Kiên trì trong cầu nguyện không phải là điều dễ dàng, để “cầu nguyện luôn mà không nản chí” như Đức Giêsu đã dạy (x. Lc 18,1). Tôi muốn chia sẻ một vài suy tư có thể hữu ích, đặc biệt là bằng cách liên kết việc cầu nguyện với nhân đức hy vọng, vốn là chủ đề của Năm thánh này.
Khi có dịp chia sẻ về cầu nguyện, tôi thường triển khai ý tưởng sau: Để lời cầu nguyện của chúng ta kết hợp với Thiên Chúa và mở lòng đón nhận ân sủng cần thiết, thì lời cầu nguyện ấy phải là một hành vi của đức tin, của đức cậy, và của đức mến. Chúng ta có thể cầu nguyện theo nhiều cách khác nhau, nhưng điều mang tính quyết định sau cùng không nằm ở phương pháp này hay phương pháp kia, mà là nơi thái độ nội tâm sâu sắc mà chúng ta mang vào khi cầu nguyện.
Mọi lời cầu nguyện, về căn bản, đều là một hành vi của đức tin: đức tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa, vào tình yêu và lòng nhân lành của Ngài, và vào giá trị của việc dành thời gian cho Ngài. Điều thực sự nối kết chúng ta với Thiên Chúa và để cho Ngài hành động trong thẳm sâu tâm hồn chính là thái độ đức tin này – một đức tin đôi khi đi kèm với những ơn cảm xúc, ơn soi sáng vốn minh nhiên là điều tốt lành. Nhưng không phải lúc nào cũng vậy, và đôi khi chúng ta phải sống đức tin một cách khô khan, tối tăm. Điều này không nên làm chúng ta nản lòng: ngay cả một đức tin yếu ớt nhưng kiên định cũng đủ để kết nối chúng ta với Thiên Chúa và để Ngài hành động trong chúng ta. Chúng ta không phải lúc nào cũng có thể thấy, cảm nhận hay hiểu được, nhưng chúng ta luôn có thể tin. Sau cùng, đức tin mang lại cho chúng ta một sự tự do lớn lao – sự tự do để bước tiếp trong sự an ủi và ánh sáng, cũng như trong nghèo khó và bóng tối.
Cầu nguyện như một hành động của hy vọng
Nhân đức đối thần thứ hai – đức cậy – cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp chúng ta kiên trì trong cầu nguyện. Mỗi khi cầu nguyện, chúng ta đang thực hiện một hành động của hy vọng. Chúng ta cậy dựa vào Thiên Chúa và tin tưởng rằng sẽ nhận được điều gì đó từ Ngài: hạnh phúc vĩnh cửu trong Nước Trời, nhưng cũng là sự nâng đỡ mà chúng ta cần trong cuộc sống này.
Việc thực hành đức cậy trong cầu nguyện là điều cần thiết, đặc biệt vì trong mọi đời sống cầu nguyện đều có một kinh nghiệm nào đó về sự khó nghèo. Tất cả các Thánh đều đã từng trải nghiệm điều này. Cầu nguyện là một thực tại mang tính nghịch lý. Đôi khi, cầu nguyện đem lại sự phong phú dồi dào: Chúng ta tràn đầy tình yêu và hạnh phúc, cảm nhận một sự viên mãn vượt xa bất cứ điều gì trần gian có thể mang lại. Nhưng cũng có những lúc chúng ta cảm nhận sự nghèo khó tột cùng trong cầu nguyện. Có nhiều lý do dẫn đến điều này. Trước hết là vì cầu nguyện không phải là một kỹ thuật. Trong cuộc sống, có những kỹ thuật mà chúng ta có thể học và thành thạo để đạt được hiệu quả. Lái xe, sử dụng máy tính và rồi đạt được kết quả mong muốn. Nhưng điều đó không đúng với cầu nguyện. Dĩ nhiên, có những phương pháp có thể hữu ích, những lời khuyên có thể được áp dụng, nhưng không có kỹ thuật nào bảo đảm rằng tôi sẽ luôn thành công trong cầu nguyện và cảm thấy hài lòng với nó. Chúng ta vẫn luôn lệ thuộc vào Thiên Chúa: có lúc Ngài hiện diện và nói với tôi, chạm đến trái tim tôi một cách rõ ràng; nhưng cũng có lúc Ngài im lặng. Chúng ta không thể thao túng Thiên Chúa, không thể ép buộc Ngài phải tỏ mình ra.
