Quý ông bà anh chị em thân mến,

Trong các phép lạ hay dấu lạ mà Chúa Giê-su đã làm, thì có thể nói, phép lạ phục sinh kẻ chết là phi thường nhất và khiến mọi người phải “sửng sốt kinh ngạc” (Mc 5,42), đồng thời qua đó biểu lộ quyền năng Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch sự sống, Người có thể ban sự sống cho ai Người muốn ngay cả khi họ đã chết.

Trong bài học hỏi Kinh Thánh lần này, chúng ta sẽ điểm qua một số phép lạ làm cho kẻ chết sống lại đã được Kinh Thánh ghi nhận để tìm hiểu xem những phép lạ cho kẻ chết sống lại mà Chúa Giê-su làm có gì khác biệt với những phép lạ mà những người khác đã làm hay không.

I. Trong Cựu Ước

1. Con trai bà goá ở Xa-rép-ta (1 V 17,17-24)

Sách Các Vua quyển thứ nhất kể lại việc Thiên Chúa đã nghe lời khẩn cầu của ngôn sứ Ê-li-a mà làm cho đứa con trai duy nhất của bà goá thành Xa-rép-ta được sống lại, và đây là lời cầu khẩn của ngôn sứ Ê-li-a :

“Lạy ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của con, xin cho hồn vía đứa trẻ này lại trở về với nó !” ĐỨC CHÚA nghe tiếng ông Ê-li-a kêu cầu, hồn vía đứa trẻ trở về với nó, và nó sống (1 V 17,17-22).

2. Con trai người phụ nữ Su-nêm (2 V 4,18-37)

Môn đệ của ngôn sứ Ê-li-a là Ê-li-sa cũng đã từng cầu xin Chúa cho một cậu bé ở Su-nêm, một làng nhỏ trong thung lũng Gít-rơ-ên, gần thành Na-in, được trỗi dậy từ cõi chết (2 V 4,32-35).

II. Trong Tân Ước

Các Tin Mừng ghi nhận ba lần Chúa Giê-su làm cho kẻ chết sống lại, đó là các trường hợp : con gái ông Gia-ia (x. Mc 5,22-43), con trai bà goá thành Na-in (x. Lc 7,11-17) và anh La-da-rô làng Bê-ta-ni-a (x. Ga 11,1-44).

Khi chứng kiến Chúa Giê-su làm cho kẻ chết sống lại, hẳn dân chúng nhớ lại những phép lạ của vị ngôn sứ vĩ đại là Ê-li-a và của ngôn sứ Ê-li-sa, “người của Thiên Chúa” như họ đã nói về Chúa Giê-su sau khi con trai bà goá thành Na-in sống lại : “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người” (Lc 7,16).

1. Con trai bà goá thành Na-in (Lc 7,11-17)

Tin Mừng Lu-ca kể lại câu chuyện Chúa Giê-su cho người con trai bà goá thành Na-in sống lại bằng cách nói rằng : “Này người thanh niên, tôi bảo anh : hãy trỗi dậy !” Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói (Lc 8,12-16).

2. Con gái ông Gia-ia

Với con gái ông Gia-ia, thì Chúa Giê-su tỏ bày quyền năng của Người trên cái chết khi làm cho cô bé trỗi dậy bằng cách truyền lệnh như sau: “‘Ta-li-tha kum’, nghĩa là : ‘Này bé, Thầy truyền cho con : trỗi dậy đi !’ Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được” (x. Mc 5,21-43 ; Mt 9,18-26 ; Lc 8,40-56)

3. Anh La-da-rô ở Bê-ta-ni-a (Ga 11,1-44)

Người thứ ba Chúa Giê-su làm cho sống lại chính là anh bạn La-da-rô ở Bê-ta-ni-a. Sau khi anh La-da-rô đã chết chôn trong mộ được bốn ngày, thì Chúa Giê-su đã đi ra mộ và kêu lớn tiếng : “‘Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ !’ Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn” (Ga 11,43-44).

4. Bà Ta-bi-tha ở Gia-phô (Cv 9,36-42)

Sau khi Chúa Giê-su thăng thiên, các tông đồ cũng thực hiện phép lạ làm cho kẻ chết trỗi dậy, chẳng hạn như phép lạ thánh Phê-rô làm cho bà Ta-bi-tha sống lại (x. Cv 5,36-42), hay phép lạ thánh Phao-lô làm cho cậu thiếu niên tên là Êu-ty-khô ở Trô-a sống lại (x. Cv 20,7-12).

III. So sánh phép lạ của Chúa Giê-su và của những người khác

Qua các phép lạ kể trên, chúng ta thấy có sự khác biệt giữa phép lạ do Chúa Giê-su thực hiện với phép lạ do những người khác.

1. Kín đáo và công khai

Phép lạ phục sinh kẻ chết của ngôn sứ Ê-li-a, ngôn sứ Ê-li-sa hay tông đồ Phê-rô được thực hiện cách kín đáo và riêng tư, còn trường hợp cậu thiếu niên Êu-ty-khô được thánh Phao-lô làm cho sống lại thì không rõ lắm. Các vị thường ở một mình, đóng cửa lại và cầu nguyện.

Còn Chúa Giê-su, khi phục sinh con gái ông Gia-ia, con trai bà goá thành Na-in hay anh La-da-rô, Người thực hiện công khai trước mặt nhiều người. Điều này chứng tỏ Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a cứu độ.

