CHƯƠNG TRÌNH DƯỚI ÁNH SÁNG LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY NĂM B

BÀI 57: CỨ PHÁ HUỶ ĐỀN THỜ NÀY ĐI !

Linh mục Gioan Nguyễn Thiên Minh, OP
và Nhóm Phiên Dịch Các giờ kinh Phụng vụ

WGPSG (01.03.2024) Tin Mừng Chúa nhật III Mùa Chay năm B (Ga 2,13-25) thuật lại câu chuyện xảy ra vào dịp Lễ Vượt Qua : khi thấy trong Đền Thờ có những người bán chiên, bò, bồ câu và những người đổi tiền, Đức Giê-su nổi giận, lấy dây thừng bện làm roi mà xua đuổi những kẻ buôn bán và hàng hoá ra khỏi Đền Thờ. Sở dĩ Đức Giê-su có phản ứng gay gắt và mạnh tay như vậy là vì đối với Do-thái giáo, Đền Thờ là nơi thiêng thánh, là nơi Thiên Chúa hiện diện giữa dân Người. Cảnh buôn bán ồn ào, náo nhiệt làm mất sự tôn nghiêm đã khiến Đức Giê-su phải hành động. Sau này các môn đệ mới thấy như vậy là ứng nghiệm lời ngôn sứ đã nói : “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân” (Tv 69,10). Để hiểu tầm quan trọng của Đền Thờ trong đời sống tôn giáo của người Do-thái, chúng ta cùng tìm hiểu đôi nét chính yếu về nguồn gốc lịch sử và ý nghĩa của Đền Thờ trong Do-thái giáo, cụ thể là Đền Thờ Giê-ru-sa-lem.

1. Nhà Tạm và Lều Hội Ngộ

Trước khi vua Sa-lô-môn xây Đền thờ Giê-ru-sa-lem vào khoảng năm 960 tCN, dân Ít-ra-en chỉ có Nhà Tạm để thờ kính Đức Chúa (x. Xh 26). Thuật từ Híp-ri mish-kan (מִשְׁכָּן) có nghĩa là nơi ở, nhà hay lều được dùng để chỉ Nhà Tạm, nơi thờ phượng hay Thánh Điện trong thời Xuất Hành. Đó là một Thánh Điện di động, thích ứng với nếp sống du mục nay đây mai đó của dân Ít-ra-en. Nhà Tạm hay Thánh Điện di động này được dựng lên theo chỉ thị của Thiên Chúa để làm nơi Người ở với dân của Người (x. Xh 25,8-9). Nhà Tạm này được làm bởi những tấm thảm bằng vải gai mịn, có thể tháo gỡ để tiện di chuyển trong hành trình tiến về Đất Hứa.

Trùm lên trên Nhà Tạm là Lều Hội Ngộ - Ô-hel mô-ed (אֹ֣הֶל מוֹעֵ֗ד) được làm bởi 11 tấm thảm lông dê, chia làm hai mái tả hữu mỗi bên gồm 5 tấm thảm, còn tấm thứ 11 thì được gấp về phía trước lều (x. Xh 26,7-14). Đây cũng là nơi người ta đến thỉnh ý Thiên Chúa (x. Xh 33,7-11)


Lều Hội Ngộ

Thiên Chúa luôn hiện diện với dân Người nơi Nhà Tạm để đưa họ vượt qua sa mạc tiến vào Đất Hứa. Thực ra, trước khi có Nhà Tạm trong thời xuất hành, sách Sáng thế cho biết rằng vào thời các tổ phụ, dân Ít-ra-en đã có nơi thánh để “kêu cầu danh Đức Chúa” như tại Bết Ên (בֵּית־אֵל) - Nhà Thiên Chúa (x. St 12,8 ; 28,17), hay ở Bơ-ê Se-va (x. St 26,23), ở Si-khem (x. St 33,18). Ngoài ra vào thời Xuất hành, núi Xi-nai cũng được xem là nơi thánh để Thiên Chúa xuất hiện với dân Ít-ra-en (x. Xh 3 ; 19,20).

