CHƯƠNG TRÌNH DƯỚI ÁNH SÁNG LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN NĂM A
BÀI 26: BIỂN CẢ GẦM VANG, SÓNG CỒN GÀO THÉT
LM Gioan Nguyễn Thiên Minh, OP
và Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng
WGPSG
(10.08.2023) – Tin Mừng Chúa nhật
19 Thường niên năm A kể chuyện Đức Giê-su đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ
đang gặp cơn sóng gió.
Trong bài học hỏi
hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu qua về phép lạ hay dấu lạ,
cách riêng là những phép lạ Đức Giê-su thực hiện trên biển cả mà qua đó Người mặc
khải căn tính của Người là Con Thiên Chúa.
1. Phép lạ, dấu
lạ
Khi nói về những việc
kỳ diệu Thiên Chúa thực hiện nơi Đức Giê-su, các sách Tin Mừng thường dùng hai
từ khác nhau để diễn tả hai chiều kích của cùng một hành động.
Thứ nhất là từ đuy-na-mis (δύναμις)
nghĩa là quyền năng, sức mạnh, thường được dịch
là phép lạ.
Thứ hai là từ se-mêi-on (σημεῖον) nghĩa
là dấu chỉ thường được dịch là dấu lạ.
Đức Giê-su đi trên mặt biển được ghi nhận là một hành động bởi quyền năng Thiên Chúa, đồng thời là một dấu chỉ mang ý nghĩa dựa trên nền tảng Cựu Ước nhất là trong bối cảnh Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập.
Các dấu chỉ hay dấu
lạ nhằm mục đích cho ai chứng kiến thì tin vào Thiên Chúa và tin vào
Con của Người là Đức Giê-su.
2. Phép lạ đi
trên biển
Trong Kinh Thánh Cựu Ước, có hai hạn từ nói về biển cả. Từ thứ nhất là yam (יַם) ám chỉ nước đã vâng lệnh Thiên Chúa, tụ lại thành khối và được gọi là biển như
trong trình thuật về việc sáng tạo : “Thiên Chúa phán : ‘Nước phía dưới trời phải
tụ lại một nơi, để chỗ cạn lộ ra.’ Liền có như vậy. Thiên Chúa gọi chỗ cạn là
‘đất’, khối nước tụ lại là ‘biển’” (St 1,9-10). Và thuật ngữ thứ hai là tơ-hôm (תְה֑וֹם) nghĩa
là “Vực thẳm”, ám chỉ khối nước nguyên thuỷ, vô hình vô dạng bao phủ toàn cõi
đất (x. St 1,2). Danh từ tơ-hôm (תְה֑וֹם)
có lẽ xuất phát bởi từ Ti-a-mát là nữ thần biển cả trong
thần thoại Ba-by-lon.
Trong văn học Kinh
Thánh, biển ám chỉ cả một truyền thống huyền thoại, biểu tượng của vũ trụ hỗn
mang, đại diện cho một quyền lực đen tối, có khả năng huỷ diệt lớn và đe dọa sự
tốt đẹp của trật tự sáng tạo. Sách Đa-ni-en có nói đến bốn con thú tượng trưng
cho các đế quốc áp bức trên thế giới đều đi lên từ biển (x. Đn 7,2-3). Vì vậy,
biển tượng trưng cho sự dữ, cho cái ác ẩn sau mỗi đế chế trần gian.
Trong cánh chung luận
của sách Khải huyền, biển tượng trưng cho cái ác còn sót lại trên thế giới.
Sách Khải huyền nói đến “một Con Thú từ dưới biển đi lên ; nó có mười sừng và bảy
đầu ; trên mười sừng đều có vương miện, và trên các đầu có danh hiệu xúc phạm đến
Thiên Chúa” (Kh 13,1).
Biển tượng trưng
cho sự dữ, sự hỗn loạn, vì vậy, trong “trời mới đất mới”, biển sẽ không
còn nữa, cũng có nghĩa là sẽ không còn nước mắt, sự chết, tang tóc, kêu than,
và đau khổ (x. Kh 21,1-4). Nhưng trong “trời mới đất mới”, biển được biến
đổi thành “trong vắt pha ánh lửa” (Kh 15,2) , sông sẽ “có nước trường
sinh, sáng chói như pha lê, chảy ra từ ngai của Thiên Chúa và Con Chiên” (Kh
22,1).
