BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA

Chúa nhật 26 Thường niên năm A
Ngày 25.09.2011

ĐỪNG GIỮ ĐẠO THEO THÓI QUEN

G. Trần Đức Anh OP

Sáng Chúa nhật hôm 25.09.2011, Đức Thánh Cha đã đến khu vực phi trường máy bay du lịch ở Freiburg để cử hành thánh lễ cuối cùng trong cuộc viếng thăm tại Đức. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã dựa vào lời nguyện cũng như các bài đọc của ngày lễ để nêu bật quyền năng từ bi của Thiên Chúa, đồng thời mời gọi các tín hữu hãy ra khỏi tình trạng giữ đạo theo thói quen, hãy hoán cải, noi gương khiêm tốn và tuân phục của Chúa Giêsu Kitô, can đảm tiến bước trên con đường đức tin. Ngài nói:

Anh chị em thân mến,

Đối với tôi, thật là cảm động khi cử hành tại đây Thánh Lễ tạ ơn, với bao nhiêu người đến từ các miền của nước Đức và các nước láng giềng. Chúng ta hãy dâng lời cảm tạ trước tiên lên Thiên Chúa, trong Ngài chúng ta sống và cử động. Nhưng tôi cũng muốn cám ơn tất cả anh chị em vì đã cầu nguyện cho người kế vị thánh Phêrô để người có thể tiếp tục thi hành sứ vụ trong vui tươi và tín tưởng hy vọng, cũng như củng cố anh chị em trong đức tin.

“Thiên Chúa biểu lộ quyền năng nhất là qua lòng từ bi và tha thứ..”, đó là lời chúng ta tuyên xưng trong lời kinh tổng nguyện đầu lễ hôm nay. Trong bài đọc Một, chúng ta đã nghe Thiên Chúa biểu lộ quyền năng của lòng thương xót như thế nào trong lịch sử dân Israel. Trải nghiệm cuộc lưu đày Babylon đã khiến người dân rơi vào tình trạng khủng hoảng đức tin sâu sắc: Tại sao tai họa này lại xảy ra? Có lẽ Chúa không thực sự mạnh mẽ chút nào?

Có những nhà thần học, đứng trước bao nhiêu điều kinh khủng xảy ra trong thế giới ngày nay, họ nói rằng Thiên Chúa không thể là toàn năng. Phần chúng ta, đứng trước điều đó, chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, Đấng Sáng tạo trời đất. Chúng ta vui mừng và biết ơn vì Chúa toàn năng. Nhưng đồng thời chúng ta cũng ý thức rằng Chúa thực thi quyền năng của ngài theo thể thức khác với cách thức con người thường làm. Chính Chúa đặt giới hạn cho quyền năng của ngài khi nhìn nhận tự do của các thụ tạo mà ngài dựng nên. Chúng ta vui mừng vì hồng ân tự do, nhưng khi chúng ta thấy những điều kinh khủng vì tự do của con người, chúng ta kinh hãi. Chúng ta hãy tín thác nơi Thiên Chúa, quyền năng của Chúa được biểu lộ nhất là qua lòng từ bi và tha thứ. Anh chị em tín hữu thân mến, chúng ta hãy tin chắc rằng: Thiên Chúa muốn cứu thoát dân ngài. Ngài muốn cứu độ chúng ta. Luôn luôn và nhất là trong thời kỳ nguy hiểm, có những thay đổi toàn diện, Chúa gần gũi chúng ta, con tim của Chúa cảm động vì chúng ta, ngài cúi mình trên chúng ta. Chúng ta cần mở lòng ra với Ngài để sức mạnh lòng thương xót của Ngài có thể chạm đến trái tim chúng ta. Chúng ta phải sẵn sàng tự do từ bỏ sự ác, đứng dậy khỏi sự thờ ơ và tạo không gian cho lời của Ngài. Thiên Chúa tôn trọng sự tự do của chúng ta. Ngài không ràng buộc chúng ta. Ngài đang đợi chúng ta nói “có”, Ngài đang như thể cầu xin chúng ta nói “có”.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đề cập đến chủ đề cơ bản này qua lời rao giảng mang tính tiên tri. Ngài kể lại dụ ngôn hai người con được người cha mời đi làm việc trong vườn nho. Người con thứ đáp: “‘Tôi sẽ không đi’, nhưng sau đó hối hận và đi”. Người con thứ hai nói với người cha: “Thưa cha, con đi, nhưng lại không đi”. Khi Chúa Giêsu hỏi ai trong hai người con đã làm theo ý Cha, những người nghe đã trả lời đúng: “người con đầu tiên” (Mt 21:29-31). Sứ điệp của dụ ngôn thật là rõ: lời nói chẳng đáng kể gì, nhưng chỉ hành động, sự hoán cải và tin tưởng mới đáng kể. Chúa Giêsu gửi sứ điệp này cho các thượng tế và các kỳ mục trong dân, nghĩa là những chuyên gia về tôn giáo trong dân Israel. Thoạt đầu họ thưa xin vâng thánh ý Chúa. Nhưng rồi lòng đạo đức của họ trở thành thói quen, và họ chẳng còn quan tâm đến Thiên Chúa nữa. Vì thế, họ coi sứ điệp của Gioan Tẩy Giả và sứ điệp của Chúa Giêsu là điều làm cho họ khó chịu. Và Chúa kết luận dụ ngôn với những lời quyết liệt: “Những người thu thuế và mại dâm sẽ vào nước Chúa trước các ngươi..”. Nói theo ngôn ngữ thời nay, câu đó hơn kém có nghĩa là ”những người không biết Chúa, nhưng họ vẫn thao thức băn khoăn tìm Chúa; những người đau khổ vì tội lỗi chúng ta và ước muốn một con tim thanh sạch, họ gần nước Thiên Chúa hơn những tín hữu theo thói quen, những người từ nay chỉ nhìn thấy trong Giáo hội như một guồng máy, mà con tim của họ không được đức tin đánh động.