2. Đền Thờ Giê-ru-sa-lem thời vua Sa-lô-môn

Sau cuộc hành trình 40 năm trong sa mạc, khi dân Ít-ra-en đã vào được Đất Hứa, họ vẫn đặt Nhà Tạm ở Si-lô, và các chi tộc vẫn đến đó để thờ phượng và thỉnh ý Thiên Chúa (x. Gs 18,1 ; Tl 18,31 ; 1 Sm 1,3.24 ; 4,3-4). Đến khi đất nước được yên ổn mọi bề dưới thời vua Đa-vít, thành Giê-ru-sa-lem được chọn làm thủ đô và cũng là trung tâm tôn giáo của Ít-ra-en, và vua Đa-vít đã chính thức đưa Nhà Tạm về đặt tại đây (x. 2 Sm 6,12 ; 2 Sb 5,2). Sau khi xây dựng cho mình một hoàng cung, vua cũng muốn xây tại Giê-ru-sa-lem một ngôi nhà cho Thiên Chúa ngự, thay cho Nhà Tạm (x. 2 Sm 7,2).

Nhưng qua ngôn sứ Na-than, Chúa đã từ chối đề nghị của vua và cho biết lý do tại sao : “Ngươi không được xây nhà kính danh Ta, vì ngươi đã nhiều phen giao chiến và đổ máu quá nhiều” (1 Sb 28,3). Rồi Chúa chỉ thị rằng người con của Đa-vít là Sa-lô-môn, sẽ xây nhà cho Chúa : “Chính Sa-lô-môn, con ngươi, sẽ xây nhà và các sân của Ta, vì Ta đã chọn nó làm con, và Ta sẽ là cha của nó” (1 Sb 28,6).

Vì thế, Đền Thờ đã được khởi công vào năm thứ tư triều vua Sa-lô-môn và hoàn tất sau bảy năm xây dựng (x. 1 V 5,15–7,51).


Đền thờ thời vua Sa-lô-môn

Vua Sa-lô-môn và toàn thể Ít-ra-en đã cử hành Lễ cung hiến Đền Thờ kéo dài bảy ngày (x. 1 V 8,65 ; Đnl 16,13-15), và từ đó, Đền Thờ Giê-ru-sa-lem trở thành trung tâm thờ phượng chính thức và duy nhất của toàn thể Ít-ra-en như Chúa đã phán với vua Sa-lô-môn : “Ta đã chọn nơi này làm nhà dâng hy lễ cho Ta… Từ nay, Ta sẽ ghé mắt nhìn và lắng tai nghe lời cầu nguyện dâng lên ở đây, vì Ta đã chọn và thánh hóa nhà này, để muôn đời Danh Ta ngự tại đây, Ta sẽ để mắt nhìn và để lòng ưa thích nơi này mãi mãi” (2Sb 7,12-16).

Hằng năm, người Ít-ra-en phải đi hành hương Giê-ru-sa-lem theo lệnh Chúa truyền : “Mỗi năm ba lần, tất cả đàn ông con trai của anh em phải đến trình diện ĐỨC CHÚA, ở nơi Người chọn : vào dịp lễ Bánh Không Men, lễ Ngũ Tuần và lễ Lều” (Đnl 16,16).

Ngoài Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, tại Ít-ra-en cũng có các hội đường ở các địa phương để quy tụ dân chúng cầu nguyện, đọc Sách Thánh và nghe giải thích Sách Thánh. Đức Giê-su đã từng vào hội đường ở Na-da-rét và ở Ca-phác-na-um mà giảng dạy (x. Lc 4,16 ; Mc 1,21).

