CHỦ TỊCH HÀN LÂM VIỆN TÒA THÁNH VỀ SỰ SỐNG NÓI VỀ SỰ PHỤC SINH
Vatican News
Vatican News (21.03.2024) – Trong
cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Quan sát viên Roma của Toà Thánh gần đây, với
sứ vụ là Chủ tịch Hàn lâm viện Tòa Thánh về Sự sống, Đức Tổng Giám Mục Vincenzo
Paglia đã có những suy tư về ý nghĩa của việc tin vào sự phục sinh trong thời đại
hôm nay.
Thưa Đức Tổng Giám Mục, có phải ngày nay đang có
sự suy giảm chú ý và nhạy cảm đối với các mầu nhiệm sự sống, cái chết và sự phục
sinh? Có phải con người ngày nay không còn tin vào sự sống lại?
Vấn đề tôi nhận thấy là sự im lặng gần như hoàn
toàn ở hai điều cuối cùng của Kinh Tin Kính: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống
lại. Tôi tin hằng sống vậy”. Lời tuyên xưng này đã trải qua nhiều thế kỷ, ở mọi
nơi, mọi nền văn hóa, và luôn luôn vững chắc và thiết yếu. Đức tin của dân
Thiên Chúa vào Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần tìm thấy kết luận tự nhiên
trong câu này của Kinh Tin Kính. Tuy nhiên, thật không may ngày nay điều này dường
như bị bỏ qua, được tuyên xưng nhưng không phải theo cách đầy hương vị, hiểu biết.
Lời tuyên xưng vẫn ở đó, và tôi nói thêm thật may là vẫn ở đó. Rõ ràng là nếu
chúng ta có thể mở được tráp kho báu mà câu này ẩn giấu thì cuộc sống của chúng
ta sẽ tươi sáng hơn. Cuộc sống trước và sau. Và đức tin Kitô giáo sẽ trở nên
lôi cuốn.
Do công việc, Đức Tổng thường đối thoại với thế
giới không tin. Dọc theo biên giới này, Đức Tổng đã đối diện với chủ đề sự sống
sau cái chết như thế nào? Ngài thấy có những phản ứng gì?
Chắc chắn đó là một chủ đề hiện diện trong tâm
trí của nhiều người, bất kể niềm tin tôn giáo, và với những liên can tâm lý
quan trọng. Tôi có thể kể cho bạn nhiều giai thoại về điều này. Chẳng hạn, tôi
nghĩ đến mối quan hệ của tôi với hai nhà nhân văn quan trọng không có đức tin
và tôi rất quý mến: Luigi Manconi và Eugenio Scalfari. Khi tôi đối diện với họ
về những vấn đề lớn của cuộc sống, tôi ghi nhận một sự bối rối nhất định.
Manconi mỉm cười nói với tôi: “Nếu được chọn, tôi sẽ vui lòng đón nhận cuộc sống
sau khi chết”; và tôi vẫn cười nói: “Và may mắn, điều đó không phụ thuộc vào
ông nhưng phụ thuộc vào Chúa Cha Hằng Hữu”. Trong cuộc đối thoại với Scalfari,
tôi nhận thấy rằng, sau khi “phải lòng” Đức Thánh Cha Phanxicô, chủ đề này đã mạnh
mẽ đi vào suy nghĩ của ông. Điều tôi muốn nói là, nếu chủ đề này được diễn đạt
một cách chính xác và không do dự, thì nó sẽ làm cho đức tin trở nên lôi cuốn
hơn. Trong tâm trí tôi xuất hiện những lời của Thánh Inhaxiô Antiochia, khi được
đưa đến Roma chịu tử đạo, rằng: “Trong những lúc khó khăn, Kitô giáo không phải
là một hoạt động của niềm tin nhưng là một ý tưởng về sự vĩ đại”. Và tôi chuyển
dịch là “ý tưởng lôi cuốn”.
