CHƯƠNG TRÌNH DƯỚI ÁNH SÁNG LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN NĂM A
BÀI 35: HÔN NHÂN & ĐÁM CƯỚI

Linh mục Gioan Nguyễn Thiên Minh, OP
và Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ

WGPSG (06.10.2023)“Chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình” (Mt 22,2)


Hôn nhân, đám cưới, tiệc cưới là những biểu tượng quan trọng trong Kinh Thánh. Nhiều tác giả Cựu Ước đã trình bày giao ước giữa Thiên Chúa với Ít-ra-en qua hình ảnh của một cuộc hôn nhân trong đó Ít-ra-en như là cô dâu và Thiên Chúa như là chàng rể.

Ngôn sứ I-sai-a diễn tả sự ưu ái Thiên Chúa dành cho “cô dâu” của mình là Ít-ra-en như sau:

Chẳng ai còn réo tên ngươi : “Đồ bị ruồng bỏ !”

Xứ sở ngươi hết bị tiếng là “Phận bạc duyên đơn.”

Nhưng ngươi được gọi : “Ái khanh lòng Ta hỡi !”

Xứ sở ngươi nức tiếng là “Duyên thắm chỉ hồng.”

Vì ngươi sẽ được ĐỨC CHÚA đem lòng sủng ái,

và Chúa lập hôn ước cùng xứ sở ngươi.

Như tài trai sánh duyên cùng thục nữ,

Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về.

Như cô dâu là niềm vui cho chú rể,

ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ. (Is 62,4-5)

Lời sấm của ngôn sứ Giê-rê-mi-a cũng nhắc nhở Ít-ra-en về thuở mặn nồng khi mới bước vào “tuần trăng mật” của cuộc hôn nhân với Thiên Chúa:

ĐỨC CHÚA phán thế này :

Ta nhớ lại lòng trung nghĩa của ngươi lúc ngươi còn trẻ,

tình yêu của ngươi khi ngươi mới thành hôn,

lúc ngươi theo Ta trong sa mạc ,

trên vùng đất chẳng ai gieo trồng. (Gr 2,2)

Trong bối cảnh Tân Ước, Hội Thánh được xem là “cô dâu” của “chàng rể” là Đức Giê-su. Điều này được thể hiện rõ trong giáo huấn của thánh Phao-lô dành cho các gia đình thuộc giáo đoàn Ê-phê-xô:

Sách Thánh có lời chép rằng: Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Ki-tô và Hội Thánh. Vậy mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng. (Ep 5,31-33)

Cũng vậy, tác giả sách Khải Huyền loan báo cuộc hôn nhân giữa “đức lang quân” là Đức Ki-tô với “hiền thê” của Người là Hội Thánh:

Vì nay đã tới ngày

cử hành hôn lễ Con Chiên,

và Hiền Thê của Người

đã trang điểm sẵn sàng,

nàng đã được mặc áo vải gai

sáng chói và tinh tuyền. (Kh 19,8)

Có thể nói hôn nhân diễn tả mối tương quan đặc biệt mà Thiên Chúa mong muốn thiết lập với dân của Người và là dấu chỉ của sự kết hợp giữa Đức Ki-tô và Hội Thánh.

Bây giờ chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu xem hôn nhân và tiệc cưới trong Kinh Thánh mang ý nghĩa biểu tượng gì. 