Lý do thứ hai là thế này: Càng đi sâu vào ánh sáng của Thiên Chúa, chúng ta càng nhận ra sự nghèo khó tận căn của mình. Cầu nguyện đưa chúng ta đến gần hơn với sự hiện diện của Thiên Chúa, bước vào ánh sáng của Ngài. Điều này đôi khi đem lại sự an ủi và dễ chịu, khi Thiên Chúa cho chúng ta cảm nhận được sự dịu dàng và lòng nhân hậu của Ngài; nhưng cũng có thể trở nên khó khăn và đau đớn, khi ánh sáng ấy phơi bày sự khốn cùng và những thiếu sót nơi chúng ta.
Hãy hình dung một ngôi nhà dưới ánh nắng hè chói chang, với cửa ra vào và cửa sổ đều đóng kín, chỉ có một lỗ nhỏ để tia nắng mặt trời chiếu vào. Dưới ánh sáng mạnh mẽ ấy, bạn có thể thấy rõ mọi hạt bụi li ti trong không khí mà bình thường mắt ta không thấy được. Điều tương tự cũng xảy ra trong những khoảnh khắc nhất định của đời sống thiêng liêng. Ánh sáng tinh tuyền của Thiên Chúa làm lộ rõ sự khốn cùng, những bất toàn, và tội lỗi nơi chúng ta, – những điều mà chúng ta không phải lúc nào cũng ý thức được. Đôi khi, chúng ta cảm thấy như mình đang thụt lùi, tệ hơn trước, nhưng thực ra không phải như vậy; mà là nhờ ánh sáng của Thiên Chúa chúng ta thấy rõ hơn con người thật của mình, thấy rõ những điều còn cần được thanh luyện. Và điều đó đôi khi thực sự rất đau đớn!
Chúng ta có thể trải qua những kinh nghiệm như vậy. Ví dụ, bạn có thể hình dung, bạn ở giáo xứ có Chầu Thánh Thể liên tục, bạn có thể đăng ký vào Chúa Nhật để chầu một giờ vào tối thứ Sáu, từ 11 giờ đêm đến nửa đêm, và bạn rất mong chờ giây phút thân mật tuyệt đẹp ấy với Chúa Giêsu. Nhưng đến tối thứ Sáu, bạn đã mệt rã rời; đó là một tuần vất vả. Bạn cảm thấy khó tập trung, và thời gian cầu nguyện dường như kéo dài vô tận. Chưa hết, một tiếng trước khi đi chầu, bạn đã tranh cãi với cậu con trai tuổi teen của mình, và bạn vẫn đang tức giận với nó… Khoảnh khắc bình an ngọt ngào mà bạn hy vọng có được, rốt cuộc lại trở thành một thời khắc giằng co đau đớn! Trong thinh lặng và cô tịch của giờ Chầu, mọi điều sai trái trong cuộc sống của bạn đều trồi lên: những hối tiếc về quá khứ, những nỗi sợ về tương lai, sự khó khăn khi sống trong hiện tại, những cảm xúc tiêu cực trong lòng. Và bạn không thể trốn tránh bằng cách lên mạng hay trò chuyện với bạn bè – bạn bị "mắc kẹt" trong nhà nguyện suốt một giờ đồng hồ mà bạn đã cam kết!
Nhưng, đó chính là lúc việc thực hành đức cậy cứu lấy chúng ta! Việc thực hành đức cậy có nghĩa là thưa với Chúa rằng: “Lạy Chúa, tối nay con thật nghèo nàn trước mặt Ngài, con thật khốn khổ, bất toàn và tội lỗi! Nhưng điều đó không phải là vấn đề, vì con không đặt hy vọng nơi bản thân mình, nơi sự hoàn hảo cá nhân hay những thành công thiêng liêng của con. Con chỉ đặt hy vọng nơi một mình Ngài: Chính Ngài sẽ là Đấng giải thoát con, cứu độ con, và chữa lành con! Con không dựa vào sức mình, mà cậy trông vào sư tha thứ và lòng thương xót của Ngài! Con không lo lắng vì con biết rằng Ngài không đến để cứu người công chính, mà là kẻ tội lỗi; Ngài không đến vì người khỏe mạnh, mà vì kẻ đau yếu! Và con càng cảm thấy mình nghèo hèn bao nhiêu, con càng đặt hy vọng nơi Ngài bấy nhiêu!”