2. Lời cầu nguyện và lời quyền năng

Các ngôn sứ Ê-li-a và Ê-li-a cũng như thánh Phê-rô đều cầu nguyện khẩn xin Thiên Chúa thực hiện phép lạ, còn Chúa Giê-su thì dùng chính lời quyền năng của Người mà truyền cho kẻ chết trỗi dậy.

Ngôn sứ Ê-li-a cầu nguyện rằng : “Lạy ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của con, xin cho hồn vía đứa trẻ này lại trở về với nó !” (1 V 17,22) ; khi làm cho con trai người phụ nữ Su-nêm sống lại, ngôn sứ Ê-li-sa cũng “cầu nguyện với ĐỨC CHÚA” (2 V 4,32). Trong phép lạ phục sinh bà Ta-bi-tha, “ông Phê-rô cho mọi người ra ngoài, rồi quỳ xuống cầu nguyện” (Cv 5,40).

Còn Chúa Giê-su thì dùng chính lời quyền năng của Người mà làm cho kẻ chết sống lại : với con gái ông Gia-ia, “Người cầm lấy tay nó và nói : ‘Ta-li-tha kum’, nghĩa là : ‘Này bé, Thầy truyền cho con : trỗi dậy đi !’” (Mc 5,41). Với con trai bà goá thành Na-in, Chúa Giê-su nói : “Này người thanh niên, tôi bảo anh : hãy trỗi dậy !” (Lc 7,14). Trong trường hợp anh La-da-rô thì sau lời tạ ơn Chúa Cha, Chúa Giê-su gọi lớn tiếng : “Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ !” (Ga 11,43).

IV. Ý nghĩa phép lạ kẻ chết sống lại

1. Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống

Thiên Chúa dựng nên con người, vì thế sự sống con người ở trong tay Thiên Chúa. Người có quyền trên sự chết và sự sống, Người là “Thiên Chúa của kẻ sống” (Lc 20,38). Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa và cũng có quyền trên sự chết và sự sống như Người đã khẳng định : “Chúa Cha làm cho kẻ chết trỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì người Con cũng ban sự sống cho ai tuỳ ý” (Ga 5,21).

2. Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a quyền năng

Các phép lạ, nhất là phép lạ phục sinh kẻ chết minh chứng Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a. Khi thánh Gio-an Tẩy Giả sai môn đệ đến hỏi xem Chúa Giê-su có phải là Đấng thiên sai không, Người trả lời rằng : “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe : người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng” (Lc 7,22)

3. Loan báo sự phục sinh vinh hiển

Các phép lạ kẻ chết sống lại là hình ảnh loan báo sự phục sinh của Đức Ki-tô cũng như của các tín hữu. Sự phục sinh này là đời sống vĩnh cửu vinh quang trên thiên quốc như Chúa Giê-su đã nói với những người Xa-đốc : “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại” (Lc 20,34-36).

Kết luận

Sự Phục Sinh của Đức Ki-tô không phải là việc trở lại với cuộc sống trần thế, giống như trường hợp của những kẻ Người đã cho sống lại trước cuộc Vượt Qua: con gái ông Gia-ia, người thanh niên Na-in, anh La-da-rô. Các sự kiện này là những biến cố kỳ diệu, nhưng những người được hưởng phép lạ đó, nhờ quyền năng của Chúa Giê-su, chỉ trở lại với cuộc sống trần thế “thông thường.” Một lúc nào đó họ sẽ lại chết. Sự phục sinh của Đức Ki-tô thì hoàn toàn khác hẳn. Trong thân thể phục sinh của Người, Người chuyển từ trạng thái phải chết sang một sự sống khác vượt trên thời gian và không gian. Thân thể của Chúa Giê-su trong sự Phục Sinh đầy tràn quyền năng của Chúa Thánh Thần; thân thể này tham dự vào sự sống thần linh trong trạng thái vinh quang của Người, đến độ thánh Phao-lô đã có thể nói Đức Ki-tô là một người thiên giới (x. GLHTCG 646).

Cầu nguyện

Lạy CHÚA, con xin tán dương Ngài,

vì đã thương cứu vớt,

không để quân thù đắc chí nhạo cười con.

Lạy CHÚA là Thiên Chúa con thờ,

con kêu lên cùng Chúa,

và Ngài đã cho con bình phục.

Lạy CHÚA, từ âm phủ Ngài đã kéo con lên,

tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống.

Hỡi những kẻ tín trung,

hãy đàn ca mừng CHÚA,

cảm tạ thánh danh Người.

Người nổi giận, giận trong giây lát,

nhưng yêu thương, thương suốt cả đời.

Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống,

hừng đông về đã vọng tiếng hò reo.

Lạy CHÚA, xin lắng nghe và xót thương con,

lạy CHÚA, xin phù trì nâng đỡ.

Khúc ai ca, Chúa đổi thành vũ điệu,

cởi áo sô, mặc cho con lễ phục huy hoàng.

Vì thế, tâm hồn con ca ngợi Chúa,

và không hề nín lặng.

Lạy CHÚA là Thiên Chúa con thờ,

xin tạ ơn Ngài mãi mãi ngàn thu (Tv 30,1-6.11-13).

Nguồn: tgpsaigon.net