA, tội con thật nặng nề, vì danh Ngài,
xin lượng thứ cho con. A-men.

Nguồn: tgpsaigon.net