Lời Chúa Giêsu phải làm cho chúng ta suy nghĩ, đánh động chúng ta. Nhưng điều này không có nghĩa là tất cả những người sống trong Giáo hội và làm việc cho Giáo Hội bị coi là xa lạ với Chúa Giêsu và Nước Chúa. Không, tuyệt đối là không. Đúng hơn, đây là lúc phải chân thành nồng nhiệt cám ơn bao nhiêu nhân viên cộng tác và những người thiện nguyện, nếu không có họ thì đời sống trong các giáo xứ và trong toàn thể Giáo Hội không thể tiến hành được. Giáo Hội Công Giáo tại Đức có nhiều tổ chức xã hội và bác ái trong đó tình bác ái đối với tha nhân được thực thi theo thể thức hữu hiệu về mặt xã hội, cho đến tận bờ cõi trái đất. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn và quí chuộng đối với tất cả những người dấn thân trong tổ chức Caritas Đức, hoặc trong các tổ chức khác, hoặc quảng đại dành thời giờ, sức lực để thi hành các công tác thiện nguyện trong xã hội. Việc phục vụ này trước tiên đòi phải có khả năng khách quan và chuyên nghiệp. Nhưng trong tinh thần giáo huấn của Chúa Giêsu, cần có cái gì hơn nữa: cần có con tim mở rộng, để cho tình yêu Chúa Kitô đánh động, và qua đó mang lại cho tha nhân đang cần chúng ta, không phải một sự phục vụ chuyên môn mà thôi, nhưng cả tình yêu trong đó Thiên Chúa Đấng yêu thương, Chúa Kitô trở nên hữu hình đối với tha nhân. Vì thế, chúng ta hãy tự hỏi: đâu là quan hệ bản thân của tôi với Thiên Chúa, trong kinh nguyện, trong việc tham dự thánh lễ Chúa nhật, trong việc đào sâu đức tin nhờ suy niệm Kinh Thánh và học Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo? Các bạn thân mến, xét cho cùng, việc canh tân Giáo Hội chỉ có thể thực hiện được qua sự sẵn sàng hoán cải và nhờ một niềm tin được đổi mới.

Tin Mừng Chúa Nhật tuần này, như chúng ta đã thấy, nói về hai người con, nhưng đằng sau họ, một cách huyền nhiệm, là người con thứ ba. Người con cả nói “không” nhưng sau đó thì làm theo ý người cha. Người con thứ hai nói “có” nhưng sau đó thì không làm theo yêu cầu của cha. Người con thứ ba là người nói “có” và làm theo những gì được cha yêu cầu. Người con thứ ba này là Con Một của Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã quy tụ tất cả chúng ta ở đây. Chúa Giêsu, khi bước vào thế gian, đã nói: “Lạy Thiên Chúa, con đến để làm theo ý Chúa” (Dt 10:7). Ngài không chỉ nói “có”, mà còn hành động theo tiếng “có” đó, và Ngài đã chịu đựng điều đó, thậm chí cho đến chết trên Thập Giá. Như bài thánh ca Kitô học trong bài đọc thứ hai nói: “Người [Chúa Giêsu] tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ phải dành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá.” (Pl 2: 6-8). Trong sự khiêm tốn và vâng phục, Chúa Giêsu đã chu toàn thánh ý Chúa Cha, đã chịu chết trên thập giá vì anh chị em mình và đã cứu chuộc chúng ta khỏi sự kiêu hãnh và ngoan cố. Chúng ta hãy cảm tạ Người vì sự hy sinh và uốn gối trước danh Chúa và cùng với các môn đệ thế hệ đầu tiên của Chúa tuyên xưng rằng: ”Đức Giêsu Kitô là Chúa - xin tôn vinh Thiên Chúa Cha” (Pl 2,11).