Vậy làm cách nào ý tưởng về sự phục sinh có thể
được diễn tả bằng những thuật ngữ lôi cuốn?
Trước hết, đây không chỉ là việc giải thích
nhưng còn khơi dậy: khơi dậy những cảm xúc, say mê, hy vọng. Tóm lại, để tái tạo
một khôn ngoan của cuộc sống, cũng nối liền với sự sống “đời sau”. Một sự khôn
ngoan không khẳng định rằng cái chết không tồn tại hoặc nó không gây đau khổ,
nhưng chắc chắn không gây tuyệt vọng. Chính vì - như Thánh Tông đồ nói - chúng
ta đau khổ, điều đó đúng, nhưng không đau khổ như những người không có niềm hy
vọng. Và điều này làm cho tôi phải nói rằng Kinh Tin Kính Kitô giáo kỳ lạ, ngạc
nhiên, thậm chí mỉa mai theo một cách nào đó. Bởi vì chúng ta có thể nói rằng
"điều tốt đẹp nhất vẫn chưa đến", và điều này làm chúng ta cười vì nó
giống như sự tương phản giữa nỗi đau, bi kịch của sự chia ly và một tương lai
mà chúng ta hầu như không biết gì ngoại trừ việc biết rằng nó sẽ tươi đẹp, trước
sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã bảo đảm với chúng ta về điều này,
đây là chủ đề mà chúng ta phải tự mình thực hiện. Và ở đây, tôi rất đồng ý với Von Balthasar khi nói về những điều cuối cùng, cha nói: “Cánh chung học là một
công trường đã bị đóng một thời gian và chúng ta phải mở lại”.
Đây có phải là lúc không?
Vâng, tôi tin chắc rằng thời điểm đã đến. Chúng
ta đang sống trong một thời đại quá kịch tính, đến nỗi nó khiến chúng ta phải
quay trở lại với kinh cầu cổ xưa “Lạy Chúa, xin giải thoát chúng con khỏi dịch
bệnh, đói khát và chiến tranh”. Covid, thảm kịch biến đổi khí hậu, nạn đói ở phần
lớn thế giới, “chiến tranh thế giới thứ ba từng phần”. Tất cả bối cảnh khủng
khiếp này phải làm chúng ta khôi phục lại khái niệm khôn ngoan. Sự khôn ngoan của
thời kỳ cuối cùng. Bởi vì mọi thế hệ đều được mời gọi suy tư về chủ đề cuối
cùng, nhưng không giống như những người không có niềm hy vọng. Bởi vì ngày nay,
ngay cả đối với những người không tin, triết học lượng tử mở ra những chìa khóa
mới cho sự hiểu biết, và của hy vọng. Bản thân khoa học cho chúng ta biết rằng
chúng ta không kết thúc trong hư vô, nếu bất cứ điều gì chúng ta trở thành năng
lượng. Hơn nữa, đức tin Kitô giáo giúp chúng ta hiểu cái chết như một sự đi
qua, một thời điểm khó khăn nhưng không khép kín. Nó giống như sự sinh ra. Ngay
cả khi mới sinh ra em bé cũng khóc nhưng đó là tiếng khóc mở ra một cuộc sống mới.
Và ngay cả khi mới sinh ra, đó là một thế giới chưa biết, không thể tưởng tượng
được, những đặc điểm mà đứa trẻ không biết.
Những lời trong Kinh Tin Kính mà chúng ta đã
trích dẫn làm cho chúng ta hiểu rằng trọng tâm của đức tin là “đích đến”. Một
đích đến đã được viết ngay từ đầu bởi vì chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh
Thiên Chúa, do đó, chiều kích thần hóa - như những người anh em Chính thống nói
- thuộc về chúng ta ngay từ đầu. Chúng ta đã được thần hóa rồi. Kinh Thánh cho
chúng ta biết rằng lịch sử của chúng ta, lịch sử ơn cứu độ của chúng ta, là lịch
sử thần hóa. Sự sống lại được hiểu là sự nên trọn. Nếu chúng ta hiểu rằng chúng
ta tồn tại trong mối quan hệ với tạo vật xung quanh thì chúng ta cũng hiểu rằng
sự sống lại của thân xác liên quan đến toàn thụ tạo quanh chúng ta.
