Cầu nguyện và Chiêm niệm
CẦU NGUYỆN VÀ
CHIÊM NIỆM
Mẹ Têrêsa
Calcutta
WGPSG
(12.02.2023) -- Cầu nguyện đích thực là nên một với Chúa - một sự hiệp
nhất thiết yếu, giống như trái nho sinh ra từ cây nho và cành nho, là hình ảnh
mà Chúa Giêsu nói đến trong Tin mừng theo Thánh Gioan. Chúng ta cần cầu nguyện.
Chúng ta cần hiệp nhất với Chúa để sinh ra hoa trái. Hoa trái là những thứ mà
chúng ta có được trong tay: của ăn, thức uống, tiền bạc và tất cả những sự khác
nữa. Tất cả phải là hoa trái của sự hiệp nhất với Chúa. Chúng ta cần sống đời cầu
nguyện, sống tinh thần nghèo khó và hi sinh, để mọi sự trong đời ta đều được thực
hiện với tình yêu. Hi sinh và cầu nguyện là hai công việc hoàn thiện cho nhau.
Không thể có cầu nguyện mà thiếu hy sinh, đồng thời cũng không thể có hy sinh
mà thiếu cầu nguyện.
Cuộc đời của Chúa Giêsu là một cuộc sống kết hợp mật thiết với
Chúa Cha khi Ngài vào trong thế gian. Và cuộc đời chúng ta cũng phải như thế.
Hãy sánh bước bên Chúa Giêsu. Hãy để cho Chúa Giêsu sử dụng chúng ta; hãy làm
cho lời nói và việc làm của Chúa Giêsu trở thành của ta; hãy chia sẻ cho thế giới
hôm nay chính cơm áo của Ngài.
Nếu chúng ta không làm cho ánh sáng của Chúa Kitô lan tỏa
chung quanh chúng ta, thì cảm giác tăm tối đang ngự trị trong thế giới sẽ ngày
càng lớn lên.
Chúng ta được mời gọi để yêu mến thế gian. Thiên Chúa đã yêu
mến thế gian đến nỗi đã ban cho thế gian chính Con Một của mình là Đức Giêsu.
Và hôm nay, Chúa cũng yêu thương thế gian đến nỗi đã ban chính chúng ta cho thế
gian. Chúng ta chính là tình yêu của Chúa, là lòng thương xót của Chúa, là sự
hiện diện của Chúa trong thế gian, qua đời sống cầu nguyện, hi sinh và từ bỏ của
chúng ta. Hãy trở nên người sống đời chiêm niệm để luôn sống trong sự hiện diện
thường hằng của Chúa. Nhờ đời sống chiêm niệm, linh hồn ta trực tiếp múc lấy, từ
trái tim Chúa, những ơn huệ mà chúng ta có bổn phận phải phân phối cho người
khác trong cuộc đời hoạt động của chúng ta. Nếu chúng ta không sống trong sự hiện
diện của Chúa, chúng ta không thể trung thành với sứ vụ của mình được.
Chiêm niệm là gì? Là sống đời sống của Chúa Giêsu. Tôi hiểu
như thế. Yêu mến Chúa Giêsu, sống đời của Chúa Giêsu giữa lòng cuộc đời của
chúng ta, và sống cuộc đời của chúng ta giữa lòng cuộc sống của Chúa Giêsu.
Chiêm niệm là như thế. Để có thể thấy Chúa và chiêm ngắm Chúa, cần có một trái
tim trong sạch, được tẩy rửa khỏi mọi thứ ghen tị, giận dữ, cãi cọ, lãnh đạm,
thờ ơ... Theo tôi, sống đời chiêm niệm là không được quay về đóng kín trong
phòng tối, nhưng phải để cho Chúa Giêsu sống đời yêu thương mặn nồng và khiêm tốn
của Ngài nơi chúng ta, để Ngài cầu nguyện với chúng ta, hiện diện với chúng ta,
và Ngài thánh hóa mọi sự qua cuộc sống của chúng ta.