Kinh Thánh Cựu Ước
cho thấy những chiến thắng oai hùng của Thiên Chúa trên biển cả, và chỉ mình
Chúa mới có thể “đến tận nguồn biển cả” (G 38,16), “chế ngự trùng dương ngạo
nghễ, dẹp yên bao sóng cả sóng cồn” (Tv 89,10), “đạp lên trên ba đào biển cả”
(G 9,8), “băng qua biển rộng, rẽ nước mênh mông” (Tv 77,20), “mở lối cho chiến
mã vào biển cả, giữa ba đào cuồn cuộn nước mênh mông” (Kb 3,15).
Chính Đức Chúa đã
“giày xéo thuỷ thần Ra-háp” (Tv 89,1), “xẻ đôi lòng biển, đập vỡ sọ thuồng
luồng” (Tv 74,13) ; chính Người đã làm cạn khô biển cả, tát cạn nước
đại dương, vạch dưới lòng biển sâu một con đường, cho đoàn người được
chuộc về có lối băng qua (x. Xh 14,21-22 ; Is. 51,9-10 ; Tv
78,13 ; Cv 7,36 ; Hr 11,29).
Dân Ít-ra-en, sau
khi chứng kiến việc Chúa làm nơi Biển Đỏ, đã chúc tụng Người là Đấng “lập chiến
công khủng khiếp, làm nên việc diệu kỳ” (Xh 15,11), “là Vị Cứu Tinh từng làm việc
lớn lao bên miền Ai-cập, việc diệu kỳ trong cõi đất Kham, việc khiếp kinh giữa
lòng Biển Đỏ” (Tv 106,21-22).
Hành động uy quyền
của Đức Chúa trên biển cả như Cựu Ước trình bày, nay được tác giả Mát-thêu thuật
lại nơi Đức Giê-su với một sức mạnh tương tự khi Người dẹp yên biển động (Mt
8,23-27) và đi trên mặt nước (x. Mt 14,22-33).
3. Mặc khải căn
tính Đức Giê-su
Các sách Tin Mừng
ghi nhận 64 lần về hơn 30 phép lạ Đức Giê-su thực hiện, trong đó có 6 lần kể về
các phép lạ trên biển. Tin Mừng Mát-thêu đã kể lại hai phép lạ Đức Giê-su thực
hiện trên biển cả là dẹp yên biển động (x. Mt 8,23-27) và đi trên mặt biển (x.
14,22-33).
Ở phép lạ thứ nhất
(x. Mt 8,23-27), Đức Giê-su ngăm đe gió và biển, khiến biển lặng như tờ, khiến
những người chứng kiến kinh ngạc, sững sờ, vì đối với dân Do-thái, chỉ một
mình Đức Chúa toàn năng của Ít-ra-en mới có thể : “Đổi phong ba thành
gió thoảng nhẹ nhàng, sóng đang gầm, bỗng đâu im tiếng” (Tv
107,29 ; 64,8). Vì vậy, họ đã thắc mắc về căn tính của Đức
Giê-su : “Ông này là người thế nào mà cả đến gió và biển cũng
tuân lệnh ?” (Mt 8,27).
Trong phép lạ thứ
hai (x. Mt 14,22-33), khi các môn đệ đang lênh đênh trên biển, bị sóng đánh vì
ngược gió, Đức Giê-su đi trên mặt biển đến với họ “vào khoảng canh tư”. Theo
cách tính thời gian của người Do-thái thì canh tư là quãng thời gian từ 3 giờ đến
6 giờ sáng. Đây là thời điểm được xem là đen tối nhất trong đêm.
Đức Giê-su đã tỏ
mình ra cho các môn đệ khi các ông đang sợ hãi, và đã trấn an họ bằng cụm từ
quen thuộc trong Sách Thánh : “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng
sợ”. Kiểu nói “Chính Thầy đây” / ê-go êi-mi (ἐγώ
εἰμι), gợi lại Danh Đức Chúa được mặc khải cho ông Mô-sê, và cụm
từ này vang vọng lời Kinh Thánh Cựu Ước trấn an Ít-ra-en đừng sợ, vì chính Đức
Chúa sẽ dẫn đầu dân băng qua sông tiến vào Đất Hứa : “Mạnh bạo lên, can
đảm lên ! Đừng sợ, đừng run khiếp, vì chính Đức Chúa đi với anh
em ; Người sẽ không để mặc, không bỏ rơi anh em.” (x. Xh
3,14 ; Đnl 31,3-6).
Trong cuộc đối thoại
trên biển giữa ông Phê-rô và Đức Giê-su, ông đã xưng hô với Người là Kuy-ri-ê “Κύριε” -
“Lạy Chúa !”. Từ Hy-lạp này cũng được dùng để xướng danh Đức
Chúa của Ít-ra-en, “Lạy Chúa (Κύριε), nếu quả là Ngài, thì xin
truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài” (Mt 14,28). Hành động này
của ông Phê-rô cung cấp một bối cảnh có tính quy chiếu về hành động của
dân Ít-ra-en trong câu chuyện vượt qua Biển Đỏ. Nhờ đức tin, dân
Ít-ra-en đã băng qua Biển Đỏ như đi trên đất khô cạn (x. Hr 11,29).