Cầu nguyện đôi khi là giây phút của hạnh phúc tạ ơn, nhưng cũng có những lúc là lời cầu nguyện của người nghèo đang kêu lên cùng Thiên Chúa. Thánh Bernadette ở Lộ Đức được cho là đã nói với một người rằng: “Bạn muốn cầu nguyện như một vị thánh, nhưng tôi mời bạn hãy cầu nguyện như một người nghèo!”
Kinh Thánh, đặc biệt là sách Thánh Vịnh, nhiều lần nhắc chúng ta rằng Chúa lắng nghe lời cầu nguyện của người nghèo: “Người nghèo đã kêu lên, và Chúa đã lắng nghe” (Tv 34,6). Thiên Chúa chạnh lòng thương xót, nghe tiếng van xin của họ và ra tay cứu giúp.
Lời cầu nguyện của người nghèo, được dệt bằng lòng khiêm nhường và hy vọng, xuyên thấu trời cao và chạm đến trái tim Thiên Chúa.
Chúng ta nhớ đến dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế trong Tin Mừng theo thánh Luca, chương 18. Người Pharisêu cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì con không như bao kẻ khác, con không như tên thu thuế tội lỗi kia; con ăn chay, con nộp thuế thập phân cho mọi thứ…” Còn người thu thuế thì đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi!” Chúa Giêsu nói rằng chính người thu thuế ấy đã được Thiên Chúa lắng nghe; anh được nên công chính, và khi trở về nhà, anh đã được tha thứ và cứu độ. Còn người Pharisêu thì ra về với cuộc sống không hề được biến đổi.
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta biến lời cầu nguyện của mình thật sự trở thành lời cầu nguyện của người nghèo – của những người không cậy dựa vào công trạng riêng, mà hoàn toàn đặt hy vọng nơi lòng thương xót của Thiên Chúa. Tôi tin rằng đây là một khía cạnh nền tảng trong hành trình thiêng liêng của chúng ta. Thiên Chúa dần dần tước bỏ khỏi chúng ta mọi điểm tựa khác, để chúng ta không còn bám víu vào điều gì ngoài lòng thương xót của Ngài. Lòng kiêu hãnh của chúng ta thấy điều này thật khó chấp nhận, nhưng đó lại là một ân sủng! Vì chính điều ấy giải thoát chúng ta.
Những lúc cầu nguyện trong tình trạng nghèo khó cùng cực lại là những khoảnh khắc đầy ân sủng, vì đó là những giây phút chân thật, và là lời mời gọi chúng ta đặt trọn niềm hy vọng nơi Thiên Chúa. Ngài sẽ biết cách viếng thăm chúng ta, ban cho chúng ta bình an, niềm an ủi và lòng thương xót của Ngài. Hy vọng sẽ không làm chúng ta thất vọng!
Những suy nghĩ này có thể giúp chúng ta kiên trì trong cầu nguyện. Nếu cầu nguyện chỉ là một bài tập mà ta phải làm thật tốt, thì chắc chắn sẽ có nhiều lúc ta thấy không thể làm nổi. Nhưng nếu cầu nguyện là dâng lên Thiên Chúa chính sự nghèo khó và bất lực của mình, nếu đó là tiếng kêu của người nghèo, thì lúc nào cũng có thể cầu nguyện được!
Rõ ràng là, ngay khi một người bắt đầu cầu nguyện một cách chân thành, họ đang thực hiện một hành vi yêu mến Thiên Chúa: họ hiến dâng chính mình cho Ngài, để yêu Ngài bằng cả trái tim. Điều này đôi khi rất sốt sáng, đôi khi lại khô khan – nhưng điều đó không quan trọng. Cầu nguyện chính là cách diễn tả và làm sâu đậm thêm tình yêu của chúng ta dành cho Chúa.
Tuy nhiên, chúng ta không được quên rằng, trong mối tương quan giữa con người và Thiên Chúa, luôn luôn là Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước, chính Ngài là Đấng chủ động trao ban tình yêu của mình. “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội, vì tội lỗi chúng ta” (1 Ga 4,10).
Nếu việc cầu nguyện là một hành động yêu mến Thiên Chúa thì điều còn quan trọng hơn nữa là chúng ta biết đón nhận tình yêu mà Thiên Chúa ban tặng. Đây là hành vi cốt lõi nhất của cầu nguyện: đón nhận tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình với lòng tín thác và biết ơn.