Cuộc sống của chúng ta và đời chiêm niệm của chúng ta chỉ là
một. Đây không phải vấn đề “làm gì”, nhưng “là gì”. Thực ra, đó là vui hưởng trọn
vẹn sự viên mãn của Thiên Chúa do Chúa Thánh Thần thổi vào trong lòng chúng ta,
và gửi chúng ta đi như thông điệp tình yêu của chính Ngài vào trong toàn thể tạo
vật.
Chúng ta không được để mất thời gian tìm kiếm những trải
nghiệm phi thường trong lòng cuộc sống chiêm niệm của chúng ta, nhưng phải sống
chỉ một đức tin duy nhất, luôn tỉnh thức, sẵn sàng đón Chúa đến, bằng cách chu
toàn bổn phận hằng ngày với một tình yêu và một ngọn lửa phi thường.
Cuộc sống chiêm niệm này phải là của chúng ta, đúng không?
Nên phải ý thức sự hiện diện thường hằng của Chúa và tình yêu dịu dàng của Ngài
dành cho chúng ta trong những gì nhỏ bé nhất của cuộc sống. Luôn ở dưới quyền sử
dụng của Ngài, luôn yêu Ngài hết lòng, hết trí khôn, hết linh hồn, bất kể Ngài
đến với ta dưới hình thức nào. Lòng trí của bạn có hướng về Chúa Giêsu ngay khi
vừa thức dậy không? Hướng lòng trí về Chúa, đó chính là cầu nguyện.
Cầu nguyện là thực sự sống đời hiệp nhất, nên một với Chúa
Kitô. Cầu nguyện cách chung chung chưa đủ; ta cần cầu nguyện với sự sùng kính,
nhiệt thành và đạo đức. Cần kiên trì cầu nguyện với một tình yêu mãnh liệt. Thiếu
cầu nguyện, chứng tá của ta trở thành vô ích và lời nói của ta trở nên trống rỗng.
Chúng ta cũng cần nhờ người khác cầu nguyện cho chúng ta biết
cách phục vụ Chúa, biết luôn cậy dựa hoàn toàn vào Chúa. Bổn phận của chúng ta
là phải hết sức nỗ lực bước đi trong sự hiện diện của Chúa, luôn nhận ra Chúa
trong mọi cuộc gặp gỡ và sống đời cầu nguyện không ngừng.
Vi Hữu (TGPSG)
Chuyển ngữ từ: Il n'y a pas de plus grand amour (p. 25-28)
Nguồn: tgpsaigon.net
Đọc bài trước:
- Nguyên tắc để quyết định đúng ý Chúa ( 18/10/2023)
- Năm cách để tìm kiếm ân sủng trong cuộc sống của bạn ( 10/09/2023)
- Những yếu tố của một buổi cầu nguyện theo phong cách Taizé ( 16/07/2023)
- Những phương thuốc của Đức Hồng Y Sarah dành cho “cơn khủng hoảng tinh thần” của thế giới ( 04/07/2023)
- Cầu nguyện: Cuộc chiến đấu để tin vào tình yêu ( 23/05/2023)
- Liệu sự phân tâm chia trí trong khi cầu nguyện có một ý nghĩa nhất định không? ( 18/05/2023)
- 5 cách để nhận ra Thiên Chúa đang hành động trong cuộc đời chúng ta ( 16/05/2023)
- Mười cách mừng kính tháng năm của Đức Mẹ ( 06/05/2023)
- Thứ Sáu Tuần Thánh (07.04.2023) – Suy niệm Đàng thánh giá với Đức Thánh Cha Phanxicô ( 07/04/2023)
- Thứ Sáu Tuần Thánh (10.04.2020) – Suy niệm Đàng thánh giá với Đức Thánh Cha Phanxicô ( 06/04/2023)