Đời sống Kitô hữu phải liên tục được đo lường bởi Chúa Kitô: “Anh em hãy cảm nghĩ trong anh em điều đã có trong Ðức Giêsu Kitô.” (Pl 2:5), như Thánh Phaolô nói trong phần mở đầu bài thánh ca Kitô học. Và một vài câu trước đó, ngài khuyến khích chúng ta: “Nếu có sự an ủi nào trong Ðức Kitô, nếu có sự khích lệ nào trong đức mến, nếu có sự hiệp nhất nào trong Thánh Thần, nếu có lòng thương xót nào, thì anh em hãy làm cho tôi được trọn niềm hân hoan, để anh em hưởng cùng một niềm vui, được cùng chung một lòng mến, được đồng tâm nhất trí với nhau” (Pl 2:1-2). Như Chúa Kitô đã hoàn toàn hiệp nhất với Chúa Cha và vâng phục Ngài thế nào, các môn đệ cũng phải vâng phục Thiên Chúa và đồng lòng với nhau như vậy. Anh chị em thân mến, cùng với thánh Phaolô, tôi dám nhắn nhủ anh chị em rằng: anh chị em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn bằng cách kiên vững đoàn kết trong Chúa Kitô! Giáo hội tại Đức sẽ vượt thắng những thách đố lớn của hiện tại và tương lai, và sẽ tiếp tục là men trong xã hội nếu các LM, những người thánh hiến và tín hữu giáo dân của Chúa Kitô cộng tác trong sự đoàn kết, trong niềm trung thành với ơn gọi của mình; nếu các giáo xứ, các cộng đoàn và các phong trào nâng đỡ và làm cho nhau được phong phú; nếu các tín hữu đã chịu phép rửa và phép thêm sức, hiệp nhất với Đức Giám mục, giơ cao ngọn đuốc đức tin không bị biến thái và để cho kiến thức phong phú và khả năng của mình được soi sáng. Giáo hội tại Đức sẽ tiếp tục là một phúc lành cho cộng đoàn Công giáo thế giới, nếu tiếp tục trung thành hiệp nhất với các Đấng Kế Vị Thánh Phêrô và các Tông Đồ, nếu quan tâm cộng tác bằng nhiều cách với các nước thuộc miền truyền giáo và để cho mình được lây niềm vui đức tin của các Giáo Hội trẻ.

Ngoài lời kêu gọi hiệp nhất, Thánh Phaolô còn thêm lời kêu gọi khiêm nhường: “Chớ làm điều gì bởi ý cạnh tranh hay bởi tìm hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi kẻ khác vượt trổi hơn mình, mỗi người đừng chỉ nghĩ đến những sự thuộc về mình, nhưng hãy nghĩ đến những sự thuộc về kẻ khác.” (Pl 2,3-4). Đời sống Kitô hữu là cuộc sống vì người khác: hiện hữu vì người khác, khiêm tốn phục vụ người lân cận và công ích. Anh chị em thân mến, khiêm tốn là một nhân đức ngày nay không được người ta quí trọng lắm. Nhưng các môn đệ của Chúa biết rằng nhân đức này có thể nói là dầu làm tiến trình đối thoại được phong phú, làm cho sự cộng tác được dễ dàng và sự hiệp nhất có tính chất thành tâm. Trong tiếng la tinh, khiêm nhường là Humilitas, có liên hệ tới humus, nghĩa làm gắn liền với đất, với thực tại. Những người khiêm tốn đứng bằng cả hai chân trên mặt đất. Nhưng nhất là họ lắng nghe Chúa Kitô là Lời của Thiên Chúa, Lời này không ngừng canh tân Giáo Hội và mọi phần tử của Giáo Hội.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa ơn can đảm và khiêm tốn tiến bước trên con đường đức tin, kín múc nơi lòng từ bi phong phú của Chúa và luôn hướng nhìn về Chúa Kitô là Lời đổi mới mọi sự, là “Đường, là Sự Thật và là sự Sống” cho chúng ta (Ga 14,6), là tương lai của chúng ta. Amen.

Cuối thánh lễ, Đức Thánh Cha đã chủ sự kinh Truyền Tin. Ngài mời gọi các tín hữu khi đọc kinh này hãy hiệp với lời thưa Xin Vâng của Mẹ Maria và tín thác gắn bó với vẻ đẹp của kế hoạch Thiên Chúa, cũng như sự quan phòng của Chúa dành cho chúng ta trong ân thánh của Ngài. Như thế, cả trong cuộc sống chúng ta, tình yêu Thiên Chúa sẽ trở nên như xác thể, ngày càng thành hình. Chúng ta đừng sợ giữa bao nhiêu bận tâm, lo lắng. Thiên Chúa nhân từ, và đồng thời chúng ta cảm thấy được cộng đồng bao nhiêu tín hữu nâng đỡ.

Thánh lễ kết thúc lúc gần 12 giờ với phép lành của Đức Thánh Cha và mọi người cùng hát kinh Te Deum, Tạ Ơn.

Nguồn: archivioradiovaticana.va