Đền Thờ bị phá huỷ và được tái thiết

Ngay sau khi vua Sa-lô-môn băng hà năm 931 tCN, Ít-ra-en bị chia đôi : vương quốc Giu-đa và vương quốc Ít-ra-en. Cảnh nam bắc phân tranh dẫn tới việc ly khai về tôn giáo : vua Gia-róp-am của vương quốc miền bắc làm hai con bê bằng vàng, đặt ở Bết Ên và Đan, rồi bắt dân chúng thờ lạy thay vì cho họ lên Giê-ru-sa-lem thờ phượng Đức Chúa.

Năm 587 tCN vua Ba-by-lon là Na-bu-cô-đô-nô-xo đã cho quân bao vây cướp phá thành Giê-ru-sa-lem và phá huỷ hoàn toàn Đền Thờ do vua Sa-lô-môn xây dựng (x. 2 V 25). Hòm Bia Chứng Ước trong Đền Thờ từ đó bị biến mất khỏi lịch sử Ít-ra-en. Đến năm 538 tCN, vua Ky-rô của Ba-tư đánh bại đế quốc Ba-by-lon, ông đã cho dân Ít-ra-en được hồi hương và ban sắc chỉ cho phép họ tái thiết Đền Thờ Giê-ru-sa-lem (x. Er 1,2-4). Công trình tái thiết được khởi công năm 520 tCN và hoàn tất vào năm 515 tCN (x. Er 3–5).


Đền thờ sau thời Lưu đày

3. Đền Thờ trùng tu thời Hê-rô-đê Cả

Năm 20 tCN, vua Hê-rô-đê Cả (37-4 tCN) tiến hành đại trùng tu Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, mà cho đến thời Đức Giê-su đã kéo dài 46 năm. Đó là ngôi Đền Thờ nguy nga được nói đến nhiều lần trong Tin Mừng, là nơi Đức Giê-su và các môn đệ thường lui tới. Công trình này hoàn tất vào năm 64. Nhưng trong thời gian này, người Do-thái liên tiếp nổi dậy chống đế quốc Rô-ma. Hậu quả là vào năm 70, quân Rô-ma đã tiến đánh, vây hãm và tiêu diệt Giê-ru-sa-lem. Đền Thờ cũng bị san thành bình địa, như lời Đức Giê-su đã nói : “Thầy bảo thật anh em, tại đây, sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào ; tất cả sẽ bị phá đổ” (Mt 24,2). Sau biến cố năm 70, dân Ít-ra-en tản mác khắp thế giới mãi cho đến năm 1948 họ mới được trở về quê hương. Nhưng cho đến nay, Đền Thờ Giê-ru-sa-lem vẫn chưa được tái thiết như trong quá khứ. Dấu tích của Đền Thờ cũ chỉ còn lại bức tường phía tây, thường gọi là “Bức tường than khóc”.


Đền thờ thời Đức Giê-su

4. Đức Giê-su và Đền Thờ Giê-ru-sa-lem

Đền Thờ giữ một vai trò quan trọng cả về mặt tôn giáo lẫn chính trị của Ít-ra-en bởi vì Đền Thờ vừa là biểu tượng cho sự thống nhất của vương quốc, vừa là trung tâm sinh hoạt tôn giáo của dân Ít-ra-en. Vì thế, cũng như các ngôn sứ trong Cựu Ước, Đức Giê-su đã tỏ lòng tôn kính đối với Đền Thờ vì đó là nhà cầu nguyện (x. Mt 21,12tt ; Mc 11,15-17 ; Lc 6,4 ; 19,45-46). Chính Đức Giê-su cũng thường lên Đền Thờ vào các dịp Lễ trọng như Lễ Vượt Qua và xem Đền Thờ là nơi gặp gỡ Cha của Người (x. Lc 2,41-50 ; Ga 2,14) ; Đức Giê-su đặc biệt đề cao việc thực hành thờ phượng tại Đền Thờ và lên án các hình thức có nguy cơ tục hoá các thực hành thờ phượng ấy (x. Mt 5,23 ; 12,3-7 ; 23,16-22).