Đức Tổng đã nói ngay cả khoa học cũng thừa nhận
năng lượng có thể biến đổi. Nhưng làm thế nào có thể giải thích sự chuyển đổi từ
năng lượng sang thực tế tương lai được cá nhân hóa?
Tôi giải thích luận chứng về sự sống lại của
thân xác, nghĩa là của một cá nhân bằng một câu hỏi: chúng ta sẽ như thế nào
khi được sống lại? Câu trả lời đơn giản và rõ ràng nhất là: chúng ta sẽ giống
Chúa Giêsu. Chúng ta đã có được hồng ân tuyệt vời này là bốn mươi ngày của Chúa
Giêsu sau khi Người phục sinh, điều mà chúng ta ít khi nghĩ tới. Trong bốn mươi
ngày đó, chúng ta thấy một Giêsu không phải là thần linh thuần khiết (cũng
không phải xác thịt thuần khiết) nhưng là đã sống lại. Chúa Giêsu để cho bà Madalena
ôm lấy, nhưng bằng cách nào? Tôi không biết, vì chính Maria Madalena còn không
nhận ra Người. Chúng ta có gặp lại nhau khi sống lại không? Tất nhiên, Chúa
Giêsu đã nói như một người sống lại. Bốn mươi ngày đó, trong bố cục Tin Mừng,
giúp chúng ta hiểu rõ mình sẽ trở thành người như thế nào, điều gì đang chờ đợi
chúng ta. Bốn mươi ngày đó là hồng ân tuyệt vời nhất của Chúa Giêsu. Trong bốn
mươi ngày đó, nỗ lực lớn nhất của Chúa Giêsu đã bùng nổ: đó là làm cho các môn
đệ hiểu rằng chính là Chúa nhưng đã sống lại. Tôi nói đó là một nỗ lực lớn bởi
vì không thể nghĩ về điều này, không thể tưởng tượng, chỉ đơn giản là nói về.
Không thể tin được. Và thực tế là những ngày đầu tiên - Tin Mừng cho chúng ta
biết - thật là kịch tính.
Có một đoạn rất hay trong bài giảng của Thánh
Gioan Kim Khẩu về Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, trong đó ngài nói rằng
chính những người đó, vì sợ hãi, đã chạy trốn dưới Thánh giá, bỏ Chúa Giêsu một
mình, nhiều năm sau đó chấp nhận tử đạo. Thánh Gioan Kim Khẩu nói điều này là bằng
chứng xác thực nhất về sự phục sinh: chỉ khi chứng kiến một sự kiện phi thường
như sự sống lại mới có thể xóa bỏ nỗi sợ hãi về cái chết của họ.
Tôi nhớ đoạn này; nếu tôi nhớ không lầm thì ở
trong giờ kinh phụng vụ lễ Thánh Bartôlômêô. Và bạn nói rất đúng, nhưng hôm nay
chúng ta phải tập trung vào những điểm yếu trong lời loan báo kerygma ban
đầu về Chúa Kitô sống lại từ cõi chết. Tôi tin rằng khuyết điểm chính nằm ở chỗ
ngày nay chúng ta vẫn dựa quá nhiều vào tư tưởng Plato về sự tách biệt giữa thể
xác và tinh thần. Nơi mà linh hồn có tính quyết định còn thể xác thì không,
đúng hơn đó là gánh nặng trên con đường nên thánh. Sự sống lại của thân xác
không được hiểu là sự sống lại của một thân xác thể lý, nhưng là sự sống lại của
một con người, của một cá nhân duy nhất, với kinh nghiệm trước đây của họ. Ý
nghĩa sâu xa sự phục sinh của Chúa Giêsu là: Đấng phục sinh là Chúa Giêsu,
không chỉ là Ngôi Lời. Không phải năng lượng, mà là con người, với tất cả lịch
sử, ký ức, những liên hệ, với tất cả tình cảm của Người. Chúng ta sẽ không phải
là những linh hồn thuần khiết. Thiên Chúa nhập thể trở về Thiên Đàng với thân
xác.