Còn ông Phê-rô thì kém tin và hoài nghi nên ông đã bị chìm (x. Mt 14,30).
Cũng nên nhắc lại rằng, nhiều
chỗ trong Tin Mừng Mát-thêu, Đức Giê-su đã than thở hoặc thốt ra lời tán thán
“ôi”, “hỡi” vì nhiều người kém tin hoặc không tin (Mt 6,30 ; 8,26 ;
16,8 ; 17,20).
Đức Giê-su đã từng
từ chối thực hiện phép lạ để chứng thực Người là ai theo đòi hỏi của người
Do-thái, Người từ chối sự thách thức phải làm dấu lạ để người ta tin (x. Mc
8,11-13 ; 15,31-32). Vì người ta có thể lạc lối, thay vì tập trung
vào Đức Giê-su, họ chỉ chăm chú vào dấu lạ điềm thiêng mà không quan tâm đến ý
nghĩa và sứ điệp của phép lạ. Đấng thực hiện bao phép lạ mời gọi người ta tin
tưởng và chú tâm vào Người, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh
Người (x. Ga 20,31 ; 1 Cr 1,23).
Không tin vào Đức
Giê-su thì sẽ chẳng có phép lạ nào xảy ra (x. Mc 6,5). Do đó, phép lạ đòi
hỏi phải tin vào Thiên Chúa và vào Đức Giê-su như Người đã quả quyết :
“Mọi sự đều có thể đối với người tin” (Mc 9,23) ; “Ông
tin thế nào thì được như vậy” (Mt 8,13) ; “Lòng tin của con đã
cứu chữa con” (Mt 9,22) ; “Lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ
được vậy !” (Mt 15,28).
Tin Mừng Mát-thêu
cho thấy việc Đức Giê-su đi trên mặt biển hồ Ga-li-lê là một hành động của quyền
năng Thiên Chúa, đồng thời cũng là một hành động cứu thoát con người như lời
kêu cứu của ông Phê-rô : “Lạy Chúa (Κύριε), xin cứu con với !” (Mt
14,30).
Như những người đã
chứng kiến hành động uy hùng của Đức Chúa nơi Biển Đỏ ngày xưa và họ đã
tin vào Đức Chúa, thì ở đây cũng vậy, các môn đệ và dân chúng tin vào Con Một
Thiên Chúa như tác giả Mát-thêu đã ghi lại : “Những kẻ ở trong thuyền bái
lạy Người và nói : ‘Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!’” (Mt 14,33).
Kết
Sách Giáo Lý Hội
Thánh Công Giáo dạy rằng : “Các dấu lạ do Chúa Giê-su thực hiện minh chứng Chúa
Cha đã sai Người đến. Chúng mời gọi ta hãy tin vào Người. Những ai đến với Người
bằng đức tin, đức tin cho họ được điều họ thỉnh cầu. Lúc đó, các phép lạ củng cố
lòng tin vào Người, Đấng thực hiện các công việc của Cha Người: chúng chứng tỏ
Người là Con Thiên Chúa. Nhưng chúng cũng có thể là cớ vấp ngã. Quả vậy, chúng
không nhằm thỏa mãn trí tò mò, và lòng ưa chuộng ma thuật. Bất chấp những phép
lạ hết sức tỏ tường của Người, Chúa Giê-su vẫn bị một số người loại bỏ, thậm
chí Người còn bị tố cáo là hành động nhờ ma quỷ.” (GLHTCG, 548)
Cầu nguyện
Lạy Chúa Trời,
xin cứu vớt con,
vì nước đã dâng
lên tới cổ.
Con bị lún sâu
xuống chỗ sình lầy,
chẳng biết đứng
vào đâu cho vững,
thân chìm ngập
trong dòng nước thẳm,
sóng dạt dào đã
cuốn trôi đi.
Xin Ngài kéo con
lên
cho khỏi lún
xuống chỗ sình lầy,
cho con thoát tay
thù,
thoát dòng nước
thẳm.
Xin đừng để sóng cồn
cuốn con đi,
đừng để cho vực thẳm
nuốt con vào,
và miệng hố sâu ngậm
lại, chôn sống.
Lạy Chúa,
xin lấy lòng nhân hậu
mà đáp lại lời con ;
xin mở lượng hải hà
mà đoái thương nhìn đến.
(Tv 69,2-3.15-17).
Nguồn: tgpsaigon.net