Bài Tin Mừng  Chúa nhật này cho chúng ta thấy Đức Giê-su đã mạnh tay thanh tẩy Đền Thờ (x. Ga 2,13-25). Hành động này cho thấy, đối với Đức Giê-su, Đền Thờ là nơi linh thiêng phải được tôn trọng và không thể bị biến thành sào huyệt trộm cướp hay nơi buôn bán làm ô uế sự thánh thiêng của Đền Thờ, như lời ngôn sứ Da-ca-ri-a nói : “Sẽ không còn lái buôn trong Nhà Đức Chúa nữa” (Dcr 14,21).

Tuy nhiên, Đức Giê-su cũng báo trước Đền Thờ Giê-ru-sa-lem sẽ bị sụp đổ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào (x. Mt 24,2). Trong vụ xử án Đức Giê-su, Người bị tố cáo là phạm thượng vì đã dám tuyên bố rằng : “Tôi sẽ phá Đền Thờ này do tay người phàm xây dựng, và nội trong ba ngày, tôi sẽ xây một Đền Thờ khác, không phải do tay người phàm” (Mc 14,58). Khi Đức Giê-su bị treo trên thập giá, dân chúng đã nhại lại lời này để chế giễu Người (x. Mt 27,39).

Tin Mừng Chúa nhật này ghi lại câu nói của Đức Giê-su : “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi ; nội trong ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2,19). Nhưng liền sau đó thánh Gio-an đã giải thích rằng : “Đền Thờ Đức Giê-su nói đến là thân thể Người” (Ga 2,21). Và khi Đức Giê-su trỗi dậy từ cõi chết, các môn đệ mới hiểu và tin vào Đức Giê-su (câu 22). Chính thân thể Đức Ki-tô phục sinh là nơi Thiên Chúa hiện diện và tỏ mình cho loài người (x. Ga 1,14), là Đền Thờ mới, cũng là nơi thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật (x. Ga 4,23-24).

Kết luận

Đền Thờ mới là chính thân thể của Đức Ki-tô Phục Sinh sẽ thay thế Đền Thờ cũ chỉ là hình bóng. Và theo thánh Phao-lô, Đền Thờ mới cũng là Giáo Hội, tức thân mình vinh quang của Đức Ki-tô phục sinh (x. 1 Cr 3,16 và 12,27 ; Ep 2,21 và 4,12), và Đền Thờ cũng là mọi Ki-tô hữu : “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao ?” (1 Cr 3,16).

Cùng với dân Ít-ra-en xưa, chúng ta khao khát được ở trong Đền Thờ Thiên Chúa để được hưởng ân lộc của Người, chúng ta hãy cùng cầu nguyện qua lời Thánh vịnh 27 :

CHÚA là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi,
tôi còn sợ người nào ?
CHÚA là thành luỹ bảo vệ đời tôi, tôi khiếp gì ai nữa ?
Dù cả một đạo quân vây đánh, lòng tôi chẳng sợ gì.
Dù có phải lâm vào chiến trận, tôi vẫn cứ cậy tin.
Một điều tôi kiếm tôi xin,
là luôn được ở trong đền CHÚA tôi
mọi ngày trong suốt cuộc đời,
để chiêm ngưỡng CHÚA tuyệt vời cao sang,
ngắm xem thánh điện huy hoàng.
Ngày tôi gặp tai ương hoạn nạn,
Người che chở tôi trong lều thánh,
đem giấu tôi thật kín trong nhà,
đặt an toàn trên tảng đá cao.
Nên giờ đây tôi ngẩng đầu đắc ý,
nhìn quân thù vây bủa chung quanh.
Tôi sẽ dâng lễ tế trong thánh điện,
lễ tạ ơn, nhã nhạc vang lừng,
tôi sẽ đàn ca mừng kính CHÚA.
Tôi vững vàng tin tưởng
sẽ được thấy ân lộc CHÚA ban
trong cõi đất dành cho kẻ sống.
Hãy cậy trông vào CHÚA,
mạnh bạo lên, can đảm lên nào !
Hãy cậy trông vào CHÚA.

Nguồn: tgpsaigon.net