KINH TRUYỀN TIN VỚI ĐỨC THÁNH CHA

Chúa nhật 19 Thường niên năm A
Chúa nhật, 07.08.2011

HÃY NẮM LẤY TAY ĐẤNG ĐÃ XUỐNG CÙNG ÔNG

Bài huấn từ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI vào sáng Chúa nhật 19 Thường niên năm A, ngày 07.08.2011, tại Castel Gandolfo.

Anh chị em thân mến,

Trong bài Tin Mừng chúa nhật hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu rút lui lên núi và cầu nguyện suốt đêm. Ở một nơi riêng, cách biệt với dân chúng và các môn đệ, Chúa biểu lộ sự thân mật với Chúa Cha và cho thấy sự cần thiết phải cầu nguyện trong cô tịch, xa những huyên náo của thế giới.

Nhưng sự kiện Chúa rút xa như thế không được hiểu như một thái độ không quan tâm đối với con người hoặc bỏ rơi các Tông Đồ. Đúng hơn, như thánh Mathêu thuật lại, Chúa đưa các môn đệ lên thuyền “để đi trước ngài đến bờ bên kia” (Mt 14,22), để gặp lại họ ở đó. Trong khi ấy, con thuyền “đã ra khỏi bờ vài hải lý và bị sóng gió làm giao động: vì gió thổi ngược” (v.24) và này đây, “khi đêm gần tàn, Chúa Giêsu đi trên mặt biển đến gặp các môn đệ” (v.25); các môn đệ kinh hoàng và tưởng Ngài là bóng ma, nên hô lớn vì sợ hãi” (v.26), họ không nhận ra Ngài, và không biết đó là Chúa.

Nhưng Chúa Giêsu trấn an họ: “Hãy can đảm lên, Thầy đây, các con đừng sợ!” (v.27). Đó là một giai thoại mà các Giáo Phụ rút ra được những ý nghĩa phong phú. Biển tượng trưng cuộc sống hiện nay và sự bấp bênh của thế giới hữu hình; bão tố chỉ mọi thứ sầu muộn, khó khăn, đè nén con người. Trái lại, con thuyền tượng trưng Giáo hội được xây dựng trên Chúa Kitô và được các Tông Đồ hướng dẫn.

Chúa Giêsu muốn dạy các môn đệ can đảm chịu đựng những nghịch cảnh của cuộc sống, tín thác nơi Thiên Chúa, nơi Đấng đã tỏ mình ra cho Ngôn Sứ Elia trên núi Horeb “trong tiếng thì thầm của cơn gió nhẹ” (1 V 19,12).

Rồi đoạn Tin Mừng này nói về cử chỉ của thánh Phêrô Tông Đồ: thánh nhân, được lòng yêu mến Thầy thúc đẩy, đã xin đi trên mặt nước để đến gặp Ngài. “Nhưng khi thấy gió thổi mạnh, Phêrô sợ hãi và bắt đầu chìm, nên la lớn: 'Lạy Chúa xin cứu con!” (Mt 14,30).

Thánh Augustinô, khi hình dung ra như đang nói với thánh Phêrô, đã nói rằng: Chúa “đã hạ mình xuống và cầm lấy tay ông. Với nguyên sức mạnh của ông, ông không thể trỗi dậy được. Hãy nắm lấy tay Đấng đã xuống cùng ông” (Enarr. in Ps. 95,7: PL 36,1233), và thánh Augustinô đã không nói điều này với chỉ một mình Phêrô, mà còn với chúng ta.

Phêrô đi trên mặt nước không phải do sức riêng của mình, nhưng nhờ ơn Chúa, Đấng mà thánh nhân tin tưởng, và khi bị nghi ngờ vây phủ, khi không còn chăm chú nhìn vào Chúa Giêsu nữa, nhưng lo sợ vì gió, khi không hoàn toàn tín thác vào lời Thầy nữa, nghĩa là xa lìa Chúa thì khi ấy Phêrô bị nguy cơ bị chìm lỉm trong biển cả của cuộc sống.

Đối với chúng ta cũng vậy: nếu chúng ta chỉ nhìn vào chính mình, chúng ta sẽ trở nên phụ thuộc vào những cơn gió và không còn có thể vượt qua những cơn bão tố trên dòng nước cuộc đời. Đại tư tưởng gia Romano Guardini đã viết rằng Chúa “luôn luôn ở gần kề, ở nơi căn cội cuộc sống của chúng ta. Nhưng chúng ta phải cảm nghiệm quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa giữa hai cực xa cách và gần gũi. Chúng ta được củng cố nhờ sự gần gũi, và bị thử thách vì sự xa cách” (Accettare se stessi - Chấp nhận chính mình, Brescia 1992, 71).

Anh chị em thân mến, kinh nghiệm của Ngôn Sứ Êlia nghe Chúa đi qua và sự chao đảo đức tin của Tông Đồ Phêrô, giúp chúng ta hiểu rằng trước khi chúng ta tìm kiếm hoặc kêu cầu Chúa, thì chính Chúa đến gặp chúng ta, Chúa hạ trời cao xuống để giơ tay cho chúng ta, kéo chúng ta lên tới chiều cao của Chúa; Chúa chỉ mong đợi chúng ta hoàn toàn tín thác nơi Ngài, mong đợi chúng ta thực sự nắm lấy tay Ngài.

Chúng ta hãy kêu cầu Đức Trinh Nữ Maria, gương mẫu về lòng tín thác trọn vẹn nơi Thiên Chúa, để giữa bao nhiêu lo lắng bận tâm, bao nhiêu vấn đề và khó khăn làm giao động biển cả đời sống chúng ta, chúng ta nghe thấy lời trấn an của Chúa Giêsu vang dội trong tâm hồn: Hãy can đảm lên, Thầy đây, các con đừng sợ! và lòng tin của chúng ta nơi Chúa được tăng trưởng.

Sau đó Đức Thánh Cha đọc kinh truyền tin và phép lành cho những người hiện diện.

Chuyển ngữ: G. Trần Đức Anh OP
Nguồn: archivioradiovaticana.va