1. Hôn nhân - biểu tượng “lòng thành tín của Thiên Chúa”

Hai chương đầu tiên của sách Sáng Thế cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa không chỉ “dựng nên con người theo hình ảnh Thiên Chúa” mà Người còn làm ra họ “có nam và nữ” để họ gắn bó với nhau cho đến mức trở nên “một xương một thịt” (St 2,24). Sự gắn kết giữa người nam và người nữ được Thiên Chúa chúc phúc không chỉ nhằm mục đích bảo tồn nòi giống, nhưng còn vì đó là một dấu chỉ sống động về mối tương quan mật thiết bất khả phân ly giữa Thiên Chúa và con người trong đó lòng thành tín và sự thuỷ chung chính là yếu tố mang lại giá trị cao đẹp của một cuộc hôn nhân. Dẫu là như vậy, nhưng về phía con người, thuỷ chung là điều khó, và Kinh Thánh cũng nhiều lần dùng hình ảnh những cuộc hôn nhân thiếu chung thuỷ để diễn tả sự bất trung của Ít-ra-en khi họ phụ bạc Thiên Chúa mà đàng điếm với các thần ngoại. Điển hình là câu chuyện hôn nhân bi đát của ngôn sứ Hô-sê với cô Gô-me lăng loàn, không chung thủy. Theo sự chỉ dẫn của Thiên Chúa, ngôn sứ Hô-sê cố gắng nhẫn nại nhằm cứu vãn cuộc hôn nhân của mình:

Ngươi cứ đi yêu người đàn bà đang có tình nhân và đang ngoại tình, cũng như ĐỨC CHÚA yêu thương con cái Ít-ra-en, trong khi chúng lại quay lưng đi theo các thần khác” (Hs 3,1).

Mọi nỗ lực của vị ngôn sứ phản ánh tình yêu, lòng thành tín và cả nỗi đau mà Thiên Chúa gánh chịu trong mối tương quan với một dân bất trung với giao ước và thường xuyên từ chối tình yêu của Người. Tuy nhiên, bất chấp việc con người nhiều lần phản bội, Thiên Chúa vẫn làm tất cả để chứng tỏ tình yêu và lòng thành tín của Người.

Để có thể hiểu rõ hơn ý nghĩa phong phú của biểu tượng hôn nhân giữa Thiên Chúa với Ít-ra-en hay giữa Đức Ki-tô và Hội Thánh, chúng ta cùng tìm hiểu đôi nét về phong tục Do Thái liên quan đến hôn nhân trong Kinh Thánh.

Thông thường một cuộc hôn nhân theo truyền thống Do Thái sẽ trải qua ba giai đoạn:

Giai đoạn thứ nhất là hứa hôn. Đây thường là thoả thuận của các bậc cha mẹ hoặc giữa chàng rể với cha của cô dâu. Đôi bên sẽ ký kết một văn bản có giá trị pháp lý nhằm bảo vệ quyền lợi của cô dâu gọi là Cơ-tu-ba (כְּתוּבָּה) trong đó ghi rõ các nghĩa vụ tài chính mà nhà trai phải đáp ứng cho nhà gái. Các nghĩa vụ tài chính có thể là tiền bạc hay tài sản quý giá như thấy trong trường hợp hôn nhân của I-sa-ác với Rê-bê-ca (x. St 24,51-53) nhưng cũng có thể là nhiều năm làm công như trường hợp hôn nhân của Gia-cóp với Ra-khen (x. St 29,15-30). Sau khi Cơ-tu-ba được ký kết, cô dâu và chú rể chính thức kết hôn mặc dù chưa về chung sống.

Giai đoạn thứ hai là hôn lễ. Khi chú rể đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà gái và cô dâu đã đủ tuổi kết hôn, hôn lễ tại nhà cô dâu sẽ được ấn định. Hôn lễ thường diễn ra vào buổi tối và thời điểm chính xác không được báo trước; do đó cô dâu và các phụ dâu luôn phải sẵn sàng chờ đợi giây phút nghe tiếng loa báo chàng rể tới. Dụ ngôn mười trinh nữ trong Mt 10,1-13 là một minh họa cho truyền thống này.

Giai đoạn thứ ba là tiệc cưới. Tiệc cưới của người Do Thái có thể kéo dài nhiều ngày sau hôn lễ tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của gia đình chú rể. Đây là thời điểm quan trọng và được mong đợi của gia tộc đôi bên, đặc biệt là của đôi hôn nhân. Trong Cựu Ước, tiệc cưới của Gia-cóp kéo dài trọn một tuần (x. St 29, 20-30). Sau tiệc cưới, cô dâu và chú rể mới thực sự về chung sống một nhà.