Nhưng sự phục sinh của thân xác này xảy ra vào
ngày tận thế.
Tôi tin rằng điều đó sẽ xảy ra ngay lập tức. Bởi
vì cái chết và sự phục sinh đã ở ngoài thời gian. Vì lý do này, tôi khẳng định
một hình ảnh về sự sống đời đời không phải là một ca đoàn của các linh hồn đang
chiêm niệm. Khi Chúa Giêsu nói về điều này, đúng hơn, Người so sánh sự sống đời
đời với một bữa tiệc, nghĩa là thể lý, vật chất, thể chất. Nước Trời, trong tường
thuật Tin Mừng, bắt đầu bằng việc nâng ly chúc mừng: “Thầy sẽ không uống sản phẩm
của cây nho nữa, cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa”. Việc
từ khước sự sống lại theo những thuật ngữ này khiến những người khác trong
chúng ta phải nói “Phúc cho những ai tin vào điều đó!”.
Sự từ khước này có những hệ luỵ quan trọng về
cách sống đức tin không?
Chắc chắn rồi. Chẳng hạn, đi vào luận lý của đức
tin tập trung vào đích đến có nghĩa là chúng ta không thể coi thường thụ tạo
cũng sẽ đồng hành với chúng ta trong thế giới mới, có nghĩa là chúng ta không
thể tiếp tục giết hại lẫn nhau trong các cuộc chiến tranh. Bởi vì sự phục sinh
là một tương lai mà chúng ta phải chuẩn bị ngay bây giờ. Chúa Giêsu nói, Nước
Trời đã ở giữa anh em. Niềm hy vọng mà chúng ta ấp ủ dựa trên những gì chúng ta
đã trải qua ngày hôm nay. Câu cuối cùng của Kinh Tin Kính, từ đó chúng ta bắt đầu,
buộc chúng ta phải sống một sự phục sinh từ nỗi buồn.
Tuy nhiên, tại sao việc từ khước “đích đến” này
lại bị phân tán trong lời loan báo của Giáo hội? Tại sao, thay vì công bố
“kerygma” ban đầu, Giáo hội lại thường được coi là người ban hành một hệ thống
quy phạm có tính chất đạo đức?
Bởi vì chúng ta đã hoán đổi Tin Mừng với việc dạy
giáo lý. Chúng ta giải thích đức tin, chúng ta không làm cho đức tin bùng nổ
trong cuộc sống hàng ngày để biến đổi thế giới. Bùng nổ đức tin có nghĩa là làm
chứng cho cuộc cách mạng này trong lịch sử nhân loại, đó là sự xuất hiện của
Chúa Giêsu thành Nazareth. Nếu điều này không xảy ra, tôi tin rằng đó là do
chúng ta đã hơi cản trở Thánh Thần. Ví dụ hãy nghĩ đến sự bùng nổ quan trọng của
Công đồng, nhưng sau đó không được đồng hành thích đáng. Cách giải thích về những
dấu hiệu của thời đại liên quan đến bạn và những xáo trộn khiến bạn khựng lại;
nỗi sợ hãi ngự trị, bảo vệ bản thân và sự an toàn của chính mình. Chúng ta thậm
chí còn coi mình là thiểu số, đã trở thành pháo đài. Chỉ có một con đường để
theo, luôn là con đường đã cho phép chúng ta có hai ngàn năm lịch sử: đơn giản
là mở lòng cho Thánh Thần.
Nguồn: vaticannews.va/vi