CHƯƠNG TRÌNH DƯỚI ÁNH SÁNG LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN NĂM A
Bài 21: MẶC KHẢI CỦA THIÊN CHÚA

LM Vinh Sơn Phạm Xuân Hưng, OP
và NPD. CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ

WGPSG (06.07.2023) – Trong Tin Mừng Chúa nhật 14 Thường niên này, Đức Giê-su quả quyết rằng : “Không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.” (Mt 11,27). Như vậy, để biết rõ về Chúa Cha và Chúa Con, chúng ta phải được chính Thiên Chúa mặc khải cho.

Vậy, trong bài học hỏi hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem Mặc khải Ki-tô giáo là gì.

Trước hết, hạn từ mặc khải do bởi động từ a-po-ka-lyp-tô (ἀποκαλύπτω) và danh từ a-po-ka-lyp-sis (ἀποκάλυψις) trong tiếng Hy-lạp, có nghĩa là cất đi cái che phủ nghĩa là để tỏ lộ ra. Còn trong tiếng La-tinh, động từ revelare hay danh từ revelatio có nghĩa là vén màn, mở tấm màn để tỏ lộ những gì ở phía sau bức màn.

Trong bộ Kinh Thánh của chúng ta thì quyển cuối cùng mang tên là A-po-ka-lyp-sis và được gọi trong tiếng Việt là sách Khải huyền hay sách Khải thị nghĩa là bày tỏ điều huyền nhiệm hay tỏ cho thấy điều huyền nhiệm.

Sách Giáo lý công giáo dạy rằng : Mặc khải là việc Thiên Chúa, do tình yêu vô biên, đã tự tỏ mình ra cho con người và cho họ biết mầu nhiệm thánh ý của Người, để con người, qua Đức Kitô và trong Thánh Thần, được cứu độ, thông phần vào bản tính Thiên Chúa và được trở nên nghĩa tử của Người. (x. GLHTCG 51-52)

Như vậy là do lòng nhân hậu và sự khôn ngoan, Thiên Chúa muốn mặc khải cho con người biết Người là ai và thánh ý mầu nhiệm của Người là gì, cách đặc biệt là chương trình cứu độ loài người được thực hiện qua Đức Giê-su.

Tuỳ vào cách thức mặc khải mà mặc khải được chia làm 2 loại là mặc khải tự nhiên và mặc khải siêu nhiên.

1. Mặc khải tự nhiên

Trước hết, Thiên Chúa biểu lộ chính mình trong công trình sáng tạo: Thiên Chúa, Đấng nhờ Ngôi Lời mà sáng tạo vạn vật (x. Ga 1,3) và giữ cho vạn vật được hiện hữu, đã ban cho con người chứng từ bền bỉ về chính Người nơi các thực tại được sáng tạo (x. Rm 1,19-20; Dei Verbum 3, Verbum Domini 8).

“Thiên Chúa phán : ‘Phải có ánh sáng’. Liền có ánh sáng.” (St 1,3);

“Thiên Chúa phán : ‘Phải có những vầng sáng trên vòm trời …’ Liền có như vậy” (x. St 1,14-15).

Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời,
một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú…
Vì Người đã phán, và muôn loài xuất hiện,
Người ra lệnh truyền, tất cả được dựng nên. (Tv 33,6.9)

Hay :

Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa,
không trung loan báo việc tay Người làm. (Tv 19,2)

“Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người.” (Rm 1,20).

Như lời thánh Phao-lô nói trên, trí khôn con người có thể nhận biết Thiên Chúa là Đấng sáng tạo khi ngắm nhìn trời đất vạn vật trong vũ trụ này.

Đó là mặc khải tự nhiên hay mặc khải qua thiên nhiên.

2. Mặc khải siêu nhiên và qua Đức Ki-tô

Ngoài mặc khải qua tự nhiên, Thiên Chúa còn muốn thiết lập với con người một tương quan thân tình vượt trên trật tự tự nhiên. Lịch sử nhân loại, ngay từ khởi thuỷ, đã được ghi dấu bởi một mặc khải siêu nhiên được hàm chứa trong Kinh Thánh và Thánh Truyền mà mầu nhiệm Đức Ki-tô là đỉnh cao của mặc khải. Cả Kinh Thánh và Thánh Truyền đều có Đức Ki-tô là mầu nhiệm trung tâm.

Hiến chế Dei Verbum, số 3 viết:

“Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng và bảo tồn mọi sự nhờ Ngôi Lời (x. Ga 1,3), không ngừng làm chứng cho con người về chính mình nơi các thọ tạo (x. Rm 1,19-20); hơn nữa, vì muốn mở ra con đường cứu độ cao vời, ngay từ khởi thủy, Người đã tỏ mình ra cho nguyên tổ biết.

Sau khi tổ tông sa ngã, bằng việc hứa ban ơn cứu chuộc, Người đã nâng họ dậy hướng tới niềm hy vọng cứu độ (x. St 3,15). Người đã không ngừng chăm sóc nhân loại, để ban sự sống đời đời cho tất cả những ai tìm kiếm ơn cứu độ bằng cách kiên tâm làm việc lành (x. Rm 2,6-7).