2. Tiệc cưới - biểu tượng “niềm vui Nước Trời”

Câu chuyện tiệc cưới trong Mt 22,1-14 của Chúa Nhật 28 Thường Niên, năm A, thuộc về giai đoạn thứ ba trong tiến trình hôn nhân của người Do Thái. Tiệc cưới là thời gian của niềm vui, tiếng Híp-ri là Xim-kha (שִׂמְחָה), có nghĩa là “dịp vui”, “ngày vui”, và đó chính là biểu tượng của “niềm vui Nước Trời”.

Thật vậy, có thể nói một trong những hình ảnh đẹp nhất về Nước Trời chính là bữa tiệc cưới mà nhà vua tổ chức cho hoàng tử. Điều này cũng được sách Khải Huyền diễn tả qua hình ảnh Tiệc cưới của Con Chiên mà hiền thê của Con Chiên là Hội Thánh (x. Kh 19,7-9). Theo đó, chúng ta có thể thấy niềm vui Nước Trời là tột đỉnh của tình yêu Thiên Chúa, Đấng kết hợp chúng ta với Người qua Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô (x. Ep 5,29-32).

Trở lại với dụ ngôn tiệc cưới trong Mt 22,1-14, xem ra trong câu chuyện này, tác giả Mát-thêu đã kết hợp hai dụ ngôn lại với nhau: [1] dụ ngôn thứ nhất về lời mời dự tiệc, và [2] dụ ngôn thứ hai là về y phục dự tiệc cưới. Đồng thời qua đó cho thấy niềm vui tiệc cưới đã hai lần bị gián đoạn vì… [1] các khách được mời dự tiệc đã không chịu đến, và [2] có một người vào phòng tiệc mà lại không mặc y phục lễ cưới.

Trước hết, “những khách mời” từ lúc ban đầu lại tỏ ra không xứng đáng nằm trong số “những người được chọn”, bởi lẽ mọi lý do “xin kiếu” của họ đều cho thấy họ không nhận ra được ý nghĩa quan trọng của tiệc cưới đối với Đấng mời gọi họ. Vì lẽ đó, họ bị coi là “không xứng đáng”, và lời mời dự tiệc cưới đã được mở rộng đến những người khác, “tốt” cũng như “xấu”, hiểu là dân ngoại cũng như dân Ít-ra-en.

Thứ đến, hình ảnh vị khách vào dự tiệc mà lại không mặc y phục lễ cưới hàm ý rằng dù tất cả mọi người đều được mời vào dự tiệc nhưng không phải ai cũng thực sự muốn chia sẻ và muốn góp phần làm cho niềm vui của gia chủ được trọn vẹn. Việc vị khách mời vô tâm bị đuổi ra khỏi phòng tiệc là một lời cảnh báo cho khách dự tiệc là phải có thái độ đáp lại một cách thích hợp, đó là mặc lấy Đức Ki-tô và sự công chính của Người (x. Gl 3,27).

Thiên Chúa đã tạo dựng nên chúng ta vì yêu và cho chúng ta cơ hội thông dự vào tình yêu của Người, bằng việc liên tục mời chúng ta đến dự tiệc cưới Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô. Vậy, chúng ta hãy đến dự tiệc với trang phục lễ cưới là tinh thần mới của Đức Ki-tô. Hãy đến với Chúa Ki-tô. Người sẽ dẫn chúng ta vào tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa, vào tiệc cưới Nước Trời, nơi chúng ta sẽ chia sẻ niềm vui viên mãn với Thiên Chúa suốt cả cuộc đời, như lời Thánh Vịnh 128 :

Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ CHÚA,

ăn ở theo đường lối của Người.

Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng,

bạn quả là lắm phúc nhiều may.

Hiền thê bạn trong cửa trong nhà

khác nào cây nho đầy hoa trái ;

và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn,

xúm xít tại bàn ăn.

Đó chính là phúc lộc CHÚA dành cho kẻ kính sợ Người.

Xin CHÚA từ Xi-on xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc.

Ước chi trong suốt cả cuộc đời

bạn được thấy Giê-ru-sa-lem phồn thịnh,

được sống lâu bên đàn con cháu.

Nguyện chúc Ít-ra-en vui hưởng thái bình.

Nguồn: tgpsaigon.net