CHƯƠNG TRÌNH DƯỚI ÁNH SÁNG LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN NĂM A
BÀI 22: SAO THẦY LẠI DÙNG DỤ NGÔN

Nữ tu Maria Thanh Nga, CND
và NPD. CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ

WGPSG (12.07.2023) – Chắc hẳn từ “dụ ngôn” rất quen thuộc với chúng ta, vì trong các thánh lễ Chúa Nhật cũng như ngày thường, rất nhiều bài Tin Mừng có nội dung là một câu chuyện Chúa Giê-su kể cho dân chúng nghe, và được gọi là “dụ ngôn”, chẳng hạn như : dụ ngôn người gieo giống (Mt 13,1-23 ; Mc 4,1-20) trong Tin Mừng Chúa nhật tuần này ; rồi dụ ngôn hạt cải (Lc 13,18-19) ; dụ ngôn con chiên lạc (Mt 18,12-14 ; Lc 15,4-7), dụ ngôn tiệc cưới (Mt 22,2-10 ; Lc 14,15-24), dụ ngôn người Sa-ma-ri tốt lành (Lc 10,29-37) ; dụ ngôn ông phú hộ và anh La-da-rô (Lc 16,19-31) … và rất nhiều dụ ngôn khác chúng ta đã được nghe.

Trong bài hôm nay, chúng ta tìm hiểu xem trong ngôn ngữ Kinh Thánh, dụ ngôn có ý nghĩa đặc biệt gì ?

Trước hết chúng ta tránh lẫn lộn với một lối văn cũng rất phổ biến trong nhiều nền văn học : đó là những câu chuyện ngụ ngôn. Cổ nhất là ngụ ngôn của văn hào Aesop người Hy-lạp, rồi đến các ngụ ngôn của La Fontaine văn hào người Pháp và của Lev Tolstoy người Nga. Nội dung của các ngụ ngôn lấy từ thế giới loài vật, được tác giả nhân cách hoá để rút ra một bài học dạy đời về một đức tính nào đó, thí dụ ngụ ngôn thỏ và rùa để dạy về tính kiên nhẫn sẽ chiến thắng sự ỷ lại, cậy tài. Ngụ ngôn con kiến và con ve sầu là bài học về sự biết lo xa. Ngụ ngôn con ếch và con bò, để răn dạy kẻ ngông cuồng, … và vô số các ngụ ngôn khác mà chúng ta đã từng biết đến trong giáo khoa thư tiểu học và trung học. Còn dụ ngôn là một lối văn trong Kinh Thánh có đôi chút khác với ngụ ngôn và sâu xa hơn ngụ ngôn.

1. Vậy dụ ngôn là gì ?

A. Trong Cựu Ước

Động từ māšal (מָשַׁל) trong tiếng Híp-ri thường được dùng với nghĩa là điều khiển, cai quản (x. St 1,18 ; 24,2) ; thống trị hay cai trị (x. St 4,7 ; Đnl 16,6 ; Gs 12,2.5 ; Tv 19,14 ; 22,29) và cũng có nghĩa là so sánh (x. Is 46,5) hoặc giống như, tương đồng :

Dù sống trong danh vọng, con người cũng không hiểu biết gì ; thì giống như con vật một ngày kia phải chết” (Tv 49,21).

Ở dạng danh từ, māšal (מָשָׁל) có nghĩa là câu châm ngôn (x. Cn 1,1 ; Tv 78,2 ; Ed 12,22.23), câu ngạn ngữ (x. 1 Sm 10,12 ; 24,14), sự chế diễu hoặc trò cười (x. Tv 44,15 ; 69,12) hay một dụ ngôn (x. Ed 24,3). Nếu văn hào Aesop là thiên tài về ngụ ngôn trong nền văn chương Hy-lạp, thì vua Sa-lô-môn cũng là vị vua trổi vượt về sự khôn ngoan đến độ “Vua đọc được ba ngàn câu châm ngôn, và các bài ca của vua là một ngàn không trăm lẻ năm bài” (1 V 5,12). Nói tóm lại, dù với nghĩa nào thì từ ngữ này cũng muốn nói đến một cách thế của những bậc thầy, dùng để gây sự chú tâm của thính giả, tạo cho họ cơ hội suy nghĩ, thí dụ ngôn sứ Na-than kể câu chuyện một người nghèo, có duy nhất một con chiên, nhưng bị tên hàng xóm giàu có cướp mất. Vua Đa-vít chưa nghe xong câu chuyện thì đã nỗi giận vì việc làm thất đức của tên nhà giàu. Nhưng khi ngôn sứ nói : “kẻ đó chính là Ngài !” thì vua hiểu ngay mình đã phạm tội cướp vợ người khác và sau đó vua đã thống hối ăn năn (2 Sm 12,1-13).