Điều đó không hề dễ dàng: chúng ta thường nghi ngờ tình yêu của Thiên Chúa, cảm thấy mình không xứng đáng, không đủ tư cách để được yêu. Chúng ta chưa đủ xác tín rằng tình yêu ấy được ban cho cách nhưng không, rằng chúng ta không cần phải giành lấy hay chứng minh điều gì, mà chỉ cần mở lòng đón nhận và để cho tình yêu ấy chạm đến và biến đổi chính mình. Khi biết tín thác vào tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta sẽ dần dần có thể yêu Ngài bằng cả trái tim mình để đáp lại.
Cầu nguyện, trước hết và trên hết, không phải là làm điều gì đó cho Thiên Chúa, mà là đón nhận – đón nhận sự hiện diện và tình yêu của Ngài. Chúng ta thường nhìn cầu nguyện như một việc phải làm, trong khi thực chất, cầu nguyện là mở lòng đón tiếp Thiên Chúa, Đấng tự hiến cách nhưng không cho chúng ta.
Tôi muốn đưa ra ví dụ về Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Từ khi bước vào Dòng Kín Cát Minh, đời sống cầu nguyện của ngài thường xuyên trải qua những giai đoạn khô khan sâu sắc, nhưng ngài đã chấp nhận điều đó với trọn vẹn tâm hồn; ngài sống bằng đức tin. Hơn thế nữa, ngài còn thường xuyên ngủ gật trong giờ cầu nguyện thinh lặng – mỗi ngày hai giờ suy niệm và cả trong giờ tạ ơn sau Thánh lễ. Không phải vì lười biếng hay thờ ơ – ngài rất khao khát được cầu nguyện thật sốt sáng – nhưng thời gian nghỉ đêm của Dòng Kín thì rất ngắn, và với tuổi đời còn trẻ, ngài thường bị thiếu ngủ.
Sau đây là cách Thánh Têrêsa dí dỏm diễn tả sự nghèo khó thiêng liêng của mình:
“Lẽ ra tôi phải buồn rầu vì đã ngủ gật (suốt bảy năm) trong giờ cầu nguyện và trong giờ tạ ơn sau khi rước lễ; nhưng tôi không buồn. Tôi nhớ rằng những trẻ nhỏ vẫn làm vui lòng cha mẹ dù chúng đang ngủ hay đang thức”. [Thérèse thành Lisieux, Chuyện một tâm hồn: Tự truyện của Thánh Thérèse thành Lisieux (Word on Fire Classics, 2022), tr. 165.]
Suy nghĩ này chứa đựng một chân lý sâu xa. Thánh Têrêsa đã rằng điều quan trọng nhất trong cầu nguyện không phải là tôi làm được gì, mà là Thiên Chúa làm gì. Và Thiên Chúa thì không bao giờ ngừng yêu thương tôi, không ngừng thông truyền tình yêu của Ngài cho tôi – dù tôi tỉnh táo hay đang ngủ. Thánh Têrêsa không đặt mình vào trung tâm (không bận tâm làm sao để lời cầu nguyện thật đẹp lòng mình), nhưng chị biết mở lòng đón nhận Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa là tín thác vào tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình và không quá lo nghĩ về bản thân. Cầu nguyện chính là để cho mình được yêu thương trong sự nghèo khó, trong niềm hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ biến sự nghèo khó ấy thành sự phong phú.
Chúng ta hãy cố gắng hết sức để trung thành với việc cầu nguyện, nhờ đó thể hiện tình yêu của mình dành cho Thiên Chúa. Nhưng đồng thời, đừng bao giờ nản lòng trước những khó khăn và sự nghèo khó trong đời sống cầu nguyện – đó là điều hoàn toàn bình thường, thậm chí còn có ích lợi.
Chúng ta hãy biến lời cầu nguyện thành một hành vi của đức tin, một sự chấp nhận khiêm nhường tình trạng khốn cùng của mình, kết hợp với niềm cậy trông vào lòng nhân hậu và thương xót của Thiên Chúa. Chính lời cầu nguyện như thế sẽ đưa chúng ta đến gần Ngài, để Ngài hành động trong chúng ta, và từng bước trở thành nguồn mạch mọi ơn lành mà chúng ta cần trong cuộc sống này.
Như Thư gửi tín hữu Do Thái viết: “Chúng ta hãy tiếp tục tuyên xưng niềm hy vọng của chúng ta cách vững vàng, vì Ðấng đã hứa là Ðấng trung tín” (10,23).
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: wordonfire.org (17/04/2025)