Lời Chúa: Mt 9, 14-15

 

Khi ấy, các môn đệ ông Gioan tiến lại hỏi Ðức Giêsu rằng: “Tại sao chúng tôi và các người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” Ðức Giêsu trả lời: “Khách dự tiệc cưới có thể than khóc khi chàng rể còn ở với họ sao? Nhưng sẽ đến ngày chàng rể bị đem đi khỏi họ, bấy giờ họ mới ăn chay.”


Suy nim:

 

Có một sự khác biệt về lối sống giữa Gioan Tẩy giả và Đức Giêsu.

Gioan sống khổ hạnh nơi hoang địa, ông lôi kéo người ta đến với ông.

Ông dọa tội nhân về cơn thịnh nộ mà Thiên Chúa sắp giáng xuống.

Còn Đức Giêsu thì đến với những kẻ tội lỗi, bị xã hội loại trừ,

ăn uống vui vẻ với họ vì Nước Trời đã đến rồi (Mt 11, 18-19).

Sau khi Gioan đã bị tống ngục (4, 12)

các môn đệ của ông vẫn tiếp tục hoạt động (11, 2-6).

Chắc họ khó chịu khi thấy các môn đệ của Thầy Giêsu không ăn chay,

không có vẻ khắc khổ, nhiệm nhặt như họ hay như người Pharisêu,

nên họ hỏi thẳng Thầy về chuyện này (c. 14).

Thầy Giêsu trả lời họ bằng một câu hỏi khác (c.15):

“Khách dự tiệc cưới có thể than khóc khi chàng rể còn ở với họ sao?”

 

Dĩ nhiên là không rồi!

Câu nói của Thầy Giêsu cho thấy bầu khí Thầy-trò trong nhóm

là bầu khí vui tươi ấm áp, bầu khí của một tiệc cưới.

Thầy là chàng rể, còn trò là khách dự tiệc.

Thời gian Thầy ở với các môn đệ là thời gian hạnh phúc cho họ.

Trong Cựu Ước, hình ảnh chàng rể để chỉ Thiên Chúa (Is 62, 4-5),

Đấng kết duyên cầm sắt với dân Ítraen (Hs 2, 21-22).

Còn ở đây Đức Kitô kín đáo nhận mình là chàng rể.

Chàng rể là nhân vật chủ yếu của tiệc cưới.

Tiệc cưới ấy chính là Nước Trời được Ngài khai mở (Mt 22, 1-14; 25, 1-13).

“Nhưng sẽ đến ngày chàng rể bị đem đi khỏi họ…” (c.15).

 

Đây không phải là một lời tiên báo rõ ràng về cuộc khổ nạn,

nhưng là một ám chỉ đến cái chết bất ngờ sắp xảy ra.

Chàng rể Giêsu chẳng ở luôn với các môn đệ (Mt 26, 11).

Có ngày họ sẽ không còn thấy Thầy nữa, “bấy giờ họ mới ăn chay.”

Ăn chay đối với Kitô hữu là thái độ chuẩn bị ngày Thầy trở lại.

Ăn chay làm ta nhẹ nhàng để chờ ngày gặp Chúa diện đối diện.

Đức Giêsu chẳng bao giờ coi thường việc ăn chay.

Ngài đã ăn chay bốn mươi ngày trước khi bắt đầu sứ vụ (Mt 4, 2).

Hội thánh sơ khai cũng gắn liền cầu nguyện với ăn chay (Cv 13, 2-3)

Thánh Phaolô vẫn ăn chay, dù vất vả với tông vụ (2 Cr 6,5; 11, 27).

Để rước lễ, chúng ta phải kiêng ăn uống khoảng một giờ.

Ngày thứ sáu vẫn là ngày kiêng thịt theo luật chung của Hội thánh.

Ước gì việc ăn chay làm ta gặp Chúa, gặp anh em và gặp lại chính mình.


Cầu nguyn:

 

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã có kinh nghiệm về cái đói,

sau khi ăn chay bốn mươi ngày trong hoang địa.

Sau khi được dân chúng tung hô lúc vào thành Giêrusalem,

Chúa cũng đói đến mức phải tìm trái nơi cây vả.

Chúa đã xin nước uống nơi người phụ nữ Samari,

và Chúa đã nếm cái khát của người bị mất máu trên thập giá.

 

Lạy Chúa Giêsu, vì Chúa có thân xác như chúng con,

nên Chúa đã bênh các môn đệ khi họ bứt lúa mà ăn vì đói,

Chúa đã làm phép lạ bánh hóa nhiều vì sợ người ta xỉu dọc đường,

Chúa đã bảo nhà ông trưởng hội đường cho cô bé mới hồi sinh được ăn.

Đói khát là chuyện bình thường của thân xác con người,

và Chúa chẳng bao giờ coi thường những nhu cầu chính đáng của nó.

Nhưng xin nhắc chúng con nhớ rằng

con người không chỉ sống nhờ cơm bánh, mà còn nhờ Lời Chúa,

con người không chỉ đói khát thức ăn vật chất

mà còn khao khát những giá trị tinh thần của Nước Trời.

 

Xin dạy chúng con chia sẻ cho những Ladarô đang nằm ngoài cổng,

và đừng khép cửa lòng như ông nhà giàu xây thêm kho.

Xin cho chúng con hiểu được giá trị của một ly nước lạnh được trao đi,

một tấm bánh giữa đêm khuya cho người bạn mượn,

và chút vụn bánh rơi xuống từ bàn ăn đủ nuôi một người.

 

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa là người đói khát vẫn ngửa tay xin chúng con mỗi ngày

mà chúng con không hay.

Xin giúp chúng con bắt chước Chúa trong bữa tiệc cuối cùng

dám bẻ ra và trao đi tấm bánh đời mình để phục vụ tha nhân.

Ước gì mai này chúng con được đồng bàn với Chúa

và với mọi người thành tâm thiện chí trong Nước Trời.


 Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.