Việc sử dụng māšal (מָשָׁל) đã trở thành một phương pháp sư phạm rất hữu dụng của các Ráp-bi Do-thái. Sau này Chúa Giê-su cũng áp dụng phương thức này, nhưng mang một sắc thái đặc biệt và linh động hơn các Ráp-bi rất nhiều.

B. Trong Tân Ước

Các tác giả Tân Ước, đã dịch từ Híp-ri māšal (מָשָׁל) ra tiếng Hy-lạp là pa-ra-bo-lê (παραβολη), danh từ này do động từ paraballô (παραβαλλω) có nhiều nghĩa : đặt bên cạnh, đến gần, gần như, so sánh với. Từ ngữ này được dùng nhiều trong các Tin Mừng nhất lãm : Lu-ca 18 lần (Lc 4,23 ; 5,36 ; 8,4 ; 15,3 … 21,29) ; Mát-thêu 17 lần (Mt 13,3 ;15,15 ; 21,33 … 24,32) và Mác-cô 13 lần (Mc 3,23 ; 4,2.10 … 13,28). Các tác giả thường dùng từ pa-ra-bo-lê với nghĩa là dụ ngôn ; tuy nhiên đôi khi cũng mang nghĩa một câu tục ngữ hay châm ngôn, như câu Chúa Giê-su nói với người Do-thái : “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ : Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào !  (Lc 4,23).

Khác với Tin Mừng nhất lãm, Tin Mừng thứ tư đã dùng một từ Hy-lạp khác là pa-roi-mi-a (παροιμία) để dịch danh từ Híp-ri māšal (מָשָׁל). Từ này cũng đồng nghĩa với từ pa-ra-bo-lê trong nhất lãm, và thánh Gio-an chỉ nhắc đến từ này 3 lần (x. Ga 10,6 ; 16,25.29). Điều đó không có nghĩa là Tin Mừng này ít dụ ngôn hơn các Tin Mừng nhất lãm ; dụ ngôn trong Tin Mừng thứ tư không có hình thức giống như các dụ ngôn trong Tin Mừng nhất lãm, nhưng dưới dạng ẩn dụ như hình ảnh người mục tử và ràn chiên, chuồng chiên và người giữ cửa … (x. Ga 10,1-6), cây nho và cành nho (x. Ga 15,1-8).

Làm thế nào để hiểu ý nghĩa một dụ ngôn ?

Trên đây chúng ta đã tìm hiểu về nguồn gốc của từ dụ ngôn trong Kinh Thánh. Trong các sách Tin Mừng có rất nhiều dụ ngôn ở nhiều hình thức khác nhau, có thể là một sự so sánh như Chúa Giê-su nhắc đến chuyện ông Giô-na ở trong bụng cá ba ngày thế nào thì Người cũng sẽ phải ở trong mồ ba ngày như thế (x. Mt 12,40), có thể một câu có tính ám chỉ công cuộc rao giảng cho người Sa-ma-ri như một cánh đồng lúa chín vàng đang chờ gặt (x. Ga 4,35-38), hoặc kiểu nói mạnh mang tính phản đề như : “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới ? ” (Mt 7,3) hoặc là : “Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em ; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi. Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai. Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái ? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ ? (Mt 7,15-16).

Đó là những dụ ngôn có hình thức một câu ngắn, nhưng có những dụ ngôn là một câu chuyện được Chúa Giê-su lấy từ những thực tế đời thường. Qua những dụ ngôn đó, Chúa Giê-su mời gọi người nghe chuyện phải suy nghĩ để hiểu những mầu nhiệm về Thiên Chúa, đặc biệt là mầu nhiệm Nước Trời. Đây là nét đặc trưng trong cách giảng dạy của Chúa Giê-su. Có thể nói Chúa Giê-su và sự hiện diện của Nước Trời nơi trần gian nằm ở trung tâm của các dụ ngôn (Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 546).