Khi đến thời gian đã định, Người đã gọi Abraham để làm cho ông thành một dân lớn (x. St 12,2-3), một dân tộc mà sau thời các tổ phụ, Người đã dùng Môsê và các ngôn sứ mà dạy dỗ, để họ nhận biết Người là Thiên Chúa duy nhất, hằng sống và chân thật, là Cha quan phòng, là Thẩm phán chí công, và để họ trông đợi Đấng Cứu Thế Người đã hứa ban. Như thế, qua các thời đại, Người đã dọn đường cho Tin Mừng.”

“Sau nhiều lần, nhiều cách, Thiên Chúa phán bảo qua các ngôn sứ, thì vào thời cuối cùng, Người đã phán dạy qua Thánh Tử (x. Hr 1,1-2). Thiên Chúa đã gửi Ngôi Lời vĩnh cửu đến chiếu soi mọi người, đến ở giữa loài người để tỏ bày những điều bí nhiệm của Thiên Chúa (x. Ga 1,1-18). Như thế, Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời nhập thể, được gửi đến như con người ở giữa loài người, đã nói Lời của Thiên Chúa (Ga 3,34) và hoàn tất công trình cứu độ do Chúa Cha uỷ thác (x. Ga 5,56 ; 17,4)” (Dei Verbum, 4)

Những lời trên của hiến chế Mặc khải đã khẳng định rằng Đức Ki-tô chính là Đấng mặc khải trọn vẹn về Thiên Chúa và về công trình cứu độ của Người.

3. Cách thức Thiên Chúa mặc khải và tư thế đón nhận của con người

Điểm đến của mặc khải chính là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng được Chúa Cha giao phó mọi sự, Đấng biết rõ Chúa Cha, Đấng đã làm người và ở giữa những người bé mọn để mặc khải cho họ biết tất cả về Thiên Chúa và về chính con người.

Trong Tin Mừng Chúa nhật tuần này, Đức Giê-su cất tiếng chúc tụng Chúa Cha là Chúa Tể trời đất và cho biết ý muốn của Chúa Cha là mặc khải trọn vẹn cho những ai biết mở lòng đón nhận Lời Thiên Chúa trong vị thế của những người đơn sơ, chân thành.

Hình ảnh “cái ách” Đức Giê-su nói đến, có thể gợi nhớ đến gánh nặng Lề Luật đặt trên vai dân chúng. Gánh nặng đó đã được Đức Giê-su gánh lấy trọn vẹn nơi cuộc vượt qua của Người. Tuy nhiên, Đức Giê-su vẫn mời gọi chúng ta tiếp tục mang lấy ách của Người như là đón nhận phần còn lại, phần thập giá đời mình. Cùng với Người, chúng ta có thể gánh lấy những nặng nề của cuộc nhân sinh này qua việc thực thi Giới Luật Yêu Thương. Qua đó, chúng ta làm chứng cho mặc khải về Thiên Chúa và về Đức Ki-tô khi học biết sống hiền hậu và khiêm nhường theo gương Đức Ki-tô.

Kính thưa quý ông bà anh chị em,

Việc Thiên Chúa mặc khải tựa như Người vén mở tấm màn vốn dĩ con người không thể vượt qua được, để tỏ bày cho con người những điều mầu nhiệm mà nếu Thiên Chúa không tỏ bày thì con người không thể biết được, và một khi Người đã tỏ bày thì con người cũng không thể biết tường tận được.

Chúng ta nhớ lại câu chuyện thánh Augustinô đang khi suy tư về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, người đã gặp một cậu bé múc nước biển đổ vào một cái lỗ còng. Thánh nhân ngạc nhiên hỏi cậu bé : “Sao con làm chuyện vô ích vậy?”. Cậu bé trả lời : “Điều con làm còn dễ hơn điều ngài đang suy nghĩ.”

Vậy để đón nhận được mặc khải, con người cần phải có đức tin, như thánh Tô-ma A-qui-nô đã nói về mầu nhiệm Thánh Thể : “Ta hãy lấy đức tin bù lại, nếu giác quan không cảm thấy gì.”

Trong tâm tình của những người bé mọn nhưng ý thức mình được đón nhận mặc khải của Thiên Chúa, được cùng Đức Giê-su cất lời ngợi khen Cha Trên Trời, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện qua thánh vịnh đáp ca hôm nay :

Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con,
con nguyện tán dương Chúa
và chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời.
Ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa
và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở muôn đời.
Chúa là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương.
Chúa nhân ái đối với mọi người,
tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.
Lạy Chúa,
muôn loài Chúa dựng nên phải dâng lời tán tạ,
kẻ hiếu trung phải chúc tụng Ngài,
nói lên rằng : triều đại Ngài vinh hiển,
xưng tụng Ngài là Đấng quyền năng.

Nguồn: tgpsaigon.net