Tin Mừng theo thánh Mát-thêu gom lại 7 dụ ngôn trong chương 13, thường gọi là những dụ ngôn về Nước Trời. Đây là những câu chuyện dựa theo tập tục và nếp sống thường ngày, với mục đích trình bày một giáo lý siêu nhiên. Giữa hình ảnh tự nhiên và giáo lý siêu nhiên có điểm nào đó tương đồng, người đọc phải tìm cho ra, mới nắm được ý nghĩa khách quan của dụ ngôn. Thường thường chung quanh điểm chính trong hình ảnh tự nhiên để so sánh với đạo lý, còn có những chi tiết giúp cho câu chuyện được mạch lạc và hấp dẫn ; người đọc không nên tìm ý nghĩa riêng cho những chi tiết đó trong lãnh vực đạo lý. Tuy nhiên, có khi một dụ ngôn cũng pha một số chi tiết ngụ ngôn ; trong trường hợp này, thì ngoài điểm chính của dụ ngôn, người đọc còn phải tìm ý nghĩa riêng của những chi tiết ngụ ngôn ấy. Những ý nghĩa riêng này tất nhiên phải đi với điểm chính yếu, và làm cho điểm này rõ hơn lên.

Bài Tin Mừng của Chúa Nhật XV Thường niên tới đây, chúng ta sẽ được nghe câu chuyện thứ nhất là dụ ngôn người gieo giống trong Tin Mừng Mát-thêu (Mt 13,1-23). Đặc biệt dụ ngôn này được Chúa Giê-su giải thích tường tận cho các môn đệ (x. Mt 13,18-23) cũng là cho cả chúng ta hôm nay nữa, về thái độ khác nhau của những người đón nghe Lời Chúa.

Trở lại với câu hỏi làm thế nào để hiểu một dụ ngôn ? Để hiểu ý nghĩa một dụ ngôn, chúng ta phải tìm xem đâu là “điểm then chốt” mà dụ ngôn nhắm đến, như dụ ngôn người gieo giống, điều dụ ngôn nhắm đến là hạt giống được gieo vào mảnh đất tốt và sinh hoa kết quả (Mt 13,23). Một dụ ngôn rất hay của Tin Mừng theo thánh Lu-ca chương 15,11-32, có một thời nhiều người gọi là dụ ngôn người con hoang đàng, hay người con phung phá. Đúng hơn “điểm nhọn” của dụ ngôn này nằm ở câu nói của người cha : “chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,32), vậy phải gọi dụ ngôn này là người cha nhân hậu. Hay nếu đặt trong tương quan với hai dụ ngôn trước đó là dụ ngôn con chiên lạc và đồng bạc bị mất (Lc 15,4-10) thì cả ba dụ ngôn phải gọi là dụ ngôn niềm vui tìm thấy.

Những điều trình bày trên đây chỉ là một vài khái niệm về lối văn dụ ngôn trong Kinh Thánh với ước mong giúp chúng ta thấy được ý nghĩa và tầm quan trọng của những dụ ngôn trong các sách Tin Mừng. Toàn bộ giáo huấn của Chúa Giê-su về mầu nhiệm Nước Trời, về Thiên Chúa, về ơn cứu độ, về Chúa Cha và về chính Chúa Giê-su, Ngôi Lời nhập thể đều được chứa đựng trong các dụ ngôn. Năng đọc và tìm hiểu các dụ ngôn chúng ta mới thấm nhuần các bài học về Nước Trời.

Kết

Chúng ta sẽ dùng Thánh vịnh 19 làm lời cầu nguyện kết :

Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con.
Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn.
Thánh ý Chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn.
Huấn lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng.
Mệnh lệnh Chúa xiết bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời.
Lòng kính sợ Chúa luôn trong trắng, tồn tại đến muôn đời.
Quyết định Chúa phù hợp chân lý, hết thảy đều công minh,
thật quý báu hơn vàng, hơn vàng y muôn lượng,
ngọt ngào hơn mật ong, hơn mật ong nguyên chất.
Nên tôi tớ Ngài đây xin ra công học hỏi ;
ai giữ những điều này sẽ được nhiều lợi ích (Tv 19,8-12).
A-men.

Nguồn: tgpsaigon.net